Thoái hóa võng mạc
Thoái hóa võng mạc là một trong những vấn đề về mắt cực kỳ nguy hiểm. Người bệnh có thể bị suy giảm thị lực nặng, nghiêm trọng hơn là mù lòa vĩnh viễn. Bệnh tiến triển chậm, âm thầm khó phát hiện khiến nhiều người chủ quan không kịp thời khám và chữa trị sớm.
Tổng quan
Thoái hóa võng mạc tên khoa học là Retinal Degeneration, bệnh lý nguy hiểm hình thành do nhiều nguyên nhân. Tổn thương võng mạc mắt thường xuất hiện ở nhóm đối tượng từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt phổ biến ở bệnh nhân có tật cận thị, người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp,...
Thoái hóa võng mạc diễn biến âm thầm, gây ra nhiều rủi ro cho bệnh nhân. Một thời gian dài khi bệnh nhân không phát hiện và điều trị mắt bị suy giảm thị lực và có nguy cơ mù lòa. Do đó, bạn nên chủ động kiểm tra thị lực khi có các biểu hiện bất thường, chủ động thăm khám mắt để ngừa các rủi ro ảnh hưởng đời sống, sức khỏe.
Phân loại
Dựa trên tính chất võng mạc bị thoái hóa người ta phân chia bệnh lý này thành 2 nhóm chính. Cụ thể:
- Thoái hóa võng mạc thể khô: Có đến 90% tỷ lệ bệnh nhân bị thoái hóa võng mạc rơi vào trường hợp này. Người bệnh có thị lực kém, bị nhạy cảm hơn với ánh sáng, mắt mờ dần. Đối tượng bệnh nặng không kịp kiểm soát có thể phát hiện thấy phần trung tâm có vết mờ rõ rệt.
- Thoái hóa võng mạc thể ướt: Bệnh xảy ra có liên quan đến hiện tượng bất thường tại các mạch máu, vị trí mô nhạy cảm ánh sáng ở khu vực đáy mắt. Chúng bắt đầu phát triển, dễ vỡ khiến cho máu rỉ vào trong hoàng điểm. Điều này khiến thị lực của người bệnh suy giảm, bệnh nhân khó nhìn được đường thằng bởi chúng sẽ bị chuyển sang thành đường lượn sóng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng dẫn đến hiện tượng thoái hóa võng mạc. Theo đó, tế bào võng mạc là tế bào có nhiều nhiệm vụ quan trọng đối với hoạt động của mắt. Khi chúng bị tổn thương người bệnh sẽ gặp ngay các vấn đề về thị lực.
Những nguyên nhân gây bệnh được các chuyên gia đề cập đến như:
- Ảnh hưởng cận thị: Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa võng mạc chu biên. Võng mạc chu biên nằm xa nhất trong võng mạc, khi bị tổn thương khu vực này khả năng nhìn bao quát của mắt bị ảnh hưởng trong khi võng mạc chu biên không gây ảnh hưởng nhiều đến khu vực trung tâm. Yếu tố cận thị là nguyên nhân gây thoái hóa võng mạc phổ biến nhất. Đặc biệt là nhóm đối tượng bị cận thị nặng, võng mạc chu biên dễ bị giãn, khiến võng mạc bị teo theo. Đồng thời do võng mạc chu biên là vùng ít được tưới máu nhất nên nếu tổn thương nặng võng mạc có thể bị rách, bong ra gây suy giảm thị lực nặng, mù lòa hoàn toàn.
- Yếu tố bẩm sinh: Một số trường hợp bị thoái hóa võng mạc liên quan đến yếu tố bẩm sinh. Trẻ sinh ra di truyền bệnh từ mẹ, tốc độ phát triển thoái hóa võng mạc bẩm sinh thường khá chậm chạp. Đến khi trẻ lớn dần, bước sang tuổi trưởng thành đến giai đoạn trung niên các triệu chứng mới trở nên rõ nét hơn.
