Hội chứng không dung nạp Lactose

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Hội chứng không dung nạp Lactose (Lactose Intolerance) là một dạng rối loạn tiêu hóa phổ biến có thể ảnh hưởng đến bất kỳ đối tượng nào. Nguyên nhân xuất phát từ việc ruột non không có khả năng tiêu hóa đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Hậu quả gây các triệu chứng tiêu hóa bất thường như đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng, nôn ói... Do có liên quan đến yếu tố di truyền nên không có cách điều trị và phòng ngừa đặc hiệu tốt nhất. 

Tổng quan

Hội chứng không dung nạp Lactose (Lactose Intolerance) xảy ra khi cơ thể không thể tiêu hóa và dung nạp được đường trong sữa. Điều này gây ra hàng loạt các triệu chứng bất thường về tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng, đầy bụng, buồn nôn... Một số loại thực phẩm có liên quan đến tình trạng này như sữa, kem, kem tươi, phô mai, sữa chua, pizza, mì ống...

Không dung nạp Lactose là tình trạng cơ thể không thể hấp thu đường có trong sữa và các chế phẩm từ sữa

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa hội chứng không dung nạp Lactose với tình trạng dị ứng sữa. Tuy nhiên, đây là 2 hiện tượng hoàn toàn khác nhau về cơ chế gây bệnh và triệu chứng. Bản chất của không dung nạp Lactose là vấn đề thuộc về hệ tiêu hóa, còn dị ứng sữa có tính chất nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp có thể gây sốc phản vệ đe dọa tính mạng.

Đây là hội chứng rối loạn tiêu hóa phổ biến trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trưởng thành. Các chuyên gia đánh giá không dung nạp Lactose là hội chứng không quá nghiêm trọng, có thể kiểm soát và cải thiện được nếu có hướng điều trị phù hợp.

Phân loại

Dựa vào căn nguyên khởi phát, không dung nạp Lactose được phân chia làm 3 dạng chính gồm: nguyên phát, thứ phát và bẩm sinh.

  • Thể nguyên phát: Là tình trạng không dung nạp được đường sữa do cơ thể không sản xuất đủ lượng lactase, một loại enzyme chịu trách nhiệm phân hủy đường trong sữa.
  • Thể thứ phát: Xảy ra khi khả năng sản xuất lactase trong cơ thể bị giảm đáng kể do một tình trạng sức khỏe nào đó như bệnh Crohn, bệnh Celiac...
  • Thể bẩm sinh hoặc phát triển: Đây là một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp gây ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh. Trẻ sinh ra hoàn toàn không có chức năng sản xuất men lactase mới gây ra các triệu chứng không dung nạp Lactose. Rối loạn này có thể di truyền từ bố mẹ sang con cái và thường là theo cơ chế gen lặn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Các chuyên gia khẳng định có 2 yếu tố quan trọng góp phần vào tình trạng không dung nạp đường trong sữa đó là khả năng kém hấp thu và sự nhạy cảm quá mức của đường ruột. Trong đó, khả năng hấp thu kém lactose là yếu tố quan trọng nhất. Khi cơ thể không có khả năng phân hủy và hấp thu đường sữa tại ruột non, đến khi đến ruột già sẽ gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa khó chịu.

Hội chứng không dung nạp Lactose thường xảy ra do thiếu hụt lactase, một loại enzymes phân hủy đường lactose trong ruột non

Thiếu hụt lactase 

Ruột non cần một loại enzyme là lactase để phân hủy đường trong sữa thành các phân tử nhỏ để dễ dàng hấp thụ. Cơ thể con người có khả năng sản xuất lactase trong ruột non một cách tự nhiên ngay từ khi sinh ra, điều này giúp dễ dàng tiêu hóa và hấp thu sữa mẹ.

Tuy nhiên, khi đến khoảng 5 tuổi cơ thể sẽ bắt đầu giảm sản xuất lactase. Khi không đủ enzyme hoặc hoàn toàn không có enzyme này sẽ gây ra tình trạng không dung nạp Lactose. Điều khiến sữa đi vào ruột già và gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Đây cũng là lý do vì sao tình trạng không dung nạp Lactose thường xảy ra khi trưởng thành.

