Bệnh Viêm Da Cơ Địa
Theo số liệu thống kê, mỗi năm tỷ lệ người dân Việt Nam mắc bệnh viêm da cơ địa chiếm khoảng 20% dân số, một con số khá lớn. Căn bệnh này thường tái đi lại nhiều lần, không chỉ gây cảm giác khó chịu cho người bệnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Tổng quan bệnh học
Bệnh viêm da cơ địa (Atopic Dermatitis) hay còn được gọi là bệnh Eczema. Đặc trưng của bệnh là ngứa ngáy, viêm da, thuộc dạng mãn tính, khó chữa khỏi và bùng phát định kỳ. Viêm da cơ địa thường khởi phát từ rất sớm, có thể ngay từ khi còn là trẻ sơ sinh, các triệu chứng thường kéo dài và tiếp tục cho đến tuổi trưởng thành.
Viêm da cơ địa là một căn bệnh ngoài da có tính phổ biến cao, đặc biệt là những người có làn da nhạy cảm. Bệnh đang có xu hướng ngày càng tăng cao, tình trạng này thường không gây nguy hiểm đến sức khỏe cũng như tính mạng con người. Tuy nhiên, lại khiến cho người bệnh luôn cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như các sinh hoạt hàng ngày.
Ngoài những tổn thương cơ bản trên da thì bệnh viêm da cơ địa có thể gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh như: Gia tăng khả năng viêm mũi dị ứng, hen suyễn, ngứa ngáy khó chịu dẫn đến tình trạng mất ngủ, thiếu ngủ, suy nhược cơ thể.
Phân loại bệnh
Viêm da cơ địa được chia thành 4 loại cơ bản đó là viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, viêm da thần kinh và tổ đỉa. Cách phân loại này dựa trên yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh và các vị trí gặp phải trên da.
- Viêm da dị ứng: Đây được xem là dạng phổ biến nhất của căn bệnh viêm da cơ địa. Bệnh thường xuất hiện ở những người có làn da mẫn cảm và từng có tiền sử mắc các chứng bệnh như viêm mũi dị ứng, hen suyễn hoặc người thân trong gia đình mắc các bệnh liên quan. Những vị trí trên cơ thể thường gặp viêm da dị ứng như mặt, chân, tay.
- Viêm da tiếp xúc: Ở dạng này, người bệnh có thể gặp hai loại viêm da do tiếp xúc đó là bị kích ứng và bị dị ứng. Tình trạng bệnh thường gặp do người bệnh có làn da quá mẫn cảm, khi tiếp xúc với các loại hóa chất có trong chất tẩy rửa, mỹ phẩm, nhựa cây sẽ gây ngứa ngáy, viêm da. Bàn tay là nơi dễ mắc phải chứng viêm da tiếp xúc nhất trên cơ thể.
- Tổ đỉa: Đây cũng là một trong những dạng viêm da cơ địa có thể gặp ở trẻ nhỏ và người trưởng thành. Tổ đỉa thường khiến người bệnh ngứa ngáy khó chịu, thậm chí đau đớn bởi những mụn nước li ti mọc xung quanh bàn tay, bàn chân.
- Viêm da thần kinh: Đây được xem là một dạng viêm da cơ địa ít gặp nhất. Một số vùng da thường gặp tình trạng này đó là da đầu, lưng, bộ phận sinh dục, cổ tay, gáy. Khi mắc bệnh, người bệnh thường gãi thường xuyên, ngay cả trong lúc ngủ nhưng rất khó nhận ra.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học về căn bệnh viêm da cơ địa, nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa chỉ ra được nguyên nhân chính xác gây ra chứng bệnh này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cho rằng hệ miễn dịch của cơ thể và cơ địa mẫn cảm chính là những yếu tố liên quan trực tiếp khởi phát bệnh.
Các nguyên nhân và yếu tố cơ bản gây ra chứng viêm da cơ địa bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Qua nghiên cứu cho thấy, những trường hợp có người thân trong gia đình như cha mẹ, anh chị em ruột từng có tiền sử mắc chứng viêm da cơ địa, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang thì khả năng cao những đứa trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa lên đến 80%.
