Hội Chứng Ngưng Thở Khi Ngủ

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn hô hấp khiến bệnh nhân ngưng thở nhiều lần trong lúc ngủ. Tình trạng này khá nghiêm trọng, có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Các chọn lựa điều trị phổ biến hiện nay như dùng thuốc, sử dụng thiết bị PAP hoặc phẫu thuật loại bỏ tắc nghẽn đường thở.

Tổng quan

Hội chứng ngưng thở khi ngủ (Sleep Apnea) là một dạng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng. Được biểu hiện với các triệu chứng đặc trưng là ngưng hơi thở và bắt đầu lại trong lúc ngủ. Tình trạng này có thể xảy ra nhiều lần trong lúc ngủ trong trạng thái bệnh nhân không có nhận thức.

Tình trạng này xảy ra do rối loạn hô hấp mãn tính, khi một người ngưng thở liên tục khi đang ngủ. Đa phần thường có trên 5 lần ngưng thở mỗi giờ. Nguyên nhân chính có thể là do tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ đường hô hấp trên.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra khi một người ngưng thở lặp đi lặp lại nhiều lần vào giấc ngủ ban đêm

Bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ thường rơi vào tình trạng thiếu oxy để thở. Cũng chính điều này làm kích hoạt phản xạ sinh tồn giúp bệnh nhân giật mình thức dậy để thở. Chính phản xạ này giúp bệnh nhân sống sót, không gây nguy hiểm đến mức tử vong nhưng lại gây gián đoạn chu kỳ giấc ngủ cùng nhiều biến chứng khó lường khác.

Hội chứng này có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng phổ biến nhất là ở độ tuổi sau trung niên. Tỷ lệ nam giới mắc phải cao hơn nữ giới, nhất là những người có cấu trúc đường hô hấp bất thường, thừa cân béo phì, nghiện rượu bia hoặc lạm dụng thuốc an thần....

Phân loại

Hội chứng ngưng thở khi ngủ được chia làm 2 loại cơ bản, dựa vào nguồn căn gây ra và các đặc điểm triệu chứng.

  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA): Tình trạng này xảy ra khi đường hô hấp trên bị tắc nghẽn liên tục nhiều lần trong lúc ngủ. Điều này khiến cho quá trình lưu thông không khí bị gián đoạn hoặc ngừng hoàn toàn. Có rất nhiều nguyên nhân gây tắc nghẽn đường thở dẫn đến ngưng thở như rối loạn hormone nội tiết, kích thước khối amidan lớn hoặc thừa cân béo phì...
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ trung ương (thể phức tạp - CSA): Đây là thuật ngữ khoa học mô tả tình trạng não bộ hoạt động bất thường, không gửi đúng tín hiệu cần thiết để thực hiện chức năng thở. Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán mắc dạng này được gây ra bởi các vấn đề sức khỏe gây ảnh hưởng đến đường hô hấp và hệ thống cơ ngực.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng rối loạn hô hấp liên quan đến hội chứng ngưng thở khi ngủ. Trong đó, 2 nguyên nhân chính xuất phát từ 2 dạng hội chứng ngưng thở khi ngủ này, bao gồm:

Nguyên nhân tắc nghẽn 

Đây là nhóm nguyên nhân phổ biến nhất, xảy ra khi các cơ nằm phía sau cổ họng bị tác động và giãn ra quá mức. Việc này làm thu hẹp và giảm lượng không khí đi qua. Khi không nhận đủ lượng oxy cần thiết do đường thở bị tắc nghẽn, bệnh nhân sẽ ngáy rất to trong lúc ngủ và gián đoạn hô hấp nhiều lần.

Nguyên nhân bất thường về não bộ

Xảy ra ở những bệnh nhân mắc thể hội chứng ngưng thở khi ngủ trung ương. Điểm đặc trưng của tình trạng này là cách giao tiếp bất thường giữa não với các cơ chịu trách nhiệm thực hiện chức năng hô hấp.

Cụ thể, một phần thân não không có khả năng nhận biết chính xác nồng độ carbon dioxide trong lúc cơ thể đang ngủ say. Điều này khiến cho các đợt thở lặp đi lặp lại một cách chậm rãi và nông hơn, thay vì thở đều và sâu như bình thường.