Đột biến gen và di truyền

Hội chứng không dung nạp Lactose bẩm sinh xảy ra ở trẻ vừa chào đời được xác định có liên quan đến đột biến gen LCT. Đây là loại gen có khả năng tạo ra enzyme lactase. Dạng đột biến này làm thay đổi chức năng của lactase trong cơ thể trẻ. Hậu quả làm giảm khả năng tiêu hóa lactose trong cả sữa lẫn sữa công thức.

Đối với độ tuổi trưởng thành, hội chứng không dung nạp Lactose xảy ra là do chức năng gen LCT giảm dần khả năng hoạt động sau thời kỳ thơ ấu. Cụ thể, chuỗi ADN nằm trong gen MCM6 có khả năng kiểm soát chức năng hoạt động của gen LCT. Nếu không có gen đột biến này, gen LCT sẽ bị ức chế và dần giảm khả năng hấp thu lactose, dẫn đến các triệu chứng không dung nạp Lactose.

Ảnh hưởng từ các vấn đề sức khỏe đường tiêu hóa

Dạng không dung nạp Lactose này xảy ra khi ruột non bắt đầu có những dấu hiệu giảm hoặc ngưng sản xuất lactase sau khi gặp các vấn đề như chấn thương, hậu phẫu thuật liên quan đến ruột non hoặc sau các bệnh lý đường tiêu hóa như chứng loạn khuẩn, bệnh Crohn, bệnh Celiac...

Các bênh lý đường tiêu hóa như bẹnh Celiac, Crohn, viêm ruột... cũng góp phần khởi phát hội chứng không dung nạp Lactose

Một số yếu tố nguy cơ khác 

Ngoài các nguyên nhân trên, còn nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khởi phát hội chứng không dung nạp Lactose như:

  • Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh khi sử dụng trong thời gian dài;
  • Nhiễm trùng đường ruột;
  • Sự phát triển bất thường của hệ vi sinh đường ruột;
  • Người trưởng thành có tỷ lệ mắc cao hơn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ;
  • Trẻ sinh non dễ mắc tình trạng này do ruột non kém phát triển ngay trong tam cá nguyệt thứ ba, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất lactase;
  • Những người gốc châu Á, châu Phi và Tây Ban Nha có tỷ lệ mắc hội chứng không dung nạp Lactose cao hơn những gốc châu Âu;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Mỗi trường hợp bệnh cụ thể sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Một số người có thể chỉ bị nhẹ nhưng cũng có những người gặp triệu chứng nghiêm trọng, cần can thiệp điều trị y tế.

Nhưng về cơ bản, khi đã mắc hội chứng không dung nạp Lactose sẽ gây ra một số triệu chứng chung sau đây:

Bệnh nhân khi không dung nạp Lactose sẽ gây triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, nôn ói...

  • Đau bụng, chuột rút: Đây là 2 triệu chứng phổ biến thường đi chung với nhau ở những người mắc hội chứng không dung nạp Lactose. Chúng xảy ra khi lượng đường sữa không được phân hủy và hấp thu đúng cách, khi vào ruột già lên men và gây chướng bụng, đầy hơi, đau bụng, chuột rút.
  • Tiêu chảy: Hầu hết bệnh nhân không dung nạp Lactose đều thường xuyên bị tiêu chảy ngay sau khi ăn. Nguyên nhân là do đường sữa không được tiêu hóa hết, đi vào ruột kết khiến phân lỏng, nhiều nước.
  • Buồn nôn & nôn ói: Cảm giác buồn nôn, nôn ói rất hay xảy ra ngay sau khi bạn tiêu thụ sữa hoặc các sản phẩm từ sữa. Vì ruột non không thể hấp thu được khiến niêm mạc dạ dày bị kích ứng quá mức, dẫn đến cảm giác buồn nôn, nôn ói.
  • Đầy hơi, chướng bụng: Đường trong sữa không tiêu hóa và hấp thu được tích tụ trong ruột già, sau đó bị vi khuẩn lên men và sinh ra khí gây ra cảm giác đầy hơi, chướng bụng khó chịu.
  • Táo bón: Nhiều người hợp không dung nạp Lactose cũng có thể gây ra táo bón thay vì tiêu chảy. Tình trạng này xảy ra khi đường sữa không được tiêu hóa, ứ đọng trong ruột già và hút hết nước, khiến phân cứng, khô dẫn đến táo bón, khó đại tiện.

