Bệnh Hở Van Tim

Hở van tim là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến bên cạnh bệnh hẹp van tim. Van tim bị hở ở các vị trí như van 2 lá, 3 lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi gây rối loạn tuần hoàn máu và kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh nếu không điều trị kịp thời. 

Hở van tim là bệnh lý tim mạch nguy hiểm xảy ra khi các lá van không đóng kín hoàn toàn khiến máu trở bị tràn ngược về buồng tim

Tổng quan

Hệ thống van tim là một hệ thống kín với cấu trúc gồm van 2 lá, van 3 lá, van động chủ và van động mạch phổi. Chức năng chính là điều hướng dòng máu ra vào giữa các buồng tim theo nguyên tắc một chiều. Tuy nhiên, hở van tim có thể xảy ra khi cấu trúc van tim bị tổn thương dẫn đến suy giảm chức năng.

Hở van tim (Regurgitation) còn được gọi là bệnh suy van, là tình trạng các van tim đóng lại không kín do vòng van bị thoái hóa, giãn, dính, co rút hoặc hệ thống dây chằng bị van tim có kích thước quá dài... Hậu quả khiến dòng máu lưu thông 1 chiều bị đẩy ngược về phía tim tại thời điểm van đóng. Trong trường hợp này, tim phải hoạt động nhiều hơn để bù đắp lại khối lượng máu bị thiếu hụt cho cơ thể, lâu ngày dẫn đến suy tim.

Phân loại

Hở van tim được phân chia làm nhiều dạng dựa vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Cụ thể như sau:

Hở van tim gồm 4 dạng chính là van 2 lá, van 3 lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ

# 4 dạng hở van tim chính gồm:

  • Hở van tim 2 lá: Xảy ra khi van 2 lá không đóng kín khiến máu bị đẩy ngược trở về nhĩ trái;
  • Hở van tim 3 lá: Xảy ra khi van 3 lá không đóng kín khiến máu chảy ngược từ thất tái lên nhĩ trái;
  • Hở van động mạch phổi: Xảy ra khi van động mạch phổi không đóng kín khiến máu bị đẩy ngược từ động mạch phổi về tâm thất phải;
  • Hở van động mạch chủ: Xảy ra khi máu từ động mạch chủ bị đẩy ngược về buồng thất trái;

# 4 cấp độ bệnh hở van tim cơ bản được chẩn đoán thông qua hình ảnh siêu âm tim, gồm:

  • Mức độ nhẹ (hở van tim 1/4) với tỷ lệ hở khoảng 20%;
  • Mức độ trung bình (hở van tim 2/4)với tỷ lệ hở khoảng 21 - 40%;
  • Mức độ nặng (hở van tim 3/4) với tỷ lệ hở khoảng 40%;
  • Mức độ rất nặng (hở van tim 4/4) là tình trạng van tim bị hở hoàn toàn;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Bệnh hở van tim xảy ra do các nguyên nhân sau:

Hở van tim có thể là một dị tật tim bẩm sinh hoặc mắc phải do các tổn thương, bệnh lý tim mạch

  • Bẩm sinh: Hở van tim là một trong những dị tật tim bẩm sinh xảy ra phổ biến. Cấu trúc van tim xuất hiện bất thường ngay khi trẻ còn ở trong bụng mẹ. Vị trí van tim bị hở bẩm sinh thường là van động mạch chủ.
  • Các bệnh về cơ tim: Các bệnh lý về cơ tim thường được hình thành khi trẻ còn là bào thai hoặc là biến chứng của các bệnh lý như viêm nội tâm mạc, nhiễm virus... Cấu trúc tim bị thay đổi kéo theo các cơ van tim, buồng tim bị giãn, gây hở van tim và nhiều dạng tổn thương khác.
  • Bệnh thấp tim: Thấp tim là một dạng bệnh tim tự miễn khá phổ biến, xảy ra sau đợt viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng viêm tim, viêm khớp, phát ban..., Trong đó, tình trạng viêm tiến triển quá mức có thể làm vôi hóa, dày dính van tim, khiến nó không thể đóng kín lại hoàn toàn.
  • Các tổn thương thực thể: Các tổn thương van tim như đứt giãn cơ giữ van tim, giãn hở dây chằng van tim... không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cũng có thể làm tăng nguy cơ hở van tim.
  • Lão hóa: Van tim cũng như bất kỳ cơ quan, bộ phận nào khác trên cơ thể, sẽ dần bị lão hóa và suy giảm chức năng khi lớn tuổi. Chỉ những người có chế độ chăm sóc sức khỏe tốt, đặc biệt là sức khỏe tim mạch mới có thể giảm nguy cơ mắc phải bệnh lý này.

Yếu tố nguy cơ 

Ngoài những nguyên nhân trên, còn có nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khởi phát hở van tim gồm:

  • Bệnh u tim;
  • Hội chứng Marfan;
  • Các bệnh lý hệ thống như đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống...;
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc tân dược;
  • Thói quen nghiện rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác;
  • Chế độ ăn uống dư thừa cholesterol;
  • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Hở van tim là tổn thương diễn ra bên trong cơ thể và tiến triển âm thầm trong thời gian dài nên rất khó nhận biết, chỉ phát hiện khi van tim đã hở mức độ 3 hoặc 4. Tuy nhiên, dựa trên thăm khám lâm sàng, bác sĩ cho biết bệnh nhân hở van tim sẽ có các biểu hiện sau:

Khó thở, mệt mỏi là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh hở van tim

  • Khó thở, thở gấp, hụt hơi, nhất là khi nằm do cơ thể thiếu máu chứa oxy;
  • Tim đập nhanh liên hồi nhưng không phải do rối loạn nhịp tim;
  • Mệt mỏi, yếu sức, uể oải và dễ ngất xỉu khi thực hiện các hoạt động gắng sức;
  • Kèm theo các triệu chứng khác như:
    • Chóng mặt, hoa mắt, đau đầu nhẹ;
    • Ho khan, nhất là vào ban đêm;
    • Sưng phù chân, mắt cá chân;
    • Sốt nếu có dấu hiệu viêm nội tâm mạc;
    • Tăng tần suất tiểu về đêm nhưng lượng nước tiểu giảm;
    • Trường hợp nặng có thể gây choáng nặng, da tái nhợt, thở nhanh, thay đổi tri giác, hôn mê bất tỉnh...;

Khi có các triệu chứng bất thường trên, nhất là khó thở nặng, bệnh nhân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán chính xác, có hướng điều trị kịp thời, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.

Chẩn đoán 

Thăm khám lâm sàng thông qua đánh giá các triệu chứng do bệnh nhân cung cấp và khai thác tiền sử bệnh lý cá nhân, gia đình. Sau đó, tiến hành kiểm tra tim bằng ống nghe để tìm các âm thanh như nhịp đập của tim, tiếng thổi, tiếng rít, tiếng click và nhiều âm thanh bất thường khác do máu chảy ngược về buồng tim trên.

Chẩn đoán hở van tim thông qua khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh

Nếu nghi ngờ hở van tim, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán chính xác hở van tim.

  • Điện tâm đồ;
  • Siêu âm tim;
  • Chụp X quang tim;
  • Chụp cộng hưởng từ MRI;
  • Thông tim;
  • Chụp cản quang có dùng catheter (cardiac catheterization);
  • ...

Biến chứng và tiên lượng

Hở van tim khiến dòng máu chảy bất thường không theo nguyên tắc một chiều, máu càng trào ngược về phía tim càng khiến tim cố gắng bơm đẩy ra ngoài để nuôi dưỡng các phần còn lại trong cơ thể. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Hở van tim mức độ nặng làm tăng nguy cơ biến chứng suy tim, đột quỵ và tử vong nếu chủ quan không điều trị

  • Rối loạn nhịp tim;
  • Suy tim;
  • Tăng áp động mạch phổi (thường xảy ra ở những bệnh nhân hở van động mạch chủ và hở van 2 lá);
  • Nhồi máu cơ tim do tắc nghẽn động mạch vành;
  • Tai biến mạch máu não (đột quỵ) và tử vong;

Tiên lượng bệnh hở van tim nặng hay nhẹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ hở cấp độ nào, thể trạng sức khỏe của bệnh nhân, các biến chứng đang mắc phải, phương pháp điều trị... Việc phát hiện hở van tim sớm và điều trị kịp thời có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn chức năng van tim nói riêng và sức khỏe tim mạch nói chung, tránh biến chứng nguy hiểm nhất là tử vong, kéo dài tuổi thọ.

