Bệnh Hẹp Bao Quy Đầu

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi TRẦN MẠNH XUYÊN – Khoa Nam họcthầy thuốc y học cổ truyền – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao quy đầu không thể kéo xuống hoàn toàn khiến cho dương vật không lộ ra hoặc chỉ lộ ra một phần. Đa phần các trường hợp đều có thể tự cải thiện sau một thời gian, nhưng cũng có khi phải can thiệp phẫu thuật.

Tổng quan

Bệnh hẹp bao quy đầu (Phimosis) là tình trạng bao quy đầu không thể kéo lùi hoàn toàn về sau rãnh vòng, khiến cho đầu dương vật không được lộ ra như bình thường. Trường hợp bao quy đầu kéo lùi được một phần được gọi là hẹp bao quy đầu bán phần hoặc bao quy đầu dài. Hiện nay, cách định nghĩa bệnh còn mơ hồ và chưa thống nhất.

bệnh hẹp bao quy đầu
Bệnh hẹp bao quy đầu là tình trạng bao quy đầu không tự kéo xuống làm cho đầu dương vật không lộ ra hoàn toàn

Hẹp bao quy đầu là tình trạng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Khoảng 90% bé trai gặp phải tình trạng này do lớp bao quy đầu và đầu dương vật chưa có sự phân tách. Theo thời gian, dương vật lớn dần và lớp bao quy đầu có thể kéo lùi về phía sau. Thường thì sau khoảng 5 tuổi, bao quy đầu có thể tuột xuống để lộ đầu dương vật.

Nếu sau 5 tuổi, tình trạng vẫn không được cải thiện tức là hẹp bao quy đầu bệnh lý. Khác với hiện tượng sinh lý, tình trạng này cần phải được điều trị để tránh ảnh hưởng đến quá trình phát triển tự nhiên của cơ quan sinh dục.

Phân loại bệnh

Có khá nhiều cách phân loại bệnh hẹp bao quy đầu. Dưới đây là một số cách phân loại phổ biến hiện nay:

bệnh hẹp bao quy đầu là gi
Hẹp bao quy đầu được phân loại dựa vào mức độ và sinh lý bệnh

Phân loại dựa vào mức độ hẹp bao quy đầu:

  • Hẹp bao quy đầu tương đối: Tình trạng này được xác định khi bao quy đầu lùi về sau được một phần, tức là phần đầu dương vật vẫn lộ ra nhưng không hoàn toàn.
  • Hẹp bao quy đầu hoàn toàn: Là tình trạng bao quy đầu hoàn toàn không thể kéo lùi về phía sau. Đầu dương vật bị bít kín gây khó khăn trong vấn đề vệ sinh, tiểu tiện.

Phân loại theo cách của Meuli và cộng sự:

  • Mức độ I: Bao quy đầu kéo lên được hoàn toàn nhưng tương đối khó khăn, phải sử dụng tay hỗ trợ và có vòng thắt ở thân dương vật.
  • Mức độ II: Bao quy đầu chỉ kéo lên được một phần, đầu dương vật lộ ra nhưng không hoàn toàn.
  • Mức độ III: Bao quy đầu chỉ kéo lên đường rất ít, gần như chỉ để lộ niệu đạo, hoàn toàn không thấy đầu dương vật.
  • Mức độ IV: Bao quy đầu không thể kéo lùi được, đầu dương vật bịt kín hoàn toàn.

Phân loại dựa vào sinh lý bệnh:

  • Hẹp bao quy đầu bẩm sinh/ sinh lý: Là tình trạng hẹp bao quy đầu xảy ra ngay từ khi mới sinh. Nếu là hiện tượng sinh lý, tình trạng thường sẽ tự cải thiện sau một thời gian.
  • Hẹp bao quy đầu bệnh lý/ mắc phải: Là tình trạng bao quy đầu bị hẹp với sự hiện diện của sẹo xơ. Sẹo xơ là kết quả do viêm nhiễm bao quy đầu, nguyên nhân sâu xa là khó vệ sinh dẫn đến tích tụ bựa sinh dục.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hẹp bao quy đầu là tình trạng khá phổ biến ở nam giới và thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Sau 5 tuổi, bao quy đầu có thể tuột xuống để lộ đầu dương vật. Rất ít nam giới trưởng thành gặp phải tình trạng này và phần lớn đều không thể tự biến mất mà phải can thiệp phẫu thuật.

bệnh hẹp bao quy đầu là gi
Đa phần các trường hợp bị hẹp bao quy đầu đều do bẩm sinh và đều tự cải thiện sau khi trẻ lên 5 tuổi

Bẩm sinh là yếu tố chủ yếu gây ra bệnh hẹp bao quy đầu. Ngoài ra, một số yếu tố sau cũng gia tăng nguy cơ:

  • Viêm bao quy đầu
  • Vệ sinh kém
  • Chàm sinh dục, vẩy nến, mề đay ở dương vật
  • Chấn thương cơ học
  • Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs)

Triệu chứng và chẩn đoán

Hẹp bao quy đầu sinh lý thường không có triệu chứng, một số trẻ có biểu hiện phồng bao quy đầu khi đi tiểu nhưng thường không gây đau. Nếu tình trạng không được cải thiện, vùng bao quy đầu sẽ xuất hiện biểu hiện sưng đỏ, đau và cảm giác khó chịu khi tiểu tiện.

nguyên nhân bệnh hẹp bao quy đầu là gi
Hẹp bao quy đầu thường gây sưng đau, khó chịu ở vùng kín, một số trường hợp còn gây bí tiểu

Các triệu chứng của bệnh hẹp bao quy đầu:

  • Bao quy đầu không thể tự tuột xuống mà phải dùng tay. Nhiều trường hợp bao quy đầu không thể kéo xuống hoặc chỉ kéo xuống được một phần.
  • Da quy đầu ngứa, có hiện tượng viêm, phù nề
  • Khó tiểu, đôi khi bí tiểu. Thường phải rặn khi đi tiểu, tia nước tiểu yếu hơn so với bình thường.
  • Một số trường hợp căng phồng vùng da quy đầu do nước tiểu đọng lại.
  • Đái dầm có thể gặp ở trẻ bị hẹp bao quy đầu

Nhìn chung, hẹp bao quy đầu là tình trạng dễ phát hiện. Ngay khi nhận thấy bao quy đầu không thể kéo xuống một cách dễ dàng, nên thăm khám để được điều trị. Tình trạng này thường gặp ở bé trai và được cải thiện sau năm 5 tuổi. Dù vậy, gia đình vẫn nên cho trẻ đến bệnh viện thăm khám để tránh trường hợp bí tiểu gây viêm nhiễm, căng phồng vùng da quy đầu.

Chẩn đoán hẹp bao quy đầu chủ yếu dựa vào khám lâm sàng. Sau khi hỏi triệu chứng, bác sĩ sẽ khám dương vật để xem xét bao quy đầu và thử dùng tay kéo bao quy đầu về phía sau. Thông qua bước này, bác sĩ có thể đánh giá mức độ hẹp bao quy đầu và cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh hẹp bao quy đầu cần được điều trị sớm để phòng tránh viêm nhiễm và cản trở quá trình phát triển trong giai đoạn dậy thì. Bao quy đầu bị hẹp sẽ khiến cho cặn bẩn, vi khuẩn tích tụ gây viêm nhiễm, sưng đau dương vật.

Ở nam giới trưởng thành, hẹp bao quy đầu gây ra nhiều vấn đề như đau khi quan hệ, khó cương cứng. Hơn nữa, bao quy đầu không thể kéo xuống hoàn toàn cũng khiến cho việc vệ sinh trở nên khó khăn. Viêm bao quy đầu dễ tái đi tái lại gây đau nhức, khó chịu và phiền toái trong sinh hoạt.

Dấu hiệu hẹp bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu không được điều trị sẽ làm cản trở phát triển chiều dài và kích thước của dương vật

Hẹp bao quy đầu không được điều trị sớm sẽ làm cản trở quá trình phát triển của cơ quan sinh dục ở giai đoạn dậy thì. Dương vật vì thế sẽ ngắn và nhỏ hơn bình thường. Đặc biệt, hẹp bao quy đầu còn ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ khiến nam giới thiếu tự tin khi gần gũi với bạn tình.

Bệnh hẹp bao quy đầu là tình trạng khá phổ biến. Nếu phát hiện và điều trị sớm, tình trạng này có thể điều trị hoàn toàn. Không ảnh hưởng đến sự phát triển của dương vật trong thời gian dậy thì. Bên cạnh đó, điều trị hẹp bao quy đầu sớm còn giúp phòng ngừa viêm nhiễm, hạn chế tình trạng khó tiểu, bí tiểu.

Điều trị

Tùy theo độ tuổi và mức độ hẹp bao quy đầu, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp được chỉ định trong điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ em và người lớn.

Chăm sóc, vệ sinh bao quy đầu

Đối với hẹp bao quy đầu sinh lý, cần có biện pháp chăm sóc đúng cách để tránh hẹp bao quy đầu phát triển thành bệnh lý. Thường thì sau một thời gian bao quy đầu có thể tách khỏi đầu dương vật và dễ dàng kéo về phía sau.

Các biện pháp chăm sóc, vệ sinh đối với trẻ bị hẹp bao quy đầu:

  • Kéo bao quy đầu nhẹ nhàng về phía sau khi tiểu tiện và tắm để thuận tiện cho quá trình vệ sinh. Không thao tác quá mạnh vì có thể gây viêm bao quy đầu.
  • Sau khi vệ sinh, lau khô và kéo bao quy đầu trở về vị trí cũ.
  • Giữ vệ sinh vùng kín, mặc quần lót mềm, thoáng để tránh ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Điều trị bảo tồn

Hẹp bao quy đầu sinh lý thường được điều trị bảo tồn thay vì can thiệp phẫu thuật. Ngoài vấn đề vệ sinh, có thể sử dụng một số loại thuốc để giảm đau. Điều trị bảo tồn có thể được thực hiện tại bệnh viện hoặc tại nhà.

điều trị bệnh hẹp bao quy đầu
Sử dụng thuốc được chỉ định trong trường hợp hẹp bao quy đầu sinh lý

Các phương pháp bảo tồn được áp dụng cho bệnh nhân bị hẹp bao quy đầu:

  • Bác sĩ sử dụng gel Xylocain 2% để gây tê. Sau đó, dùng que thăm dò để tách hai lớp bao quy đầu và vệ sinh sạch các chất bã tích tụ bên trong. Kế tiếp sẽ thoa kem Betamethasone 0.05% nhằm giảm viêm.
  • Sau khi về nhà, bác sĩ sẽ kê toa Paracetamol và kem bôi ngoài Betamethasone 0.05% để giảm đau, cải thiện tình trạng viêm ở bao quy đầu. Thuốc bôi được dùng với liều lượng vừa đủ 2 lần/ ngày trong thời gian 1 - 2 tháng.

Phẫu thuật bao quy đầu

Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp hẹp quy đầu thực sự (có vòng xơ). Hẹp bao quy đầu không có đáp ứng với corticoid tại chỗ, viêm bao quy đầu tái phát nhiều lần cũng sẽ được cân nhắc điều trị ngoại khoa.

điều trị bệnh hẹp bao quy đầu
Trường hợp hẹp bao quy đầu nặng, không có đáp ứng với điều trị bảo tồn sẽ được cân nhắc phẫu thuật

Tùy theo mức độ hẹp, các bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật tạo hình bao quy đầu hoặc cắt bỏ bao quy đầu. Trong đó, mổ tạo hình được ưu tiên vì thao tác nhẹ nhàng, đơn giản, không đau và an toàn hơn phẫu thuật cắt bao quy đầu.

Phẫu thuật bao quy đầu là phương pháp không quá phức tạp với thời gian thực hiện từ 15 - 20 phút. Sau khi phẫu thuật, vết mổ có thể lành hoàn toàn chỉ sau 1 tuần. 1 tháng sau, nam giới cần phải tái khám để bác sĩ đánh giá tình trạng lành thương. Nếu phục hồi thuận lợi, nam giới có thể quan hệ tình dục sau 1 tháng kể từ thời điểm phẫu thuật.

Phòng ngừa

Hẹp bao quy đầu là hiện tượng sinh lý gặp ở 90% bé trai. Hiện không có bất cứ phương pháp nào có thể phòng ngừa tình trạng này. Tuy nhiên, bố mẹ nên kiểm tra cơ quan sinh dục của trẻ thường xuyên để phát hiện sớm các vấn đề bất thường ở bao quy đầu.

Trường hợp hẹp bao quy đầu sinh lý, cần chú ý vệ sinh đúng cách. Không tác động lực quá mạnh lên bao quy đầu dẫn đến tình trạng đau, phù nề.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Hẹp bao quy đầu khi nào cần điều trị?

2. Nếu tình trạng hẹp bao quy đầu không tự cải thiện, có cần phải phẫu thuật?

3. Khi nào cần cắt bao quy đầu?

4. Cắt bao quy đầu tốn khoảng bao nhiêu? Có được BHYT hỗ trợ?

5. Cắt bao quy đầu có cần ở lại bệnh viện?

6. Sau khi cắt bao quy đầu cần chăm sóc như thế nào?

7. Hẹp bao quy đầu có tái phát không?

Bệnh hẹp bao quy đầu là tình trạng phổ biến ở bé trai và đôi khi có thể gặp ở nam giới trưởng thành. Tình trạng này không nguy hiểm nhưng cần điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến quá trình phát triển cơ quan sinh dục, gia tăng nguy cơ viêm nhiễm. Bên cạnh đó, nam giới cũng cần chú ý vệ sinh vùng kín, quan hệ tình dục an toàn để chủ động phòng ngừa.