Ngoài ra, khi gặp phải hội chứng này bạn cũng sẽ phát triển kèm theo nhiều triệu chứng sức khỏe khó chịu khác như đau đầu, mệt mỏi, suy nhược, sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi do tình trạng viêm trong ruột già...

Thông thường, sau khoảng 1 - 2 ngày khi dung nạp đường sữa các triệu chứng không dung nạp Lactose mới xảy ra. Bởi vì phải mất 6 - 10 tiếng thực phẩm mới có thể đi xuống ruột già và mất thêm 24 - 36 tiếng mới có thể đi qua khỏi ruột già.

Chẩn đoán

Nếu nghi ngờ bản thân không đang mắc chứng không dung nạp Lactose với các triệu chứng vừa kể trên, nhất là sau khi tiêu thụ các sản phẩm từ sữa, hãy thăm khám ngay và thông báo cho bác sĩ để được chẩn đoán, tư vấn biện pháp điều trị phù hợp.

Các thử nghiệm dung nạp đường sữa, xét nghiệm máu hoặc đo hơi thở hydro có thể giúp chẩn đoán chính xác mức độ không dung nạp Lactose

Các bước chẩn đoán tình trạng không dung nạp Lactose như sau:

  • Khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng đang gặp phải, thói quen ăn uống và tiền sử bệnh, tiền sử gia đình để xác định xem hội chứng không dung nạp Lactose có phải nguyên nhân gây ra các triệu chứng này hay không. Đồng thời, có thể kiểm tra thêm các dấu hiệu khác như mất nước, suy dinh dưỡng hoặc biến chứng khác.
  • Thử nghiệm dung nạp đường sữa: Đây là thử nghiệm phổ biến nhất được dùng để chẩn đoán hội chứng này. Để thực hiện, bệnh nhân uống một ly sữa có đường, sau đó tiến hành đo lượng đường trong máu trong một khoảng thời gian cố định. Nếu chỉ số đường huyết trong máu không tăng so với ban đầu, chứng tỏ cơ thể bạn không thể hấp thu đường trong sữa.
  • Xét nghiệm hơi thở hydro: Được thực hiện bằng cách đo lượng khí hydro và metan trong hơi thở mỗi khi thở ra. Đây là 2 sản phẩm thường thấy do hiện tượng vi khuẩn lên men trong ruột già và tạo ra. Nếu 2 chỉ số này ở mức cao sau khi tiêu thụ đường sữa, chứng tỏ chúng đang được lên men trong ruột già chứ không được ruột non hấp thụ như bình thường.
  • Kiểm tra mức độ chua của phân: Thường được chỉ định áp dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Được thực hiện sau khi trẻ được cho uống sữa và đi ngoài, mẫu phân được lấy để tiến hành xét nghiệm, phân tích hàm lượng đo nồng độ axit lactic cùng các sản phẩm phụ khác. Kết quả này sẽ cho thấy việc cơ thể có hấp thu đường sữa tốt hay không.

Biến chứng và tiên lượng

Hội chứng không dung nạp Lactose là dạng rối loạn tiêu hóa phổ biến và gây ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng của bạn. Việc không thể dung nạp đường trong sữa quá lâu có thể khiến bạn bị thiếu canxi và vitamin D. Hậu quả gây ảnh hưởng đến hệ cơ, xương và cả hệ thần kinh.

Tình trạng này nếu xảy ra ở trẻ em có thể khiến trẻ chậm phát triển và còi cọc hơn những trẻ đồng trang lứa. Đối với người trưởng thành việc thiếu canxi và vitamin D có thể gây suy nhược thần kinh, tăng nguy cơ loãng xương và có bất thường về khả năng điều tiết hệ thần kinh, khiến tinh thần bất ổn, mệt mỏi, hay quên, dễ cáu gắt, đau đầu...

Tùy theo căn nguyên gây ra hội chứng không dung nạp Lactose mà tiên lượng bệnh sẽ khác nhau. Trường hợp do ruột non tổn thương có thể cải thiện tốt sau khi ruột non phục hồi. Hoặc nếu tổn thương vĩnh viễn thì hội chứng này cũng rất có thể sẽ đi theo bạn cả đời. Do đó, tốt nhất người bệnh nên chủ động thăm khám sớm để phát hiện các dấu hiệu bất thường và kịp thời thăm khám, đánh giá tiên lượng cũng như có hướng điều trị phù hợp.

