Bệnh Xuất Tinh Ngược Dòng
Bệnh xuất tinh ngược dòng xảy ra khi tinh trùng đi ngược lên bàng quang thay vì được giải phóng ra bên ngoài thông qua niệu đạo. Tình trạng này không gây đau hay khó chịu nhưng ảnh hưởng đáng kể khả năng sinh sản. Nhiều nam giới bị xuất tinh ngược gần như không thể có con tự nhiên mà phải can thiệp các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Tổng quan
Bệnh xuất tinh ngược dòng (Retrograde Ejaculation) hay cực khoái khô là tình trạng tinh trùng không được phóng ra ngoài thông qua niệu đạo, thay vào đó là đi ngược vào bàng quang và được bài xuất cùng với nước tiểu. Xuất tinh ngược có thể xảy ra một phần (chỉ một phần nhỏ tinh dịch đi vào bàng quang) hoặc hoàn toàn.
Bên cạnh xuất tinh sớm thì đây cũng là một dạng rối loạn xuất tinh khá phổ biến. Nhìn chung, tình trạng này gần như vô hại nhưng ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản. Vì tinh trùng không được giải phóng thông qua niệu đạo nên tỷ lệ thâm nhập vào tử cung và thụ thai gần như là không thể.
Thực tế, xuất tinh ngược dòng đôi khi không gần điều trị - đặc biệt là khi nam giới không có nhu cầu có con hoặc đã có đủ con. Can thiệp điều trị chủ yếu được thực hiện với mục đích phục hồi khả năng sinh sản.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Thông thường, cổ bàng quang và cơ niệu đạo sẽ đóng - mở nhịp nhàng khi tiểu tiện và quan hệ tình dục. Khi xuất hiện cực khoái, ống dẫn tinh đưa tinh trùng từ tinh hoàn đến tuyến tiền liệt để trộn lẫn với chất lỏng nhằm tạo ra tinh dịch. Vì một vài lý do, cơ vòng gần cổ bàng quang không đóng kín khiến cho tinh dịch đi ngược vào bên trong thay vì xuất ra bên ngoài.
Xuất tinh ngược dòng hiếm khi xảy ra ngay từ lần đầu tiên quan hệ mà thường là do một số vấn đề làm tổn thương dây thần kinh. Cụ thể là sợi thần kinh giao cảm trung gian ở cổ bàng quang và cơ thắt tuyến tiền liệt. Hậu quả là làm giảm khả năng co thắt gây xuất tinh ngược dòng.
Các nguyên nhân, yếu tố được cho là có liên quan đến bệnh lý này bao gồm:
- Các bệnh lý gây tổn thương thần kinh như đa xơ cứng, tiểu đường, Parkinson
- Xạ trị điều trị ung thư vùng chậu
- Dị tật bẩm sinh ở bàng quang, niệu đạo.
- Biến chứng của các bệnh lý cột sống như cột sống dị dạng, gai đôi cột sống, thoái hóa cột sống, chấn thương tủy sống
- Tổn thương sợi thần kinh sau khi phẫu thuật cắt bỏ đại tràng, phẫu thuật vùng tiểu khung, phẫu thuật cắt bỏ u xơ tuyến tiền liệt
- Tác dụng phụ của thuốc điều trị tăng huyết áp, phì đại tiền liệt tuyến và các loại thuốc hướng thần. Những loại thuốc này làm thư giãn cơ ở cổ bàng quang khiến cho tinh dịch đi vào gây cực khoái khô.
- Thói quen kìm hãm xuất tinh khi quan hệ sẽ làm tăng áp lực, kết quả là gây suy yếu cơ ở cổ bàng quang và niệu đạo. Đây chính là nguyên nhân khiến cho tinh dịch đi ngược vào bàng quang thay vì xuất ra bên ngoài.
Nhìn chung, bệnh xuất tinh ngược dòng chủ yếu là do các vấn đề sức khỏe khác ảnh hưởng, gần như không liên quan đến lối sống. Bệnh thường gặp ở người trung niên, cao tuổi nhưng cũng có thể gặp ở nam giới trong độ tuổi sinh sản.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh xuất tinh ngược dòng thường không gây đau hay khó chịu. Khả năng cương cứng và cực khoái gần như không bị ảnh hưởng. Dấu hiệu duy nhất để nhận biết tình trạng này là hoàn toàn không có tinh dịch khi xuất tinh.
Các triệu chứng của bệnh xuất tinh ngược dòng bao gồm:
- Không có tinh dịch được phóng ra khi có cực khoái, bao gồm cả thủ dâm và quan hệ tình dục thông thường.
- Khi đi tiểu, quan sát thấy nước tiểu đục, có lẫn cợn màu trắng bên trong.
- Một số trường hợp có thể gây giảm cực khoái.
- Vô sinh, hiếm muộn (bạn đời không thể mang thai dù quan hệ đều đặn và không sử dụng các biện pháp phòng ngừa)
Nếu nghi ngờ bị xuất tinh ngược dòng, nam giới nên thăm khám sớm để được chẩn đoán kịp thời. Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng gặp phải, sau đó khám dương vật và trực tràng.
Thông thường nếu bị xuất tinh ngược, khám lâm sàng có thể phát hiện một số vấn đề như u trực tràng, phì đại tuyến tiền liệt… Để đưa ra chẩn đoán chính xác, nam giới sẽ được yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm tinh dịch đồ: Nam giới sẽ được uống thuốc để kiềm hóa nước tiểu trước khi xét nghiệm tinh dịch đồ. Kết quả từ xét nghiệm này cho thấy vô sinh - hiếm muộn hoàn toàn không phải do tinh trùng dị dạng, khả năng di động kém.
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu là kỹ thuật có giá trị trong chẩn đoán bệnh xuất tinh ngược dòng. Với nam giới mắc bệnh lý này, nước tiểu thường có lẫn tinh dịch ở bên trong. Để cho kết quả chính xác, nam giới thường được yêu cầu thủ dâm để tinh dịch được giải phóng.
Nếu nghi ngờ xuất tinh ngược dòng có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu khác. Chỉ khi xác định được nguyên nhân cụ thể, điều trị mới có thể mang lại kết quả như mong đợi.
Biến chứng và tiên lượng
Biến chứng thường gặp nhất của bệnh xuất tinh ngược dòng là vô sinh - hiếm muộn. Vì tinh dịch không được xuất ra bên ngoài nên khả năng tiếp cận với trứng là rất thấp. Rất nhiều nam giới vô tình phát hiện ra bệnh lý này khi đến khám vô sinh.
Trong một số trường hợp, xuất tinh ngược dòng ảnh hưởng đến cực khoái, mức độ thỏa mãn khi quan hệ tình dục giảm đi đáng kể. Hơn nữa, vì tinh dịch không được xuất ra bên ngoài nên không ít người cảm thấy lo lắng, thiếu tự tin khi gần gũi với bạn tình.
Thực tế, xuất tinh sớm không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của nam giới nên nếu không có nhu cầu có con, điều trị gần như không cần thiết. Trường hợp mong muốn có con, cần điều trị sớm để phục hồi khả năng sinh sản.
Điều trị
Điều trị bệnh xuất tinh ngược dòng được thực hiện với mục đích cải thiện khả năng sinh sản. Vì nguyên nhân khá đa dạng nên chỉ định điều trị sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Các phương pháp được áp dụng trong điều trị bệnh xuất tinh ngược dòng:
Điều trị bệnh nguyên
Xuất tinh ngược dòng có thể là biến chứng sau phẫu thuật u xơ tuyến tiền liệt hoặc ảnh hưởng của chấn thương, các bệnh lý cột sống, thần kinh… Để cải thiện tình trạng này, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bệnh nguyên.
Phần lớn các trường hợp xuất tinh ngược dòng để được điều trị bằng thuốc. Các loại thuốc có tác dụng giúp cổ bàng quang đóng kín khi xuất tinh để tinh dịch xuất ra bên ngoài thông qua đường niệu đạo.
Trường hợp xuất tinh ngược dòng do ảnh hưởng của một số loại thuốc, bác sĩ sẽ giảm liều hoặc thay thế bằng loại thuốc khác. Nhìn chung, đa phần sau khi đổi loại thuốc, tình trạng cực khoái khô được cải thiện rõ rệt.
Các biện pháp hỗ trợ sinh sản
Trường hợp điều trị nội khoa thất bại, các cặp đôi có thể can thiệp các biện pháp hỗ trợ sinh sản nếu mong muốn có con. Tinh trùng sẽ được lấy từ nước tiểu hoặc chọc hút tinh trùng từ mào tinh/ tinh hoàn (TESA).
Tinh trùng sau khi được xử lý sẽ cho thụ tinh ống nghiệm với trứng để tạo thành phôi. Trong thời gian này, người vợ sẽ được sử dụng một số loại thuốc nhằm giúp phôi dễ dàng làm tổ sau khi cấy vào bên trong tử cung.
Với sự tiến bộ của y học, các biện pháp hỗ trợ sinh sản sẽ giúp nam giới xuất tinh ngược có con. Tuy nhiên, đa phần các phương pháp này đều có chi phí cao và tỷ lệ thành công phụ thuộc khá nhiều vào sức khỏe sinh sản của người vợ.
Phòng ngừa
Bệnh xuất tinh ngược ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản của nam giới. Tuy nhiên, bệnh lý này không thể phòng ngừa hoàn toàn. Dù vậy, nam giới vẫn nên thực hiện những biện pháp sau để cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Chăm sóc sức khỏe thể chất nói chung và sức khỏe sinh sản bằng lối sống khoa học, nghỉ ngơi điều độ, xây dựng chế độ ăn uống cân bằng. Hoạt động tình dục với tần suất phù hợp, quan hệ an toàn, chung thủy với một bạn tình.
- Tập thể dục thường xuyên, giảm căng thẳng để phòng ngừa trầm cảm, huyết áp cao, tiểu đường và các vấn đề tim mạch khác. Phòng ngừa các bệnh lý này sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh xuất tinh ngược dòng.
- Nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt nên xem xét các phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn như sử dụng laser, vi sóng xuyên tuyến… Mức độ xâm lấn thấp sẽ giúp hạn chế tổn thương dây thần kinh và cơ.
- Trường hợp phải can thiệp phẫu thuật bàng quang, tuyến tiền liệt… nên trao đổi với bác sĩ về nguy cơ xuất tinh ngược và vô sinh - hiếm muộn. Nếu cần thiết, cần lên kế hoạch có con trước phẫu thuật hoặc lưu trữ tinh trùng để sử dụng nếu có ý định can thiệp các biện pháp hỗ trợ sinh sản về sau.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?
2. Vì sao tôi bị bệnh xuất tinh ngược dòng?
3. Tình trạng của tôi có nghiêm trọng không?
4. Khả năng có con của tôi là khoảng bao nhiêu? Có nhất thiết phải thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản?
5. Nếu không có nhu cầu có con, tôi có nhất thiết phải điều trị bệnh xuất tinh ngược dòng?
6. Điều trị xuất tinh ngược dòng bằng thuốc có hiệu quả không? Nên dùng loại nào tốt nhất?
7. Xuất tinh ngược dòng gây giảm cực khoái, làm sao để cải thiện?
Bệnh xuất tinh ngược dòng là tình trạng khá phổ biến ở nam giới trung niên và cao tuổi. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng nhưng thường liên quan đến các bệnh mãn tính như phì đại tuyến tiền liệt, tiểu đường, Parkinson. Trong trường hợp mong muốn có con, nam giới nên thăm khám sớm để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.