Bệnh Viêm Hang Vị Dạ Dày

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Viêm hang vị dạ dày là nguyên nhân gây đau, nóng rát thượng vị, buồn nôn và nôn sau khi ăn. Bệnh cần được điều trị sớm để tránh biến chứng loét thủng, xuất huyết dạ dày hay nghiêm trọng là ung thư.

Tổng quan

Viêm hang vị dạ dày là tình trạng viêm lớp niêm mạc ở vùng hang vị. Cấu tạo của dạ dày bao gồm phình vị, thân vị, hang vị và môn vị. Trong đó, hang vị là khu vực nằm ngang ở vị trí đáy dạ dày nên tần suất tiếp xúc với dịch vị và thức ăn cao hơn các vị trí còn lại. Đây cũng là lý do hang vị dễ bị viêm, xung huyết.

viêm hang vị dạ dày là gì
Hang vị là vị trí thường xuyên tiếp xúc với thức ăn và dịch vị nên có nguy cơ viêm loét cao

Về bản chất, viêm hang vị dạ dày là một dạng của viêm dạ dày với tổn thương thực thể nằm khu trú ở hang vị. Do đó, các triệu chứng điển hình vẫn là đau vùng thượng vị, nóng rát, buồn nôn, chướng bụng sau khi ăn…

Dạ dày giữ chức năng tiêu hóa thức ăn để đường ruột có thể hấp thu dinh dưỡng và đào thải. Vì vậy, các vấn đề ở dạ dày đều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa. Ngoài ra, viêm hang vị dạ dày nếu không được điều trị có thể tiến triển nặng gây ra rất nhiều biến chứng.

Phân loại bệnh

Viêm hang vị dạ dày được phân loại dựa trên mức độ. Bệnh được chia thành 3 loại:

Viêm hang vị dạ dày mức độ nhẹ:

Viêm hang vị dạ dày mức độ nhẹ là tình trạng niêm mạc ở vùng hang vị bị viêm nhẹ ở bề mặt, chưa đi sâu vào bên trong. Mức độ viêm không đáng kể nên các triệu chứng gặp phải chủ yếu là khó chịu ở vùng thượng vị, buồn nôn, ăn không ngon và khó tiêu. Triệu chứng xuất hiện chủ yếu sau các bữa ăn chứa nhiều gia vị, dầu mỡ hoặc sau khi uống bia rượu.

Viêm hang vị dạ dày mức độ vừa:

Ở mức độ vừa, niêm mạc hang vị bị tổn thương đáng kể nên triệu chứng xuất hiện với tần suất và mức độ nghiêm trọng hơn. Tình trạng đau, nóng rát vùng thượng vịkhởi phát gần như sau mỗi bữa ăn. Đi kèm theo là các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, nôn mửa, ợ hơi…

Viêm hang vị dạ dày mức độ nặng:

Theo thời gian, tình trạng viêm tiến triển theo chiều hướng xấu dẫn đến viêm hang vị dạ dày mức độ nặng. Ở mức độ này, các triệu chứng luôn xuất hiện sau khi ăn no. Thường gặp nhất là đau quặn, nóng rát vùng thượng vị, cơn đau có thể lan ra sau hông.

Hang vị bị viêm kéo theo nhiều triệu chứng khác như buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi, chướng bụng, tiêu hóa kém… Trường hợp nghiêm trọng có thể gây xuất huyết tiêu hóa (phân đen/ nôn ra máu).

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm hang vị dạ dày, trong đó phổ biến nhất là do vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori). Bên cạnh đó, lối sống thiếu lành mạnh cũng góp phần thúc đẩy hiện tượng viêm ở hang vị, đồng thời khiến các triệu chứng tiến triển theo chiều hướng xấu và gia tăng nguy cơ gặp phải biến chứng.

Các nguyên nhân chủ yếu gây viêm hang vị dạ dày:

Nhiễm vi khuẩn Hp:

Như đã đề cập, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori được xem là nguyên nhân hàng đầu gây viêm hang vị dạ dày. Vi khuẩn này có thể sống trong môi trường khắc nghiệt như dạ dày bằng cách tiết ra enzyme urease giúp trung hòa axit.

nguyên nhân của bệnh viêm hang vị dạ dày
Nhiễm vi khuẩn Hp là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm hang vị dạ dày

Vi khuẩn Hp tập trung chủ yếu ở vùng hang vị dẫn đến tăng sản sinh gastrin và thúc đẩy tăng tiết dịch vị. Tăng tiết axit trong thời gian dài chính là điều kiện thuận lợi gây viêm hang vị dạ dày, nặng hơn là loét và thủng dạ dày.

Stress

Stress (căng thẳng thần kinh) trong một thời gian dài là nguyên nhân gây viêm dạ dày nói chung và viêm hang vị nói riêng. Stress làm gia tăng hormone cortisol, từ đó gây suy giảm chất nhầy bảo vệ niêm mạc. Đồng thời khi thần kinh căng thẳng, dịch vị cũng được sản xuất nhiều hơn tạo điều kiện phát triển ổ viêm loét.

Ngoài ra, stress cũng là yếu tố gia tăng mức độ nghiêm trọng của vết viêm loét ở dạ dày. Trường hợp sang chấn tâm lý nặng có thể gây xuất huyết hoặc thậm chí là thủng dạ dày.

Lạm dụng thuốc chống viêm

Ngoài hai nguyên nhân trên, viêm hang vị dạ dày có thể xảy ra do lạm dụng các loại thuốc chống viêm như corticoid đường uống và thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Cả hai nhóm thuốc này có phạm vi chỉ định rộng, được sử dụng với mục đích chống viêm, giảm đau và hạ sốt.

Lạm dụng thuốc chống viêm dài ngày làm suy giảm chất nhầy bảo vệ dạ dày (glycoprotein và mucopolysaccarid). Kết quả là HCl và pepsin trong dịch vị dễ dàng xâm lấn vào bên trong gây viêm loét niêm mạc.

Do thói quen dùng bia rượu

Phần lớn những người bị viêm loét dạ dày nói chung và viêm hang vị nói riêng đều có thói quen uống nhiều bia rượu. Đồ uống chứa cồn gây kích thích lên niêm mạc, đồng thời làm tăng lượng axit trong dạ dày một cách nhanh chóng.

biểu hiện của viêm hang vị dạ dày
Thói quen dùng bia rượu cũng góp phần gây ra viêm dạ dày nói chung và viêm hang vị nói riêng

Thói quen uống nhiều bia rượu sẽ khiến cho niêm mạc dễ bị viêm loét. Nặng hơn có thể gây chảy máu dạ dày nếu sử dụng rượu mạnh. Không chỉ gây ra các vấn đề ở dạ dày, rượu bia còn gia tăng nguy cơ gây gan nhiễm mỡ, suy gan, xơ gan…

Các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ khác

Viêm hang vị dạ dày còn có liên quan đến nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác. Các yếu tố này đều góp phần gây tổn thương niêm mạc, sau đó dẫn đến loét và chảy máu (xuất huyết).

Các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây viêm hang vị dạ dày bao gồm:

  • Hút thuốc lá lâu năm
  • Chế độ ăn không lành mạnh (ăn nhiều muối, thức ăn giàu axit, ăn uống không đúng giờ, bỏ bữa,...)
  • Thức khuya, thiếu ngủ
  • Lười vận động
  • Nhiễm Hp do ăn uống không hợp vệ sinh, ăn chung với người nhiễm bệnh

Triệu chứng và chẩn đoán

Các vấn đề ở dạ dày có triệu chứng có nhiều điểm tương đồng. Giống như viêm loét dạ dày, viêm hang vị cũng có những triệu chứng đặc trưng sau:

biểu hiện của viêm hang vị dạ dày
Viêm hang vị đặc trưng bởi cơn đau âm ỉ đến dữ dội kèm theo nóng rát ở vùng thượng vị

  • Nóng rát vùng thượng vị
  • Đau thượng vị, đôi khi cơn đau lan xuống bụng giữa hoặc lan sang bên hông. Mức độ tăng lên khi ăn no hoặc khi bụng đói.
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Ăn không ngon
  • Đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu
  • Kém hấp thu

Các triệu chứng của viêm hang vị kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, ăn kém, da dẻ xanh xao. Cơn đau xuất hiện thường xuyên ảnh hưởng đáng kể đến giấc ngủ và hiệu suất lao động, học tập.

Trường hợp đau thượng vị kéo dài hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng như đau dữ dội, nôn ra máu, đi phân đen,... cần đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

biểu hiện của viêm hang vị dạ dày
Nội soi dạ dày là kỹ thuật có giá trị trong chẩn đoán viêm hang vị

Chẩn đoán bệnh viêm hang vị dạ dày bao gồm khám lâm sàng (hỏi triệu chứng, khai thác bệnh sử, các yếu tố nguy cơ). Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu nội soi dạ dày, chụp X-quang có thuốc cản quang. Nội soi giúp bác sĩ quan sát rõ tình trạng viêm của niêm mạc và xử lý hiện tượng xuất huyết (nếu có).

Biến chứng và tiên lượng

Các vấn đề ở dạ dày nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể dứt điểm trong thời gian ngắn. Ngược lại, tâm lý chủ quan sẽ khiến bệnh kéo dài dẫn đến một loạt các biến chứng như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, ung thư dạ dày…

So với tâm vị, phình vị và môn vị, hang vị có nguy cơ loét cao hơn do vị trí nằm ngang. Vì thế, viêm hang vị cần được điều trị sớm để tránh biến chứng. Ngoài những biến chứng kể trên, viêm ở vùng hang vị còn gây mệt mỏi, cơ thể suy nhược, giảm hiệu suất lao động, học tập và ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hằng ngày.

Viêm dạ dày nói chung và viêm hang vị dạ dày nói riêng cần được điều trị sớm. Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán kịp thời và điều trị tích cực đều có chuyển biến tốt. Tuy nhiên, cần phải chủ động phòng ngừa để tránh tình trạng tái phát gây viêm mãn tính.

Điều trị

Nguyên tắc khi điều trị viêm hang vị dạ dày là loại trừ các yếu tố tăng tiết dịch vị để niêm mạc có điều kiện phục hồi hoàn toàn. Ngoài sử dụng thuốc, điều chỉnh lối sống có vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa.

Các phương pháp điều trị viêm hang vị dạ dày được áp dụng phổ biến hiện nay:

1. Các phương pháp không dùng thuốc

Trước tiên, bệnh nhân cần được giải thích về tình trạng bệnh và tư vấn để hiểu rõ ảnh hưởng của lối sống đối với hiện tượng viêm loét niêm mạc dạ dày. Bằng cách điều chỉnh những thói quen xấu, các triệu chứng sẽ được giảm nhẹ đáng kể. Đồng thời tạo điều kiện để niêm mạc phục hồi và bình thường hóa chức năng của dạ dày.

điều trị viêm hang vị dạ dày
Thay đổi chế độ ăn giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh viêm hang vị dạ dày

Các phương pháp không dùng thuốc giúp cải thiện viêm hang vị dạ dày bao gồm:

  • Không dùng bia rượu, đặc biệt là rượu nặng với độ cồn cao.
  • Cai thuốc lá.
  • Không không thức ăn cay nóng, nhiều gia vị, dầu mỡ. Hạn chế đồ ăn quá cứng và khô.
  • Ăn uống đúng giờ, có thể chia nhỏ bữa ăn để hạn chế cơn đau. Không nhịn ăn và hạn chế để bụng quá no hoặc quá đói.
  • Ưu tiên dùng các món ăn mềm, dễ tiêu hóa, tăng cường bổ sung rau xanh và các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ.
  • Hạn chế thức khuya, căng thẳng.
  • Kiêng trà đặc, cà phê và các loại nước có gas.
  • Nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng (đi bộ, yoga, bơi lội,...) cũng hỗ trợ đáng kể trong việc điều trị viêm hang vị dạ dày.

