Khô Miệng Khi Mang Thai Do Đâu? Có Ảnh Hưởng Thai Nhi?

Mang thai là một trong những thời điểm dễ bị khô miệng nhất do cơ thể thay đổi nội tiết tố. Ngoài khô miệng, mẹ bầu còn thường xuyên gặp phải các triệu chứng liên quan như ít tiết nước bọt, đắng miệng, suy giảm vị giác… Tình trạng khô miệng khi mang thai nếu không được khắc phục ngay có thể gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và sự phát triển của thai nhi. 

Khô miệng khi mang thai
Khô miệng khi mang thai là tình trạng rất phổ biến thường xảy ra trong tam cá nguyệt đầu tiên

Khô miệng khi mang thai là bệnh gì?

Khô miệng khi mang thai là tình trạng tuyến nước bọt hoạt động kém, lượng nước bọt tiết ra ít gây cảm giác khô rát, khó chịu trong khoang miệng. Chứng khô miệng này thường xuất hiện phổ biến trong 3 tháng đầu thai kỳ và đặc biệt nghiêm trọng vào ban đêm khi đang ngủ.

Tình trạng này thường là do cơ thể phát sinh nhu cầu đỏi hỏi lượng nước nhiều hơn bình thường cho quá trình mang thai. Bên cạnh đó một nguyên nhân khác cũng phổ biến không kém chính là do sự rối loạn nội tiết tố trong thai kỳ… Chứng khô miệng khi mang thai khiến mẹ bầu thường xuyên mệt mỏi, ăn uống kém, kèm theo một số triệu chứng khác như:

Khô miệng khi mang thai
Mang thai là giai đoạn rối loạn nội tiết nghiêm trọng và là nguyên nhân gây khô miệng khó chịu
  • Môi khô, nứt nẻ, lở miệng;
  • Nước bọt đặc, kéo thành sợi;
  • Có cảm giác nóng rát, châm chích trong khoang miệng;
  • Gây khó khăn trong việc ăn uống, cảm nhận vị thức ăn, nêm nếm hoặc nuốt;
  • Luôn có cảm giác khát nước;
  • Hôi miệng;
  • Đau họng, nghẹt mũi, đau đầu;

Nguyên nhân gây khô miệng trong thai kỳ

Có rất nhiều nguyên nhân gây khô miệng khi mang thai như:

Mất nước, thiếu nước

Bất kỳ ai cũng cần bổ sung đủ lượng nước mà cơ thể cần trong ngày nhằm đáp ứng sự hoạt động khỏe mạnh. Đặc biệt, ở phụ nữ mang thai nhu cầu bổ sung nước thường cao hơn so với bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, phát triển của thai nhi. Thậm chí, nhiều trường hợp mẹ bầu đã uống đủ 2 lít nước/ ngày nhưng vẫn bị mất nước nhiều do ốm nghén, đổ nhiều mồ hôi, tiêu chảy…

Tình trạng mất nước này khiến lượng nước được nạp vào ít hơn so với lượng nước mất đi. Nếu kéo dài không chỉ gây khô miệng mà còn làm phát sinh các vấn đề rủi ro cho sức khỏe của mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Thậm chí tăng nguy cơ sinh non hoặc dị tật thai nhi bẩm sinh.

Khô miệng khi mang thai
Mẹ bầu uống ít nước, không đủ so với nhu cầu cơ thể cần khiến tuyến nước bọt kém hoạt động, ít tiết nước bọt và gây khô miệng

Phụ nữ mang thai bị mất nước thường được biểu hiện qua các triệu chứng sau:

  • Luôn có cảm giác khát nước nhiều và liên tục;
  • Nước tiểu có màu sẫm vàng;
  • Thường xuyên mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt;
  • Sờ da thấy khô ráp và nóng.

Rối loạn nội tiết tố

Trong những tháng đầu tiên khi mang thai, cơ thể mẹ bầu có sự rối loạn nội tiết khá nghiêm trọng. Điều này kéo theo hàng loạt sự thay đổi chức năng hoạt động của một vài cơ quan, bộ phận trong cơ thể, trong đó có tuyến nước bọt. Khi tuyến nước bọt kém hoạt động, lượng nước bọt tự nhiên tiết ra không đủ khiến khoang miệng khô khốc, có cảm giác rát lưỡi, châm chích khó chịu.

