Bệnh Tổ Đỉa
Bệnh tổ đỉa là tình trạng da liễu liên quan đến cơ địa mẫn cảm giống như viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa,... Bệnh lý này đặc trưng bởi tổn thương là các mụn nước cứng, khu trú ở lòng bàn tay và bàn chân kèm theo ngứa ngáy dai dẳng. Vì vậy, dù là bệnh lành tính nhưng tổ đỉa gây ra nhiều phiền toái, cản trở trong cuộc sống.
Tổng quan
Tổ đỉa (Dyshidrosis) hay chàm tổ đỉa là bệnh da liễu mãn tính có liên quan đến yếu tố cơ địa và được cho là một trong thể của bệnh chàm (eczema). Biểu hiện đặc trưng của bệnh lý này là các mụn nước nhỏ, chìm khảm trong lớp thượng bì da, xuất hiện khu trú ở lòng bàn tay và bàn chân. Mụn nước có thể mọc rải rác hoặc tụ lại từng đám cụm.
Giống như các thể khác của chàm (eczema), chàm tổ đỉa là bệnh da lành tính, không đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, tổn thương xuất hiện khu trú ở lòng bàn tay và bàn chân nên gây ra rất nhiều phiền toái trong sinh hoạt, lao động, học tập,...
Tổ đỉa được mô tả lần đầu tiên vào năm 1873 bởi Bác sĩ người Anh - William Tilbury Fox. Bệnh đã được nghiên cứu khá nhiều nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Đến hiện tại, đã có thể khẳng định tổ đỉa là bệnh lành tính, không lây và không nguy hiểm. Nhưng do đặc tính tiến triển dai dẳng, dễ tái phát nên điều trị cần kết hợp nhiều phương pháp để quản lý bệnh hiệu quả.
Phân loại bệnh
Tổ đỉa được phân thành 4 loại chính dựa vào biểu hiện lâm sàng. Trong đó, thể điển hình và thường gặp nhất là tổ đỉa thể giản đơn. Các thể bệnh khác ít gặp hơn nhưng đều lành tính, không đe dọa đến sức khỏe.
Các thể lâm sàng của bệnh tổ đỉa:
- Tổ đỉa giản đơn
- Tổ đỉa thể bọng nước
- Tổ đỉa nhiễm khuẩn
- Tổ đỉa thể khô
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tương tự như các loại chàm (eczema) khác, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tổ đỉa vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, đặc điểm chung chàm là liên quan đến yếu tố cơ địa mẫn cảm. Do đó khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích, hệ miễn dịch mới có phản ứng quá mức dẫn đến giải phóng nhiều chất hóa học trung gian gây viêm, tổn thương da.
Các nguyên nhân, yếu tố có liên quan đến bệnh tổ đỉa bao gồm:
- Cơ địa nhạy cảm: Người bị tổ đỉa, các dạng chàm khác, nổi mề đay, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng,... đều có cơ địa nhạy cảm hơn bình thường. Sự nhạy cảm này khiến cho hệ miễn phản ứng thái quá với các tác nhân nội sinh và ngoại sinh.
- Di truyền: Nguy cơ bị chàm tổ đỉa có thể tăng lên đáng kể nếu tiền sử gia đình mắc chứng bệnh này. Ngoài ra, gia đình có tiền sử về các bệnh miễn dịch - dị ứng - kích ứng như viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen suyễn,... cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị tổ đỉa ở con cái.
- Tiếp xúc với dị nguyên: Triệu chứng của chàm tổ đỉa sẽ không bùng phát nếu không tiếp xúc với dị nguyên. Đối với bệnh lý này, dị nguyên thường là hóa chất, thuốc, vi khuẩn liên cầu, nấm kẽ chân, chất tẩy rửa, đồ dùng mạ crom, niken, mỹ phẩm, nước hoa, thức ăn,...
- Môi trường sống ô nhiễm: Tỷ lệ mắc các bệnh về da ngày càng gia tăng và môi trường sống ô nhiễm là yếu tố góp phần gây ra tình trạng này. Các chuyên gia nhận thấy, người sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất,... sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Tăng tiết mồ hôi lòng bàn tay, bàn chân: Người mắc chứng tăng tiết lòng bàn tay, bàn chân sẽ có nguy cơ mắc bệnh tổ đỉa cao hơn. Nguyên nhân có thể là do tăng tiết mồ hôi tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm phát triển.
Nhìn chung, căn nguyên của tất cả các loại chàm (eczema) đều liên quan đến cơ địa nhạy cảm. Các chuyên gia nhận thấy, tổ đỉa thường phát triển ở người có tiền căn viêm da tiếp xúc dị ứng, kích ứng và viêm da cơ địa.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng của bệnh tổ đỉa khá đặc trưng và dễ nhận biết. Biểu hiện lâm sàng có thể khác biệt đôi chút theo từng thể nhưng không đáng kể.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh tổ đỉa:
- Tổn thương là các mụn nước cứng chắc, kích thước khá nhỏ nhưng đôi khi có kích thước lớn đến vài cm gây cộm, vướng trong sinh hoạt.
- Mụn nước nằm ở lớp thượng bì, có thể nhìn thấy bằng mắt, sờ vào khá cộm.
- Tổn thương do tổ đỉa gây ra thường khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân, có thể lan ra mặt ngoài nhưng hiếm khi vượt quá cổ tay/ cổ chân.
- Mụn nước có thể mọc thành từng đám hoặc rải rác, số lượng đa dạng từ vài nốt cho đến hàng chục nốt. Đặc điểm thường thấy là mụn nước thường mọc đối xứng hai bên.
- Bên trong mụn nước chứa dịch màu trong suốt, vô khuẩn. Tuy nhiên, mụn nước có thể bị bội nhiễm do cào, gãi thường xuyên. Bội nhiễm sẽ khiến mụn nước chuyển sang màu trắng đục, vàng nhạt kèm theo sưng đỏ và đau nhức xung quanh xung quanh.
- Tổ đỉa gây ngứa nhiều, có khi gây ngứa dữ dội ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống.
- Sau khi mụn nước vỡ sẽ khô lại, đóng mài, sau đó bong vảy và nền da xuất hiện các vết nứt.
- Tổ đỉa thể bọng nước có các nốt mụn nước lớn bằng hạt ngô, hạt đậu. Thể bệnh này thường có liên quan đến dị ứng hóa chất.
- Tổ đỉa thể khô là thể bệnh đặc biệt nhất vì không có mụn nước. Biểu hiện là nền da đỏ khô, viền da tróc, nền da đỏ đi kèm với cảm giác đau rát.
Chàm tổ đỉa xuất hiện theo từng đợt, mỗi đợt phát bệnh kéo dài khoảng vài tuần. Triệu chứng bùng phát mạnh vào mùa xuân hè và giảm nhẹ vào mùa đông. Bệnh có tính chất dai dẳng, mãn tính, hay tái đi tái lại gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Tổ đỉa dù không phải là bệnh nguy hiểm nhưng cần được thăm khám và điều trị để tránh biến chứng. Vì vậy, ngay khi nghi ngờ mắc chứng bệnh này, nên tìm gặp bác sĩ da liễu sớm. Đặc biệt nếu vùng da bị lở loét, mụn nước có kích thước, cản trở nhiều đến sinh hoạt và lao động, phải thăm khám sớm để được điều trị kịp thời.
Chẩn đoán tổ đỉa dựa vào biểu hiện lâm sàng, khai thác bệnh sử và tiền sử gia đình. Không có bất cứ xét nghiệm nào có thể phát hiện bệnh lý này. Tuy nhiên, một số xét nghiệm vẫn có thể được thực hiện để loại trừ các vấn đề da liễu khác có triệu chứng tương tự như nấm da, nấm kẽ, các loại eczema khác.
Biến chứng và tiên lượng
Tổ đỉa là bệnh da lành tính, ít khi ảnh hưởng đến sức khỏe. Bệnh tiến triển theo từng đợt, nặng hơn ở mùa xuân hè và thuyên giảm vào mùa đông. Các đợt phát bệnh kéo dài khoảng vài tuần, sau đó sẽ thuyên giảm nếu chăm sóc và điều trị đúng cách.
Chàm tổ đỉa ít khi gây ra biến chứng nghiêm trọng. Ảnh hưởng lớn nhất của bệnh lý này là gây vướng víu trong sinh hoạt, cản trở học tập và lao động. Vì tổn thương nằm khu vực ở lòng bàn tay, bàn chân nên nguy cơ bội nhiễm cũng cao hơn bình thường. Trường hợp bội nhiễm nặng có thể phải dùng đến kháng sinh để kiểm soát.
Giống như các dạng eczema khác, tổ đỉa gây ngứa dai dẳng và dữ dội. Ngứa ngáy liên tục, kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, giảm khả năng tập trung khiến cho hiệu suất lao động và học tập vì thế bị giảm sút.
Điều trị
Chàm tổ đỉa là bệnh mãn tính, hay tái đi tái lại nhưng nhìn chung lành tính. Hiện nay, không có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm bệnh lý này. Kết hợp phương pháp y tế và các biện pháp chăm sóc có thể kiểm soát tốt triệu chứng, chống bội nhiễm, qua đó giảm tổn thương da và nâng cao chất lượng cuộc sống đáng kể.
Các phương pháp điều trị, cải thiện chàm tổ đỉa bao gồm:
Điều trị tại chỗ
Điều trị tại chỗ đối với chàm tổ đỉa bao gồm sử dụng thuốc bôi và liệu pháp ánh sáng (quang hóa trị liệu). Trong đó, thuốc vẫn là phương pháp phổ biến nhất vì tính tiện lợi và chi phí thấp. Loại thuốc được sử dụng sẽ phụ thuộc tình trạng tổn thương da và mức độ đáp ứng.
Các phương pháp điều trị tại chỗ đối với bệnh tổ đỉa:
- Dùng thuốc bôi: Dung dịch bạc nitrat 0.5% thường được dùng trong trường hợp mụn nước đơn thuần. Nếu có bội nhiễm, nên dùng dung dịch tím metyl 1%. Khi mụn nước giảm, tổn thương da khô lại có thể dùng các loại thuốc bôi chứa corticoid hoặc corticoid + kháng sinh.
- Quang trị liệu: Liệu pháp ánh sáng mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc làm giảm triệu chứng của bệnh tổ đỉa. Nghiên cứu cho thấy, phương pháp này giúp điều hòa miễn dịch tại chỗ, ức chế giải phóng các yếu tố tiền viêm và chất gây viêm. Liệu pháp ánh sáng có thể cải thiện tổn thương da do tổ đỉa và giảm ngứa ngáy đáng kể.
- Chích vỡ mụn nước: Trường hợp mụn nước có kích thước lớn gây cộm vướng, nên đến bệnh viện để được nhân viên y tế thực hiện kỹ thuật chích vỡ mụn, sát khuẩn. Sau khi vỡ, da sẽ nhanh chóng khô lại, bong vảy. Khi da khô hoàn toàn, có thể thoa các loại thuốc bôi để giảm ngứa.
Điều trị tại chỗ là lựa chọn tối ưu đối với bệnh tổ đỉa, do tổn thương da khu trú ở lòng bàn tay và bàn chân, ít khi xảy ra trên diện rộng như các loại chàm khác. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều trị tại chỗ cũng mang lại hiệu quả. Trường hợp nặng sẽ được cân nhắc điều trị toàn thân.
Điều trị toàn thân
Mục tiêu của điều trị toàn thân là chống ngứa và giảm tổn thương thực thể trên da. Thuốc kháng histamin H1 thường sẽ được ưu tiên vì an toàn, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu tổn thương da nặng, khởi phát rầm rộ kèm theo bội nhiễm sẽ phải dùng thêm kháng sinh và corticoid đường uống.
Điều trị toàn thân cho bệnh chàm tổ đỉa sẽ có các lựa chọn như sau:
- Thuốc kháng histamin H1 dùng để giảm ngứa ngáy
- Corticoid đường uống dùng 5-10 ngày trong trường hợp triệu chứng nặng, tiến triển nhanh
- Thuốc kháng nấm Griseofulvin dùng trong trường hợp tổ đỉa do nhiễm nấm kẽ chân
Ngoại trừ thuốc kháng histamin H1, các loại thuốc khác ít được sử dụng trong điều trị chàm tổ đỉa do gây ra nhiều tác dụng phụ.
Chế độ chăm sóc
Bệnh tổ đỉa khởi phát theo đợt nên nếu chăm sóc đúng cách, tổn thương da sẽ thuyên giảm sau vài tuần. Da lành nhanh, không bị bội nhiễm và không để lại thâm sẹo.
Các biện pháp chăm sóc bệnh tổ đỉa bao gồm:
- Giữ vệ sinh vùng da bị bệnh, có thể rửa bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý. Sau khi rửa, cần lau khô đảm bảo da được thông thoáng.
- Hạn chế ma sát trong thời gian bệnh bùng phát. Nên tránh đi giày ôm sát, thay vào đó nên mang dép để da được thông thoáng, tránh bội nhiễm vi khuẩn và nấm.
- Nếu ngứa nhiều, không nên gãi, cào khiến mụn nước vỡ, da trầy xước và chảy máu. Có thể sử dụng một số loại thuốc bôi, thuốc uống giảm ngứa hoặc ngâm nước mát để giảm cảm giác khó chịu.
- Tránh các loại thực phẩm gây dị ứng, thực phẩm có tính hàn trong thời gian điều trị. Xây dựng chế độ ăn hợp lý để nâng đỡ thể trạng, đẩy lùi bệnh nhanh chóng.
- Hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên như hóa chất, xà phòng,...
HỮU ÍCH: Bị tổ đỉa khi mang thai – Hướng dẫn điều trị đúng cách
Phòng ngừa
Tổ đỉa tiến triển xen kẽ từng đợt và khó có thể tránh khỏi tình trạng tái đi tái lại. Tuy nhiên, thực hiện một số biện pháp phòng ngừa có thể giảm tần suất bệnh tái phát và hạn chế mức độ triệu chứng.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh tổ đỉa bao gồm:
- Đi giày dép đúng size, chọn chất liệu thông thoáng để giữ da luôn thông thoáng.
- Điều trị tăng tiết mồ hôi cũng giúp ích trong việc phòng ngừa bệnh tổ đỉa ở bàn tay, bàn chân.
- Giữ vệ sinh cá nhân để tránh nhiễm nấm kẽ chân - yếu tố kích hoạt bệnh tổ đỉa bùng phát.
- Xem xét thay đổi công việc nếu thường xuyên phải tiếp xúc với niken, crom, hóa chất, xà phòng,...
- Đeo bao tay, đi ủng khi phải tiếp xúc với xà phòng và hóa chất tẩy rửa.
- Thận trọng khi chọn mỹ phẩm, nước hoa.
- Trao đổi với dược sĩ/ bác sĩ về tình trạng bệnh lý để tránh các loại thuốc có nguy cơ dị ứng.
- Điều trị tích cực các bệnh cơ địa như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa,...
- Nâng cao hệ miễn dịch bằng lối sống khoa học, lành mạnh cũng có thể hạn chế nguy cơ bệnh tái phát.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh tổ đỉa có lây sang người không?
2. Chàm tổ đỉa có nguy hiểm không?
3. Bệnh tổ đỉa có chữa khỏi được không?
4. Bà bầu bị tổ đỉa có ảnh hưởng đến thai nhi?
5. Bệnh tổ đỉa có thuốc chữa không?
6. Bệnh tổ đỉa có tái phát không? Làm sao để phòng ngừa?
7. Bị chàm tổ đỉa cần kiêng gì?
8. Ăn gì, kiêng ăn gì để cải thiện bệnh tổ đỉa?
Bệnh tổ đỉa là một dạng chàm da dai dẳng, mãn tính, hay tái phát. Dù là bệnh lành tính nhưng bản thân người bệnh phải đối mặt với phiền toái do ngứa ngáy, lòng bàn tay, bàn chân có nhiều mụn nước nổi cộm,... Do đó, nên chủ động thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán, tư vấn cụ thể về hướng điều trị và chăm sóc.
Xem thêm:
- Cách chữa bệnh tổ đỉa bằng lá trầu không có hiệu quả không?
- Người bệnh chàm tổ đỉa kiêng ăn gì để ngừa bệnh tái phát?