2. Sử dụng thuốc

Thuốc được sử dụng trong điều trị viêm hang vị dạ dày sẽ phụ thuộc vào mức độ viêm và nguyên nhân cụ thể. Ngoài ra, cần phải xét nghiệm vi khuẩn Hp để sử dụng kháng sinh đồ trong trường hợp cần thiết.

điều trị viêm hang vị dạ dày
Sử dụng thuốc giúp giảm triệu chứng và hạn chế tiết axit, tạo điều kiện phục hồi ổ viêm loét

Các loại thuốc dùng trong điều trị viêm hang vị dạ dày bao gồm:

  • Thuốc trung hòa axit hay thuốc kháng axit bao gồm Natri bicarbonat, Canxi cacbonat, Magie hydroxyd
  • Thuốc ức chế bài tiết dịch vị gồm 2 nhóm là thuốc ức chế bơm proton (Omeprazol, Lansoprazol, Pantoprazol, Esomeprazol...) và thuốc kháng histamin H2 (Nizatidine, Famotidine, Cimetidine…)
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc bao gồm Sucralfate, Misoprostol, Bismuth…
  • Kháng sinh dùng trong trường hợp dương tính với vi khuẩn Hp. Bệnh nhân sẽ được dùng theo kháng sinh đồ để tránh trường hợp kháng thuốc.

Trường hợp đau thượng vị nhưng chưa có thời gian đến bệnh viện, có thể dùng thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc thuốc trung hòa axit để cải thiện. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc lâu ngày. Cần thăm khám để được chẩn đoán và điều trị đúng cách nhằm làm lành ổ viêm loét, hạn chế biến chứng xuất huyết và thủng dạ dày.

Phòng ngừa

Các vấn đề ở dạ dày nói chung và viêm hang vị dạ dày nói riêng hoàn toàn có thể phòng ngừa. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:

điều trị viêm hang vị dạ dày
Nói không với bia rượu là cách phòng ngừa viêm hang vị dạ dày hiệu quả

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tránh nhịn ăn, thức ăn cay nóng, dầu mỡ…
  • Kiêng bia rượu, đồ uống có gas.
  • Không hút thuốc lá.
  • Không lạm dụng thuốc chống viêm.
  • Tập thể dục thường xuyên, tránh thức khuya, ngủ nghỉ đúng giờ.
  • Hạn chế căng thẳng trong cuộc sống.
  • Ăn chín uống sôi, dùng riêng muỗng đũa, chén bát để tránh lây nhiễm vi khuẩn Hp.
  • Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Viêm hang vị dạ dày có nguy hiểm không?

2. Viêm hang vị có khỏi được không? Bao lâu thì khỏi?

3. Viêm hang vị dạ dày điều trị bao lâu?

4. Bệnh viêm hang vị dạ dày có lây không?

5. Viêm hang vị dạ dày nên ăn gì, kiêng gì?

6. Viêm hang vị dạ dày Hp dương tính, âm tính là gì?

7. Làm thế nào để phòng ngừa biến chứng viêm hang vị dạ dày?

Viêm hang vị dạ dày là bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người trung niên và cao tuổi. Nếu được điều trị sớm và đúng cách, ổ viêm có thể phục hồi hoàn toàn. Lưu ý nên phối hợp cả dùng thuốc và điều chỉnh lối sống để rút ngắn thời gian điều trị.