Bệnh Xuất Huyết Dạ Dày
Bệnh xuất huyết dạ dày là hiện tượng chảy máu diễn ra ở bất kỳ vị trí nào bên trong dạ dày. Người bệnh thường bị nôn ói hoặc đại tiện ra máu kèm theo triệu chứng đau thượng vị và nhiều dấu hiệu khác. Bệnh xuất huyết dạ dày có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Tổng quan
Xuất huyết dạ dày (Tên khoa học: Gastrointestinal Bleeding) là bệnh lý có liên quan đến tình trạng tổn thương, vỡ các tĩnh mạch ở dạ dày, máu thoát ra khỏi lòng mạch, thẩm thấu qua lớp niêm mạc và gây ra hiện tượng nôn ói ra máu (thổ huyết) hoặc đi ngoài ra máu. Bệnh còn có tên gọi khác là chảy máu dạ dày hay xuất huyết bao tử.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất huyết dạ dày, phổ biến nhất là tình trạng lạm dụng bia rượu quá mức. Ngoài ra, tình trạng chảy máu trong bao tử còn được xem là biến chứng của nhiều bệnh lý, chẳng hạn như xuất huyết dạ dày... Trong một số trường hợp, xuất huyết dạ dày còn là dấu hiệu cảnh báo ung thư.
Bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày cần được phát hiện và cấp cứu kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi người bệnh chảy máu ồ ạt với số lượng lớn. Thống kê cho thấy, đối tượng mắc căn bệnh này chủ yếu là nam giới trong nhóm 20 - 50 tuổi. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh và trẻ em cũng có thể bị xuất huyết dạ dày do nhiễm trùng.
Nguyên nhân & Yếu tố nguy cơ
Bệnh xuất huyết dạ dày do một hoặc nhiều nguyên nhân kết hợp. Bao gồm:
- Lạm dụng thức uống có cồn: Uống nhiều bia rượu là nguyên nhân khiến cho không ít quý ông ở Việt Nam mắc các bệnh lý về dạ dày, bao gồm cả chảy máu dạ dày. Chất cồn có trong các thức uống này không chỉ gây kích thích thần kinh mà còn khiến cho niêm mạc, mạch máu trong dạ dày bị tổn thương, chảy máu.
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Tất cả những thói quen ăn nhiều đồ cay nóng, bỏ bữa, ăn uống không đúng giờ giấc, sử dụng các thực phẩm giàu chất béo, khó tiêu hóa, nhai nuốt vội vàng... đều có thể làm tăng nguy cơ bị đau dạ dày, xuất huyết dạ dày.
- Do vi khuẩn Hp: Vi khuẩn Hp có khả năng tăng trưởng trong môi trường dạ dày. Đây cũng là thủ phạm gây ra hàng loạt các bệnh lý như viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày, trào ngược dạ dày hay chảy máu trong dạ dày.
- Tác dụng phụ của thuốc Tây: Uống nhiều thuốc kháng sinh hay thuốc giảm đau, chống viêm trong thời gian dài sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương, viêm loét và cuối cùng có thể dẫn đến xuất huyết. Bên cạnh đó, thuốc chống đông máu hay vitamin K khi được sử dụng trong thời gian dài cũng có thể làm giảm yếu tố gây đông máu và dẫn đến xuất huyết dạ dày.
- Căng thẳng quá mức: Mặc dù không phải là nguyên nhân trực tiếp gây xuất huyết dạ dày nhưng tình trạng stress kéo dài có thể ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và kích thích bài tiết dịch vị. Nồng độ axit tăng cao trong thời gian dài khiến niêm mạc dạ dày bị ăn mòn, viêm loét hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết.
- Nuốt phải dị vật: Dạ dày có thể bị tổn thương, chảy máu khi bạn không may nuốt phải các đồ vật cứng và sắc nhọn.
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Tỷ lệ bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày do nguyên nhân này chiếm đến hơn 40%. Đây là một hậu quả tất yếu khi vết loét không được điều trị tốt, ngày càng ăn sâu vào trong gây vỡ các tĩnh mạch trong dạ dày.