- Cơ địa mẫn cảm: Những người có làn da quá khô hoặc nhạy cảm thường rất dễ mắc phải các chứng bệnh liên quan đến da chẳng hạn như nổi mề đay mẩn ngứa, mụn nước, vảy nến, trứng cá đỏ, viêm da cơ địa.
- Các yếu tố dị nguyên: Khi làn da tiếp xúc trực tiếp với các dị nguyên như hóa chất độc hại, côn trùng, khói thuốc lá, lông động vật, sợi len dạ, môi trường ô nhiễm, khói bụi, thậm chí là các thực phẩm có khả năng gây dị ứng như hải sản, đậu phộng.....Sẽ khiến cơ thể sản xuất ra một loại kháng thể có tên là lgE làm khởi phát các triệu chứng viêm da cơ địa.
- Nhiễm tụ cầu vàng: Vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) thường sống ký sinh trên da và niêm mạc con người. Vì một số lý do nào đó mà chúng xâm nhập vào cơ thể chúng ta thông qua nang lông, lỗ chân lông gây nên tình trạng nhiễm khuẩn da, viêm da cơ địa, chốc lở, mụn nhọt.
- Yếu tố thời tiết: Thời tiết thay đổi thất thường từ lạnh sang nóng hoặc nóng sang lạnh sẽ khiến cơ thể chúng ta không kịp thích ứng dễ dẫn đến các chứng bệnh viêm da, khô da. Đặc biệt là vào mùa lạnh da rất dễ bị mất nước và khô khiến cho màng Lipid bị phá vỡ, làm suy giảm chức năng bảo vệ da, tạo điều kiện cho các yếu tố độc hại có thể xâm nhập vào bên trong và bùng phát các triệu chứng viêm da cơ địa.
Ngoài những yếu tố cơ bản nêu trên thì tình trạng viêm da cơ địa có thể xảy ra hoặc các triệu chứng bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn khi cơ thể bị rối loạn nội tiết tố, hệ miễn dịch suy giảm, stress, căng thẳng mệt mỏi. Tuy mức độ nguy hiểm không quá nghiêm trọng, nhưng nếu phát hiện ra các triệu chứng viêm da, ngứa ngáy khó chịu kéo dài thì cần thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời.
Triệu chứng và Chẩn đoán
Theo ghi nhận, bệnh viêm da địa có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường khởi phát rất sớm, xuất hiện sớm nhất là trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi. Các chuyên gia cũng cho biết thêm, khi mắc viêm da cơ địa tùy vào nguyên nhân, giai đoạn phát triển và độ tuổi mà mức độ tổn thương da nặng nhẹ khác nhau. Thông thường sẽ có hai dạng cơ bản sau:
Viêm da cơ địa cấp tính:
Viêm da cơ địa cấp tính tức là giai đoạn bệnh mới khởi phát, các triệu chứng bệnh còn khá nhẹ với những đặc trưng cơ bản như:
- Vùng da bị tổn thương thường là má, trán và cằm, thường xuyên gãi vì ngứa ngáy khó chịu.
- Các đám sẩn đỏ hoặc vùng ban đỏ trên da không có ranh giới rõ ràng, xác định.
- Trên những vùng da bị ngứa xuất hiện nhiều mụn nước li ti, không có vảy da, khi gãi sẽ bị bong dịch.
- Sau khi bong dịch thường có hiện tượng đóng vảy tiết và kèm theo đó là phù nề, sưng đỏ da.
- Trường hợp gãi ngứa thường xuyên có khiến da bị loét, lâu dần sẽ lan rộng ra các khu vực khác trên cơ thể.
Viêm da cơ địa mãn tính:
Sau một thời gian phát bệnh, nếu không được thăm khám và chữa trị đúng cách sẽ khiến bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính với những triệu chứng điển hình như:
- Vùng da nổi mẩn đỏ, ban đỏ có ranh giới rõ ràng so với những vùng da khác xung quanh, đồng thời có xu hướng dày hơn, màu sắc đậm hơn.