Tắc nghẽn đường thở hoặc bất thường về chức năng giao tiếp của não bộ với các cơ hô hấp là nguyên nhân hàng đầu gây ra khó thở khi ngủ

Một vài lý do cơ bản có thể dẫn đến tình trạng này như:

  • Nồng độ oxy trong máu giảm thấp do ảnh hưởng của độ cao;
  • Tổn thương thần kinh trung ương hoặc các khu vực của tủy sống;
  • Đang điều trị bằng phương pháp CPAP;
  • Các vấn đề sức khỏe thần kinh như xơ cứng teo cơ một bên;

Yếu tố nguy cơ

Các chuyên gia cho biết, còn có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng ngưng thở khi ngủ của một người. Có thể kể đến như:

  • Thừa cân, béo phì;
  • Người lớn tuổi (thường từ 60 - 70 tuổi trở lên);
  • Nam giới có nguy cơ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cao hơn nữ giới, nhất là ở giai đoạn đầu khi bước vào độ tuổi trưởng thành;
  • Người có cấu trúc lưỡi lớn và hàm ngắn bẩm sinh;
  • Nghiện hút thuốc lá, rượu bia và lạm dụng một số loại thuốc kê đơn;
  • Rối loạn nội tiết tố (thường là các hormone tuyến giáp hoạt động kém hoặc sản xuất quá mức);
  • Tư thế ngủ nằm ngửa có thể phát triển ngưng thở cao hơn hoặc khiến các triệu chứng càng trầm trọng hơn;
  • Tiền sử gia đình từng có người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, do liên quan đến mộ vài dấu hiệu, đặc điểm giải phẫu ở vùng cổ họng;
  • Các bệnh lý sức khỏe tiềm ẩn về phổi, tim cũng có nhiều khả năng phát triển hội chứng ngưng thở khi ngủ;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Ở hầu hết bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, nhịp thở vào ban đêm diễn ra rất bất thường gây ra hàng loạt các triệu chứng sau đây:

Nhịp thở bất thường vào ban đêm kèm theo ngáy to, thở hổn hển hoặc dễ thức giấc giữa đêm là dấu hiệu đặc trưng của chứng ngưng thở khi ngủ

Triệu chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Theo sự đánh giá của các chuyên gia, các triệu chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn thường không thể được phát hiện bởi bản thân. Mà thường là do bạn cùng giường hoặc cùng phòng phát hiện, thông qua nhịp thở nông và tiếng ngáy to bất thường.

  • Tiếng ngáy to nhưng bị ngắt quãng bởi những âm thanh thở hổn hển hoặc nghẹt đường thở;
  • Tăng tần suất và thời gian ngủ ngày;
  • Ngủ dậy bị đau đầu vào kéo dài cảm giác này nhiều giờ sau đó;
  • Giảm sự tập trung, thay đổi tâm trạng;
  • Khô miệng;
  • Thức dậy nhiều lần giữa đêm;

Triệu chứng ngưng thở khi ngủ trung ương

Tương tự như nguyên nhân tắc nghẽn, bệnh nhân mắc dạng trung ương này thường không thể tự nhận biết bản thân đang có nhịp thở không đều. Thường được phát hiện từ người ngủ cùng giường hoặc người chăm sóc trực tiếp.

Bao gồm các triệu chứng sau:

  • Có các kiểu thở bất thường (cụ thể là thở Cheyne - Stokes CSB), đặc trưng với nhịp thở nhanh, sâu nhưng lại bất chợt nông bất thường và đến ngừng thở hoàn toàn. Sau vài giây, bệnh nhân sẽ thở lại và lại tiếp tục quy trình thở như vậy;
  • Tỉnh giấc với cảm giác nghẹn, khó thở do đau tức ngực vào ban đêm;
  • Vã nhiều mồ hôi và có cảm giác bồn chồn vào ban đêm;
  • Có các triệu chứng đặc trưng của suy giảm chức năng não như khó tập trung, mất trí nhớ hoặc hàng loạt các vấn đề khác;
  • Rối loạn chức năng tình dục;