- Giãn tĩnh mạch dạ dày thực quản: Các tĩnh mạch ở dạ dày thực quản bị phình giãn lâu ngày sẽ vỡ ra gây xuất huyết dạ dày. Đây được xem là một biến chứng ở những người mắc bệnh gan nghiêm trọng.
- Ung thư dạ dày: Xuất huyết dạ dày là một dấu hiệu cảnh báo của bệnh ung thư dạ dày. Do vậy, bạn nên tiến hành thăm khám sớm ngày khi phát hiện ra tình trạng chảy máu để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
- Các vấn đề khác về sức khỏe: Tình trạng chảy máu dạ dày cũng phát triển thứ cấp sau khi mắc các bệnh lý như hội chứng Mallory Weiss, bệnh túi thừa, viêm ruột, sốt xuất huyết, suy tủy, tiểu cầu giảm, suy gan nặng, polyp dạ dày tá tràng, tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Triệu chứng & Chẩn đoán
Bệnh xuất huyết dạ dày thường được phát hiện thông qua các triệu chứng như đau thượng vị, nôn ói ra máu hoặc đi ngoài phân đen. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sớm phát hiện ra căn bệnh này thông qua một số biểu hiện khác ít được quan tâm hơn.
Cụ thể, các dấu hiệu và triệu chứng xuất huyết dạ dày có thể gặp gồm:
- Khu vực thượng vị đau dữ dội: Khi bị xuất huyết dạ dày, vùng niêm mạc bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến các cơn đau dữ dội và liên tục ở vùng thượng vị. Cơn đau có thể lan rộng ra khắp bụng kèm theo tình trạng căng cứng ở bụng. Quan sát sẽ thấy sắc mặt bệnh nhân tái nhợt và đổ nhiều mồ hôi. Rất nhiều bệnh nhân được đưa đi cấp cứu khi cơn đau bụng kéo dài hàng tiếng đồng hồ không thuyên giảm.
- Thay đổi sắc tố da: Một số bệnh nhân bị xuất huyết nhẹ nên không phát hiện sớm. Tình trạng này diễn ra trong một thời gian với số lượng máu mất đi tăng dần. Điều này sẽ dẫn đến mệt mỏi, suy nhược cơ thể, da xanh và tái nhợt thiếu sức sống.
- Buồn nôn, ói ra máu: Đây là triệu chứng điển hình và cũng là dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh xuất huyết dạ dày. Các cơn đau thường xuất hiện kèm theo cảm giác buồn nôn và có thể ói ra cả máu tươi nếu xuất huyết nhiều. Một số trường hợp thì thấy máu đen lẫn trong chất nôn.
- Đại tiện ra máu: Trường hợp này thường là máu đen có lẫn trong phân, màu sắc tương tự như bã cà phê. Ngoài ra, phân còn có mùi hôi thối khó chịu. Quan sát màu sắc phân có thể phần nào đánh giá được mức độ của xuất huyết dạ dày. Phân càng đen thì càng bị chảy máu nghiêm trọng.
- Thiếu máu: Triệu chứng này xảy ra ở bệnh nhân bị chảy máu nhiều hoặc xuất huyết dạ dày kéo dài. Người bị thiếu máu thường xuyên rơi vào tình trạng mệt mỏi, hay choáng váng và dễ bị tụt huyết áp.
- Các triệu chứng khác: Vã mồ hôi, suy nhược cơ thể, chướng bụng, đầy hơi, ăn uống kém, lâu tiêu hóa...
Người bị xuất huyết dạ dày cần sự chăm sóc khẩn cấp từ y tế. Chính vì vậy, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ kể trên.
Công tác chẩn đoán xuất huyết dạ dày thường được bắt đầu qua việc thăm khám sức khỏe tổng thể, kiểm tra tiền sử mắc bệnh cùng các dấu hiệu bệnh nhân đang gặp phải. Bên cạnh đó, các xét nghiệm khác cũng góp phần tích cực vào việc xác định nguyên nhân vị trí cùng mức độ chảy máu, đồng thời giúp chẩn đoán phân biệt xuất huyết dạ dày với các căn bệnh khác. Chẳng hạn như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, nội soi ống tiêu hóa.
Biến chứng & Tiên lượng
Trường hợp bị xuất huyết nhẹ, dạ dày chảy máu ít thì có thể áp dụng các biện pháp cầm máu và điều trị tích cực để cơ thể phục hồi dần. Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị chảy máu nhiều, xuất huyết ồ ạt trong thời gian ngắn dẫn đến mất máu cấp tính. Đây là một biến chứng nguy hiểm, có thể gây sốc, tụt huyết áp cùng nhiều triệu chứng khác đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân.
Bên cạnh đó, bệnh xuất huyết dạ dày còn có thể tái phát trở lại nhiều lần gây tình trạng thiếu máu mãn tính. Trong trường hợp này, người bệnh không chỉ bị suy giảm sức khỏe nghiêm trọng mà còn làm tăng nặng các bệnh lý đang mắc phải.
Điều trị
Phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày sẽ được bác sĩ dựa trên mức độ chảy máu và nguyên nhân gây bệnh.
Chữa xuất huyết dạ dày mức độ nhẹ:
- Để bệnh nhân nghỉ ngơi trên giường và theo dõi trong 1 - 2 ngày tại bệnh viện trước khi tiến hành nội soi.
- Nếu các triệu chứng thuyên giảm, bệnh nhân được xuất viện và chăm sóc, theo dõi tại nhà.
- Sử dụng thuốc bác sĩ kê đơn theo đúng hướng dẫn về liều lượng cũng như thời gian uống.
- Cho bệnh nhân dùng các món lỏng, dễ tiêu hóa như sữa hoặc cháo. Tất cả các thực phẩm cần được hầm nhừ và nấu chín mềm để giảm gánh nặng cho dạ dày của bệnh nhân, tránh kích thích dạ dày chảy máu nhiều hơn.
- Không cho người bệnh ăn đồ cứng, các thực phẩm được tẩm ướp nhiều gia vị, thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc sử dụng chất kích thích.
- Cần theo dõi chặt chẽ số lần đi ngoài, nôn ói, tính chất phân, tần suất và cường độ đau bụng và tình trạng sức khỏe chung của người bệnh. Nếu thấy bất thường cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế.
Cách điều trị xuất huyết dạ dày nặng:
+ Sơ cứu ban đầu:
Bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày nghiêm trọng cần được sơ cứu ngay lập tức để cầm máu nhằm tránh bị mất máu quá nhiều có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Nguyên tắc sơ cứu cầm máu cho người xuất huyết dạ dày như sau:
- Để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường ở tư thế phần đầu thấp hơn chân để máu lưu thông dễ dàng.
- Đắp chăn ủ ấm nếu người bệnh cảm thấy lạnh do mất nhiều máu, tụt huyết áp.
- Chườm bọc đá lạnh ở khu vực thượng vị để cầm máu nếu chưa kịp mua thuốc. Hoặc pha 6 -8g muối với 100ml nước đun sôi để nguội cho bệnh nhân uống từng ngụm nhỏ để cầm máu dạ dày.
- Nghiền nát và hòa 1 viên thuốc cầm máu cho người bệnh uống. Có thể dùng các thuốc cầm máu thông thường như Transamin (500mg) và Adrenoxyl (10mg).
- Cho bệnh nhân ăn một ít cháo loãng đã nguội hoặc uống sữa lạnh để giảm đau.
- Cuối cùng, gọi xe cứu thương đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
HỮU ÍCH: Chăm sóc người bị xuất huyết dạ dày và những điều cần lưu ý
+ Sử dụng thuốc trị xuất huyết dạ dày:
- Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn: Thời gian điều trị từ 10 - 14 ngày
- Thuốc làm lành vết loét: Liệu trình sử dụng kéo dài từ 6 - 8 tuần tùy mức độ tổn thương trong dạ dày.