- Dịch mủ chảy ra, kèm theo đó là làn da xuất hiện các vết nứt gây đau đớn, khó chịu và thậm chí chảy máu.
- Do ngứa ngáy, đau rát thường xuyên nên khiến người bệnh luôn trong tình trạng mệt mỏi, chán nản, thiếu tập trung, mất ngủ.
Không giống như các bệnh về xương khớp hay tim mạch, bác sĩ sẽ dựa vào các máy móc kỹ thuật hiện đại để chẩn đoán bệnh. Mà đối với bệnh viêm da cơ địa thường chỉ được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng trên cơ thể và điều tra tiền sử gia đình bệnh nhân.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm da cơ địa xuất hiện dưới nhiều hình thức cũng như vị trí khác nhau trên cơ thể, nhưng triệu chứng cơ bản chung của bệnh thường là: Ngứa ngáy ngoài da, đỏ da, bong da, xuất hiện mụn nước nhỏ, nứt da.
Bệnh tuy không mang tính chất nguy hiểm nghiêm trọng, cấp thiết, nhưng nếu để các triệu chứng kéo dài lâu ngày và lan rộng sẽ rất khó chữa và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Ngứa mãn tính, bong tróc da, nhiễm trùng da, dễ bị viêm da tiếp xúc dị ứng, rối loạn giấc ngủ, suy giảm chất lượng công việc, cuộc sống.
Viêm da cơ địa thường tiến triển theo thời gian và tái phát nhiều lần, đặc biệt là khi gặp phải các yếu tố nguy cơ. Theo số liệu thống kê, có khoảng 50% bệnh nhân có thể khỏi bệnh hoàn toàn khi bước qua giai đoạn thiếu niên nếu như được điều trị tích cực, đúng cách.
Còn một nửa số bệnh nhân còn lại phải sống chung với các triệu chứng bệnh trong một thời gian dài, thậm chí là theo suốt cả cuộc đời. Chính vì vậy, ngay khi nhận thấy và phát hiện ra những dấu hiệu bệnh thì chúng ta không nên chủ quan, cần đến các trung tâm y tế da liễu để thăm khám và có phương pháp can thiệp sớm, tránh để lâu gây ra các biến chứng nặng nề.
Điều trị
Như đã chia sẻ, bệnh viêm da cơ địa có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu như được phát hiện kịp thời và áp dụng các phương pháp điều trị đúng cách. Thông thường, căn bệnh này thường được bác sĩ chỉ định điều trị theo các hướng sau:
Sử dụng thuốc
Khi bị viêm da cơ địa, người bệnh thường gặp các triệu chứng ngứa ngáy kèm theo đó là khô da, nứt da, viêm nhiễm. Vì vậy cần phải được bôi thuốc làm mềm da, thuốc uống hoặc thuốc tiêm.
- Kem bôi da: Các loại thuốc bôi ngoài da thường có chứa thành phần Corticosteroid, có tác dụng giúp giảm ngứa, mềm da, kháng khuẩn hiệu quả. Tuy nhiên, cần phải thoa thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không nên quá lạm dụng. Một số thuốc bôi ngoài da chỉ định cho bệnh viêm da cơ địa như Sodermix, Dermovate Cream, Steroid...
- Thuốc uống: Một số trường hợp bệnh diễn tiến nặng, bác sĩ sẽ chỉ định vừa kết hợp bôi ngoài da vừa sử dụng đường uống. Các thuốc đường uống điều trị viêm da cơ địa bao gồm Metasone, Medrol, Prednison.
- Thuốc đường tiêm: Phương pháp sử dụng đường tiêm tuy chưa được phổ biến và giá thành khá cao. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại tốt, thường được áp dụng cho các trường hợp viêm da cơ địa nặng, khi sử dụng thuốc bôi và thuốc đường uống không khỏi sẽ được chỉ định tiêm.
