Bệnh Nấm Da Đầu
Bệnh nấm da đầu khởi phát khi bị các chủng nấm Trichophyton, Pierdraiahortai hay Trichosporon beigelii tấn công. Chúng gây nổi nhiều gàu, mụn nhỏ và mang đến các cơn ngứa khiến bạn bứt rứt, mất tự tin trong cuộc sống. Nghiêm trọng hơn, bệnh còn có thể lan rộng hoặc lây nhiễm cho người khác nếu không có biện pháp phòng ngừa, điều trị tốt.
Tổng quan
Nấm da đầu là bệnh lý mổ tả tình trạng da đầu bị tổn thương, viêm nhiễm do bị nấm tấn công. Điểm đặc trưng của bệnh là sự xuất hiện của các vảy gàu kèm theo mụn nước kèm theo các cơn ngứa ngáy. Thêm vào đó, nhiều bệnh nhân còn bị gãy tóc, tóc khô xơ, hoặc thậm chí bị rụng tóc nhiều tạo thành một mảng hói trên đầu.
Bệnh nấm da đầu thường gặp ở những người vệ sinh cơ thể kém, thường xuyên để đầu tóc bị ẩm ướt. Bệnh có khả năng lan rộng và lây nhiễm cho người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Các triệu chứng do nấm da đầu gây ra không chỉ khiến bạn khó chịu, mất tự tin mà còn mang đến một số biến chứng không thể xem nhẹ.
Phân loại
Bệnh nấm da đầu được chia thành 2 loại chính gồm:
Nấm da đầu do nấm sợi Trichophyton
Trichophyton là một dạng nấm sợi được tìm thấy trong nhiều trường hợp bị nấm da đầu. Dạng nhiễm trùng này có đặc điểm như sau:
- Bệnh bắt đầu khởi phát với sự xuất hiện của những nốt sần trên da đầu. Chúng có kích thước nhỏ và dễ bị nhầm lẫn với gàu.
- Tóc dễ gãy và có thể rụng nhiều tạo thành mảng hói tạm thời
- Ngứa ở vùng da bị nhiễm nấm. Cảm giác ngứa thường dữ dội khiến người bệnh liên tục phải dùng tay gãi.
Nấm da đầu do Pierdraiahortai và Trichosporon beigelii:
Dạng nấm da đầu này còn được biết đến với tên gọi khác là trứng tóc. Các chủng vi nấm Pierdraiahortai và Trichosporon beigelii phát triển mạnh khi vệ sinh cá nhân kém, ít gội đầu và có thể lây truyền cho người khác khi dùng chung một số đồ cá nhân.
Khi bị nấm da đầu do Pierdraiahortai và Trichosporon beigelii, bạn có thể gặp các triệu chứng như:
- Thân tóc có nhiều hạt tròn mềm hình dáng tương tự như trứng chấy, màu đen hoặc nâu.
- Ngứa ít
- Không bị rụng tóc vì nấm chỉ ảnh hưởng đến phần thân tóc.
Nguyên nhân & Yếu tố nguy cơ
Bệnh nấm da đầu do vi nấm gây ra. Thường gặp nhất là các chủng nấm Trichophyton, Pierdraiahortai hay Trichosporon beigelii. Chúng tấn công vào da đầu hoặc thân tóc gây ra tình trạng ngứa ngáy, kích ứng da, nổi mụn ngứa và gàu.
Hầu hết các loại nấm gây bệnh đều có thể lây lan khi tiếp xúc da trực tiếp hoặc tiếp xúc với một số đồ dùng cá nhân người bệnh từng sử dụng, chẳng hạn như gối, nón, khăn lau đầu... Vì vậy, bạn có thể bị lây nấm da đầu từ người khác thông qua các con đường trên.
Bên cạnh đó, một số yếu tố thuận lợi có thể làm tăng nguy cơ bị nấm da đầu như:
- Da đầu ẩm ướt, nhiều dầu do rối loạn tuyến bã nhờn.
- Để đầu ướt khi đội nón, ra đường hoặc khi đi ngủ.
- Sử dụng dầu gội, dầu xả chứa thành phần không phù hợp.
- Vệ sinh da đầu kém
- Vận động, làm việc nặng nhọc khiến cho da đầu đổ nhiều mồ hôi nhưng không được gội thường xuyên tạo điều kiện cho nấm phát triển.
- Tắm gội bằng nguồn nước bẩn, bị nhiễm nấm.
- Khí hậu nóng ấm
- Thường xuyên dùng hóa chất tạo kiểu tóc
- Ngủ chung hoặc thường xuyên tiếp xúc với thú cưng trong nhà cũng có thể khiến bạn bị nhiễm nấm da đầu.
Triệu chứng & Chẩn đoán
Khi bị nấm da đầu, bạn có thể gặp các triệu chứng dưới đây:
- Da đầu nổi gàu:Trước sự tấn công của vi nấm, tuyến bã nhờn bị kích thích và tiết ra nhiều dầu nhờn. Chất này kết hợp cùng với các tế bào chết tạo thành gàu bám dính ở da đầu và tóc. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến vẻ thẩm mỹ bên ngoài và khiến bạn mất tự tin khi giao tiếp.
- Ngứa da đầu: Dưới sự kích thích của gàu và nấm, bạn có thể cảm thấy các cơn ngứa ngáy xuất hiện thường xuyên gây bứt rứt, khó chịu. Hậu quả là bạn phải dùng tay cào gãi liên tục nhưng cơn ngứa chỉ tạm thời được thỏa mãn, trong khi da đầu lại có nguy cơ bị tổn thương, chảy máu, đồng thời làm tăng nguy cơ lây lan nấm sang các khu vực chưa bị nhiễm bệnh.
- Da đầu bết dính: Đây cũng là triệu chứng thường gặp ở những người bị nấm da đầu do tuyến bã nhờn hoạt động mạnh.
- Nổi mụn nước, mẩn đỏ: Khu vực da đầu bị nhiễm trùng có thể xuất hiện nhiều mụn nước hay các nốt mụn nhỏ màu đỏ. Chúng mọc sát nhau thành cụm hoặc phân bố rải rác trên khu vực nhiễm nấm. Ở mức độ nặng, vi nấm lây lan khiến mụn nổi cả ở phần chân tóc trên trán, sau gáy hoặc ở hai bên tai. Mụn vỡ ra sẽ tiết dịch và đóng vảy.
- Rụng tóc: Lượng tóc rụng nhiều hay ít còn tùy thuộc vào loại nấm gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của nấm da đầu. Người bị bệnh do nấm Trichophyton thường bị rụng nhiều tóc hơn so với nấm da đầu do Pierdraiahortai và Trichosporon beigelii.
- Tóc khô xơ, dễ gãy: Ở vùng da đầu bị nhiễm nấm, nang tóc bị tổn thương và không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Điều này khiến cho tóc trở nên khô, xơ. Một số loại nấm phát triển trên thân tóc còn gây gãy sợi tóc.
Các bác sĩ thường dựa vào những triệu chứng trên kết hợp quan sát, kiểm tra bên ngoài để chẩn đoán bệnh nấm da đầu. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ cũng tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để soi tươi nhằm xác định được chính xác chủng nấm gây bệnh, từ đó lựa chọn thuốc và phác đồ điều trị nấm da đầu cho phù hợp.
Biến chứng & Tiên lượng
Bạn có thể chữa khỏi nấm da đầu khi phát hiện bệnh sớm và có phương pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, nếu để bệnh kéo dài sẽ có xu hướng ngày càng nặng hơn và gây ra một số biến chứng như:
- Hói đầu: Nhiều trường hợp bị nấm da đầu gây rụng tóc nhiều khiến da đầu bị hói. Các mảng hói thường có đường kính dao động từ 2 - 5cm, hình bầu dục hoặc hình tròn.
- Nhiễm nấm trên diện rộng: Khi không được kiểm soát tốt, nấm co thể lan rộng gây nhiễm trùng toàn bộ da đầu hoặc lan dần xuống mặt, cổ và toàn thân rất nguy hiểm.
- Kerion: Còn được gọi là nấm tóc sinh mủ. Biến chứng này gây áp xe da đầu và chủ yếu gặp ở trẻ em. Khu vực tổn thương bị rụng tóc, có hốc chứa nhiều mủ nằm trên nền da viêm đỏ. Mủ chảy ra sẽ khô lại và đóng vảy tiết màu vàng. Kerion không gây sốt, ít đau nhưng thường làm sưng hạch ở tuyến mang tai nên nhiều người lầm tưởng mình mắc quai bị.
Điều trị
Bệnh nấm da đầu chủ yếu được điều trị bằng phương pháp nội khoa. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của nhiễm trùng mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ chữa trị phù hợp cho từng cá nhân.
Chữa nấm da đầu nhẹ:
- Dùng dầu gội đầu chứa hoạt chất kháng nấm như Nizoral hoặc Sulfide selenium. Chúng có tác dụng ức chế sự phát triển của nấm, giảm ngứa và gàu, ngăn chặn nấm lây lan sang vùng da đầu khỏe mạnh.