Tăng thể tích máu và tỷ lệ trao đổi chất

Trong thai kỳ, lượng máu trong cơ thể mẹ bầu sẽ tăng lên rất nhiều, cao hơn đến 50% so với khi chưa mang thai. Việc lượng máu tăng lên quá mức cũng đồng nghĩa với việc thận phải tăng công suất hoạt động. Điều này khiến mẹ phải đi tiểu nhiều hơn và dẫn đến khô miệng.

Ngoài ra, quá trình trao đổi chất trong cơ thể mẹ bầu cũng hoạt động mạnh hơn nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng thai nhi. Vì vậy việc đòi hỏi đủ lượng nước là điều cần thiết và nếu mẹ không bổ sung đủ nước sẽ gây ra chứng khô miệng khi mang thai.

Tác dụng phụ của thuốc

Quá trình mang thai thường hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc. Tuy nhiên với những trường hợp bắt buộc dùng các nhóm thuốc như thuốc giãn phế quản, thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu… chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra khô miệng khi mang thai.

Ốm nghén quá mức

Ốm nghén là một trong những dấu hiệu mang thai phổ biến hầu như chị em nào cũng gặp phải và thường xuất hiện nhiều trong tam cá nguyệt đầu tiên. Việc nôn ói quá mức vô tình làm thay đổi môi trường axit bên trong miệng và kéo theo suy giảm lượng chất lỏng trong cơ thể. Đây chính là tình trạng thiếu nước, mất nước và gây ra khô miệng.

Khô miệng khi mang thai
Mẹ bầu nôn ói quá mức là nguyên nhân gây ra mất nước, các chất điện giải và gây khô miệng khó chịu

Thói quen ăn uống kém

Trong thai kỳ, nếu mẹ ăn quá nhiều các loại thực phẩm có hại như: thức ăn cay, nóng, quá ngọt, quá mặn, chế biến nhiều dầu mỡ khó tiêu hóa, đồ ăn thức uống chứa chất kích thích (cà phê, rượu bia…) chính là nguyên nhân khiến mẹ bầu bị khô miệng nghiêm trọng.

Do các bệnh lý gây ra

Ngoài những nguyên nhân vừa kể trên, chứng khô miệng khi mang thai còn là hậu quả của một số bệnh lý như:

  • Tiểu đường thai kỳ: Đây là căn bệnh khiến lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường, xảy ra phổ biến trong thai kỳ và tự khỏi sau khi sinh con. Các chuyên gia cho biết, mẹ bầu bị tiểu đường đồng nghĩa với việc tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, làm gián đoạn quá trình sản sinh nước bọt, khi ít nước bọt sẽ gây ra khô miệng. Mẹ bầu bị đái tháo đường ngoài khô miệng còn luôn cảm thấy khát nước, cả người mệt mỏi, thiếu sức sống và tăng nhu cầu đi tiểu.
  • Bệnh tưa miệng: Bệnh lý này xảy ra do sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans. Bình thường, vi khuẩn này chỉ tồn tại trong khoang miệng với số lượng nhỏ, tuy nhiên khi hệ miễn dịch của mẹ bầu suy giảm, chúng có cơ hội phát triển mạnh mẽ và gây ra chứng tưa miệng, kéo theo tình trạng khô miệng kéo dài. Ngoài khô miệng, bệnh lý còn kéo theo một số triệu chứng khác như xuất hiện tổn thương màu trắng kem trên lưỡi, má, chảy máu khi bị tác động mạnh, đau nhức khi nhai nuốt, mất vị giác…
  • Rối loạn giấc ngủ: Sự thay đổi nội tiết khi mang thai là nguyên nhân gây ra các vấn đề về đường hô hấp như tắt nghẽn đường thở, ngủ ngáy, thở bằng miệng, chứng ngưng thở khi ngủ… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ. Tình trạng xuất hiện khiến khoang miệng của mẹ phải tiếp xúc nhiều với không khí, làm khô nước bọt, khó tiết nước bọt thêm và gây khô miệng kéo dài.
  • Tăng huyết áp đột ngột: Tình trạng khô miệng kéo dài kèm theo đau đầu, hoa mắt choáng váng rất có thể là dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp thai kỳ. Đây là chứng bệnh khá nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi nếu không được can thiệp kịp thời.

Bà bầu bị khô miệng có nguy hiểm không?

Phụ nữ mang thai bị khô miệng không phải tình trạng hiếm gặp và mẹ yên tâm vì bản chất của khô miệng không gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa mẹ có thể bỏ qua việc can thiệp cải thiện triệu chứng này. Vì nếu mẹ chủ quan lơ là không xử lý sớm, bị khô miệng quá mức có thể gây ra nhiều phiền toái trong việc ăn nhai, vị giác, dễ chán ăn, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, không đáp ứng nhu cầu dưỡng chất cho thai nhi phát triển.

Khô miệng khi mang thai
Khô miệng khi mang thai không quá nguy hiểm nhưng là yếu tố gián tiếp phát sinh các hệ lụy khó lường cho sức khỏe

Không những vậy, chứng khô miệng kéo dài mãn tính cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, tăng nguy cơ phát sinh hàng loạt bệnh lý răng miệng như sâu răng khi mang thai, viêm nha chu hoặc hôi miệng. Thậm chí, viêm nhiễm tuyến nước bọt cũng là bệnh lý hay xảy ra, nếu không điều trị kịp thời có thể hình thành áp xe, viêm nhiễm lây lan cực kỳ nguy hiểm.

Những hệ lụy từ việc nhiễm trùng do chứng khô miệng ban đầu rất đáng lo ngại, ảnh hưởng không nhỏ đến cả mẹ và em bé trong bụng. Vì vậy, tốt hơn hết mẹ nên chủ động thăm khám, trao đổi chi tiết với bác sĩ về những triệu chứng mà bản thân mắc phải để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, an toàn cho cả mẹ và con.

Giải pháp dứt điểm nhanh gọn chứng khô miệng cho mẹ bầu

Đối với phụ nữ mang thai, bất kỳ vấn đề sức khỏe nào dù nhẹ hay nặng đều rất đáng lo ngại, trong đó có chứng khô miệng. Tuy nhiên, nếu biết cách xử lý nhanh chóng, hiệu quả và an toàn, mẹ có thể yên tâm về sức khỏe trong suốt thai kỳ cũng như sự phát triển của thai nhi. Sau đây là một số giải pháp chữa khô miệng khi mang thai hiệu quả mẹ có thể tham khảo:

1. Bổ sung đủ lượng nước cần thiết

Mẹ bầu chỉ cần đảm bảo bổ sung từ 2 – 2.5 lít nước/ ngày không chỉ giúp cải thiện đáng kể tình trạng chứng khô miệng mà còn hỗ trợ tốt cho quá trình phát triển của thai nhi. Việc uống nước khi mang thai cần phải lưu ý về liều lượng và chọn lựa thời điểm phù hợp để đạt hiệu quả tối ưu. Mẹ không nhất thiết phải uống cùng lúc một lượng nước lớn hay chỉ uống khi khát, tốt nhất nên uống từng ngụm nhỏ, uống chậm tại nhiều thời điểm trong ngày.

Khô miệng khi mang thai
Bổ sung đủ lượng nước cần thiết theo nhu cầu của cơ thể khi mang thai là cách tốt nhất không gây mất nước, khô miệng

Dưới đây là một số thời điểm uống nước tốt cho cả mẹ lẫn con:

  • Uống trước khi tắm;
  • Uống sau bữa ăn 30 phút;
  • Uống trước khi đi ngủ (lưu ý tránh uống nhiều);
  • Uống nước đều đặn khi ở trong phòng máy lạnh;

Ngoài bổ sung nước lọc, mẹ bầu cũng nên tăng cường các loại nước ép trái cây và đặc biệt là có thể bổ sung nước florua nếu cần thiết để hỗ trợ cải thiện tình trạng khô miệng.

2. Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng

Sự thay đổi về thói quen sinh hoạt, sức khỏe thể chất khiến mẹ bầu dễ bị khô miệng, từ đó tăng nguy cơ phát sinh các bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm nha chu, viêm lợi… Do đó, mẹ nên tập thói quen vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng mỗi ngày bằng các biện pháp sau:

  • Chải răng ít nhất 2 lần/ ngày vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buối tối trước khi đi ngủ;
  • Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám trong kẽ răng sau mỗi bữa ăn;
  • Kết hợp sử dụng nước súc miệng chuyên dụng để làm sạch khoang miệng;
  • Định kỳ đi lấy cao răng 6 tháng/ lần và thăm khám sức khỏe tổng quát;

3. Điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp

Chế độ ăn uống khi mang thai là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt, đối với những mẹ bầu thường xuyên bị khô miệng cần có chế độ ăn uống phù hợp, hỗ trợ cải thiện tình trạng này. Nguyên tắc đầu tiên trong ăn uống là đảm bảo bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho thai kỳ như acid folic, sắt, canxi, kẽm, vitamin D…

Bên cạnh đó, để cải thiện tính trạng khô miệng, mẹ nên ăn nhiều rau xanh, củ quả, trái cây… Khuyến khích mẹ bầu nên sử dụng nước dừa tươi thường xuyên, vì loại nước này chứa hàm lượng cao các vitamin, khoáng chất, các chất điện giải giúp bù đắp lượng nước thiếu hụt cũng như cân bằng hệ đệm trong máu, ngăn ngừa chứng khô miệng.

Cần tránh hoặc hạn chế dùng các loại thực phẩm cay, nóng, nhiều dầu mỡ, nhiều đường hoặc chế biến quá mặn, thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp, thực phẩm giàu natri… vì chúng sẽ khiến mẹ mất nước nhiều hơn. Tránh các chất kích thích trong cà phê, rượu bia. Khi ăn nên nhai kỹ để kích thích tuyến nước bọt hoạt động làm mềm thức ăn, cách này vừa giúp cải thiện chứng khô miệng vừa hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa.

4. Sử dụng nước bọt nhân tạo (nếu cần thiết)

Giảm tiết nước bọt gây khô miệng không phải là hiện tượng hiếm gặp trong thai kỳ. Tuy nhiên, nếu không có cách can thiệp dứt điểm kịp thời có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Và một trong những giải pháp y tế được chỉ định cho phụ nữ mang thai bị khô miệng là sử dụng nước bọt nhân tạo.

Nước bọt nhân tạo là sản phẩm được điều chế dưới dạng dịch lỏng, có độ nhớt nhầy tương tự như nước bọt tự nhiên. Trong đó có chứa một số thành phần hoạt chất tương tự để thay thế nhiệm vụ của nước bọt tự nhiên. Đối với phụ nữ mang thai bị khô miệng nặng, không thể cải thiện bằng các biện pháp đơn giản sẽ được chỉ định cách này để chống khô miệng, tạo môi trường sinh lý tự nhiên cân bằng cho khoang miệng. Đồng thời, ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn, virus trong khoang miệng.

Liều dùng nước bọt nhân tạo thường là từ 5 – 10ml, từ 2 lần/ ngày trở lên. Tuy nhiên, tốt nhất mẹ nên tuân thủ liều dùng chỉ định bởi chuyên gia, bác sĩ để tránh các rủi ro bất thường. Tuyệt đối không được lạm dụng trong thời gian dài vì nước bọt nhân tạo chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn.

5. Áp dụng các mẹo giảm khô miệng tại nhà

Có rất nhiều mẹo đơn giản giúp mẹ bầu cải thiện chứng khô miệng tức thì, có thể kể đến như:

Khô miệng khi mang thai
Xông hơi nước nóng vùng mặt giúp giúp cải thiện tình trạng khô miệng từ bên trong hiệu quả cho mẹ bầu
  • Xông mặt bằng hơi nước: Chỉ cần mẹ xông mặt bằng hơi nước nóng từ 2 – 3 lần/ ngày, mỗi lần hít hơi nước 20 phút sẽ giúp cải thiện rõ rệt tình trạng khô miệng từ bên trong.
  • Nhai kẹo cao su không đường: Nhai kẹo cao su không đường có tác dụng kích thích sự hoạt động của tuyến nước bọt, khi nước bọt được tiết ra một cách tự nhiên, mẹ sẽ không còn cảm giác khô miệng khó chịu nữa.
  • Ngậm đá bào: Đây cũng là một trong những mẹo đơn giản giúp cải thiện chứng khô miệng hiệu quả cho mẹ bầu. Không những vậy ngậm đá còn giúp bổ sung nước cho cơ thể giúp mẹ dễ chịu hơn. Tuy nhiên, tránh lạm dụng quá nhiều vì đá lạnh rất dễ gây viêm họng.
  • Thở bằng mũi khi ngủ: Nhiều mẹ bầu thường có thói quen thở bằng miệng khi ngủ, tuy nhiên điều này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe, nhất là rất dễ gây khô miệng sau khi ngủ dậy. Do đó, hãy từ bỏ thói quen này và tập cách thở bằng mũi hoàn toàn khi ngủ hoặc trong mọi sinh hoạt hàng ngày.
  • Dùng máy tạo độ ẩm: Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ hoặc những nơi mẹ thường lui tới đặc biệt hữu ích trong việc cải thiện, ngăn ngừa tình trạng khô miệng.

6. Các giải pháp y tế khác

Trường hợp phụ nữ mang thai bị khô miệng, ăn uống kém, không có cảm giác ngon miệng do liên quan đến chứng buồn nôn, ốm nghén có thể tìm đến phương pháp châm cứu. Bên cạnh đó, kết hợp truyền dịch tĩnh mạch nhằm bổ sung các dưỡng chất cần thiết nhằm phục hồi các chỉ số khỏe mạnh. Đây là một trong những giải pháp hữu ích cho phụ nữ mang thai được áp dụng phổ biến hiện nay.

7. Ổn định tâm lý

Căng thẳng, stress kéo dài trong thai kỳ do rối loạn nội tiết là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến sức khỏe mẹ sụt giảm, gây ra khô miệng và kéo theo những hệ lụy cho thai nhi khi ăn uống kém, mất vị giác. Vì vậy, điều quan trọng mẹ bầu cần làm chính là duy trì tâm lý ổn định, vui vẻ thoải mái nhất có thể, chia sẻ nhiều hơn và tập suy nghĩ tích cực. Đồng thời, nên kết hợp thói quen tập luyện vận động thể chất với các bài tập phù hợp cho bà bầu.

Lưu ý: Trong rất nhiều giải pháp điều trị tình trạng khô miệng khi mang thai, mẹ bầu tuyệt đối không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có sự chỉ định rõ ràng từ bác sĩ. Tốt hơn hết nên chủ động thăm khám cụ thể để được chỉ định phác đồ điều trị cụ thể, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.

Chứng khô miệng khi mang thai thực tế không quá nguy hiểm và có thể kiểm soát được một cách dễ dàng. Tuy nhiên, riêng với những trường hợp mẹ bầu bị khô miệng kéo dài kèm theo nhiều triệu chứng nghiêm trọng như đau đầu, tiêu chảy, buồn nôn… tốt nhất nên chủ động thăm khám để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Khô miệng khi ngủ vào ban đêm là như thế nào?

Khô miệng khi ngủ vào ban đêm: Dấu hiệu và cách khắc phục

Khô miệng khi ngủ vào ban đêm là triệu chứng thường gặp ở nhiều người. Nguyên nhân có thể do...

Tình trạng khô miệng khát nước tiểu nhiều

Khô Miệng Khát Nước Tiểu Nhiều Báo Hiệu Bị Bệnh Gì?

Khô miệng khát nước tiểu nhiều gây khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống, nhất là giấc ngủ. Ngoài ra,...

Khô miệng rát lưỡi là gì? Triệu chứng thường gặp

Khô Miệng Rát Lưỡi Là Bệnh Gì? Triệu Chứng – Cách Chữa

Khô miệng rát lưỡi mặc dù không phải là vấn đề nguy hại tính mạng nhưng triệu chứng khó chịu...

Uống nhiều nước nhưng vẫn khô miệng

Uống Nhiều Nước Nhưng Vẫn Khô Miệng: Cảnh Báo Bị Bệnh

Uống nhiều nước nhưng vẫn khô miệng, có cảm giác khát nước liên tục là tình trạng khá phổ biến....

Khô miệng đắng miệng khi ngủ dậy

Khô Miệng Đắng Miệng Khi Ngủ Dậy Là Dấu Hiệu Bệnh Gì?

Khô miệng đắng miệng khi ngủ dậy là tình trạng cực kỳ phổ biến hầu như ai cũng vài lần...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.