- Ảnh hưởng từ bệnh lý khác: Ngoài các nguyên nhân kể trên, hiện tượng thoái hóa võng mạc có thể xuất hiện do ảnh hưởng bởi các yếu tố như huyết áp tăng cao bất thường, xơ vữa động mạch, bệnh hồng cầu hình liềm, đái tháo đường,... Tùy mỗi nguyên nhân ảnh hưởng bệnh có thể nặng hoặc nhẹ đến trung bình. Phát hiện điều bất thường đang gặp phải ở mắt càng sớm càng giúp bệnh nhân có nhiều hy vọng điều trị khỏi.
- Một số yếu tố khác: Các nguyên nhân có thể gây thoái hóa võng mạc khác như tổn thương giai đoạn sơ sinh, em bé bị sinh non, do nhiễm tia phóng xạ, yếu tố lão hóa tự nhiên của cơ thể,...
Những đối tượng có nguy cơ bị thoái hóa võng mạc ngoài những bệnh nhân cao tuổi còn xảy ra ở người trẻ, những người phải làm việc liên tục, tiếp xúc với máy tính, thiết bị khoan cắt không bảo vệ mắt đúng cách. Ngoài ra, người có tiền sử gia đình mắc bệnh, người bị tiểu đường, huyết áp cao, bị đục thủy tinh thể,... cũng có nguy cơ thoái hóa võng mạc cao.
Việc nhận diện nguyên nhân gây thoái hóa võng mạc góp phần giúp bác sĩ đưa ra giải pháp điều trị phù hợp cho người bệnh. Bệnh nhân nên chủ động khám sức khỏe khi phát hiện cơ thể có biểu hiện bất thường. Điều trị các bệnh lý về mắt càng sớm càng tốt, giảm thiểu rủi ro tổn thương võng mạc nặng và nhiều biến chứng khác.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Ở giai đoạn đầu thoái hóa võng mạc bệnh nhân thường không phát hiện điều bất thường ở mắt. Tuy nhiên khi bệnh ngày càng phát triển, các tổn thương ở mắt rõ nét hơn kéo theo nhiều triệu chứng ảnh hưởng thị giác. Bệnh tiến triển âm thầm, khó nhận biết sớm cũng là khó khăn cho bệnh nhân trong việc khám và điều trị bệnh.
Đến khi thoái hóa võng mạc tiến triển nặng, người bệnh suy giảm thị lực, khó nhìn và nhiều triệu chứng khác. Những biểu hiện của bệnh thường gặp như:
- Người bệnh nhân thấy thị lực suy giảm, nhìn mờ tại vùng trung tâm. Nhiều bệnh nhân đã nhầm lẫn tình trạng này với tật khúc xạ mắt dẫn đến việc điều trị sai cách, bệnh tiếp tục tiến triển phức tạp hơn.
- Người bị thoái hóa võng mạc đột ngột bị suy giảm thị lực, thậm chí có thể bị mù lòa.
- Thoái hóa khiến việc nhìn hình ảnh thường trở nên méo mó, dị dạng, đường thẳng trở nên cong vẹo bất thường.
- Mắt có điểm mờ, rối loạn màu sắc, nhìn vật mờ nhạt hoặc đôi lúc nhìn một vật thành hai.
Bệnh nhân bị thoái hóa võng mạc thường không có cảm giác đau nhức như các bệnh lý khác. Ngoài các triệu chứng điển hình kể trên, một số triệu chứng liên quan đến cảm giác sinh hoạt cũng có khả năng là dấu hiệu nhận biết bệnh thoái hóa võng mạc:
- Nhìn không rõ những vật ở xa, cần nhiều ánh sáng trong quá trình đọc chữ, đi xuống cầu thang, nhìn vào những tờ giấy có nhiều màu sắc.
- Mắt thường mờ, nhòe khi tập trung nhìn vào một điểm, đặc biệt khi đọc sách hay nhìn lâu thậm chí người bệnh đột ngột không nhìn thấy chữ.
- Hiện tượng đường lằn thẳng trở nên cong vẹo, uốn vòng rồi dần trở nên mờ nhạt.
Khi nhận thấy mắt có những dấu hiệu bất thường kể trên, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ. Kiểm tra mắt chuyên sâu, khai báo các triệu chứng đang gặp phải giúp bệnh nhân sớm chẩn đoán phát hiện bệnh và điều trị.