- Dùng thuốc bôi trị nấm da đầu: Nhóm thuốc này được sử dụng theo hình thức bôi ngoài và chỉ có tác dụng tại chỗ nên thích hợp cho người mới mắc bệnh nấm da đầu, tổn thương chưa lan rộng. Trong đó, được sử dụng phổ biến là Clotrimazol hay Miconazol.
HỮU ÍCH: 10 cách trị nấm da đầu tại nhà đơn giản, hiệu quả
Điều trị bệnh nấm da đầu mức độ nặng:
Các trường hợp bị nấm da đầu nghiêm trọng, lây lan trên diện rộng thường được bác sĩ kê đơn thuốc kháng nấm theo đường uống. Thuốc phát huy tác dụng toàn thân nên cho hiệu quả nhanh nhưng cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ, nhất là ở trẻ nhỏ.
Các loại thuốc điều trị nấm da đầu dạng uống thường được sử dụng bao gồm:
- Fluconazole
- Griseofulvin
- Itraconazole
- Terbinafine
Thuốc Itraconazole thường được bác sĩ kê đơn để điều trị nấm da đầu
Các phương pháp hỗ trợ điều trị tại nhà:
- Tắm gội nhẹ nhàng bằng các loại dầu gội đầu chứa hoạt chất kháng nấm, giảm ngứa
- Tránh dùng tay cào gãi lên da đầu gây nhiễm trùng
- Thoa thuốc sát trùng không kê đơn kết hợp dùng thuốc bác sĩ kê đơn theo đúng hướng dẫn.
- Cắt bỏ hết tóc ở khu vực bị bệnh nếu cần thiết. Điều này sẽ giúp quá trình bôi thuốc được thuận lợi và thẩm thấu nhanh hơn.
- Giặt giũ chăn, màn, gối hay ga trải giường với nước nóng và phơi ngoài nắng to để nấm bị tiêu diệt hoàn toàn.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc áp dụng các mẹo chữa nấm da đầu dân gian để hỗ trợ nâng cao hiệu quả của thuốc điều trị.
Phòng ngừa
- Gội đầu sạch sẽ mỗi tuần từ 2 - 3 lần, nhất là khi mới vừa dính nước mưa hoặc vận động mạnh gây đổ nhiều mồ hôi trên da đầu.
- Lựa chọn loại dầu gội đầu cùng dầu xả phù hợp với tính chất da đầu và tóc. Khi sử dụng dầu xả, bạn chỉ nên thoa từ giữa đến ngọn tóc, tránh bôi dầu xả lên cả da đầu. Gội kỹ lại với nước sau khi sử dụng các sản phẩm trên.
- Tránh gội đầu vào buổi tối và tuyệt đối không được để tóc ướt khi ra đường.
- Sấy khô tóc trước khi đi ngủ, không để đầu bị ẩm ướt quá lâu khiến vi nấm có cơ hội phát triển.
- Thường xuyên giặt giũ, vệ sinh các vật dụng như nón, mũ bảo hiểm, gối đầu hay ga trải giường.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác và tránh tiếp xúc trực tiếp da kề da với các đối tượng nghi ngờ bị nấm da đầu.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh nấm da đầu của tôi có nghiêm trọng không?
2. Tôi cần làm gì để ngăn ngừa nấm da đầu lây lan hoặc truyền nhiễm cho người khác?
3. Tôi phải chăm sóc tóc và da đầu như thế nào trong thời gian điều trị bệnh nấm da đầu?
4. Khi nào bệnh của tôi mới được kiểm soát?
5. Con tôi có thể đi học bình thường khi đang bị nấm da đầu không?
6. Tôi có cần tái khám không?
7. Mất bao lâu thì tình trạng nấm da đầu của tôi mới khỏi hẳn?
8. Bệnh của tôi có tái phát không?
9. Tôi có cần kiêng cữ gì để nấm da đầu nhanh hết?
Bài viết vừa chia sẻ đến bạn những thông tin liên quan đến nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh nấm da đầu. Để đẩy nhanh hiệu quả điều trị, ngoài việc kiên trì dùng thuốc đều đặn mỗi ngày theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn cũng nên thay đổi thói quen gội đầu và chăm sóc tóc cho đúng cách để nấm không có cơ hội tái phát triển.
Có thể bạn quan tâm:
- TOP 7 Dầu Gội Trị Nấm Da Đầu Tốt Nhất Năm Được Tin Dùng
- TOP 5 Dầu Gội Trị Á Sừng Da Đầu Tốt Nhất Hiện Nay