Bệnh viêm trực tràng: nguyên nhân, triệu chứng & điều trị
Đau rát ở hậu môn, vùng bụng dưới có thể là dấu hiệu của bệnh viêm trực tràng. Mặc dù bệnh lý này không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng nếu không được điều trị sớm, các biến chứng như loét trực tràng, thiếu máu,… có thể xảy ra.
Bệnh viêm trực tràng là gì ?
Trực tràng là một phần của hệ thống tiêu hóa, cơ quan này kết nối phần cuối của đại tràng và hậu môn. Viêm trực tràng là tình trạng các mô lót của trực tràng bị sưng viêm. Bệnh lý này gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tiêu hóa, đồng thời gây ra cảm giác khó chịu, đau đớn cho người bệnh.
1. Nguyên nhân
Bệnh viêm trực tràng xuất hiện do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm các yếu tố bệnh lý và thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng không khoa học. Các nguyên nhân gây viêm trực tràng thường gặp, bao gồm:
Viêm ruột
Là tình trạng đường ruột bị viêm do rối loạn tiêu hóa. Trực tràng là một phần của đường ruột, vì vậy tình trạng viêm có thể xuất hiện ở vị trí này. Các bệnh viêm ruột thường gặp như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn,…
Nhiễm trùng
- Nhiễm trùng khi dùng kháng sinh: Việc sử dụng kháng sinh tùy tiện có thể khiến vi khuẩn kháng thuốc. Lúc này những vi khuẩn sẽ phát triển và gây ra tình trạng nhiễm trùng ở trực tràng (thường gặp nhất là vi khuẩn Clostridium difficile).
- Nhiễm trùng thông thường: Bạn có thể nhiễm vi khuẩn salmonella, shigella,… khi dùng thực phẩm chưa được nấu chín hoàn toàn. Các vi khuẩn này tồn đọng ở trong hệ tiêu hóa và gây viêm ở đường ruột.
- Nhiễm trùng lây qua đường tình dục: Những người quan hệ qua đường hậu môn có nguy cơ bị nhiễm trùng, dẫn đến bệnh viêm trực tràng. Nhiễm trùng lây qua đường tình dục có thể do vi khuẩn lậu, chlamydia,…gây ra.
Viêm ruột bạch cầu ái toan
Tình trạng này xảy ra khi một tế bào bạch cầu tích tụ trong niêm mạc trực tràng. Viêm ruột bạch cầu ái toan chỉ gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi, người trưởng thành hầu như không phải gặp phải tình trạng này.
Xạ trị ung thư
Xạ trị lên những cơ quan như tuyến tiền liệt, buồng trứng, hậu môn,… có thể vô tình làm tổn thương niêm mạc và gây viêm niêm mạc trực tràng.
2. Triệu chứng
Bệnh viêm trực tràng gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Các triệu chứng bạn có thể gặp phải bao gồm:
- Đau ở trực tràng, hậu môn và vùng bụng dưới
- Chảy máu từ trực tràng (biểu hiện nhận biết: có máu trong phân)
- Chất nhầy chảy ra từ trực tràng
- Phân rất lỏng
- Tiêu chảy
- Đi đại tiện liên tục
- Cảm thấy đau khi đi vệ sinh.
3. Biến chứng
Viêm trực tràng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:
- Thiếu máu: Chảy máu ở trực tràng kéo dài có thể gây thiếu máu. Khi thiếu máu, cơ thể không có đủ hồng cầu để mang oxy và dưỡng chất đến các mô. Tình trạng này khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, đau đầu, da nhợt nhạt và thiếu năng lượng.
- Loét trực tràng: Tình trạng viêm có thể trở nên nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời. Khi niêm mạc bị viêm quá lâu, vết loét có thể xuất hiện. Nếu không tiến hành điều trị, vết loét có thể phát triển và gây xuất huyết nặng nề.
- Thủng trực tràng: Khi các vết loét lan rộng và ăn mòn toàn bộ niêm mạc, trực tràng có thể xuất hiện lỗ thủng.
So với tình trạng viêm trực tràng, các biến chứng do bệnh lý này gây ra thường khó điều trị và có mức độ ảnh hưởng nặng nề hơn. Nếu tiếp tục không điều trị, hệ thống tiêu hóa có thể bị tổn thương nghiêm trọng và tạo điều kiện cho các vấn đề khác phát sinh.
Tìm hiểu thêm: Viêm đại trực tràng chảy máu có nguy hiểm không?
Phương pháp điều trị viêm trực tràng
Mục tiêu điều trị viêm trực tràng là giảm viêm, kiểm soát cơn đau và ức chế tình trạng nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ dựa vào các nguyên nhân cụ thể để chỉ định phương pháp điều trị tương ứng. Việc điều trị theo nguyên nhân sẽ giúp bệnh chuyển biến tốt và đạt được kết quả tối ưu.
1. Sử dụng thuốc
Căn cứ vào triệu chứng, nguyên nhân và tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc thích hợp cho từng trường hợp:
- Corticosteroid: Corticosteroid được sử dụng để chống viêm và giảm đau, rát,… Nhóm thuốc này được sử dụng trong trường hợp viêm trực tràng do các bệnh viêm ruột.
- Thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm: Có tác dụng kiểm soát và ức chế hoạt động của vi khuẩn, vi nấm. Nhóm thuốc này được chỉ định trong trường hợp viêm trực tràng do nhiễm trùng gây ra.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Được dùng để điều trị viêm trực tràng do bệnh Crohn hoặc các bệnh tự miễn khác.
Thuốc có thể được dùng bằng đường uống, tiêm tĩnh mạch, bôi tại chỗ hoặc được truyền bằng thuốc xổ. Với thuốc xổ, bệnh nhân sẽ được truyền trực tiếp tại trực tràng.
2. Phẫu thuật
Nếu triệu chứng không đáp ứng với điều trị bảo tồn, bác sĩ sẽ cân nhắc để can thiệp phẫu thuật. Phẫu thuật thường được chỉ định với viêm trực tràng có biến chứng hoặc viêm trực tràng do bệnh Crohn.
Phẫu thuật sẽ thực hiện cắt bỏ vị trí trực tràng bị tổn thương. Việc cắt bỏ một phần trực tràng có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tiêu hóa, do đó bạn nên trao đổi với bác sĩ giữa lợi ích và nguy cơ trước khi quyết định thực hiện phương pháp này.
3. Chế độ chăm sóc trong thời gian điều trị
Trực tràng là cơ quan vận chuyển phân từ ruột già đến hậu môn. Do đó, bạn nên thay đổi chế độ ăn trong thời gian điều trị để giảm áp lực và tổn thương lên cơ quan này.
- Nên sử dụng những loại thức ăn mềm, lỏng và ít gia vị. Tránh thức ăn cay nóng, chua và nhiều dầu mỡ.
- Uống nhiều nước lọc để thức ăn được làm mềm trong dạ dày. Đồng thời tránh tình trạng mất nước do tiêu chảy, nôn mửa. Hạn chế sử dụng đồ uống có gas, caffeine và chất kích thích…
Phòng ngừa bệnh viêm trực tràng
Sau khi điều trị viêm trực tràng, bạn nên thực hiện những biện pháp phòng ngừa tình trạng này. Viêm trực tràng có thể tái phát và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn trước.
Các biện pháp phòng ngừa viêm trực tràng bao gồm:
- Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục
- Không quan hệ tình dục khi bạn tình có vết loét bất thường ở cơ quan sinh dục
- Dùng thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Ăn thức ăn được nấu chín hoàn toàn
- Vệ sinh cơ quan sinh dục và hậu môn sạch sẽ
- Điều trị bệnh viêm ruột và các vấn đề tiêu hóa dứt điểm
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế.
Có thể bạn quan tâm
- Khám, nội soi đại tràng ở đâu tốt nhất hiện nay?
- 20 thực phẩm tốt cho đại tràng và cải thiện bệnh lý hiệu quả nhất
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!