Theo một khảo sát, tỷ lệ bệnh nhân hở van tim có bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp, ung thư, suy tim... có thời gian sống thấp hơn những người bị hở van tim đơn thuần.

Điều trị

Hở van tim là bệnh lý tim mạch có thể chữa khỏi được nếu áp dụng đúng phương pháp ở từng giai đoạn bệnh cụ thể. Một số biện pháp chính như dùng thuốc trong trường hợp bệnh nhẹ và can thiệp phẫu thuật trong trường hợp bệnh nặng.

1. Điều trị nội khoa

Những bệnh nhân bị hở van tim độ 1 & 2 với mức độ hở ít, triệu chứng bệnh không nghiêm trọng sẽ được chỉ định dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng, giảm áp lực cho tim. Tuy nhiên, dùng thuốc chỉ có tác dụng tạm thời, làm chậm tiến triển bệnh chứ không thể làm cho van tim đóng kín lại.

Dùng thuốc trị hở van tim nhằm mục đích cải thiện triệu chứng và làm chậm tiến triển bệnh

Các loại thuốc trị hở van tim thường dùng như:

  • Thuốc lợi tiểu: Giúp kiểm soát lượng chất lỏng trong máu và các mô nhằm giảm áp lực cho tim. Các loại thường dùng như Furosemide, Spironolactone...;
  • Thuốc chống đông máu: Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông do tuần hoàn máu kém. Có 3 nhóm thuốc chống đông máu được dùng phổ biến trong điều trị hở van tim gồm:
    • Thuốc chống tập kết tiểu cầu (điển hình là Aspirin);
    • Thuốc Heparin hoặc Warfarin;
    • Thuốc làm tiêu sợi huyết (điển hình là tPA có tác dụng kích hoạt plasminogen);
  • Thuốc chẹn beta giao cảm: Có tác dụng cải thiện triệu chứng rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực do hở van tim, giảm áp lực cho tim.
  • Thuốc giãn mạch nhóm nitrate: Có tác dụng làm giãn các mach máu và giữ cho động mạch, tĩnh mạch luôn mở rộng tạo điều kiện cho quá trình tuần hoàn máu diễn ra trơn tru hơn;
  • Một số loại thuốc khác:
    • Thuốc chống loạn nhịp tim;
    • Thuốc kháng sinh giúp xử lý hoặc dự phòng nhiễm trùng;
    • Thuốc Statins hạ mỡ máu;

2. Phẫu thuật 

Những trường hợp hở van tim giai đoạn nặng, có biến chứng đe dọa tính mạng và không đáp ứng điều trị nội khoa sẽ được chỉ định phẫu thuật để phục hồi chức năng van tim, bảo toàn tính mạng cho người bệnh.

Tùy vào đánh giá mức độ tổn thương van tim mà bác sĩ sẽ cân nhắc giữa phẫu thuật sửa van tim hoặc thay thế van tim.

Phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế được chỉ định tùy mức độ hở của van tim

  • Phẫu thuật sửa van tim: Trường hợp van tim bị hở có thể sửa chữa được, bác sĩ sẽ can thiệp bằng các kỹ thuật cắt, khâu và cố định các lá van lại với nhau để chúng được khép kín.
  • Phẫu thuật thay van tim: Van tim bị tổn thương nặng, hở nhiều đến mức không còn khả năng phục hồi bắt buộc phải cắt bỏ và thay van mới nhằm phục hồi chức năng van tim. Van tim nhân tạo có nhiều loại gồm: van nhân tạo cơ học, van nhân tạo sinh học và van tim đồng loại. Trong đó, van cơ học và sinh học là 2 loại phổ biến nhất được dùng để thay thế cho bệnh nhân bị hở van tim.

Phẫu thuật thay van tim là phương pháp điều trị hở van tim triệt để, đem lại hiệu quả cao nhưng không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng được. Chỉ những bệnh nhân còn trẻ, đang không dùng các loại thuốc chống đông... mới được thực hiện thay van tim. Tùy vào tình trạng sức khỏe và điều kiện kinh tế mà bác sĩ sẽ thực hiện thay van tim bị hở bằng phương pháp mổ hở truyền thống, mổ nội soi hoặc can thiệp mạch.

3. Chăm sóc tích cực tại nhà 

Bên cạnh tuân thủ tuyệt đối các chỉ định điều trị y tế chuyên sâu, bệnh nhân hở van tim cũng cần thực hiện chế độ chăm sóc tích cực nhằm hỗ trợ cải thiện triệu chứng, hồi phục sức khỏe nhanh hơn và rút ngắn thời gian điều trị.

Nghỉ ngơi, ăn uống và sinh hoạt khoa học là những yếu tố cần thiết để bệnh nhân hở van tim sớm phục hồi sức khỏe

  • Có chế độ ăn uống khoa học, đủ chất thông qua các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch;
  • Hạn chế sử dụng muối trong chế biến khẩu phần ăn hàng ngày, khuyến cáo < 3g;
  • Tránh các loại thực phẩm giàu chất béo, chế biến chiên xào nhiều dầu mỡ;
  • Nói không với các chất kích thích;
  • Kiểm soát lượng nước đưa vào cơ thể đảm bảo phù hợp với nhu cầu của cơ thể nhưng không làm tăng nặng triệu chứng phù;
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, chăm sóc răng nướu kỹ càng để giảm nguy cơ nhiễm trùng;
  • Kiểm tra chỉ số huyết áp thường xuyên để xử lý kịp thời ngăn chặn biến chứng khi chì số này tăng quá mức;

Phòng ngừa

Chỉ trừ những trường hợp hở van tim bẩm sinh do di truyền gen bệnh từ bố mẹ, tất cả những trường hợp còn lại đều có thể dự phòng được bằng một lối sống khoa học và lành mạnh.

Dự phòng hở van tim bằng một lối sống sinh hoạt lành mạnh và tầm soát bệnh lý tim mạch định kỳ

  • Chế độ dinh dưỡng khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự khỏe mạnh của tim. Tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin khoáng chất như rau xanh, củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt... và hạn chế các loại thực phẩm bẩn, không dinh dưỡng.
  • Tập thể dục thể thao vừa là biện pháp rèn luyện thể chất tích cực vừa giúp nâng cao sức đề kháng, giúp các cơ quan nội tạng trong cơ thể khỏe mạnh, trong đó có sức khỏe tim mạch, phòng ngừa hở van tim.
  • Kiểm soát cân nặng trong mức ổn định, ngăn ngừa thừa cân béo phì.
  • Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi điều độ, không nên làm việc quá sức, thoải mái tinh thần, tránh áp lực, căng thẳng kéo dài gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tim mạch.
  • Phụ nữ mang thai cần có chế độ chăm sóc thai kỳ kỹ lưỡng, tránh tiếp xúc với các tác nhân có hại cho sự phát triển tim mạch của thai nhi, phòng ngừa dị tật tim bẩm sinh.
  • Khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/ lần và tầm soát các bệnh lý tim mạch thường xuyên để sớm phát hiện bất thường hở van tim, điều trị kịp thời, ngăn chặn biến chứng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi thường xuyên bị khó thở, yếu sức nhất là khi làm việc nặng có phải dấu hiệu của bệnh tim không?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị hở van tim?

3. Tôi bị hở van tim dạng nào? Dạng này có nguy hiểm không?

4. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi ra sao?

5. Tôi phải làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán hở van tim?

6. Điều trị hở van tim bằng thuốc có hiệu quả không?

7. Trường hợp hở van tim của tôi có cần phẫu thuật không?

8. Chi phí điều trị hở van tim nội trú tốn bao nhiêu? BHYT có hỗ trợ không?

9. Quá trình điều trị hở van tim mất bao lâu?

10. Sau điều trị, hở van tim có tái phát lại không?

Những rủi ro và biến chứng nguy hiểm của bệnh hở van tim được các chuyên gia khuyến cáo rất nhiều trong cộng đồng. Vì bệnh tuy nguy hiểm nhưng vẫn có thể điều trị được nếu phát hiện sớm và đặc biệt có thể dự phòng được bằng một lối sống khoa học. Do đó, hãy chủ động thăm khám sớm ngay khi phát hiện các bất thường được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.