Trên đây là những dấu hiệu ngưng thở khi ngủ đặc trưng ở người trưởng thành. Vì đa số trường hợp mắc bệnh đều là người lớn. Nhưng ở một số ít trường hợp đối tượng mắc phải là trẻ em, các triệu chứng có thể biểu hiện khác, bao gồm:

  • Trẻ ngáy to và thở gấp;
  • Thường xuyên tè dầm;
  • Có những cử động tay hoặc chân bất thường trong lúc ngủ;
  • Tư thế ngủ bất ổn, hay duỗi cổ;
  • Đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm, hay bị trào ngược;
  • Phát triển các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), gây tăng động và khó tập trung trong học tập;

Chẩn đoán

Chứng ngưng thở khi ngủ không quá khó để chẩn đoán. Quy trình này được thực hiện bởi chuyên gia hoặc bác sĩ có kinh nghiệm, bao gồm một số quy trình cụ thể sau đây:

Khám sức khỏe, thể chất

Quá trình chẩn đoán thường được bắt đầu bởi một cuộc kiểm tra toàn diện, xem xét triệu chứng và đánh giá thể trạng, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

Trong quá trình này, bác sĩ sẽ dựa vào những thông tin cơ bản để phát hiện các bất thường có thể là dấu hiệu của ngưng thở khi ngủ. Đồng thời, xác định yếu tố nguy cơ có khả năng dẫn đến tình trạng này.

Nghiên cứu giấc ngủ vào ban đêm (polysomnogram)

Đây là quá trình nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện trong phòng thí nghiệm, giúp phát hiện các vấn đề bất thường về giấc ngủ. Phương pháp này rất cần thiết trong việc chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ.

Nghiên cứu giấc ngủ là kỹ thuật chẩn đoán tiêu chuẩn đối với hội chứng ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn hoặc trung ương

Kỹ thuật này sử dụng các thiết bị chuyên biệt, bao gồm cảm biến theo dõi nhịp thở, thời gian tỉnh giấc, chu kỳ ngủ, nồng độ oxy, khả năng chuyển động cơ và nhiều khía cạnh khác cần đánh giá của giấc ngủ.

Đây đều là những tiêu chuẩn vàng giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của hội chứng này.

Nghiên cứu giấc ngủ tại nhà

Một số bài kiểm tra chứng ngưng thở khi ngủ tại nhà cũng được chỉ định thực hiện đối với những trường hợp do tắc nghẽn. Bệnh nhân tự thực hiện tại nhà, nhưng kết quả vẫn phải đưa cho chuyên gia, bác sĩ y tế giải thích.

Cụ thể bao gồm các bài kiểm tra tương tự như nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, chỉ khác là không có bước kiểm tra sóng não. Kỹ thuật này cũng khá hiệu quả, tuy nhiên không phù hợp để chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ trung ương.

Biến chứng và tiên lượng

Thói quen ngủ ngáy hay các biểu hiện khác về giấc ngủ vào ban đêm rất dễ bị bỏ qua, vì nhiều người không nghĩ nó là bệnh. Điều này khiến cho mức độ hội chứng ngưng thở khi ngủ ngày càng nghiêm trọng và gây ra nhiều biến chứng khó lường, ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Mắc chứng ngưng thở khi ngủ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần

Cụ thể một vài biến chứng có thể xảy ra như:

  • Mệt mỏi: Mệt mỏi kéo dài vào ban ngày, cơn buồn ngủ có thể ập đến bất kỳ lúc nào, thậm chí dẫn đến những trường hợp rủi ro như khi đang lái xe, điều khiển các thiết bị, máy móc công nghiệp... Sự mệt mỏi khiến bạn thay đổi tâm trạng, dễ ủ rũ, nóng nảy, cáu giận..., kèm theo các vấn đề về hành vi. Biến chứng này có thể xảy ra ở cả người trưởng thành lẫn trẻ em.
  • Các vấn đề về sức khỏe: Mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường về sức khỏe, cụ thể là các bệnh lý tiềm ẩn. Chẳng hạn như:
    • Tăng huyết áp đột ngột;
    • Tăng nguy cơ phát triển các vấn đề về tim mạch như đau tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, đột quỵ, đột tử...;
    • Phát triển tiểu đường type 2 do kháng insulin do mắc chứng ngưng thở khi ngủ kéo dài;
    • Suy đa tạng, điển hình là tăng nguy cơ phát triển bệnh gan không do rượu, gây suy gan nghiêm trọng;
  • Các biến chứng khác liên quan đến gây mê trong phẫu thuật hoặc chăm sóc hậu phẫu thuật;