Điều trị

Trên thực tế, hội chứng không dung nạp Lactose không có biện pháp điều trị đặc hiệu như các căn bệnh khác. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể thực hiện các biện pháp tích cực để kiểm soát triệu chứng tốt hơn.

Điều chỉnh thực đơn ăn uống

Nếu như trước đây, những người không thể dung nạp Lactose được khuyến cáo nên tránh sử dụng các thực phẩm từ sữa. Thì ngày nay, các bác sĩ sẽ khuyến nghị bạn nên thử tất cả các loại sữa để tìm ra loại ít gây triệu chứng nhất. Điều này sẽ giúp bạn có đủ các dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là canxi trong sữa.

Hạn chế sử dụng sữa và thay thế bằng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác là cách tốt nhất hạn chế tái phát triệu chứng không dung nạp Lactose

Để cải thiện thấp nhất các triệu chứng không dung nạp Lactose, hãy thử thay đổi cách sử dụng sữa sao cho phù hợp. Cụ thể như sau:

  • Chọn loại sữa ít gây ra triệu chứng không dung nạp Lactose nhất;
  • Uống lượng ít tại một thời điểm, vì lượng càng ít giúp hệ tiêu hóa ít gặp vấn đề;
  • Sử dụng sữa kết hợp với các loại thực phẩm khác giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, cải thiện các triệu chứng không dung nạp Lactose tốt hơn;
  • Có thể thay thế sữa bằng các sản phẩm từ sữa khác ít phản ứng hơn như phô mai, sữa chua lên men...;

Đồng thời, hãy cố gắng lên danh sách các loại thực phẩm khác giàu canxi và hỗ trợ tăng lactase giúp tăng cường hấp thu đường sữa. Chẳng hạn như:

  • Bông cải xanh;
  • Rau chân vịt;
  • Đậu pinto;
  • Sữa gạo, sữa đậu nành;
  • Cam;
  • Cá hồi đóng hộp;
  • Các loại đậu, hạt, ngũ cốc nguyên hạt;
  • Thịt, trứng, cá, hải sản;

Dùng thuốc hỗ trợ 

Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ dạng giọt hoặc dạng viên giúp tăng lượng enzyme lactase trong ruột non như lactaid hoặc các loại khác. Chúng có khả năng hỗ trợ tiêu hóa tốt khi bạn tiêu thụ các sản phẩm từ sữa. Bạn có thể dùng trước hoặc sau bữa ăn đều được.

Ngoài ra, có thể kết hợp sử dụng men vi sinh probiotic giúp bổ sung lợi khuẩn tốt trong ruột, nhờ đó duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Đây là phương pháp khá hiệu quả và an toàn mà những người mắc hội chứng không dung nạp Lactose nên áp dụng.

Phòng ngừa

Bản chất của hội chứng không dung nạp Lactose là một dạng di truyền bẩm sinh và khởi phát khi trưởng thành là chủ yếu. Do đó, hiện nay không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu đối với tình trạng này.

Tuy nhiên, đối với bản thân của những người đã mắc bệnh, tốt nhất nên tránh tiêu thụ sữa và các loại thực phẩm làm từ sữa. Đồng thời, thay thế nhóm thực phẩm này bằng các loại khác phù hợp hơn có chứa lactose theo hướng dẫn của bác sĩ sao cho phù hợp.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao sau khi uống sữa tôi hay bị đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng, nôn ói...?

2. Nguyên nhân khiến tôi mắc hội chứng không dung nạp Lactose?

3. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không? Có chữa khỏi được không?

4. Không dung nạp Lactose ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe của tôi?

5. Tôi nên điều trị bằng phương pháp nào tốt nhất?

6. Tôi có nên điều chỉnh thực đơn ăn uống hàng ngay cho phù hợp không?

7. Con tôi nếu bị không dung nạp Lactose có phải dùng thuốc điều trị thay thế không?

Không dung nạp Lactose gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất do liên quan đến chế độ ăn uống hàng ngày. Việc không thể sử dụng sữa dễ khiến cơ thể thiếu chất, nhất là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, khi được chẩn đoán mắc hội chứng này, hãy tích cực thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, hạn chế dùng sữa và thay thế bằng các loại thực phẩm giàu dưỡng chất khác.