Thuốc Digoxin có tác dụng gì?
Thuốc Digoxin là một glycosid trợ tim, được tổng hợp từ lá Digitalis lanata. Thuốc được chỉ định trong trường hợp suy tim, rung nhĩ, cuồng động nhĩ thất và nhịp nhanh trên thất kịch phát.
- Tên thuốc: Digoxin
- Phân nhóm: Thuốc chống loạn nhịp tim, glycosid trợ tim
- Dạng bào chế: Viên nang, viên nén, thuốc tiêm
Những thông tin cần biết về thuốc Digoxin
1. Tác dụng
Digoxin là một glycoside trợ tim, được tổng hợp từ lá Digitalis lanata. Thuốc hoạt động bằng cách tăng lực co cơ tim và co sợi cơ dương tính nhằm làm giảm tần số mạch ở bệnh nhân suy tim.
Ngoài ra, Digoxin còn giảm tần số tim thông qua kích thích dây thần kinh phế vị, giảm điều nhịp trực tiếp và làm chậm dẫn truyền trong nút nhĩ thất.
Viên nén Digoxin có sinh khả dụng rất cao, tác dụng phát huy sau 30 – 60 phút sử dụng. Đối với dạng thuốc tiêm, tác dụng bắt đầu phát huy sau 10 phút tiêm và đầy đủ sau 2 – 4 giờ tiêm thuốc.
Digoxin được chuyển hóa chủ yếu qua gan ở dạng ít hoặc không có hoạt tính. Sau đó thuốc được thải trừ qua đường tiểu.
Tham khảo thêm: Thuốc Stazemid có công dụng gì?
2. Chỉ định
Thuốc Digoxin được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Rung nhĩ
- Suy tim
- Cuồng động nhĩ thất
- Nhịp nhanh trên thất kịch phát
Thuốc Digoxin chỉ được sử dụng khi có yêu cầu từ bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc – ngay cả khi bạn gặp các vấn đề sức khỏe nêu trên.
3. Chống chỉ định
Chống chỉ định thuốc Digoxin với những trường hợp sau:
- Bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn (trừ trường hợp có đồng thời suy tim và rung nhĩ)
- Block nhĩ thất độ II
- Loạn nhịp trên thất do hội chứng Wolff-Parkinson-White
- Block tim hoàn toàn từng cơn
Nếu sử dụng thuốc cho bệnh nhân có nguy cơ tai biến cao, cần theo dõi điện tâm đồ chặt chẽ.
4. Dạng bào chế – hàm lượng
Digoxin có trong nhiều chế phẩm thương mại, với các dạng bào chế và hàm lượng sau:
- Cồn ngọt – 50microgam/ ml (chai 60ml)
- Thuốc tiêm – 100 microgam / ml (1ml), 250 microgam / ml (2ml)
- Viên nang (chứa dịch lỏng) – 50 microgam, 100 microgam, 200 microgam
- Viên nén: 125 microgam, 250 microgam, 500 microgam
Một số dạng bào chế và hàm lượng của Digoxin không được đề cập trong nội dung bài viết. Nếu bạn muốn tìm hiểu đầy đủ vấn đề này, vui lòng liên hệ với dược sĩ hoặc nhân viên quầy thuốc.
Tìm hiểu: Thuốc Atp điều trị bệnh gì?
5. Cách sử dụng – liều dùng
Cách sử dụng thuốc Digoxin phụ thuộc vào từng dạng bào chế. Tham khảo thông tin trên bao bì hoặc trao đổi với bác sĩ để biết cách dùng.
Liều dùng thuốc được cân chỉnh theo từng cá thể. Vì vậy, thông tin liều dùng được chúng tôi cung cấp chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết liều lượng cụ thể, bạn vui lòng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa.
Sinh khả dụng của các dạng thuốc Digoxin có sự chênh lệch lớn. Do đó cần điều chỉnh liều lượng tùy thuộc theo dạng bào chế để tránh tình trạng sử dụng thiếu/ quá liều.
Liều dùng cho người trưởng thành
Điều trị chậm:
- Liều thông thường: Dùng 125 – 500 microgam (viên nén)/ lần/ ngày hoặc dùng 100 – 350 microgam (dạng tiêm tĩnh mạch)/ lần/ ngày.
- Thời gian điều trị: 5 – 10 ngày
- Phải sử dụng thuốc đều đặn tại 1 thời điểm cụ thể trong ngày.
Điều trị cấp tính:
- Liều dùng được chỉ định bởi bác sĩ
- Ngoài ra, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ qua ghi điện tim
- Người bệnh >=70kg (không béo – vì thuốc Digoxin chỉ phân bố vào thịt, không đi vào mô mỡ): Bắt đầu dùng 500 – 750 microgam (tiêm tĩnh mạch) hoặc 750 – 1000 microgam (viên uống). Sau đó dùng 250microgam (tiêm tĩnh mạch) 3 giờ tiêm 1 lần hoặc dùng 500microgam (viên uống) 6 giờ dùng một lần, cho đến khi đạt được tác dụng đầy đủ.
- Liều dùng tối đa: Không quá 1500 microgam (tiêm tĩnh mạch) và 2000 microgam (dạng viên uống)
Liều dùng cho trẻ em
Chỉ sử dụng thuốc Digoxin viên nén cho trẻ từ 5 tuổi trở lên. Với những dạng bào chế khác có thể sử dụng cho trẻ dưới độ tuổi này.
- Trẻ sơ sinh: Ban đầu dùng 20 microgam/ kg thể trọng (tiêm tĩnh mạch). Sau đó dùng 7 microgam/ kg/ ngày. Cần phải giảm liều ở trẻ sinh non và trẻ có sức khỏe yếu.
- Trẻ 6 tháng tuổi: Ban đầu dùng 30 microgam/ kg (tiêm tĩnh mạch). Sau đó dùng 10 – 20 microgam/ kg/ ngày.
Cần điều chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận và người cao tuổi.
6. Bảo quản
Bảo quản các chế phẩm chứa Digoxin ở nhiệt độ thoáng mát, tránh ẩm, côn trùng và ánh sáng. Nếu dùng dung dịch pha tiêm Digoxin, cần sử dụng ngay sau khi pha.
7. Giá thành
Thuốc Digoxin viên nén 250microgam có giá bán dao động từ 35 – 40.000 đồng/ Hộp 10 vỉ x 10 viên.
Có thể bạn muốn biết: Thuốc Plavix 75mg điều trị bệnh gì?
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Digoxin
1. Thận trọng
Bệnh nhân có nhịp tim chậm nhiều, nhịp tim nhanh nhĩ hoặc rung, hậu quả của nhịp nút xoang và cuồng động nhĩ có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ về tim.
Nên điều chỉnh liều và theo dõi chặt chẽ ở bệnh nhân thiểu năng tuyến giáp và suy giảm chức năng thận. Tác dụng phụ của thuốc có nguy cơ tăng cao ở người cao tuổi, bệnh nhân tăng calci huyết và giảm kali huyết.
Thuốc Digoxin có thể dùng cho phụ nữ mang thai vì chưa có nghiên cứu cho thấy thuốc gây độc đối với thai nhi. Hơn nữa Digoxin cũng ít đi vào sữa mẹ và hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ bú mẹ.
Thuốc có thể gây chóng mặt và giảm thị lực khi sử dụng. Các triệu chứng này có xu hướng nghiêm trọng hơn nếu bạn sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích.
2. Tác dụng phụ
Có khoảng 5 – 30% bệnh nhân sử dụng Digoxin gặp phải tác dụng phụ. Hầu hết các tác dụng không mong muốn đều phát sinh ở bệnh nhân có nồng độ magnesi, kali và calci huyết thay đổi.
Tác dụng phụ thường gặp:
- Nôn mửa
- Chán ăn
- Buồn nôn
Tác dụng phụ ít gặp:
- Block nhĩ thất
- Ngoại tâm thu nhĩ hoặc nút
- Nhịp nhanh nhĩ với block nhĩ thất
- Nhịp tim chậm xoang
- Block xoang nhĩ
- Loạn nhịp đôi, nhịp ba và loạn nhịp thất
- Nhức đầu
- Chóng mặt
- Tăng kali huyết và ngộ độc cấp
- Ngủ lơ mơ
- Mệt mỏi
- Ngủ lịm
- Mất phương hướng
- Đau bụng
- Đau dây thần kinh
- Vòng sáng
- Ỉa chảy
- Không dung nạp thức ăn
- Nhìn đôi
- Ánh sáng lóe lên
- Nhìn xanh lá cây hoặc màu vàng
- Sợ ánh sáng
Thông thường, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều và theo dõi ở bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ điện sinh lý thường gặp.
Để giới hạn nguy cơ khi sử dụng Digoxin, bạn nên thông báo với bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải. Tự ý xử lý có thể làm phát sinh những tình huống rủi ro.
Có thể bạn quan tâm: Thuốc Nifedipin có tác dụng gì?
3. Tương tác thuốc
Cần điều chỉnh liều lượng khi phối hợp Digoxin với những loại thuốc sau:
- Thuốc lợi tiểu quai
- Thuốc lợi tiểu thiazide
- Hormone tuyến giáp
- Amiodaron
- Imdomethacin
- Calci
- Quinidin
- Spironolacton
- Verapamil
- Ciclosporin
- Itraconazol
- Quinin
- Cholestyramin
- Propafenon
4. Quá liều và cách xử trí
Quá liều thuốc Digoxin có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy nếu bạn nghi ngờ hoặc xác định đã uống thuốc quá liều lượng khuyến cáo, hãy chủ động đến bệnh viện gần nhất.
Xử trí: Sử dụng than hoạt hoặc Colestipol/ Cholestyramin nhằm thúc đẩy quá trình thanh thải. Trong trường hợp bệnh nhân giảm chức năng thận và giảm kali huyết, cần sử dụng muối kali. Nếu có loạn nhịp tim do ngộ độc Digoxin, sử dụng Lidocain, Propranolol, Procainamid hoặc Phenytoin.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Noklot điều trị bệnh gì?
- Thuốc Papaverin có tác dụng gì?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!