Bỏng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Da liễuPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bỏng là tổn thương da xảy ra khi da tiếp xúc với nhiệt độ cao, bức xạ hoặc điện, các loại hóa chất hoạt tính mạnh,... Trường hợp bỏng nhẹ có thể tự điều trị tại nhà, tuy nhiên với các trường hợp bỏng nặng, bỏng toàn thân, bệnh nhân cần đưa đi cấp cứu. Nắm rõ các quy trình sơ cứu khi bị bỏng để tránh nhiễm trùng vết thương.

Tổng quan

Bỏng là tình trạng tổn thương da do tiếp xúc với nhiệt độ cao như nước sôi, bức xạ, dòng điện hoặc bỏng do hóa chất,... Có rất nhiều trường hợp bỏng da. Vết bỏng có thể nhẹ hoặc nặng nề tùy vào nguyên nhân gây ra. Đây là một tình trạng tổn thương phần mềm nhiều người đang gặp phải.

Bỏng
Tình trạng bỏng da có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, bất kỳ vùng da nào trên cơ thể

Người bị bỏng bị nóng rát kèm theo hiện tượng hủy diệt tế bào da. Phải mất một khoảng thời gian nhất định vết thương mới cải thiện, tuy nhiên nhiều khả năng cao sẽ để lại thâm sẹo trên da. Trường hợp bỏng nhẹ người bệnh hoàn toàn có thể tự xử lý, điều trị ngay tại nhà.

Tuy nhiên, đối với tình trạng bỏng nghiêm trọng, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám và chữa trị càng sớm càng tốt. Bệnh nhân bị bỏng nặng có thể rơi vào trạng thái sốc bỏng. Tức sự rối loạn dòng chảy của máu xuất hiện khiến quá trình tưới máu lên não giảm, dẫn đến rối loạn tri giác.

Bệnh nhân bị bỏng toàn thân, mức độ bỏng nặng dẫn đến sốc bỏng rơi vào hôn mê, đầu óc lơ mơ, không tỉnh táp. Trường hợp không xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể bị suy đa cơ quan, nhiễm trùng, suy giảm hệ miễn dịch trầm trọng, thậm chí còn có nguy cơ tử vong khi bị sốc bỏng nặng.

Phân loại

Dựa trên mức độ tổn thương bề mặt da người ta chia bỏng thành các cấp độ như sau:

  • Bỏng độ 1: Vết bỏng nông, tổn thương diễn ra trên bề mặt. Lớp da bên ngoài có hiện tượng nóng, đỏ, rát. Sau 2-3 ngày vết thương tự khỏi, khô nước, không gây sẹo nghiêm trọng. Trường hợp này thường gặp ở người bị bỏng do đi ngoài trời nắng gắt, bỏng nước sôi.
  • Bỏng độ 2: Vết thương xảy ra ở trên một phần da, có bóng nước. Nếu mụn nước bị vỡ không được chăm sóc, vệ sinh có thể dẫn đến nhiễm trùng. Bỏng độ 2 thường kéo dài 10-14 ngày mới thuyên giảm. Các trường hợp như bỏng nước sôi, bỏng hóa chất,...
  • Bỏng độ 3: Lớp da bên ngoài bị bỏng trên diện rộng, da bị tổn thương sâu, dễ bị nhiễm trùng. Đối với trường hợp này người bệnh cần thời gian dài để điều trị, đồng thời vị trí tổn thương có khả năng để lại sẹo cao. Các trường hợp bỏng nặng thường xảy ra như bỏng do axit, bỏng điện, bỏng xăng dầu hỏa hoạn lớn.
  • Bỏng độ 4: Da bị phá hủy nghiêm trọng, không chỉ xảy ra ở bề mặt, tổn thương còn xảy ra ở sâu bên trong, một số vùng cơ thể bị cháy đen. Bỏng nghiêm trọng gây chết người, thường rơi vào các tường hợp cháy nhà, bỏng do điện cao thế, sét đánh,...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều nguyên nhân gây bỏng, chẳng hạn:

  • Hơn 50% tổng số người bị bỏng do các tai nạn trong quá trình sinh hoạt.
  • Bỏng do tai nạn lao động tại các xí nghiệp, khu chế xuất.
  • Tai nạn giao thông cũng là nguyên nhân gây bỏng.
  • Bỏng do tự thiêu, do bị tạt axit.
  • Bỏng do thiên tai, ảnh hưởng từ các tổn thương khác.
  • Một số trường hợp bỏng nhẹ khi đi ngoài trời nắng gắt không che chắn da, bỏng do đắp, chườm nóng, bỏng parafin,...

Người ta thống kê có các tác nhân gây bỏng như:

Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bỏng có thể đến từ tác nhân nhiệt, hơi nước, bỏng hóa chất,...

  • Bỏng nhiệt: Đây là tác nhân thường gặp nhất, người bị bỏng có thể do tiếp xúc với nước nóng, dầu sôi, thức ăn nóng,... hoặc bỏng khô như bỏng lửa, bỏng khí metan, nổ bình oxy,...
  • Bỏng lạnh: So với bỏng nhiệt, bỏng lạnh ít gặp hơn.
  • Bỏng điện: Người tiếp xúc với dòng điện bị bỏng ngoài da hoặc thậm chí gây tử vong khi không được phát hiện.
  • Bỏng bức xạ: Ảnh hưởng bởi tia tử ngoại, laser, tia hồng ngoại, tia chụp X quang,...
  • Bỏng hoá chất: Các nhóm hóa chất mạnh có thể gây tổn thương da. Bao gồm một số loại như axit, base mạnh, muối kim loại nặng,...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Khi tiếp xúc với tác nhân bỏng, da bị tổn thương. Tùy mức độ bỏng tình trạng tổn thương biểu hiện nặng hoặc nhẹ. Dưới đây là các triệu chứng điển hình khi da bị bỏng:

  • Tổ chức da bị tổn thương, vết bỏng nông hoặc sâu. Da bị hoại tử do hiện tượng đông tắc mạch máu.
  • Quá trình phù nề diễn ra do các hóa chất trung gian được phóng thích. Tính thấm thành mạch từ đó bị thay đổi khiến cho sự tích tụ huyết tương bắt đầu xuất hiện làm da phòng rộp, chứa dịch khi bị bỏng.
  • Tình trạng sốc bỏng có thể xảy ra với tình trạng bỏng nặng. Khi đó lượng huyết tương bị mất đi nhiều ảnh hưởng nặng nề đến tuần hoàn.
  • Ảnh hưởng bởi vết bỏng nặng bệnh nhân có thể thay đổi cung lượng tim, máu có hiện tượng cô đặc lại, mất nước. Điều này có thể kéo theo hiện tượng suy thận cấp do bỏng sâu, bỏng nặng.
  • Rối loạn tưới máu não dẫn đến rối loạn tri giác, người bệnh có thể rơi vào hôn mê, người vật vả, lơ mơ.
  • Đối tượng bị bỏng nặng có các biểu hiện nhiễm trùng, suy giảm hệ miễn dịch.

Bất kỳ vùng da nào trên cơ thể cũng có thể bị bỏng khi tiếp xúc với tác nhân gây hại. Bạn cần xử lý ngay khi bị bỏng để giảm các thương tổn vĩnh viễn cho làn da. Ngoài ra, đối với trường hợp bỏng nặng cần được sự hỗ trợ, xử lý của y tế để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Triệu chứng và chẩn đoán
Có thể nhận định bỏng thông qua các tổn thương và nguyên nhân gây tổn thương da

Chẩn đoán

Nhận biết bỏng bằng mắt thường thông qua các tổn thương thực thể trên da. Dựa vào mức độ bỏng của bệnh nhân, bác sĩ chỉ định giải pháp khắc phục, xử lý bỏng tại chỗ phù hợp, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Bỏng là tình trạng tổn thương ngoài da có nhiều cấp độ. Nếu không được kiểm soát, bảo vệ, vết thương có khả năng bị nhiễm trùng và phát sinh các biến chứng khác. Trong đó, tình trạng bỏng độ II, III có rủi ro cao, những trường hợp gặp phải biến chứng kể đến như:

  • Bỏng nặng gây nhiễm trùng da khi vết thương khó kiểm soát, bảo vệ, nhất là khi vừa xảy ra vụ bỏng. Vi khuẩn tấn công da, xâm nhập sâu vào bên trong. Trường hợp nhiễm trùng nặng bệnh nhân thậm chí cần phải cắt bỏ chi để cứu sống tính mạng.
  • Uốn ván hay còn gọi là phong đòn gánh có thể xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng nặng nề. Người bị bỏng lúc này có khả năng đối diện với các biến chứng về hệ thần kinh.
  • Bỏng nặng khiến người bện gặp nhiều vấn đề khác như thân nhiệt hạ thấp, tuần hoàn giảm thể tích, rối loạn nhịp tim thường liên quan đến bỏng điện, để lại vết sẹo lớn, kém thẩm mỹ, phù nề, suy đa tạng.

Trường hợp bỏng do hỏa hoạn, tự thiêu,... có thể khiến bệnh nhân tử vong không thể cứu vãn. Người bệnh bỏng quá nặng tiên lượng sống kém, điều trị can thiệp không hiệu quả, trong thời gian ngắn có thể dẫn đến tử vong.

Điều trị

Người bị bỏng cần được sơ cứu để tránh tình trạng nhiễm trùng vết bỏng gây nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là trường hợp bỏng nặng. Quy trình sơ cứu cơ bản cho những đối tượng bị bỏng từ nhẹ đến trung bình nặng bao gồm:

Điều trị
Nhanh chóng sơ cứu vết bỏng bằng các biện pháp an toàn, hợp vệ sinh, tránh nhiễm trùng

  • Đầu tiên hỗ trợ người bệnh cởi bỏ thắt lưng, giày ủng, vòng nhẫn,... tránh hiện tượng chít hẹp, ảnh hưởng đến hô hấp. Trường hợp bỏng nhẹ, bỏng tại các vị trí lộ ra bên ngoài không cần thiết phải cởi bỏ quần áo của nạn nhân.
  • Đưa nạn nhân nhanh chóng thoát ra khỏi vị trí có tác nhân gây bỏng. Nếu vết bỏng nằm bên trong người nên cắt bỏ quần áo, không dùng lực lột quần áo để tránh gây tổn thương vùng da đang bị bỏng, cháy nóng. Không cởi quần áo qua đầu nếu bệnh nhân đang bị bỏng mặt. Tùy vào tình hình thực tế để thực hiện sơ cứu hợp lý, an toàn nhất.
  • Tuyệt đối không nên bôi nước mắm, nước củ rát, củ chuối, kem đánh răng,... lên vết bỏng, nhất là khi tình trạng bỏng nặng. Việc này nhằm mục đích tránh nhiễm trùng, bảo vệ vùng da tổn thương trước khi đến cơ sở y tế.
  • Trường hợp bỏng nhẹ, bỏng nông nên dùng nước mát làm mát vùng da bị bỏng, cho tay vào vòi nước sạch hoặc ngâm trong nước mát từ 15-60 phút, tùy tình hình vết bỏng.
  • Sử dụng băng gạc y tế sạch che phủ vết bỏng, mặc quần áo sạch cho nạn nhân và nhanh chóng di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
  • Sử dụng thuốc giảm đau tạm thời cho nạn nhân, thuốc được dùng như paracetamin.
  • Bổ sung nước cho người bị bỏng.
  • Đối tượng bỏng do điện giật nạn nhân có hiện tượng ngưng thở, tim không đập ngay lập tức sơ cứu nạn nhân và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Dựa vào mức độ tổn thương da của nạn nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp. Đối với vết bỏng nhẹ, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng cách vệ sinh, chăm sóc vết thương. Đồng thời sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, chống phù để ngăn chặn biến chứng, uốn ván.

Đối với trường hợp nặng hơn, vết thương rộng, sâu có thể gây biến chứng nguy hiểm, nhất là đe dọa tính mạng củ người bệnh cần can thiệp phẫu thuật. Phương pháp ngoại khoa nhanh chóng loại bỏ tế bào da hoại tử, kết hợp cấy ghép da để tái tạo lại vùng da bị tổn thương cho nạn nhân.

Người bị bỏng nặng cần được chăm sóc đặc biệt để kéo dài tiên lượng sống. Cần lưu lại bệnh viện trong thời gian dài, kết hợp theo dõi tình hình sức khỏe để có các can thiệp kịp thời, phòng ngừa rủi ro.

Phòng ngừa

Tai nạn bỏng có thể xảy ra với bất kỳ ai và vào bất kỳ thời điểm nào. Cần chủ động phòng bỏng, bảo vệ an toàn cho bản thân và cả gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ. Dưới đây là các lưu ý chính:

Phòng ngừa
Hãy chủ động phòng ngừa cháy nổ, điện giật cho gia đình, đặc biệt đối với trẻ nhỏ

  • Nên lắp thanh chắn, rào chắn hoặc cửa thông với nhà bếp để tránh việc trẻ em đến gần các thiết bị như ổ điện, bếp ga. Tránh để bé tiếp xúc với các nguồn gây cháy nổ, vật dụng gây tổn thương.
  • Trong nhà nên chuẩn bị một bình cứu hỏa mini, đặt ở khu bếp hoặc những vị trí dễ bị cháy nổ nhằm xử lý khi gặp trường hợp khẩn cấp.
  • Kiểm tra nhiệt độ nước ấm trước khi tắm cho bé, bởi làn da của trẻ khá non nớt, có thể bị bỏng nếu tiếp xúc với nước quá nóng.
  • Kiểm tra các ổ điện trong nhà, kiểm tra dây điện, thay mới nếu phát hiện các dấu hiệu hỏng hốc, rò rĩ.
  • Tại nơi làm việc, các vật dụng điện tử, vật dụng có khả năng gây cháy nổ cũng cần được kiểm tra thường xuyên.
  • Tốt nhất nên lắp cầu dao tự động, tự ngắt điện khi có sự cố để bảo vệ an toàn cho người thân trong gia đình.
  • Bảo hộ lao động, tập huấn phòng cháy chữa cháy tại các khu xí nghiệp, công ty có đông nhân viên, khách hàng.
  • Đối với trường hợp người có làn da nhạy cảm khi ra nắng nên che chắn, bảo vệ da để tránh bỏng tia cực tím.

Những câu hỏi quan trọng khi khám

1. Tôi cần làm gì để xử lý vết thương?

2. Vết bỏng có bị nhiễm trùng không?

3. Khả năng để lại sẹo là bao nhiêu?

4. Khi nào tôi có thể thực hiện phẫu thuật cấy ghép da?

5. Trường hợp bị nhiễm trùng da vị trí bỏng tôi cần làm gì?

6. Các loại thuốc cần dùng khi bị bỏng là gì?

7. Tôi có gặp tác dụng phụ gì khi dùng thuốc?

8. Tôi cần làm gì để bảo vệ vết bỏng khỏi nhiễm trùng?

Bỏng là tổn thương da thường gặp hiện nay. Tùy vào nguyên nhân, vết bỏng có thể nhẹ hay diễn biến nặng nề. Đối với những vết thương nhỏ, bạn có thể tự xử lý tại nhà. Tuy nhiên trường hợp bỏng nặng, bỏng độ II, độ III hãy đưa nạn nhân đến gặp bác sĩ để được xử lý đúng cách an toàn nhất.