Bệnh Giãn Tĩnh Mạch Thừng Tinh
Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh - hiếm muộn ở nam giới trẻ tuổi. Vì không có triệu chứng ở giai đoạn đầu nên bệnh chỉ được phát hiện khi đã ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Điều trị chủ yếu là can thiệp ngoại khoa vì điều trị nội khoa gần như không mang lại hiệu quả.
Tổng quan
Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh (Varicocele) là tình trạng đám rối tĩnh mạch sinh tinh và tĩnh mạch thừng tinh trong bị giãn nở với đường kính lớn hơn so với bình thường. Bệnh lý này có cơ chế khá giống với giãn tĩnh mạch chi dưới.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh ít gặp ở trẻ nhỏ, thường phổ biến ở nam giới trong độ tuổi dậy thì và thanh thiếu niên. Khoảng 15 - 17% nam giới được chẩn đoán mắc bệnh lý này, đây là con số không hề nhỏ nhưng rất ít người có hiểu biết về giãn tĩnh mạch thừng tinh. Nhiều bệnh nhân chủ quan trước các biểu hiện bất thường, kết quả là để bệnh kéo dài dẫn đến vô sinh - hiếm muộn.
Đa phần giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra ở bên trái và rất hiếm khi gặp ở bên phải. Dù vậy, vẫn có một số trường hợp xảy ra ở cả hai bên tinh hoàn. Ở giai đoạn đầu, bệnh gần như không có triệu chứng mà chỉ gây đau khi tĩnh mạch đã giãn nở đáng kể. Những thông tin hữu ích trong bài viết sẽ giúp bạn đọc gia tăng hiểu biết về bệnh để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.
Phân loại bệnh
Dựa vào mức độ giãn của tĩnh mạch, bệnh giãn mạch thừng tinh được chia thành 3 loại:
Giãn tĩnh mạch tinh nhẹ (Độ I):
Giãn tĩnh mạch tinh nhẹ là giai đoạn đầu của bệnh với mức độ giãn nở không đáng kể. Ở trạng thái thư giãn, tĩnh mạch lớn hơn khoảng 0.3 - 1.8mm so với bình thường và gần như chưa có triệu chứng.
Giãn tĩnh mạch tinh vừa (Độ II):
Giãn tĩnh mạch tinh vừa được xác định khi kích thước của tĩnh mạch dao động từ 4.0 - 4.5mm ở trạng thái thư giãn. Ở giai đoạn này, kích thước của tĩnh mạch gia tăng đáng kể nên có thể sờ và nhìn thấy bằng mắt thường.
Giãn tĩnh mạch tinh nhiều (Độ III):
Giãn tĩnh mạch tinh nhiều là giai đoạn nặng khi mà kích thước của tĩnh mạch lên đến 5mm. Đường kính của tĩnh mạch lớn nên có thể quan sát dễ dàng qua da bìu.
Tham khảo chi tiết: Các cấp độ giãn tĩnh mạch thừng tinh (0-1-2-3-4)
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh vẫn chưa biết rõ. Nhưng các chuyên gia tin rằng, rối loạn chức năng của các van một chiều ở tĩnh mạch trong bìu chính là nguyên nhân làm gia tăng áp lực, từ đó khiến cho tĩnh mạch bị giãn nở dần theo thời gian.
Một số yếu tố được cho là có liên quan đến bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh:
- Suy van tĩnh mạch
- Các vấn đề sức khỏe làm gia tăng áp lực ổ bụng như u sau phúc mạc, u vùng tiểu khung…
- Bất thường vị trí đổ của tĩnh mạch tinh vào tĩnh mạch chủ bụng hoặc tĩnh mạch thận trái
Thông thường, các bệnh giãn tĩnh mạch thường gặp ở người trung niên và cao tuổi do áp lực tăng dần khiến cho thành mạch suy yếu. Với giãn tĩnh mạch thừng tinh, bệnh gặp chủ yếu ở tuổi thiếu niên, ít gặp ở trẻ nhỏ và nam giới trung niên. Tuy nhiên, vì triệu chứng mờ nhạt nên đa số đều phát hiện muộn khi bệnh đã gây ra biến chứng hiếm muộn và đau vùng bẹn.
Triệu chứng và chẩn đoán
Ở giai đoạn đầu, giãn tĩnh mạch thừng tinh gần như không có triệu chứng. Tuy nhiên theo thời gian, đường kính của tĩnh mạch tăng dần, làm gia tăng áp lực lên vùng bìu và tinh hoàn. Lúc này, các triệu chứng cơ năng mới dần xuất hiện.
Tùy vào mức độ giãn của tĩnh mạch thừng tinh, các triệu chứng bệnh nhân có thể gặp phải bao gồm:
- Tinh hoàn đau, có cảm giác căng tức, khó chịu
- Đôi khi có cảm giác khó chịu mơ hồ ở vùng bìu nhưng không thể xác định vị trí chính xác
- Một số người có cảm giác nóng ở một hoặc hai bên bìu (vị trí tĩnh mạch bị giãn)
- Khi đứng, lưu lượng máu trong tĩnh mạch tăng lên và có thể quan sát búi tĩnh mạch giãn to, ngoằn ngoèo ngay bên dưới vùng da bìu.
- Quan sát thấy hai bên tinh hoàn không đều nhau (trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh chỉ xảy ra một bên)
- Hiếm muộn, vô sinh
Đau vùng bẹn, hiếm muộn là những lý do khiến bệnh nhân quyết định thăm khám. Lúc này, tinh hoàn đã có dấu hiệu teo dẫn đến bất thường trong sản xuất tinh dịch, tinh trùng ngưng trưởng thành nên khả năng sinh sản kém. Nếu không kịp thời thăm khám, nguy cơ vô sinh là rất cao.
Bác sĩ sẽ trao đổi về những triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, sau đó khám vùng sinh dục, nghiệm pháp Valsava để đánh giá dương vật, bìu và quan sát biểu hiện tĩnh mạch giãn nở ngoằn ngoèo bên dưới da. Thông qua khám lâm sàng, bác sĩ có thể đánh giá nguy cơ giãn tĩnh mạch thừng tinh. Tuy nhiên, để chắc chắn, bệnh nhân cần thực hiện thêm một số phương pháp cận lâm sàng sau:
- Siêu âm Doppler màu: Phương pháp này được chỉ định đầu tiên khi có các gợi ý của giãn tĩnh mạch thừng tinh. Thông qua siêu âm, bác sĩ có thể đánh giá mức độ giãn tĩnh mạch. Tĩnh mạch được xác định giãn nở khi đường kính lớn hơn 2.5mm.
- Siêu âm ổ bụng: Siêu âm ổ bụng được thực hiện để loại trừ khả năng giãn tĩnh mạch tinh thứ phát do chèn ép tiểu khung và u sau phúc mạc.
- Chụp tĩnh mạch tinh: Chụp tĩnh mạch tinh là phương pháp xâm lấn và để lại khá nhiều biến chứng nên hiện nay ít được sử dụng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận phương pháp này có giá trị cao trong chẩn đoán, giúp bác sĩ đánh giá mức độ giãn tĩnh mạch thừng tinh một cách nhanh chóng và chính xác.
- Các phương pháp khác: Trường hợp đã xuất hiện biến chứng vô sinh - hiếm muộn, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm nhiều xét nghiệm khác như chụp mạch máu phóng xạ hạt nhân, đo nhiệt độ bìu, đo hormone hướng sinh dục, hormone sinh dục nam, xét nghiệm tinh dịch đồ…
Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh có biểu hiện khá giống với một số bệnh nam khoa khác như tràn dịch tinh mạc, nang nước thừng tinh, nang mào tinh… Do đó, một số trường hợp sẽ phải thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán khác trước khi đưa ra kết luận chính thức.
Biến chứng và tiên lượng
Biến chứng lớn nhất của bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh là vô sinh - hiếm muộn. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2010 cho thấy, khoảng 50% trường hợp vô sinh nam có bất thường trong tinh dịch đồ và giãn tĩnh mạch thừng tinh là nguyên nhân phổ biến nhất, xảy ra ở 25.4% trường hợp có tinh dịch đồ bất thường.
Khoảng 20% nam giới hiếm muộn do ảnh hưởng của bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh. Vì vậy, nam giới cần phải phát hiện và điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe sinh sản.
Khi tĩnh mạch thừng tinh bị giãn nở, cơ chế trao đổi nhiệt từ động mạch đến tinh hoàn bị rối loạn. Kết quả là máu từ động mạch vào tinh hoàn có nhiệt độ cao khiến cho các tế bào mầm bị ức chế. Tế bào mầm có vai trò tổ hợp ADN để sản xuất tinh trùng. Đây cũng là lý do giãn tĩnh mạch thừng tinh gây bất thường tinh dịch đồ và gia tăng nguy cơ vô sinh - hiếm muộn.
Về lâu dài, tinh hoàn sẽ có hiện tượng teo do giảm sản xuất tinh trùng trong một thời gian dài. Một số trường hợp còn biến đổi mô bệnh học như mô kẽ xơ hóa, dày thành ống, tinh trùng ngưng trưởng thành, giảm sinh tinh. Rối loạn chức năng tế bào Leydig cũng là hậu quả mà bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh phải đối mặt.
Nếu được phát hiện sớm, bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh thường có đáp ứng tốt với điều trị. Trường hợp teo tinh hoàn và hiếm muộn có thể phục hồi khả năng sinh sản sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, phải cần một thời gian khá dài để tinh dịch đồ trở về mức bình thường.
Ngoài những ảnh hưởng kể đến, đau vùng bẹn dai dẳng do bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng khiến bệnh nhân gặp nhiều phiền toái trong sinh hoạt. Cơn đau dai dẳng khiến người bệnh khó tập trung hoàn toàn cho công việc, giảm chất lượng giấc ngủ, thường xuyên mệt mỏi, uể oải.
Điều trị
Can thiệp ngoại khoa là lựa chọn tối ưu cho bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh. Tùy theo độ tuổi và tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả đối với bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh. Dù vậy, nếu chưa thể phẫu thuật, có thể sử dụng một số loại thuốc để làm chậm tiến triển và giảm cơn đau.
Các loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh giãn tĩnh mạch bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID được sử dụng để chống viêm, giảm đau do bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh gây ra. Thuốc giúp giảm nhanh triệu chứng nhưng không nên lạm dụng, vì có thể gây loét, chảy máu ống tiêu hóa và tổn thương gan thận.
- Thuốc tăng sức bền tĩnh mạch: Thuốc tăng sức bền tĩnh mạch thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý có cơ chế giãn mạch như giãn tĩnh mạch thừng tinh, suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bệnh trĩ… Flavonoid là loại thuốc thông dụng, được khuyến cáo dùng từ 2 - 4 tuần để tăng sức bền của tĩnh mạch. Từ đó có thể làm chậm tiến triển của bệnh và hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng.
Điều trị ngoại khoa
Hầu hết những trường hợp có chỉ định điều trị đều phải can thiệp ngoại khoa vì điều trị nội khoa gần như không mang lại hiệu quả. Phẫu thuật sẽ được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Nam giới trong độ tuổi thiếu niên được chỉ định phẫu thuật khi bị giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 2, độ 3 dẫn đến chậm phát triển hoặc teo tinh hoàn.
- Nam giới trưởng thành bị giãn tĩnh mạch thừng tinh kéo dài gây đau mãn tính, khó chịu nhưng không có đáp ứng với điều trị nội khoa.
- Phẫu thuật cũng được cân nhắc nếu nguyên nhân vô sinh - hiếm muộn là do nam giới (đã đánh giá, sàng lọc chức năng sinh sản ở người vợ)
- Trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh kèm theo bất thường tinh dịch đồ cũng được cân nhắc phẫu thuật.
Trước đây, đa phần các trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh đều được chỉ định mổ mở. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của y học, các phương pháp mới ra đời với nhiều ưu điểm hơn như mức độ xâm lấn thấp, ít đau, phục hồi nhanh.
Các phương pháp phẫu thuật được cân nhắc cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh:
Thuyên tắc tĩnh mạch tinh giãn
Thuyên tắc tĩnh mạch tinh giãn hay nút mạch điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh là phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay. Trước khi thực hiện, cần phải bơm thuốc cản quang vào tĩnh mạch thừng tinh để xác định cấu trúc giải phẫu.
Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ chọc dò vào tĩnh mạch ở vùng bẹn với mục đích làm thuyên tắc các tĩnh mạch bị giãn nở. Dụng cụ thuyên tắc được sử dụng bao gồm thuốc gây xơ hóa, bong bóng và vòng xoắn (coli). So với phẫu thuật, phương pháp này có mức độ xâm lấn thấp, thời gian thực hiện nhanh kéo dài từ 45 - 60 phút.
Thuyên tắc tĩnh mạch tinh giãn có mức độ xâm lấn thấp, thời gian phục hồi nhanh và nguy cơ gặp phải các biến chứng nặng là rất thấp. Tỷ lệ tái phát sau khi thực hiện lên đến 15 - 25%. Dù vậy, hiện nay phương pháp này rất được ưa chuộng trong điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Nội soi ổ bụng
Nội soi ổ bụng cũng là phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến hiện nay. So với kỹ thuật thuyên tắc, tỷ lệ tái phát khi nội soi giảm xuống khoảng 5 - 15% nhưng có nguy cơ tràn dịch tinh mạc.
Phương pháp nội soi có ưu điểm là mức độ xâm lấn thấp, có thể bảo tồn động mạch và hệ bạch mạch. Hạn chế của phương pháp này là chi phí thực hiện tương đối cao và có nguy cơ gặp phải biến chứng thủng ruột.
Phẫu thuật mổ mở truyền thống
Mổ mở có hạn chế là mức độ xâm lấn sâu, phục hồi chậm và nguy cơ gặp biến chứng khá cao. Dù vậy, trong một số trường hợp, nam giới bị giãn tĩnh mạch thừng tinh bắt buộc phải phẫu thuật mổ mở truyền thống để đảm bảo hiệu quả.
Có hai phương pháp mổ mở được áp dụng hiện nay là mổ hở ngả sau phúc mạc và ngả bẹn. Cả hai phương pháp này đều không bảo toàn động mạch. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát khi thực hiện mổ hở ngả bẹn thấp hơn, chỉ 5 - 15%. Hạn chế của phương pháp này là nguy cơ bị tràn dịch tinh mạc lên đến 3 - 30%.
Phẫu thuật là lựa chọn tối ưu trong điều trị bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh. Dù vậy, phương pháp này vẫn có một số hạn chế nhất định. Trên thực tế, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng cụ thể của từng trường hợp để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Chăm sóc sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật và thuyên tắc tĩnh mạch tinh giãn, bệnh nhân cần nghỉ ngơi trong khoảng 2 - 3 ngày. Sau đó, có thể hoạt động trở lại nhưng cần hạn chế mang vác nặng, lao động quá sức. Các hoạt động như tập thể dục, quan hệ tình dục… nên thực hiện lại sau khoảng 1 tháng để đảm bảo an toàn.
Tham khảo thêm: Cách chăm sóc sau mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh
Phòng ngừa
Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh chưa được biết rõ. Vì vậy, không có bất cứ phương pháp nào có thể phòng ngừa bệnh lý này.
Cách duy nhất để hạn chế nguy cơ mắc bệnh là thăm khám định kỳ, qua đó có thể phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường và điều trị khi cần thiết. Nếu tiền sử gia đình có người bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, nên khám sàng lọc từ giai đoạn dậy thì cho đến hết thời kỳ thiếu niên.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh?
2. Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh có nhất thiết điều trị?
3. Giãn tĩnh mạch thừng tinh gây teo tinh hoàn, vô sinh phải làm sao?
4. Tỷ lệ thụ thai khi bị giãn tĩnh mạch thừng tinh?
5. Khi nào cần phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh?
6. Sau khi phẫu thuật có cần lưu viện? Bao lâu thì phục hồi?
7. Mất bao lâu để tinh dịch phục hồi sau khi điều trị?
8. Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh có tái phát không? Làm sao để phát hiện sớm?
Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh là vấn đề nam khoa khá phổ biến ở độ tuổi thanh thiếu niên. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây teo tinh hoàn, vô sinh - hiếm muộn. Vì vậy, nếu nhận thấy vùng da bìu xuất hiện các tĩnh mạch phù nề, ngoằn ngoèo… nên thăm khám để phát hiện và điều trị kịp thời.