Chẩn đoán
Khai báo với bác sĩ các dấu hiệu bất thường ở mắt để được hỗ trợ sớm, bệnh nhân được chỉ định thực hiện các kiểm tra cần thiết cho việc chẩn đoán bệnh, bao gồm:
- Kiểm tra thị lực: Người bệnh thực hiện các bài kiểm tra đánh gia tầm nhìn, phân biệt tiêu điểm, vật thể.
- Kiểm tra đáy mắt: Phương pháp soi đáy mắt được chỉ định giúp tìm ra sự bất thường người bệnh đang gặp phải. Bác sĩ tiến hành dùng thuốc nhỏ giúp đồng tử giãn ra, sau đó sử dụng thấu kính để kiểm tra tế bào võng mạc mắt người bệnh có bất thường hay không.
Biến chứng và tiên lượng
Thoái hóa võng mạc là một trong những bệnh lý về mắt có nhiều rủi ro biến chứng. Đặc biệt là do bệnh diễn biến âm thầm, người bệnh dễ nhầm lẫn triệu chứng thoái hóa võng mạc với các tật về mắt khác. Việc chủ quan không khám chữa sớm có thể khiến người bệnh gặp phải nhiều biến chứng.
Tuy không trực tiếp đe dọa tính mạng, tuy nhiên tình trạng thoái hóa có thể kéo theo các hệ lụy, điển hình là nguy cơ suy giảm thị lực dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Ngoài ra, tình trạng mắt nhìn kém còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, đời sống của người bệnh.
Do đó, các chuyên gia khuyến khích người bệnh nên chủ động đến gặp bác sĩ sớm. Khám và điều trị thoái hóa võng mạc cũng như các tật về mắt khác càng sớm càng tốt, phòng ngừa rủi ro không mong muốn gây hại sức khỏe.
Điều trị
Bác sĩ thăm khám, xác nhận tình hình sức khỏe của mắt và đưa ra các chỉ dẫn cần thiết. Người bệnh tùy từng mức độ thoái hóa võng mạc nặng hay nhẹ sẽ được hướng dẫn phác đồ kiểm soát, điều trị bệnh sao cho phù hợp nhất. Dưới đây là những phương pháp được áp dụng:
- Phương pháp quang đông laser: Áp dụng trong điều trị các bệnh lý về mắt, trong đó có hiện tượng thoái hóa võng mạc. Bác sĩ sử dụng máy móc chuyên dụng chiếu laser giúp ngăn hiện tượng xuất huyết dịch kính, giảm rủi ro thoái hóa tiến triển nặng, bảo vệ hoàng điểm. Bệnh nhân phải thực hiện quang đông laser nhiều lần. Sau điều trị tình trạng thoái hóa có thể tái phát nhất là khi bệnh nhân không chăm sóc mắt đúng cách.
- Sử dụng tế bào gốc đa năng: Phương pháp cải tiến mới được ứng dụng trong điều trị bệnh thoái hóa võng mạc. Thông qua sử dụng tế bào gốc được nuôi cấy đưa vào cơ thể giúp tái tạo tế bào võng mạc mắt cho bệnh nhân. Phương pháp đang trong quá trình thử nghiệm với hi vọng mang đến nhiều kết quả khả quan, giúp bệnh nhân phòng ngừa nguy cơ mù lòa vĩnh viễn. Hiện nay sử dụng tế bào gốc trong điều trị thoái hóa võng mạc vẫn chưa được áp dụng rộng rãi như các phương án điều trị khác.
- Phương pháp sử dụng thuốc: Chỉ định cho đối tượng thoái hóa võng mạc thể ướt, có dấu hiệu phù hoàng điểm liên quan đến bệnh lý mãn tính như tiểu đường hoặc các vấn đề tắc tĩnh mạch,... Thuốc kháng yếu tố tăng trưởng được sử dụng nhằm kiểm soát triệu chứng ngăn ngừa biến chứng thoái hóa. Bệnh nhân được kê đơn sử dụng thuốc phù hợp. Thận trọng tác dụng phụ khi dùng thuốc, thông báo bác sĩ khi phát hiện cơ thể có những biểu hiện bất thường.