Đa số các trường hợp mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ đều có tiên lượng tốt khi được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách. Thời gian phục hồi hoàn toàn hoặc thời gian tối thiểu để bệnh nhân cảm thấy tốt hơn sau điều trị phù thuộc vào cách điều trị ở từng trường hợp cụ thể. Thời gian trung bình kéo dài từ 3 - 6 tháng hoặc với những trường hợp nhẹ có thể khắc phục ngay sau khi điều trị.

Điều trị

Có rất nhiều cách khác nhau để tiếp cận và điều trị xử lý các triệu chứng ngưng thở khi ngủ. Mục tiêu điều trị chủ yếu nhằm cải thiện các triệu chứng, hạn chế số lần gián đoạn hô hấp và nâng cao chất lượng giấc ngủ.

Tùy theo từng dạng hội chứng hội chứng ngưng thở khi ngủ khác nhau, mà bệnh nhân có thể áp dụng biện pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số biện pháp điều hiệu quả được các chuyên gia khuyến nghị:

Điều chỉnh thói quen sinh hoạt 

Những trường hợp bị ngưng thở khi ngủ mức độ nhẹ có thể được kiểm soát làm thuyên giảm hoặc biến mất khi bạn thay đổi một số thói quen tích cực sau đây:

  • Sử dụng thuốc: Các loại thuốc xịt thông mũi hoặc miếng dán hỗ trợ hơi thở có tác dụng cải thiện sự lưu thông không khí một cách dễ dàng. Kết hợp các loại thuốc cải thiện giấc ngủ hoặc kích thích hô hấp cũng rất cần thiết. Ngoài ra, các tình trạng sức khỏe khác như suy tim cũng cần phải sử dụng thuốc phù hợp để hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh và các triệu chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Thay đổi thuốc: Thuốc giảm đau gây nghiện opioid hoặc các loại thuốc kê toa khác cũng góp phần gây ra ngưng thở khi ngủ. Trường hợp dùng thuốc để trị bệnh, hãy trao đổi với bác sĩ để được điều chỉnh liều dùng hoặc thay thế bằng các loại thuốc khác phù hợp hơn.
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ: Hạn chế nằm ngửa, thay vào đó nên nằm nghiêng sang trái hoặc phải. Kết hợp sử dụng gối hỗ trợ chuyên dụng cùng các vật dụng tương tự để bạn thoải mái nhất trong tư thế ngủ này.

Liệu pháp áp lực đường thở dương (PAP)

Hầu hết bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ đều được chỉ định điều trị bằng liệu pháp áp lực đường thở dương (PAP). Đặc biệt phù hợp với những người mắc bệnh dạng tắc nghẽn.

Liệu pháp sử dụng một thiết bị chuyên dụng tạo ra nguồn không khí với áp suất mạnh được bơm từ máy, đi qua ống mềm để đến mặt nạ đeo trên mặt.

Liệu pháp áp lực đường thở đem lại hiệu quả khả quan trong việc cải thiện tình trạng khó thở khi ngủ vào ban đêm

Tùy theo mức độ ngưng thở khi ngủ nặng hay nhẹ, áp suất không khí sẽ được hiệu chỉnh thận trọng phù hợp với từng bệnh nhân.

Hiện nay, thiết bị CPAP (máy áp lực đường thở dương liên tục) là kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất. Nó hoạt động dựa vào cơ chế phát ra luồng không khí có cùng mức áp suất một cách liên tục để giúp bệnh nhân tăng lượng không khí khi hít vào.

Các biện pháp điều trị khác

Để tăng hiệu quả điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ, có thể áp dụng kết hợp với một số biện pháp sau:

Sử dụng thiết bị hỗ trợ

Đối với bệnh nhân bị ngưng thở tắc nghẽn do các mô mềm ở đầu, cổ, xung quanh hàm, miệng đè xuống khí quản, có thể sử dụng thiết bị ngậm được thiết kế chuyên dụng để giữ cho lưỡi, hàm luôn nằm ở vị trí cố định. Điều này giúp giảm áp lực lên khí quản và duy trì hô hấp, hơi thở bình thường trong lúc ngủ.

Liệu pháp kích thích thần kinh

Tùy vào mỗi loại hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hoặc dạng trung ương, liệu pháp kích thích này sẽ tác động đến dây thần kinh có liên quan trực tiếp. Thường là dây thần kinh dưới lưỡi hoặc dây thần kinh cơ hoành giúp kiểm soát khả năng hít vào thở ra.

Được thực hiện bằng cách gắn trực tiếp một điện cực vào vị trí chính xác của dây thần kinh, sau đó bật máy trước khi đi ngủ và tắt sau khi thức dậy. Dòng điện phát ra từ thiết bị này đủ để tác động các dây thần kinh này hoạt động ở vừa vừa phải, giúp bạn duy trì hơi thở mà không gây ra cảm giác khó chịu.

Can thiệp phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định trong những trường hợp mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do liên quan đến các bất thường về cấu trúc họng, mũi, miệng gây tắc nghẽn khí quản. Cụ thể một số ghi nhận về các cuộc phẫu thuật này bao gồm:

Trong trường hợp cần thiết có thể phẫu thuật để loại bỏ tác nhân gây tắc nghẽn dẫn đến khó thở khi ngủ

  • Cắt bỏ amidan hoặc khối VA;
  • Liệu pháp loại bỏ mô mềm xung quanh khí quản thông qua tần số vô tuyến (RF);
  • Kỹ thuật cắt bỏ các mô hình giọt nước phía sau vòm miệng và hầu họng (UPPP - uvilopalatopharyngoplasty);
  • Phẫu thuật hàm thường chỉ định cho những người có bất thường về cấu trúc micrognathia, giúp hàm gọn hơn, không có các mô mềm làm thu hẹp đường thở;

Tuân thủ phác đồ do bác sĩ yêu cầu là yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân đạt kết quả cao trong điều trị. Trong quá trình thực hiện, biến chứng và tác dụng phụ của các phương pháp điều trị này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Do đó, hãy định kỳ tái khám theo lịch hẹn với bác sĩ để được theo dõi và đánh giá liên tục.

Phòng ngừa

Hội chứng ngưng thở khi ngủ hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu áp dụng đúng phương pháp. Chỉ riêng những trường hợp có vấn đề về cấu trúc khoang mũi hoặc bệnh lý tiềm ẩn là không thể ngăn ngừa được.

Dưới đây là một số phương pháp giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải gồm:

  • Duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp, tránh thừa cân béo phì quá mức hoặc sụt cân quá mức để;
  • Vệ sinh giấc ngủ bằng các phương pháp đơn giản tại nhà để có một giấc ngủ tốt.
  • Hạn chế tiêu thụ rượu để giảm các vấn đề hô hấp vào ban đêm.
  • Kiểm soát tốt các vấn đề sức khỏe, tiền sử bệnh như cholesterol cao, tiểu đường type 2, huyết áp cao để ngăn ngừa phát triển hội chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Thăm khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi ngáy to khi ngủ, tức ngực khó thở, dễ thức giấc vào ban đêm, đau đầu, mệt mỏi vào buổi sáng?

2. Cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán lý do?

3. Nguyên nhân khiến tôi bị hội chứng ngưng thở khi ngủ?

4. Mức độ bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

5. Những biến chứng tôi có thể gặp phải khi mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ?

6. Điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Thời gian điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ mất bao lâu thì khỏi?

8. Cách chăm sóc cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ tại nhà?

Hội chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, yếu tố tác động. Nó làm gián đoạn nhịp thở trong lúc ngủ và gây ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe, nghiêm trọng nhất là về giấc ngủ, tăng nguy cơ phát triển vấn đề về tim mạch, ảnh hưởng đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Bởi vậy hãy thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa các biến chứng kể trên.

Tham khảo thêm: