Bệnh đau tinh hoàn
Đau tinh hoàn là tình trạng đau buốt khó chịu xảy ra do nhiều nguyên nhân. Nam giới bị đau tinh hoàn kéo dài không tìm hiểu nguyên nhân và điều trị có thể gặp phải nhiều biến chứng, đặc biệt là nguy cơ vô sinh, hiếm muộn, thậm chí là tử vong.
Tổng quan
Đau tinh hoàn xảy ra ở nam giới có liên quan đến nhiều nguyên nhân từ vấn đề chấn thương đến bệnh lý nam khoa nguy hiểm. Nam giới gặp phải cơn đau âm ỉ kéo dài hoặc đau buốt tinh hoàn. Tùy nguyên nhân gây đau mức độ đau ở mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau.
Tình trạng đau có thể xuất hiện đột ngột sau đó thuyên giảm hoặc kéo dài. Nam giới cần thận trọng nếu nhận thấy cơn đau không thuyên giảm kèm theo các biểu hiện bất thường khác. Bởi trường hợp cơn đau liên quan đến bệnh lý không điều trị có khả năng phát sinh nhiều biến chứng.
Không chỉ đau tại tinh hoàn, nhiều bệnh nhân bị đau tinh hoàn do ảnh hưởng bởi đau bìu, bẹn, các vấn đề ở thận, niệu quản,... Do đó, tốt hơn hết nam giới nên đến gặp bác sĩ kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt, bảo vệ an toàn sức khỏe.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tinh hoàn gây đau. Trong đó kể đến các bệnh lý tại bộ phận sinh dục nam, đau do chấn thương, tai nạn, đau do ảnh hưởng từ các vấn đề tại cơ quan lân cận,... Bệnh nhân cần xác định nguyên nhân gây đau tinh hoàn để có biện pháp xử lý phù hợp.
Đau tinh hoàn do chấn thương
Chấn thương bộ phận sinh dục gây ra các cơn đau ở vùng bẹn, tinh hoàn, dương vật. Nguyên nhân do té ngã, tai nạn hoặc các tác động cơ học từ bên ngoài. Các chấn thương cần được chăm sóc, điều trị để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý nam giới.
Trường hợp có vết thương hở, bệnh nhân cần vệ sinh tránh viêm nhiễm. Tốt hơn hết bệnh nhân nên đến cơ sở y tế kiểm tra tình trạng chấn thương để có các chỉ dẫn phù hợp. Sử dụng thuốc điều trị theo phác đồ, bảo vệ bộ phận sinh dục.
Đau tinh hoàn do bệnh lý
Nhiều nam giới bị đau tinh hoàn kéo dài do ảnh hưởng bởi các bệnh lý tại cơ quan sinh dục hoặc vùng lân cận. Chẳng hạn:
- Viêm tinh hoàn: Tinh hoàn không chỉ đau mà còn kèm theo nóng, sưng đỏ. Một bên tinh hoàn bị đau hoặc đau cả hai bên. Nguyên nhân liên quan đến viêm tinh hoàn do nhiễm phải vi khuẩn, virus.
- Thoát vị bẹn: Một trong những nguyên nhân gây đau tinh hoàn ở nam giới. Vùng bẹn bị thoát vị ảnh hưởng đến khu vực bộ phận sinh dục. Nam giới bị đau tức lan rộng xuống tinh hoàn, tình trạng nặng phải phẫu thuật để điều trị.
- Viêm mào tinh: Nam giới bị viêm mào tinh có cảm giác đau nhức khó chịu ở tinh hoàn, đặc biệt đau nặng hơn khi chạm vào tinh hoàn, mào tinh bị sưng to, cứng bất thường. Tình trạng đau có thể kéo dài từ 1-2 tháng.
- Nang mào tinh: Ngoài các nguyên nhân kể trên, nam giới có khả năng bị đau tinh hoàn do mắc nang mào tinh. Khi đó, các u nang sẽ gây đau, phát triển kích thước lớn khiến bệnh nhân gặp phải nhiều biểu hiện khó chịu.
- Tràn dịch màng tinh: Tình trạng nguy hiểm, xuất hiện phổ biến ở nam giới. Dịch tích tụ xung quanh vị trí tinh hoàn khiến người bệnh bị đau tinh hoàn kèm theo nguy cơ nhiễm trùng nếu dịch tràn màng tinh.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Đây cũng là nguyên nhân gây đau tinh hoàn mà nhiều nam giới mắc phải, cơn đau có thể kéo dài gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của nam giới.
- Xoắn tinh hoàn: Cơn đau dữ dội do tinh hoàn không nhận đủ lượng máu cần thiết. Nếu không phát hiện và điều trị bệnh nhân có thể bị hoại tử tinh hoàn.
Bên cạnh các bệnh lý kể trên, nam giới có thể bị ung thư, sỏi thận, tụ máu tinh hoàn,... gây ra các cơn đau bất thường. Nam giới cần thăm khám để có biện pháp điều trị sớm, bảo vệ sức khỏe sinh sản cũng như sức khỏe tổng thể.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Nam giới bị đau tinh hoàn âm ỉ kéo dài hoặc đột ngột. Cơn đau tùy nguyên nhân và mức độ mà ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người bệnh. Nếu không kiểm soát, tình trạng này kéo dài có thể phát sinh thêm nhiều biến chứng nguy hại khác. Lúc đó triệu chứng bệnh sẽ ngày càng nặng nề hơn.
Một số biểu hiện khác đi kèm cơn đau bệnh nhân nam có thể gặp phải như:
- Nổi mẩn đỏ xung quanh bẹn, bộ phận sinh dục, đỏ tinh hoàn, sưng tê.
- Bầm tím ở bìu cũng là triệu chứng thường xuất hiện song song với cơn đau tinh hoàn bất thường. Vết bầm có thể xảy ra do chấn thương hoặc liên quan đến bệnh lý, tụ máu bầm, ứ dịch.
- Thân nhiệt nam giới tăng cao là một trong các biểu hiện đi kèm cơn đau khi tinh hoàn bị viêm nhiễm vi khuẩn, virus.
- Nam giới có thể bị buồn nôn, khó chịu, suy nhược cơ thể khi đau tinh hoàn liên quan đến chấn thương, bệnh thận, viêm nhiễm,...
- Tiểu tiện thường xuyên kèm theo cơn đau rát khó chịu khi đi tiểu cũng là biểu hiện bất thường nam giới gặp phải.
Đa số các trường hợp chẩn đoán đau tinh hoàn ở độ tuổi từ 15-35 tuổi, một số khác xảy ra ở trẻ em do bệnh lý nam khoa bẩm sinh, chấn thương. Bệnh nhân cần thăm khám nếu nhận thấy cơn đau kéo dài không thuyên giảm.
Chẩn đoán
Người bệnh cần đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường kèm cơn đau âm ỉ ở tinh hoàn, như sốt cao, u ở bìu, nóng rát, sưng bìu, buồn nôn, chấn thương bộ phận sinh dục,... Nam giới được bác sĩ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm cần thiết bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu
- Xét nghiệm máu
- Chụp MRI
- Siêu âm tinh hoàn, bộ phận sinh dục
Kết hợp các thăm khám lâm sàng để chẩn đoán tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Sau khi tìm ra nguyên nhân dẫn đến cơn đau tinh hoàn khó chịu, bệnh nhân được chỉ định phác đồ điều trị phù hợp, bảo vệ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tổng thể.
Biến chứng và tiên lượng
Đau tinh hoàn có thể xảy ra do liên quan đến nhiều nguyên nhân. Như trên đã đề cập, nam giới có thể bị đau do chấn thương tại vùng sinh dục, tổn thương vùng bẹn, xoắn tinh hoàn, viêm nhiễm nam khoa,...
Cơn đau nếu kéo dài có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với đời sống và sức khỏe bệnh nhân. Cụ thể:
- Ảnh đời sống: Cơn đau kéo dài khiến nam giới giảm sút sức khỏe, khó chịu gây suy giảm năng suất làm việc. Nhiều trường hợp đi lại khó khăn do đau tinh hoàn kèm sưng tấy. Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc thay đổi tư thế, đứng lên ngồi xuống vướng do sưng, nổi mụn nước hoặc tổn thương tại bộ phận nhạy cảm. Việc tinh hoàn viêm, sưng cọ xát với quần áo có thể khiến tình trạng đau ngày càng nặng nề. Ngoài ra, việc tinh hoàn sưng đau còn ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng, làm suy giảm ham muốn tình dục ở phái mạnh.
- Ảnh hưởng sức khỏe: Tinh hoàn viêm sưng không điều trị có thể gây ra nhiều tổn thương vĩnh viễn tại khu vực này. Đặc biệt là nguy cơ mất khả năng sinh sản nếu đau tinh hoàn liên quan đến viêm, bệnh nam khoa không được điều trị. Một số trường hợp nhiễm trùng lan rộng, các cơ quan xa bị ảnh hưởng có nguy cơ khiến bệnh nhân nam tử vong.
Điều trị
Đau tinh hoàn do nhiều nguyên nhân gây ra. Bác sĩ cần xác định nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp can thiệp điều trị phù hợp, đảm bảo an toàn sức khỏe cho bệnh nhân. Theo đó, hiện nay có các phương án giảm đau, điều trị dứt điểm cơn đau tinh hoàn như:
Các biện pháp giảm đau tại nhà:
Đối với trường hợp đau nhẹ, đau do tác động cơ học bên ngoài, bệnh nhân có thể giảm đau bằng biện pháp chườm lạnh, tắm nước ấm, kết hợp nghỉ ngơi, thư giãn, hạn chế vận động để vùng bị tổn thương mau chóng phục hồi.
Nếu có vết thương hở, người bệnh cần sát trùng, chống viêm nhiễm tại bộ phận sinh dục. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thay đổi lịch làm việc, tránh làm các công việc nặng cho đến khi vết thương hồi phục. Ngoài ra, bệnh nhân nên lựa chọn các trang phục thoải mái, thông thoáng, hạn chế mặc quần bó sát ảnh hưởng đến vùng bìu.
Điều trị y tế với thuốc Tây:
Sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh phù hợp để điều trị đau tinh hoàn cho bệnh nhân nam. Dựa trên kết quả chẩn đoán, mỗi nguyên nhân sẽ có thuốc điều trị riêng. Phác đồ dùng thuốc tân dược đưa ra với mục đích kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, đau nhức, sưng tấy vùng bìu cho bệnh nhân.
Các nhóm thuốc được dùng phổ biến như:
- Thuốc giảm đau: Thuốc có tác dụng nhanh, giúp bệnh nhân giải tỏa cơn đau tinh hoàn hiệu quả. Thuốc thường dùng như Acetaminophen, thuốc chống viêm không chứa steroid,... Chỉ định cho bệnh nhân bị đau tinh hoàn do chấn thương, viêm nhiễm tại vùng nhạy cảm. Liều dùng thuốc được quy định cụ thể theo từng trường hợp.
- Thuốc kháng sinh: Dùng cho bệnh nhân nam bị đau tinh hoàn do viêm tinh hoàn, các vấn đề liên quan đến vi khuẩn. Thuốc được dùng theo đơn, người bệnh cần tuân thủ theo liều lượng được chỉ định, thận trọng với các tác dụng phụ.
- Thuốc chống nhiễm trùng: Đây cũng là nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị đau tinh hoàn. Tác dụng ngăn chặn nguy cơ lan rộng viêm nhiễm đến các cơ quan lân cận, phòng ngừa biến chứng đau tinh hoàn. Đặc biệt thường dùng cho trường hợp viêm tinh hoàn hoặc mào tinh.
- Thuốc chống trầm cảm: Sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng cho bệnh nhân đau tinh hoàn. Trong đó thuốc Amitriptyline được dùng phổ biến nhất. Áp dụng điều trị thuốc chống trầm cảm liên quan đến bệnh lý thần kinh dẫn đến đau tinh hoàn.
Thuốc Tây mang lại tác dụng nhanh chóng, giúp bệnh nhân giảm đau, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng. Bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ điều trị, không lạm dụng hoặc tùy tiện thay đổi liều dùng để tránh gặp tác dụng phụ hại sức khỏe.
Phương pháp can thiệp ngoại khoa:
Can thiệp điều trị ngoại khoa khi cơn đau tinh hoàn liên quan đến chấn thương, bệnh lý nặng. Mỗi bệnh nhân sẽ được kiểm tra tinh hoàn, chẩn đoán thận trọng trước khi tiến hành phẫu thuật. Hiện nay có rất nhiều phương pháp ngoại khoa can thiệp giải quyết vấn đề xảy ra tại vùng kín nam giới.
Dưới đây là các trường hợp và biện pháp phẫu thuật thường được áp dụng:
- Trường hợp xoắn tinh hoàn: Phẫu thuật sửa chữa vấn đề xoắn thừng tinh mục đích ổn định lại hoạt động tinh hoàn, khai thông dòng chảy của máu nuôi dưỡng bộ phận sinh dục nam. Sau đó tinh hoàn sẽ được khâu lại để giảm nguy cơ tái phát tổn thương.
- Trường hợp viêm mào tinh: Bệnh nhân có thể phải chấp nhận cắt bỏ mào tinh trong trường hợp viêm nhiễm đã trở nên nặng nề. Đặc biệt là khi người bệnh dùng thuốc điều trị tuy nhiên không đạt được kết quả như mong đợi, lúc này phương án cắt bỏ mào tinh là việc nên làm.
- Trường hợp viêm tinh hoàn: Tương tự như viêm mào tinh nặng, bệnh nhân nam bị viêm tinh hoàn có dấu hiệu biến chứng phải cắt bỏ tinh hoàn. Tuy nhiên so với các biện pháp can thiệp kể trên thì giải pháp này là cuối cùng và không thường được áp dụng.
- Các phương pháp can thiệp khác: Ngoài các biện pháp xâm lấn kể trên, nam giới có thể được chỉ định phẫu thuật thoát vị vùng bẹn nếu cơn đau tinh hoàn liên quan đến bệnh lý này. Hoặc phẫu thuật để nối ống dẫn tinh nếu nam giới bị thắt ống dẫn tinh gây đau tinh hoàn, sử dụng sóng xung kích tác động phá hủy sỏi thận điều trị đau tinh hoàn,...
Mỗi biện pháp can thiệp sẽ có ưu và nhược điểm riêng, bệnh nhân nên tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ trong điều trị và chăm sóc sau phẫu thuật để cơ thể có điều kiện phục hồi tốt nhất. Ngoài ra, nam giới nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ giỏi để khám và điều trị đảm bảo an toàn sức khỏe.
Phòng ngừa
Đau tinh hoàn có thể xảy ra do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ chấn thương đến bệnh lý. Nam giới cần thăm khám sớm nếu cơn đau kéo dài không thuyên giảm. Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý phái mạnh một vài vấn đề nhằm chủ động phòng ngừa đau tinh hoàn như sau:
- Hạn chế chấn thương xảy ra tại vùng kín khi tham gia các hoạt động thể chất. Tránh các trò chơi có tinh chất va đập mạnh, không tham gia nếu bạn chưa có kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết để tránh các chấn thương không đáng có.
- Lựa chọn trang phục thoải mái, hạn chế mặc quần bó sát ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục. Chất liệu ưu tiên thấm hút mồ hôi, mềm mai, thoải mái, không quá cứng và thô ráp.
- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh đường tình dục. Không quan hệ với nhiều bạn tình, nên chung thủy đời sống một vợ một chồng theo quy định pháp luật.
- Không quan hệ quá mạnh bạo, không lạm dụng tình dục để bảo vệ sức khỏe sinh sản, ngăn ngừa rủi ro đau tinh hoàn.
- Chủ động phòng ngừa viêm nhiễm đường tiết niệu và các bệnh lý nam khoa khác. Thăm khám sức khỏe tổng quát, sức khỏe sinh sản để kịp thời phát hiện bất thường và điều trị.
- Điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống khoa học và lành mạnh giúp bảo vệ sức khỏe tổng quát, giảm thiểu rủi ro mắc các bệnh lý nam khoa.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Đau tinh hoàn có triệu chứng như thế nào?
2. Nguyên nhân gây đau tinh hoàn là gì?
3. Đau tinh hoàn nguy hiểm như thế nào?
4. Chấn thương vùng kín gây đau tinh hoàn có điều trị được không?
5. Bệnh lý nam khoa gây đau tinh hoàn biến chứng nguy hiểm không?
6. Không điều trị cơn đau tinh hoàn có tự khỏi không?
7. Dùng thuốc giảm đau có chữa khỏi đau tinh hoàn không?
8. Khi nào phải phẫu thuật tinh hoàn?
9. Chi phí điều trị đau tinh hoàn bao nhiêu?
10. Thời gian tái khám là bao lâu?
Đau tinh hoàn không điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề đối với sức khỏe nam giới, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Nhiều trường hợp viêm nhiễm nam khoa gây đau tinh hoàn không phát hiện gây biến chứng vô sinh, hiếm muộn, thậm chí là tử vong. Do đó nam giới nên chủ động bảo vệ sức khỏe, đến gặp bác sĩ khi cơn đau xuất hiện kéo dài không thuyên giảm.
Tham khảo thêm:
- Bệnh Tinh Hoàn Ẩn: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Điều Trị
- Teo tinh hoàn: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị