Bệnh Tắc Ống Dẫn Tinh
Bệnh tắc ống dẫn tinh gây cản trở đường đi của tinh trùng và làm gián đoạn hiện tượng xuất tinh. Đa phần nam giới mắc bệnh lý đều không thể có con tự nhiên mà phải can thiệp các kỹ thuật tiên tiến như TESA, TESE, PESA, MESA.
Tổng quan
Bệnh tắc ống dẫn tinh (Ejaculation Duct Obstruction) là tình trạng một hoặc cả hai ống dẫn tinh bị tắc nghẽn, gây cản trở quá trình vận chuyển tinh trùng đến túi tinh và tuyến tiền liệt. Hiện nay, bất thường ở ống dẫn tinh là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh - hiếm muộn ở nam giới.
Khoảng 5% nam giới bị vô tinh (không có tinh trùng) liên quan đến tắc nghẽn ống dẫn tinh. Nếu không được khắc phục kịp thời, nam giới gần như không thể giải phóng tinh dịch ra bên ngoài khi đạt cực khoái. Điều này đồng nghĩa với việc tinh trùng không thể thâm nhập vào âm đạo, tử cung và không thể “gặp gỡ” trứng.
Một vài nghiên cứu được thực hiện gần đây cho thấy, khoảng 8 - 12% nam giới bị vô sinh do nguyên nhân này. Vì vậy, nếu sau 1 năm không thể mang thai tự nhiên, các cặp đôi nên đến thăm khám để phát hiện nguyên nhân tiềm ẩn. Hiện nay, với sự tiến bộ của y học và khoa học kỹ thuật, nam giới bị tắc ống dẫn tinh hoàn toàn có thể có con nhờ các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Phân loại bệnh
Bệnh tắc ống dẫn tinh được chia thành 3 loại:
- Tắc hoàn toàn 2 ống dẫn tinh: Đây là loại có mức độ nghiêm trọng nhất khi cả hai ống dẫn tinh đều bị tắc nghẽn hoàn toàn. Chính vì vậy, tinh trùng không thể di chuyển đến túi tinh, tuyến tiền liệt và gần như không được giải phóng thông qua niệu đạo.
- Tắc ống dẫn tinh một phần: Tắc ống dẫn tinh một phần là tình trạng cả hai ống dẫn tinh chỉ bị tắc nghẽn một phần. Hoặc hiện tượng tắc nghẽn chỉ xảy ra ở một ống dẫn tinh.
- Tắc ống dẫn tinh chức năng: Ở loại này, ống dẫn tinh bị thu hẹp kích thước nhưng không có tổn thương thực thể. Đa phần các trường hợp này đều liên quan đến giải phẫu ống dẫn tinh bất thường.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh tắc ống dẫn tinh có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:
- Viêm ống dẫn tinh: Tương tự như viêm vòi trứng ở nữ giới, ống dẫn tinh bị viêm trong một thời gian dài có thể gây ra biến chứng dính, tắc. Viêm ống dẫn tinh thường thứ phát sau khi viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, viêm đường tiết niệu… không được điều trị kịp thời khiến nhiễm trùng lây lan.
- Bẩm sinh: Trong một số trường hợp, tắc nghẽn ống dẫn tinh có thể do dị tật bẩm sinh (mất hoặc thiếu toàn bộ ống dẫn tinh, mào tinh hoàn không có đuôi hoặc thân, giữa mào tinh hoàn và ống dẫn tinh không có sự liên kết). Những dị tật này đều ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển tinh trùng đến túi tinh và tuyến tiền liệt.
- U sinh dục: Ống dẫn tinh có thể bị tắc nghẽn do sự chèn ép của u ở túi tinh, mào tinh hoặc ung thư tinh hoàn.
- Tổn thương ống dẫn tinh sau phẫu thuật: Ống dẫn tinh có đường kính chỉ 1.5 - 2mm nên rất dễ bị tổn thương. Thực hiện phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh, thoát vị bẹn, thắt ống dẫn tinh (triệt sản ở nam giới)... có thể vô tình gây tắc nghẽn lòng ống dẫn đến hiện tượng vô tinh.
- Sỏi ở tinh hoàn: Ngoài sỏi tiết niệu, nam giới có thể bị sỏi bên trong tinh hoàn. Sỏi có kích thước nhỏ có thể đi qua mào tinh và di chuyển vào ống dẫn tinh gây ra hiện tượng tắc nghẽn. Tuy nhiên, tình trạng này tương đối hiếm gặp trong thực tế.
- Chấn thương: Chấn thương vùng chậu có thể vô tình gây tổn thương ống dẫn tinh. Vì cơ quan này nằm sâu bên trong nên tổn thương ít khi được phát hiện sớm. Kết quả là gây dính và bít tắc, cản trở đường đi của tinh trùng.
- Các yếu tố nguy cơ: Nam giới có bố, anh em trai bị tắc ống dẫn tinh bẩm sinh, viêm nhiễm đường tiết niệu và mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục… sẽ có nguy cơ bị tắc ống dẫn tinh cao hơn so với bình thường. Nguyên nhân sâu xa là do gen, quan hệ không an toàn, nhiều bạn tình, thói quen sinh hoạt không hợp lý.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh tắc ống dẫn tinh thường không gây có triệu chứng điển hình. Dù vậy, nam giới vẫn có thể nhận biết bệnh lý này thông qua các dấu hiệu sau:
- Lượng tinh dịch trong mỗi lần xuất tinh ít hơn bình thường (thấp hơn 1.5ml)
- Đau, khó chịu khi quan hệ tình dục
- Tinh dịch có lẫn máu và đôi khi có máu trong nước tiểu (nước tiểu xuất hiện cục máu đông hoặc hòa lẫn tạo thành màu cam, hồng…)
- Vô sinh - hiếm muộn
- Các triệu chứng của bệnh tắc ống dẫn tinh thường không điển hình, khó nhận biết. Vì vậy, không ít nam giới bỏ qua những dấu hiệu bất thường trong giai đoạn đầu. Hầu hết các trường hợp đều chỉ phát hiện bệnh khi thăm khám vô sinh - hiếm muộn.
Chẩn đoán bệnh tắc ống dẫn tinh sẽ bao gồm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng. Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng, bệnh sử, đặt câu hỏi để sàng lọc các yếu tố nguy cơ. Sau đó, sẽ tiến hành khám vùng sinh dục và trực tràng để đánh giá mào tinh có căng to không, có ống dẫn tinh không…
Sau khi thực hiện khám lâm sàng, một số xét nghiệm cận lâm sàng sau sẽ được cân nhắc sử dụng:
- Xét nghiệm nội tiết sinh dục: Xét nghiệm nội tiết sinh dục là kỹ thuật có giá trị trong chẩn đoán. Kết quả từ xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định vô tinh là do tắc ống dẫn tinh hay do tinh hoàn không sinh tinh. Xét nghiệm nội tiết sinh dục tập trung vào nồng độ LH, FSH và testosterone.
- Siêu âm bìu: Siêu âm bìu được thực hiện nhằm xác định hoặc loại trừ các vấn đề như tràn dịch tinh mạc, nang mào tinh, u tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh.
- Siêu âm qua trực tràng: Siêu âm qua trực tràng giúp quan sát rõ ống dẫn tinh, túi tinh và tuyến tiền liệt. Phương pháp này giúp phát hiện các nang sinh dục, qua đó có thể xác định nguyên nhân khiến ống dẫn tinh tắc nghẽn.
- Sinh thiết tinh hoàn: Kỹ thuật này được thực hiện bổ sung sau xét nghiệm nội tiết sinh dục. Kết quả từ sinh thiết tinh hoàn giúp phân biệt vô tinh do tinh hoàn không sản xuất tinh hoàn hay do ống dẫn tinh bị tắc nghẽn.
- Phẫu thuật thám sát bìu và chụp ống dẫn tinh: Phương pháp này giúp phát hiện nguyên nhân gây tắc nghẽn ống dẫn tinh. Chụp ống dẫn tinh cần được thực hiện cẩn trọng để tránh để lại sẹo gây tắc nghẽn ống dẫn tinh.
- Các xét nghiệm di truyền: Xét nghiệm di truyền giúp phát hiện đột biến gen CFTS. Nam giới có gen này thường bị tắc nghẽn ống dẫn tinh bẩm sinh, làm cản trở đường đi của tinh trùng.
Biến chứng và tiên lượng
Tắc ống dẫn tinh cần phải được thăm khám và điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng. Ảnh hưởng đầu tiên của bệnh lý này là vô sinh - hiếm muộn do tinh dịch không được phóng ra bên ngoài khi đạt cực khoái. Bên cạnh đó, tình trạng đau khi quan hệ cũng ảnh hưởng đáng kể đến đời sống tình dục.
Nhìn chung, điều trị bệnh tắc ống dẫn tinh được thực hiện với mục đích khôi phục khả năng sinh sản. Nếu được phát hiện sớm, tình trạng này có thể được cải thiện thông qua phẫu thuật.
Điều trị
Mục tiêu khi điều trị bệnh tắc ống dẫn tinh là gia tăng tỷ lệ thụ thai và giảm các triệu chứng khó chịu có liên quan. Phương pháp được lựa chọn phụ thuộc cụ thể vào vị trí tắc nghẽn.
Các phương pháp được cân nhắc trong điều trị bệnh tắc ống dẫn tinh bao gồm:
Tắc tại tinh hoàn
Tắc tại tinh hoàn là tình trạng tắc nghẽn ở vị trí nối giữa tinh hoàn và mào tinh. Đây là vị trí rất khó phẫu thuật nên giải pháp duy nhất là thụ tinh trong ống nghiệm. Để lấy tinh trùng, bác sĩ sẽ thực hiện chọc hút tinh trùng qua tinh hoàn (TESA) hoặc phẫu thuật mổ mở (TESE).
- TESE: Phương pháp này được thực hiện bằng cách xẻ tinh hoàn, sau đó lấy mẫu tinh hoàn để thu được tinh trùng từ các ống sinh tinh. Tinh hoàn sau đó sẽ được rửa sạch để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh trong ống nghiệm.
- TESA: Bên cạnh TESE, TESA cũng là kỹ thuật được áp dụng phổ biến cho nam giới bị tắc ống dẫn tinh. Kỹ thuật này có mức độ xâm lấn thấp, được thực hiện bằng cách sử dụng kim chọc qua da vào bên trong mô tinh hoàn để thu được tinh trùng. TESA thường được chỉ định khi nam giới có khả năng sinh tinh bình thường.
So sánh hiệu quả, kỹ thuật TESE cho hiệu quả cao hơn TESA nhưng mức độ xâm lấn cao. Vì vậy, kỹ thuật TESA thường được chỉ định cho những nam giới có khả năng sinh tinh bình thường, chỉ bị tắc nghẽn ống dẫn tinh do thắt ống dẫn tinh để triệt sản hoặc do các nguyên nhân thứ phát.
Tắc tại mào tinh
Mào tinh là cơ quan quan trọng, nối giữa tinh hoàn và ống dẫn tinh. Trường hợp tắc tại mào tinh, bác sĩ sẽ chỉ định kỹ thuật MESA hoặc PESA để lấy tinh trùng. Sau đó, tinh trùng sẽ được lọc rửa để chuẩn bị tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.
- MESA: Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách mổ mở nhằm bộc lộ hai bên tinh hoàn, sau đó tiến hành chọc hút hai bên mào tinh để lấy tinh trùng. Tinh trùng sau khi thu được sẽ được trữ lạnh và chỉ lấy một phần để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Phần tinh trùng được dự trữ sẽ được sử dụng nếu thụ tinh trong ống nghiệm lần đầu thất bại.
- PESA: Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách sử dụng kim chọc hút tinh trùng bên trong mào tinh qua da. Ưu điểm của PESA là mức độ xâm lấn thấp hơn. Tuy nhiên, vì thực hiện qua da nên bác sĩ không thể quan sát mào tinh một cách rõ ràng, gia tăng nguy cơ xơ hóa và tổn thương mào tinh.
Một số trường hợp sẽ được chỉ định phẫu thuật nối ống dẫn tinh và ống mào tinh thay vì can thiệp các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Phẫu thuật này mang lại kết quả khá tốt, đảm bảo tinh trùng có thể di chuyển lên túi tinh và tuyến tiền liệt sau đó bài xuất ra bên ngoài khi đạt cực khoái.
Phẫu thuật nối ống mào tinh và ống dẫn tinh có chi phí hợp lý, thấp hơn đáng kể so với thụ tinh trong ống nghiệm. Tỷ lệ thành công khoảng 80% và có đến 60% trường hợp có thể có thai tự nhiên.
Tắc tại ống dẫn tinh nằm trong bìu
Tắc ống dẫn tinh trong bìu thường do phẫu thuật triệt sản. Nếu muốn có con, bác sĩ sẽ nối ống dẫn tinh bằng vi phẫu thuật với tỷ lệ thành công lên đến 90%. Tuy nhiên, nếu thời gian thắt quá 3 năm, tỷ lệ thành công khi can thiệp phẫu thuật này sẽ giảm đi đáng kể.
Tắc ống dẫn tinh trong bụng
Với trường hợp này, không thể tiến hành phẫu thuật nối ống dẫn tinh. Giải pháp duy nhất là thụ tinh trong ống nghiệm thông qua lấy tinh trùng tại tinh hoàn hoặc mào tinh.
Tắc ống phóng tinh
Ống phóng tinh nằm gần túi tinh và nối liền với tuyến tiền liệt. Trường hợp tắc nghẽn xảy ra ở vị trí này, có thể nội soi ống phóng tinh. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật này khoảng 60% và 20 - 30% trường hợp có thể thụ thai tự nhiên.
Tuy nhiên, nội soi ống phóng tinh có thể gây ra một số biến chứng như xuất tinh ngược dòng, ngược dòng nước tiểu trong túi tinh, ống dẫn tinh, tổn thương cơ vòng niệu đạo gây tiểu không kiểm soát, tổn thương trực tràng và rối loạn cương dương.
Vì có khá nhiều tác dụng phụ nên nội soi ống phóng tinh ít được áp dụng. Giải pháp được ưa chuộng hiện nay là lấy tinh trùng từ mào tinh và tinh hoàn để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Phương pháp này vừa giúp tăng tỷ lệ mang thai vừa hạn chế được những biến chứng, di chứng sau phẫu thuật.
Trước khi điều trị bệnh tắc ống dẫn tinh, bạn đời cũng cần phải được thăm khám, đánh giá khả năng sinh sản. Khi can thiệp các biện pháp hỗ trợ sinh sản, tỷ lệ thành công phụ thuộc nhiều vào sức khỏe sinh sản của nữ giới. Nhiều trường hợp không thành công ngay từ lần đầu thực hiện, do đó các cặp vợ chồng cần có sự chuẩn bị về mặt tài chính và tinh thần.
Phòng ngừa
Bệnh tắc ống dẫn tinh không thể phòng ngừa hoàn toàn vì các nguyên nhân như bẩm sinh, u nang, chấn thương… gần như không thể kiểm soát. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyến khích nam giới nên thực hiện các biện pháp sau để giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy với một bạn tình để tránh mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Nếu không được kiểm soát, tình trạng viêm nhiễm có thể lây lan đến mào tinh, tinh hoàn, ống dẫn tinh và gây ra tình trạng tắc nghẽn.
- Nam giới nên tiêm vaccin quai bị để phòng ngừa viêm tinh hoàn và ung thư tinh hoàn.
- Phát hiện và điều trị tích cực bệnh viêm đường tiết niệu.
- Trao đổi với bác sĩ về nguy cơ tắc ống dẫn tinh khi can thiệp phẫu thuật triệt sản, giãn tĩnh mạch thừng tinh, thoát vị bẹn. Nếu cần thiết, nên tiến hành có con trước hoặc trữ đông tinh trùng để giảm chi phí khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?
2. Tình trạng tắc ống dẫn tinh của tôi có nghiêm trọng không?
3. Khả năng có con khi bị tắc ống dẫn tinh là bao nhiêu?
4. Phương pháp nào tốt nhất cho tình trạng của tôi?
5. Điều trị sẽ kéo dài trong bao lâu? Tổng chi phí?
6. Tôi có nhất thiết phải phẫu thuật tắc ống dẫn tinh? Các tác dụng phụ, biến chứng có thể gặp phải?
7. Cần bao lâu để hồi phục sau phẫu thuật tắc ống dẫn tinh?
8. Sau khi phẫu thuật tôi có cần ở lại bệnh viện theo dõi không?
9. Nếu không muốn có con, tôi có cần điều trị tắc ống dẫn tinh?
Bệnh tắc ống dẫn tinh là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh - hiếm muộn ở nam giới. Tùy theo vị trí tắc nghẽn và khả năng sinh tinh, các bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Nếu cả hai vợ chồng không có con trong vòng 1 năm, nên thăm khám sớm để được xác định nguyên nhân và can thiệp kịp thời.