Các liệu pháp điều trị
Ngoài những loại thuốc điều trị bệnh theo hướng dẫn và kê đơn bác sĩ thì hiện nay bệnh viêm da cơ địa còn được chữa trị thông qua các liệu pháp hiện đại như:
- Liệu pháp ánh sáng: Những trường hợp bệnh nhân không đáp ứng được với thuốc uống hoặc kem bôi, bệnh tái đi tái lại liên tục thì bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng liệu pháp ánh sáng. Tức là sử dụng tia UVA, UVB nhân tạo để chiếu trực tiếp lên vùng da bị tổn thương.
- Băng thuốc: Đây được xem là một phương pháp chuyên sâu điều trị bệnh viêm da cơ địa mang lại hiệu quả cao, thường được áp dụng cho các trường hợp bệnh nặng. Bác sĩ sẽ làm sạch vùng da bị tổn thương, sau đó dùng thuốc để tẩm vào băng gạc và đắp trực tiếp lên da.
- Liệu pháp tâm lý: Khi mắc phải chứng bệnh viêm da cơ địa thường khiến cho người bệnh bị ngứa ngáy, khó chịu, cản trở mọi công việc, mất ngủ. Vì vậy, các chuyên gia sẽ áp dụng các liệu pháp tâm lý sửa đổi hành vi, thư giãn để giúp người bệnh hạn chế tình trạng gãi ngứa.
Để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh nhanh khỏi, hạn chế các triệu chứng tiến triển nặng thêm, người bệnh cần lưu ý: Nên tắm bằng nước ấm, sử dụng xà phòng dịu nhẹ, mặc đồ rộng rãi thoải mái, tránh stress, căng thẳng, hạn chế ăn các thực phẩm có tính dị ứng cao, nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi và các thực phẩm giàu chất omega 3.
Phòng ngừa
Viêm da cơ địa là một căn bệnh mãn tính, có thể tái đi tái lại nhiều lần. Theo các chuyên gia, bệnh không thể phòng ngừa triệt để. Tuy nhiên, vẫn có thể ngăn ngừa bệnh hoặc tránh tình trạng kéo dài, tái phát bằng những cách đơn giản sau:
- Cần tắm rửa sạch sẽ, vệ sinh cơ thể thường xuyên để loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn, vi khuẩn trú ngụ trên da.
- Có thể làm mềm da và cung cấp độ ẩm cho da bằng cách thoa kem dưỡng ẩm sau khi tắm.
- Những người có làn da khô, nhạy cảm nên hạn chế tắm nước nóng, cẩn thận trong việc sử dụng các loại nước hoa, mỹ phẩm hoặc ăn các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao như hải sản, đậu phộng.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích, thuốc lá, đồng thời không nên tự ý dùng thuốc điều trị bệnh.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh viêm da cơ địa có khả năng chữa khỏi được không? Nguy hiểm không?
2. Viêm da cơ địa có lây không? Có di truyền không?
3. Viêm da cơ địa có được tắm không? Có nên tắm bằng xà bông hay không?
4. Bị viêm da cơ địa có nên kiêng gió không?
5. Viêm da cơ địa nên ăn gì, kiêng gì?
6. Bị viêm da cơ địa có nên bôi thuốc ngoài da không?
7. Nên làm gì khi bị viêm da cơ địa gây ngứa ngáy khó chịu?
8. Viêm da cơ địa có được trang điểm không?
9. Viêm da cơ địa và viêm da tiết bã có phải là một? Có khác nhau không?
Viêm da cơ địa là một chứng bệnh ngoài da gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thẩm mỹ trên cơ thể cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chính vì vậy, mỗi chúng ta nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về bệnh để phòng ngừa một cách tốt nhất. Trường hợp có dấu hiệu khởi phát viêm da cơ địa thì nên thăm khám và điều trị ngay, tránh để lâu gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Hữu ích cho bạn:
- 12+ Cách Trị Viêm Da Cơ Địa Tại Nhà Hiệu Quả Nhanh
- Bị Viêm Da Cơ Địa Tắm Lá Gì Hết Ngứa Ngáy, Đỏ Da Nhanh?