Chứng Mãn Dục Nam
Mãn dục nam thực chất chính là sự suy giảm hormone tetosterone trong cơ thể. Tình trạng thường xảy ra ở nam giới trung niên, nhất là độ tuổi từ 40 - 50. Đặc trưng bởi các triệu chứng về suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần, giảm ham muốn và dễ rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn. Chọn lựa điều trị chủ yếu là các liệu pháp bổ sung hormone thay thế.
Tổng quan
Mãn dục nam (Andropause/ Male Menopause) được định nghĩa là tình trạng thay đổi nội tiết tố nam testosterone. Tình trạng này còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như thiếu hụt androgen, thiếu hụt testosterone hoặc hội chứng suy sinh dục khởi phát muộn.
Đây là một dạng rối loạn phổ biến và có tỷ lệ mắc tăng dần theo tuổi tác. Tuy nhiên, khác với nữ giới, không phải người đàn ông trung niên nào cũng trải qua giai đoạn này. Lượng testosterone giảm trung bình khoảng 1% khi nam giới bước qua độ tuổi 30. Lượng này cũng có thể giảm nhiều hơn ở nam giới lớn tuổi hoặc mắc các bệnh lý mãn tính.
Các triệu chứng đặc trưng của tình trạng suy giảm nồng độ testosterone thường tập trung vào khía cạnh sức khỏe thể chất và tinh thần, cảm xúc. Điển hình như mệt mỏi, thiếu sức sống, giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, trầm cảm, lo lắng...
Phân loại
Dựa vào nguyên nhân, tình trạng mãn dục nam được chia làm 2 loại là:
- Mãn dục nguyên phát: Đây là tình trạng nam giới suy giảm hormone testosterone trong thời gian dài dưới sự ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
- Mãn dục thứ phát: Trường hợp này xảy ra khi nam giới bị giảm một lượng đáng kể hormone tetosterone do mắc các bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường, huyết áp, khối u tuyến yên hoặc chấn thương dương vật, tinh hoàn...
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Testosterone là loại hormone nội tiết quan trọng chịu trách nhiệm trong việc tạo ra những điểm đặc trưng của người đàn ông như giọng nói trầm, thấp, khối lượng cơ, lông rậm... Càng lớn tuổi, nồng độ testosterone càng giảm xuống, kéo theo suy giảm sức khỏe sinh lý, sinh sản và dễ gặp các vấn đề về thể chất và tâm lý.
Theo lý giải về mặt khoa học, khi nam giới già đi, cơ thể không chỉ sản xuất ít testosterone mà còn làm tăng lượng globulin liên kết với hormone giới tính (SHBG). Chính loại hormone này đã loại một lượng testosterone ra khỏi máu. Vì thực chất chỉ những loại testosterone không liên kết với hormone SHBG mới được cơ thể sử dụng.
Hậu quả khiến các mô trong cơ thể được duy trì hoạt động bởi testosterone phát triển kém. Gây ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần và làm giảm chất lượng cuộc sống. Sự suy giảm tetosterone này thường xảy ra khi nam giới bước qua độ tuổi 30 và biểu hiện rõ rệt nhất khi ở độ tuổi 40 - 50 tuổi.
Ngoài ra, tình trạng mãn dục nam này cũng có thể xảy ra do liên quan đến nhiều yếu tố khác như:
- Lối sống kém khoa học, ăn uống không lành mạnh, không vận động thể dục thể thao, thường xuyên thức khuya, sử dụng rượu bia, thuốc lá...;
- Thừa cân, béo phì;
- Các bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư, hội chứng ngưng thở khi ngủ...;
- Tiền sử phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc;
- Một số vấn đề sức khỏe tinh thần như lo lắng, rối loạn lo âu, trầm cảm...;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Hormone testosterone giảm thấp ở nam giới gây ra một loạt các triệu chứng bất thường sau đây:
- Mệt mỏi kéo dài, không có sức sống;
- Giảm khả năng tập trung;
- Giảm ham muốn tình dục;
- Rối loạn cương dương, xuất tinh sớm và vô sinh;
- Giảm khối lượng cơ bắp;
- Cơ thể nóng bừng, khó chịu, bứt rứt;
- Tâm trạng thay đổi thất thường, dễ cáu gắt, kích động;
- Khô da, mỏng da, rụng tóc;
- Rối loạn giấc ngủ;
- Đổ nhiều mồ hôi, nhất là vào ban đêm;
Các triệu chứng trên có thể xảy ra hoặc không xảy ra với mức độ khác nhau ở từng trường hợp cụ thể.
Chẩn đoán
Khác với nữ giới, nam giới thường không trải qua thời kỳ mãn kinh xảy ra cố định vào một thời điểm nào đó trong đời. Tuy gây ra các triệu chứng tương tự như mãn kinh ở nữ giới, nhưng các chuyên gia thường gọi chính xác tình trạng này sự suy giảm hormone testosterone do tuổi tác. Vì không phải người đàn ông trung niên nào cũng trải qua giai đoạn này.
Để chẩn đoán mãn dục nam, cần kết hợp giữa thăm khám sức khỏe toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần với các thủ tục xét nghiệm cần thiết. Quy trình chẩn đoán gồm các bước cụ thể sau:
- Khám sức khỏe: Quá trình thăm khám bước đầu rất quan trọng, bệnh nhân cần mô tả chi tiết các triệu chứng của bản thân để bác sĩ tiến hành kiểm tra. Kết hợp khai thác một số thông tin cá nhân, tiền sử bệnh và đặt ra các câu hỏi về thói quen sinh hoạt, ăn uống, đời sống tình dục...
- Xét nghiệm máu: Khi nghi ngờ nam giới bị giảm hormone testosterone, bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm máu. Nếu kết quả cho thấy nồng độ testosterone giảm thấp dưới ngưỡng bình thường, kết hợp với một số triệu chứng lâm sàng đặc trưng, có thể giúp xác nhận chẩn đoán về tình trạng mãn dục nam.
- Các xét nghiệm khác: Để tìm ra nguyên nhân chính xác gây mãn dục nam, giúp việc điều trị dễ dàng, có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng khác như:
- Xét nghiệm công thức máu, đo chỉ số LH và FSH huyết thanh giúp chẩn đoán suy sinh dục nguyên phát hoặc thứ phát;
- Xét nghiệm đo nồng độ prolactin;
- Xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp;
- Chụp CT hoặc MRI để tìm ra tổn thương, bất thường ở cơ quan sinh dục, cụ thể là các bất thường về cấu trúc vùng dưới đồi - tuyến yên;
- Cần loại trừ các vấn đề sức khỏe khác như trầm cảm, suy giáp hoặc giảm hormone do tác dụng phụ của thuốc;
Biến chứng và tiên lượng
Không phải nam giới trung niên nào cũng trải qua giai đoạn mãn dục, nhưng đa số đều có những ảnh hưởng nhất định, có thể nhẹ hoặc nặng tùy theo mức độ suy giảm nồng độ hormone testosterone. Một số trường hợp mãn dục nghiêm trọng có thể làm tăng nguy cơ phát triển biến chứng loãng xương và các vấn đề về sức khỏe tim mạch.
Do đó, khuyến cáo nam giới không nên chủ quan trước những dấu hiệu mãn dục ngay từ ban đầu. Nhất là khi xã hội ngày càng hiện đại, tỷ lệ mãn dục nam cũng có xu hướng tăng tỷ lệ mắc. Ước tính 3.1 - 7% nam giới từ 30 - 69 tuổi, 18.4% ở nam giới trên 70 tuổi.
Điều trị
Điều trị mãn dục nam thực chất chính là việc tăng cường bổ sung lượng hormone testosterone cho cơ thể. Việc bổ sung này có thể diễn ra theo nhiều cách, mức độ bổ sung cũng khác nhau tùy theo độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Hoặc ngay cả những nam giới giảm testosterone không có triệu chứng cũng được khuyến nghị điều trị.
Liệu pháp hormone thay thế testosterone (TRT)
Đây là phương pháp hiệu quả nhất giúp bổ sung lượng hormone testosterone thiếu hụt cho cơ thể nam giới. Qua nhiều báo cáo, các triệu chứng mãn dục được cải thiện rõ rệt như không còn mệt mỏi, nhiều năng lượng hơn khi làm việc, duy trì ổn định tâm trạng, sức khỏe tinh thần và tăng ham muốn, khả năng tình dục...
Liệu pháp này có thể được chỉ định sử dụng dưới nhiều dạng như tiêm, gel bôi, miếng dán, dạng lăn nách, xịt mũi... Tất cả những loại này đều có khả năng thay thế lượng testosterone mà cơ thể không còn sản xuất được nữa. Liều bổ sung testosterone cho nam giới được chỉ định trên cơ sở cá nhân hóa, tùy theo độ tuổi và mức độ triệu chứng.
- Dạng tiêm: Loại thường dùng là testosterone enathate 50mg dùng dưới dạng tiêm bắp, sử dụng liên tục từ 4 - 8 tháng. Có thể tăng liều dần dần lên 100- 200mg theo chỉ định của bác sĩ.
- Dạng gel bôi: Liều khuyến nghị từ 5 - 10g gel mỗi ngày, tương đương với 5 - 10mg testosterone;
- Dạng xịt mũi: Liều xịt một lần khoảng 5.5mg cho mỗi bên mũi, thực hiện 3 lần/ ngày;
- Dạng lăn nách: Liều khuyến cáo trung bình khoảng 60mg cho 1 lần duy nhất trong ngày;
- Dạng viên ngậm dưới lưỡi: Liều cơ bản 30mg x 2 lần/ ngày;
Tuy hiệu quả, nhưng cũng cần lưu ý các tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc TRT. Thông báo cho bác sĩ nếu gặp các biểu hiện nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe tim mạch, dấu hiệu hình thành khối u ung thư. Chống chỉ định áp dụng liệu pháp TRT cho nam giới đang mắc ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư vú, đang sử dụng thuốc làm loãng máu hoặc có tiền sử mắc bệnh gan, thận...
Dùng thuốc khác
Các loại thuốc sau cũng có tác dụng hiệu quả trong việc hỗ trợ cải thiện các triệu chứng mãn dục nam hiệu quả. Việc sử dụng được chỉ định khi nam giới xảy ra triệu chứng liên quan:
- Thuốc điều trị rối loạn cương dương;
- Thuốc chống trầm cảm, chống lo âu;
- Các loại thuốc bổ sung, tăng cường sinh lực, cải thiện sinh lý;
Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)
Đối với những trường hợp suy giảm testosterone nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần hoặc gây ra những biến chứng, trở ngại về mặt tâm lý, có thể nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia trị liệu nếu bản thân không tự mình giải quyết được.
Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là một dạng trị liệu được thực hiện dưới hình thức nói chuyện và trao đổi cởi mở. Nhằm mục đích chính là giúp bệnh nhân tháo gỡ các khúc mắc, chướng ngại tâm lý về một vấn đề nào đó, chẳng hạn như chuyện chăn gối, khả năng giao tiếp, có ý định tự tử... Đồng thời, tạo điều kiện để bệnh nhân nâng cao nhận thức và hình thành lối suy nghĩ tích cực lâu dài.
Thay đổi lối sống khoa học
Để có một sức khỏe tốt nói chung và cải thiện các triệu chứng giảm hormone testosterone nói riêng, nam giới cần tích cực thực hiện các biện pháp sau đây:
- Tập thể dục: Hoạt động thể chất thường xuyên giúp tăng nhanh nồng độ testosterone trong cơ thể, giảm mệt mỏi và cải thiện tâm trạng.
- Chế độ ăn uống: Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, tăng cường bổ sung rau xanh, củ quả, trái cây, ngũ cốc, nguồn protein từ thịt nạc, hạn chế mỡ, chất béo, thức ăn chế biến sẵn, thịt đỏ... để làm giảm các triệu chứng mãn dục nam.
- Cai chất kích thích: Nói không với các chất kích thích có hại cho sức khỏe và đẩy nhanh quá trình mãn dục. Bao gồm rượu bia, thuốc lá, caffein...
- Ngủ đủ giấc: Đây là điều rất cần thiết để giúp kiểm soát các triệu chứng mãn dục nam. Cố gắng duy trì ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm, đảm bảo giấc ngủ chất lượng, thư giãn tối đa.
- Bổ sung thảo dược: Các loại thảo dược tốt cho sức khỏe sinh lực và sinh lý nam được khuyến nghị sử dụng để bổ sung testosterone như nhân sâm, rễ maca...
Phòng ngừa
Trong hầu hết các trường hợp, mãn dục nam xảy ra do tuổi tác nên không có biện pháp phòng ngừa. Nếu muốn làm chậm quá trình lão hóa nói chung và mãn dục nói riêng, nam giới nên tăng cường bổ sung tetosterone thông qua chế độ ăn uống hàng ngày, sinh hoạt điều độ, có lối sống khoa học và tích cực. Các chuyên gia khuyến nghị, nếu có thể hãy bổ sung testosterone khi bước sang độ tuổi 30. Vì đây là giai đoạn cơ thể bắt đầu suy giảm hormone theo thời gian.
Riêng với những trường hợp mãn dục sớm hoặc muộn do ảnh hưởng của các bệnh lý tiềm ẩn. Việc can thiệp là điều bắt buộc, nhưng đồng thời các quý ông cũng cần chú ý tích cực thực hiện các biện pháp nói trên để phòng ngừa tái phát triệu chứng trong tương lai.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Vì sao tôi thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, giảm ham muốn, thay đổi tâm trạng thất thường?
2. Đây có phải là những dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng hay không?
3. Tôi cần làm những kiểm tra xét nghiệm nào để tìm ra nguyên nhân?
4. Nguyên nhân khiến tôi bị mãn dục nam?
5. Tình trạng giảm nồng độ testosterone quá thấp có thể gây ra những biến chứng gì?
6. Tôi có cần điều trị mãn dục nam không? Điều trị bằng phương nào tốt nhất?
7. Mãn dục sớm có gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tôi không?
8. Những biện pháp chăm sóc tại nhà giúp tăng nồng độ testosterone trong cơ thể?
Mãn dục nam có thể xảy ra do tuổi tác hoặc bị kích thích bởi các yếu tố sức khỏe tiềm ẩn. Tình trạng này có thể nhẹ hoặc nặng tùy theo mức độ suy giảm hormone testosterone. Do đó, dù chưa biết tình trạng mãn dục nặng hay nhẹ, nam giới có hoặc không có triệu chứng, tốt nhất vẫn nên thăm khám sức khỏe để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm:
- Những gì bạn cần biết về chứng suy sinh dục ở nam giới
- 7+ Thực Phẩm Chức Năng Hỗ Trợ Sinh Lý Đàn Ông Tốt Nhất