+ Phẫu thuật:
Không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng được với nội soi cầm máu và các phương pháp điều trị nội khoa. Người bệnh xuất huyết dạ dày sẽ được chỉ định mổ trong các trường hợp sau:
- Không xác định được vị trí xuất huyết khi nội soi
- Nội soi cầm máu thất bại
- Dạ dày bị chảy máu ồ ạt
- Xuất huyết dạ dày kèm theo ổ loét lớn hơn 2cm.
- Bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao, nhất là khi có vết loét ở bờ cong nhỏ dạ dày.
- Xuất huyết dạ dày do khối u ác tính
- Thủng dạ dày.
Mục tiêu của phẫu thuật
Ca mổ có thể được thực hiện nhằm vào các mục đích sau:
- Xác định vị trí chảy máu
- Cầm máu
- Khâu lại lỗ thủng
- Cắt khối u nếu bị ung thư dạ dày, polyp dạ dày
- Cắt bỏ một phần dạ dày.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa bệnh xuất huyết dạ dày, bạn nên điều chỉnh chế độ ăn uống cho khoa học, duy trì một lối sống lành mạnh và tích cực điều trị triệt để các bệnh lý có thể gây chảy máu. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích cho bạn để giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Sử dụng các thức ăn đã được nấu chín, tránh ăn đồ còn sống.
- Ưu tiên lựa chọn các thực phẩm tốt cho dạ dày trong bữa ăn. Chẳng hạn như táo, chuối, bánh mì, sữa chua, đậu xanh, yến mạch, rau lá xanh...
- Hạn chế ăn nhiều gia vị cay, đồ ăn chứa nhiều axit hoặc các thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Kiểm soát lượng bia rượu sử dụng, tránh uống khi bụng đang đói.
- Không hút thuốc lá
- Chỉ dùng thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác khi có chỉ định của bác sĩ.
- Rèn luyện thể chất với các bài tập thể dục phù hợp sức khỏe mỗi ngày. Tập luyện cũng giúp tăng cường chức năng tiêu hóa và nâng cao sức đề kháng cho đường ruột, giảm nguy cơ bị xuất huyết tiêu hóa.
- Tránh dùng các thức ăn kém vệ sinh trong khâu chế biến, bảo quản hoặc đồ đã bị ôi thiu
- Duy trì tinh thần lạc quan, vui vẻ trong cuộc sống.
- Ăn uống đúng giờ, nhai từ từ để nghiền nát thức ăn trước khi nuốt. Có thể ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày nếu dạ dày của bạn không khỏe.
- Tránh đi nằm ngay sau bữa ăn.
- Khám sức khỏe thường xuyên và kiểm soát tốt các vấn đề sức khỏe có thể gây xuất huyết dạ dày.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Với các triệu chứng đang gặp thì có phải tôi bị xuất huyết tiêu hóa không?
2. Bệnh của tôi có nghiêm trọng không? Máu đã ngừng chảy chưa?
3. Tôi cần làm gì để nhanh chóng giảm đau, cầm máu dạ dày?
4. Phác đồ điều trị của tôi như thế nào?
5. Tôi có cần nằm viện để điều trị xuất huyết dạ dày không?
6. Tình trạng bệnh của tôi có phải mổ không?
7. Những thực phẩm, đồ uống hay việc làm nào có thể khiến tình trạng xuất huyết dạ dày của tôi nghiêm trọng hơn?
8. Bao lâu tôi mới được quay trở lại làm việc bình thường?
Bệnh xuất huyết dạ dày có thể được kiểm soát nhưng cũng rất dễ tái phát trở lại. Chính vì vậy, trong và sau quá trình điều trị, bạn nên chú ý duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, tránh stress, thường xuyên tập thể dục và tránh xa những thứ có hại để bảo vệ dạ dày.
ĐỌC NGAY:
- Chế độ ăn uống cho người bị xuất huyết dạ dày bạn nên biết
- Hướng dẫn cách xử lý khi bị xuất huyết dạ dày tại nhà