Bất kỳ giải pháp can thiệp nào cũng sẽ có ưu và nhược điểm riêng. Bệnh nhân sẽ được thăm khám, kiểm tra thận trọng trước khi đưa ra phương án điều trị phù hợp. Khuyến khích người bệnh nên khám chữa sớm, tìm đến bệnh viện uy tín để thực hiện. Đồng thời cần điều chỉnh thói quen sống, chăm sóc sức khỏe để bệnh sớm cải thiện.
Phòng ngừa
Thoái hóa võng mạc có thể gây biến chứng mù lòa vĩnh viễn. Người bệnh có thể bị suy giảm thị lực đột ngột, mờ và sau đó nặng dần, không nhìn thấy. Mặc dù không nguy hiểm tính mạng tuy nhiên bệnh lý lại ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đời sống, sức khỏe.
Chính vì thế, khuyến khích mọi người nên chủ động khám và điều trị bệnh sớm. Ngoài ra, bác sĩ cũng đề cập đến các biện pháp phòng ngừa, nâng cao ý thức cảnh giác bệnh cho mọi người. Một vài lưu ý như:
- Bảo vệ mắt, sử dụng kính bảo hộ khi làm việc nơi có nhiều bụi, ánh sáng độc hại. Ngoài ra, bạn cũng nên mang kính bảo hộ khi vui chơi những môn thể thao có khả năng gây ảnh hưởng đến mắt. Bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn, tia bức xạ,... giảm nguy cơ gây bệnh về mắt, trong đó có hiện tượng thoái hóa võng mạc.
- Thường xuyên theo dõi các chỉ số sức khỏe, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường, kiểm tra chỉ số đường huyết để kịp thời đưa ra các xử lý khi cần thiết.
- Hạn chế đưa tay lên dụi mắt, sử dụng khăn hoặc đồ vật cứng tác động lên mắt có thể khiến giác mạc bị xước. Nếu không được chăm sóc đúng cách khi bị xước giác mạc vi khuẩn tấn công làm tình trạng tổn thương mắt trở nên nghiêm trọng hơn.
- Trường hợp mắt có dị vật lọt vào nên rửa với nước sạch, dùng tăm bông nhẹ nhàng lấy dị vật ra. Nếu tổn thương nặng hơn phải nhờ sự can thiệp của nhân viên y tế.
- Bổ sung cho cơ thể đầy đủ chất, hạn chế nhìn vào màn hình máy tính quá lâu, nên dành thời gian cho cơ thể được nghỉ ngơi, mắt thư giãn. Hạn chế làm việc quá sức, không nên hút thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cũng là giúp bảo vệ đôi mắt sáng khỏe.
- Kiểm tra mắt khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, sớm phát hiện và điều trị giúp bạn phòng tránh nhiều rủi ro.
Có thể bạn quan tâm: Bong võng mạc: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
Những câu hỏi quan trọng khi khám
1. Mắt tôi bị mờ, thường xuyên chảy nước mắt có phải bị thoái hóa võng mạc không?
2. Nguyên nhân gây thoái hóa võng mạc là gì?
3. Tôi có thể nhận biết thoái hóa võng mạc thông qua các triệu chứng gì?
4. Trường hợp thoái hóa võng mạc nặng tôi gặp biến chứng gì?
5. Khi nào tôi cần điều trị thoái hóa võng mạc?
6. Tình trạng thoái hóa võng mạc sau điều trị có tái phát không?
7. Tôi cần làm gì trong thời gian điều trị để mắt phục hồi tốt nhất?
Thoái hóa võng mạc là bệnh về mắt nguy hiểm, bệnh nhân khám và điều trị bệnh không đúng cách, chậm trễ có thể gặp phải biến chứng. Mặc dù không đe dọa tính mạng, tuy nhiên mắt là cơ quan quan trọng, nếu bị tổn thương, mắc bệnh lý kéo dài dẫn đến suy giảm thị lực, ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, đời sống. Do đó, bạn đọc nên sớm khám và điều trị bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe.