Bệnh U hạt
U hạt là một dạng viêm xảy ra trong cơ thể do phản ứng với nhiễm trùng, rối loạn tự miễn dịch hoặc tiếp xúc với một số chất độc hại. Có nhiều loại u hạt khác nhau, xuất hiện ở nhiều vị trí trong cơ thể như phổi, gan, thận, da, mắt... Bệnh nhân thường có các triệu chứng như sưng đỏ da, sốt, ho, mệt mỏi, nổi cục u ngứa trên da. Không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với u hạt, tuy nhiên có thể can thiệp y tế điều trị bằng thuốc, phẫu thuật để xử lý tổn thương và kiểm soát triệu chứng.
Tổng quan
Bệnh u hạt (Granuloma) các khối u viêm được hình thành do cơ thể phản ứng với nhiễm trùng, chấn thương hoặc các hoạt chất lạ. Bản chất của chúng là những cụm tế bào bạch cầu nhỏ và nhiều mô khác bị viêm, không phải ung thư, xuất hiện trong phổi, não, da, gan, thận hoặc nhiều bộ phận khác trong cơ thể người.
Khối u hạt có thể có chứa các tế bào chết hoại tử hoặc không. Đây là yếu tố quan trọng giúp chẩn đoán nguy nguyên nhân hình thành u hạt. Chẳng hạn bệnh lao hoặc các bệnh truyền nhiễm khác có thể tạo ra u hạt có các tế bào hoại tử. Còn u hạt không hoại tử có thể là dạng không nhiễm trùng do bệnh sacoit hoặc dị vật.
Bệnh u hạt chủ yếu ảnh hưởng đến những người mắc bệnh nhiễm trùng hoặc viêm mạn tinh kéo dài. Cũng có nhiều trường hợp mắc bệnh vô căn, không xác định rõ nguyên nhân. Theo đánh giá của các chuyên gia, bản chất của u hạt thường không nghiêm trọng vì không phải ung thư. Hầu hết các khối u hạt đều là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào đó.
Phân loại
U hạt được phân chia làm nhiều loại khác nhau, dựa vào tính chất đặc điểm, hình thái và vị trí khởi phát. Bao gồm:
- U hạt lao: Dạng u hạt này do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra và là tác nhân chính gây ra bệnh lao. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến phổi và nhiều cơ quan khác trong cơ thể do khả năng lây lan nhiễm trùng của vi khuẩn.
- U hạt Sarcoidosis: Loại u hạt này thường được tạo thành bởi một tác nhân khó xác định và được xếp vào nhóm vô căn. Hậu quả dẫn đến sự hình thành khối u hạt ở nhiều bộ phận trong cơ thể, phổ biến nhất là mắt, phổi, da và hạch bạch huyết.
- U hạt dị vật: Sự xuất hiện bất thường của các dị vật trong cơ thể như hình xăm, mảnh vụn hoặc các mô cấy phẫu thuật... là nguyên nhân gây ra các u hạt dị vật.
- U hạt Wegener: Loại u hạt này được hình thành bởi cơ chế rối loạn hệ thống miễn dịch, gây tổn thương và ảnh hưởng đến các mạch máu. Hậu quả hình thành các u hạt trong thận, phổi và nhiều cơ quan nội tạng khác.
- U hạt do hội chứng Churg-Strauss: Cơ chế thành tương tự như dạng u hạt Wegener. Có thể xuất hiện ở phổi, da và nhiều cơ quan khác.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bản chất của u hạt không phải ung thư, nó được hình thành khi các tế bào trong hệ thống miễn dịch (các đại thực bào) không thể tiêu diệt những thứ nguy hiểm. Mặc dù vậy, hệ miễn dịch vẫn sẽ kích hoạt số lượng lớn tế bào miễn dịch đến khu vực đó. Theo thời gian, chúng tích tụ ngày càng nhiều và hình thành một khối tế bào liên kết chắc chắn.
Hoặc trong một số trường hợp khác, u hạt cũng được hình thành khi hệ thống miễn dịch hoạt động bất thường, phản ứng quá mức với các tác nhân nguy hiểm và gây viêm. Cơ chế này thường hay xảy ra trong một số dạng rối loạn tự miễn dịch.
Cụ thể một số nguyên nhân gây ra u hạt nhiễm trùng và u hạt không nhiễm trùng, bao gồm:
Nguyên nhân gây ra u hạt nhiễm trùng
Chủ yếu xuất phát từ các loại vi sinh vật có hại gây nhiễm trùng như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng. Chẳng hạn như:
- Bệnh lao;
- Bệnh giang mai;
- Bệnh histopplamosis;
- Bệnh Cryptococcus;
- Bệnh Aspergillosis;
- Bệnh nhiễm nấm Candida;
- Bệnh sốt do mèo cào;
- Bệnh sốt thung thũng (Coccidioidomycosis);
- Bệnh giun chỉ;
- Bệnh sán máng;
- Bệnh toxoplasmosis;
- Bệnh u hạt bể cá (do Mycobacterium marinum gây ra);
- Bệnh nhiễm nấm Histoplasmosis;
- Nhiễm virus Epstein-Barr;
- Nhiễm virus Cytomegalovirus;
- Bệnh phong (bệnh Hansen);
- Bệnh sởi;
- Bệnh Leishmania;
- Bệnh sán máng;
- Bệnh nấm đạo ôn;
Nguyên nhân gây u hạt tự miễn dịch và không do nhiễm trùng
- Bệnh Sarcoidosis;
- Bệnh u hạt mãn tính (CGD);
- Bệnh Crohn, bệnh viêm ruột;
- Bệnh sốt thấp khớp;
- Bệnh viêm khớp dạng thấp;
- U hạt kèm theo viêm đa mạch;
- Bệnh Berili;
- Xuất hiện dị vật trong phổi (thức ăn, mảnh vụn, hóa chất);
- U hạt tinh trùng (biến chứng thường khi thắt ống dẫn tinh);
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Tùy theo dạng u hạt và vị trí xuất hiện, mỗi bệnh nhân sẽ có các triệu chứng khác nhau. Nhưng cơ bản sẽ có một số dấu hiệu điển hình thường gặp sau:
- Sốt;
- Ho;
- Khó thở;
- Vã nhiều mồ hôi ban đêm;
- Sưng hạch bạch huyết;
- Đau đầu;
- Đau mắt, đỏ mắt;
- Suy giảm tầm nhìn, thị lực;
- Đau ngứa rát da, nổi cục u cứng trên da (chúng có màu sáng hoặc tối hơn các vùng da xung quanh, thường là màu hồng hoặc tím, sờ vào gây đau);
- Đau bụng, tiêu chảy, sụt cân nếu u hạt xuất hiện trong hệ tiêu hóa;
Chẩn đoán
Dựa vào đánh giá các triệu chứng lâm sàng và dấu hiệu thực thể do bệnh nhân cung cấp, xác định được vị trí các khối u hạt xuất hiện trong cơ thể. Sau đó, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp chẩn đoán phù hợp, bao gồm:
- Kiểm tra hình ảnh: Bao gồm siêu âm, chụp X quang hoặc chụp CT scan, giúp phát hiện số lượng, vị trí, kích thước của các u hạt lao;
- Xét nghiệm máu: Nhằm tìm kiếm và phát hiện các kháng thể hoặc sự phát triển của nhiễm trùng, viêm nhiễm;
- Xét nghiệm da: Tổn thương ngoài da giúp phát hiện bệnh lao và nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác;
- Sinh thiết mô: Trường hợp cần thiết có thể thực hiện sinh thiết mô để chẩn đoán xác nhận sự hiện diện của u hạt và xét nghiệm phân tích cụ thể về tính chất, nguyên nhân;
Biến chứng và tiên lượng
Khối u hạt có đặc điểm và hình thái khá giống ung thư, nhưng bản chất lành tính xuất phát từ hệ miễn dịch, không phải và cũng không có khả năng phát triển thành ung thư. Do đó, hầu hết các trường hợp phát triển u hạt đều không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, đôi khi chúng có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nguy hiểm.
Do đó, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, hãy nhanh chóng đến bệnh viện và các cơ sở y tế chuyên khoa để kịp thời thăm khám và điều trị bằng phác đồ phù hợp, ngăn ngừa các biến chứng khó lường.
Điều trị
Phác đồ điều trị u hạt có rất nhiều phương pháp, tùy theo loại u hạt và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ sẽ tư vấn áp dụng biện pháp phù hợp. Bao gồm:
Điều trị y tế
Tuy u hạt không quá nghiêm trọng, nhưng vẫn cần phải can thiệp điều trị y tế càng sớm càng tốt để kiểm soát triệu chứng, ngăn chặn tiến triển bệnh.
- Dùng thuốc: Để kiểm soát và cải thiện các triệu chứng u hạt, bệnh nhân sẽ phải dùng đến nhiều loại thuốc khác nhau. Chẳng hạn như:
- Thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm hoặc thuốc chống ký sinh trùng nhằm điều trị nhiễm trùng;
- Thuốc Corticosteroid giúp chống viêm;
- Thuốc ức chế miễn dịch trong trường hợp bị u hạt do các bệnh lý tự miễn;
- Thuốc giảm đau hỗ trợ nếu u hạt gây đau như acetaminophen (Tylenol) hoặc Ibuprofen (Motrin, Advil);
- Phẫu thuật: Giúp loại bỏ dị vật và các mô bị ảnh hưởng khác trong cơ thể.
- Các biện pháp y tế khác: Tùy từng trường hợp bệnh, mức độ có nặng hay không mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện hóa trị hoặc các biện pháp điều trị ung thư khác. Đặc biệt đối với trường hợp mắc u hạt do hội chứng Wegener và Churg-Strauss.
Chăm sóc tại nhà
Kết hợp với các biện pháp khắc phục tại nhà đơn giản sau để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh, chẳng hạn như:
- Chườm ấm giúp giảm đau, sưng viêm;
- Nghỉ ngơi nhiều hơn;
- Uống đủ nước;
- Ăn uống đủ chất và lành mạnh, tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt;
- Quản lý căng thẳng, hạn chế stress, mệt mỏi, lo âu kéo dài, thực hiện các kỹ thuật thư giãn như thiền định, yoga...;
- Cai thuốc lá hoặc tránh tiếp xúc với khói thuốc lá;
Phòng ngừa
Nếu đã hiểu rõ về cơ chế và các yếu tố căn nguyên gây ra u hạt, bạn sẽ dễ dàng phòng ngừa được tình trạng này. Cụ thể thông qua các biện pháp sau:
- Nâng cao ý thức trong việc giữ vệ sinh thân thể, tắm gội sạch sẽ, rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh truyền nhiễm.
- Tránh tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, hoặc nếu đang làm việc trong môi trường độc hại chứa nhiều hóa chất như berili hoặc silica, hãy trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ bảo vệ bản thân, phòng ngừa u hạt.
- Che chắn đường hô hấp kỹ lưỡng khi tiếp xúc với môi trường độc hại, ô nhiễm nặng.
- Tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch bằng cách xây dựng lối sống khoa học, sinh hoạt điều độ, ăn uống dinh dưỡng, vận động tích cực, nghỉ ngơi và thư giãn tinh thần.
- Thăm khám y tế ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán chuyên sâu và điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm: Bệnh viêm môi u hạt và thông tin cần biết
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh u hạt?
2. Tôi mắc dạng u hạt nào? Có nghiêm trọng không?
3. Bệnh u hạt có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng đến tính mạng không?
4. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán u hạt?
5. Tôi nên điều trị u hạt bằng phương pháp nào tốt nhất?
6. Quá trình điều trị u hạt mất bao lâu thì khỏi?
7. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh u hạt tại nhà?
8. Điều trị u hạt tốn kém chi phí bao nhiêu? Có dùng thẻ BHYT được không?
9. Tôi có cần tái khám định kỳ sau điều trị u hạt không?
10. Bệnh u hạt có tái phát sau điều trị không?
Bệnh u hạt được các chuyên gia đánh giá không quá nghiêm trọng bởi sự lành tính về đặc điểm, không phải ung thư. Tuy nhiên, có không ít trường hợp phát sinh u hạt là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm. Do đó, để sớm phát hiện và chẩn đoán bệnh chính xác, điều trị kịp thời, hãy thăm khám ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường hoặc khám sức khỏe tổng quát định kỳ.