Bệnh bạch cầu cấp
Bạch cầu cấp hay còn gọi là bệnh ung thư máu có tốc độ tiến triển nhanh chóng. Bệnh nhân đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là nguy cơ bị đe dọa tính mạng. Khi phát hiện các triệu chứng bất thường, bệnh nhân nên chủ động thăm khám để được bác sĩ tư vấn cách can thiệp, cứu chữa kịp thời.
Tổng quan
Bệnh bạch cầu cấp hay còn gọi là ung thư máu, bệnh lý nguy hiểm có khả năng gây tử vong cao nếu không phát hiện kiểm soát kịp thời. Bệnh xảy ra do quá trình sản xuất bạch cầu diễn ra ồ ạt, tuy nhiên phần lớn là các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành, chúng không có khả năng chống nhiễm trùng như các tế bào khỏe mạnh khác.
Các tế bào bạch cầu trong cơ thể tồn tại trong tủy xương cùng với tế bào hồng cầu và tiểu cầu. Khi xảy ra tình trạng bạch cầu cấp, hàng loạt bạch cầu chưa trưởng thành được sinh ra chiếm chỗ các tế bào khỏe mạnh bên trong tủy xương, dẫn đến quá trình sản xuất các bạch cầu, hồng cầu hay tiểu cầu bình thường bị cản trở.
Chính vì thế, các biểu hiện nhiễm trùng bắt đầu xuất hiện, người bệnh nhận thấy tình trạng chảy máu bất thường, đau kèm theo sưng tấy cơ thể. Ngoài ra còn hàng loạt triệu chứng bất thường khác gây hại nghiêm trọng sức khỏe và đời sống người bệnh. Sau khi đi vào máu, các tế bào hồng cầu chưa trưởng thành lan rộng ra toàn bộ cơ thể.
Tốc độ tiến triển bạch cầu cấp nhanh chóng, bệnh nhân có thể đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe. Đặc biệt, trường hợp chủ quan không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có khả năng gặp biến chứng, thậm chí dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn kể từ khi phát bệnh.
Phân loại
Bệnh bạch cầu cấp được chia thành 2 nhóm chính, bao gồm bạch cầu cấp dòng tủy và bạch cầu cấp lympho. Cụ thể:
- Bạch cầu cấp dòng tủy: Tác động đến các tế bào bạch cầu hạt. Dựa trên hình thái bệnh, bạch cầu tủy tiếp tục được phân thành các thể chính gồm thể M0, M1, M2, M3, M4, M4Eo, M5, M6, M7.
- Bạch cầu cấp lympho: Tác động lên các tế bào lympho. Tương tự, dạng bạch cầu này lại tiếp tục được phân thành các thể gồm L1, L2, L3. Phân chia dựa theo kích thước tế bào.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh bạch cầu cấp hay còn được nhắc đến với cái tên ung thư máu là dạng bệnh nguy hiểm, có khả năng gây tử vong cao. Giống như các bệnh lý ung thư khác, bệnh bạch cầu cấp đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh. Tế bào bạch cầu chưa trưởng thành được sinh ra một cách bất thường, không rõ cơ chế cụ thể.
Tuy nhiên, người ta nhận định bệnh có liên quan đến các yếu tố trong và ngoài cơ thể như:
- Do nhiễm xạ, tiếp xúc lâu ngày với tia xạ: Khả năng mắc bệnh ung thư máu cao khi người bệnh sống trong khu vực bị nhiễm xạ nặng, tiếp xúc với tia xạ do một vụ nổ hạt nhân. Đây được xem là tác nhân chính gây bệnh bạch cầu cấp. Tia xạ nhanh chóng tác động lên hệ miễn dịch của con người, làm tổn thương vật liệu di truyền, tăng nguy cơ mắc ung thư máu cho người nhiễm xạ và thế hệ con cháu.
- Nhiễm hóa chất độc hại: Ngoài tia xạ, các chất hóa học thuộc nhóm Benzen, Alkyl cũng là tác nhân gây bệnh bạch cầu cấp mà nhiều người đang gặp phải. Do đó, những công nhân làm việc trong môi trường chứa chất độc hại có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn những người bình thường. Ngoài ra, bạch cầu cấp cũng có thể xuất hiện ở người thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất khác, thuốc trừ sâu, nhiễm độc từ thực phẩm hoặc nguồn nước,....
- Ung thư máu do nhiễm virus: Một số trường hợp ghi nhận bạch cầu cấp có liên quan đến một số chủng virus gây bệnh ở người. Chẳng hạn virus HTLV1, HTLV2,... Virus tấn công, gây rối loạn quá trình sản xuất bạch cầu, tạo ra các bạch cầu bất thường.
- Các yếu tố liên quan khác: Ngoài các nguyên nhân kể trên, tình trạng bệnh bạch cầu cấp có thể xuất hiện ở người đang mắc chứng rối loạn sinh tủy, người có tiền sử gia đình mắc ung thư máu,.... Bệnh có khả năng hình thành do liên quan đến yếu tố di truyền, các hội chứng làm suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng,...
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bệnh bạch cầu cấp gây ra các triệu chứng điển hình như:
- Nhiễm trùng: Đây là một trong những triệu chứng thường gặp ở người mắc bạch cầu cấp. Tình trạng nhiễm trùng có thể càng có khả năng bùng phát do thuốc điều trị hóa trị, cấy ghép tế bào máu,... Bệnh nhân có các biểu hiện nhiễm trùng như viêm họng, phổi, đau nhức đầu, sốt nhẹ, lở miệng, phát ban và nhiều dấu hiệu khác.
- Thiếu máu: Bạch cầu bất thường số lượng lớn chiếm không gian sản sinh bạch cầu, hồng-tiểu cầu khỏe mạnh khiến người bệnh bị thiếu máu. Bệnh nhân có các triệu chứng thiếu máu như tim đập nhanh, thở gấp, chóng mặt, tức ngực, mệt mỏi,...
- Chảy máu bất thường: Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp. Người bệnh bị chảy máu không rõ nguyên do, ngoài ra trên cơ thể còn xuất hiện các vết bầm tím. Chảy máu xảy ra ở vùng như nướu, mũi, máu lẫn trong phân, nước tiểu, xuất huyết phổi, nội sọ và nhiều trường hợp nguy hiểm khác.
- Tiết nhiều mồ hôi: Thường xảy ra vào ban đêm, tuyến mồ hôi hoạt động liên tục khiến cơ thể người bệnh bị ướt đẫm trong khi thời tiết mát mẻ. Đây là biểu hiện cho thấy cơ thể đang làm việc để cố chống lại các tế bào ung thư, giúp bệnh nhân điều hòa lại thân nhiệt nếu có biểu hiện sốt cao đi kèm bạch cầu cấp.
- To gan hoặc lá lách: Tế bào bạch cầu bất thường đi theo máu lan rộng ra các cơ quan trong cơ thể. Chúng di chuyển vào lá lách, tích tụ trong gan, hoặc hệ thống bạch huyết dẫn đến tình trạng to lá gan, to lá lách. Người bệnh có biểu hiện ăn uống đầy bụng, chướng bụng.
- Đau xương: Đây cũng có khả năng là dấu hiệu cảnh báo bệnh bạch cầu cấp. Sự tích tụ số lượng lớn tế bào bạch cầu bất thường tại bề mặt xương hoặc trong khớp gây áp lực cho cấu trúc xương. Hiện tượng này là nguyên nhân khiến cho bệnh nhân bị đau nhức, nhói, và một số trường hợp xương yếu dần đến gãy xương.
- Hình thành cục máu đông: Thuyên tắc mạch máu có thể xảy ra khi tế bào bạch cầu bất thường tích tụ quá nhiều trong mạch máu. Người bệnh bị đau nhức đầu, sưng tứ chi, đau ngực, khó thở,... khi cơ quan trong cơ thể xuất hiện cục máu đông bất thường.
- U lục: Xuất hiện các nốt u lục trên cơ thể người bệnh, triệu chứng hiếm gặp và chỉ xảy ra ở người bệnh bạch cầu tủy. Tình trạng này còn được gọi là bạch cầu hạt. Khối u xuất hiện dưới da tại các vùng mô mềm, màng bụng hoặc hạch bạch huyết.
Chẩn đoán
Chẩn đoán bạch cầu cấp thông qua những biểu hiện lâm sàng được đề cập. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được chỉ định thực hiện các biện pháp xét nghiệm khác nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng của người bệnh. Theo đó, các xét nghiệm được thực hiện bao gồm:
- Xét nghiệm tủy: Chọc hút tủy lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm xác định tình trạng bạch cầu cấp, phân biệt với các bệnh lý liên quan khác.
- Xét nghiệm huyết thanh, nước tiểu: Phương pháp này cũng được thực hiện trong quá trình chẩn đoán bệnh ung thư máu. Kết quả thu được cho thấy acid uric, LDH tăng cao do ung thư.
- Xét nghiệm tế bào: Sử dụng tiêu bản máu của người bệnh quan sát hình thái tế bào, đồng thời sử dụng dung dịch nhuộm tiêu bản nhằm xác định thể bệnh bạch cầu cấp người bệnh đang gặp phải.
- Xét nghiệm kháng nguyên: Sử dụng phương pháp xét nghiệm kháng nguyên trên bề mặt tế bào.
- Xét nghiệm nhiễm sắc thể: Xác định bệnh có tính di truyền trên nhiễm sắc thể, gen không.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh bạch cầu cấp hay còn gọi là ung thư máu có khả năng gây ra nhiều biến chứng, trường hợp nghiêm trọng người bệnh có thể tử vong sau thời gian ngắn phát bệnh. Rủi ro như:
- Lan nhanh nhiễm trùng: Bất thường ở bạch cầu nhanh chóng khiến tình trạng nhiễm trùng lan rộng, phổ biến nhất là nhiễm trùng đường hô hấp khiến người bệnh khó thở, thiếu oxy,... Nghiêm trọng hơn khi tình trạng nhiễm trùng máu xảy ra ở người bệnh ung thư gần như tiên lượng vô cùng thấp.
- Làm nghiêm trọng tình trạng thiếu máu: Người bệnh bạch cầu cấp phải điều trị bằng biện pháp hóa trị có nguy cơ bị thiếu máu ngày càng nghiêm trọng hơn. Số lượng hồng cầu ngày càng sụt giảm khiến người bệnh phải dùng các thiết bị hỗ trợ truyền máu bổ sung.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư: Bạch cầu cấp hay tình trạng ung thư máu có thể kéo theo các vấn đề sức khỏe khác. Bệnh nhân có thể bị các bệnh ung thư có liên quan như ung thư phổi, đại trực tràng, ung thư tế bào vảy,... Đặc biệt biến chứng có khả năng xảy ra khi bệnh nhân dùng thuốc fludarabine, cyclophosphamide điều trị bênh.
- Suy giảm miễn dịch, ung thư tiến triển nặng: Người bệnh bạch cầu cấp có hệ miễn dịch ngày càng suy yếu dần khiến cơ thể không chống lại được một số tác nhân gây hại. Theo đó, bệnh nhân có nguy cơ tiến triển ung thư nặng hơn, nhanh chóng rút ngắn tiên lượng sống. Sau một thời gian chóng chọi với bệnh ung thư máu bệnh nhân tử vong.
Ngày nay với sự phát triển của y học hiện đại, người mắc bệnh bạch cầu cấp có nhiều hy vọng chữa khỏi hơn. Tuy nhiên, cần can thiệp ở giai đoạn bệnh sớm nhất có thể để tránh rủi ro biến chứng. Tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, kết hợp chăm sóc bệnh nhân đúng cách để đạt được kết quả tốt nhất.
Điều trị
Phương pháp điều trị bệnh bạch cầu cấp được chỉ định dựa trên tình hình sức khỏe, độ tuổi, dạng bệnh mà người bệnh đang gặp phải. Mục đích việc can thiệp điều trị là loại bỏ tế bào bệnh, tăng cường sản sinh tế bào khỏe mạnh. Tuy nhiên bất kỳ phương pháp nào đều cũng có ưu và nhược điểm nhất định.
Dưới đây là các phương án điều trị được áp dụng phổ biến:
Phương pháp hóa trị
Phương pháp hóa trị là một trong những can thiệp điều trị bạch cầu cấp được áp dụng chính. Hóa trị là sử dụng thuốc đưa vào cơ thể người bệnh với liều cao nhằm tiêu diệt các tế bào bạch cầu bất thường, ngăn chặn sự phát triển của chúng. Người bệnh sẽ được bác sĩ kiểm tra tổng thể, xem xét trước khi chỉ định hóa trị điều trị bệnh bạch cầu.
Thuốc hóa trị có thể sử dụng theo đường uống với dạng viên hoặc đường tiêm tĩnh mạch với dạng lỏng. Người bệnh cần phải lưu lại bệnh viên trong vòng vài tuần trong liệu trình hóa trị, tuy nhiên cũng có bệnh nhân tự điều tị hóa trị tại nhà và đến bệnh viện tái khám theo lịch.
Phương pháp này được tiến hành theo 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Liệu pháp cảm ứng:
Giai đoạn bắt đầu hóa trị diễn ra trong khoảng 1 tháng đến 1 tháng 2 tuần. Thuốc được sử dụng với liều mạnh giúp tiêu diệt nhiều tế bào bạch cầu chưa trưởng thành nhất có thể. Thông qua điều trị bác sĩ định hướng mục tiêu giúp bệnh nhân giảm triệu chứng, giảm tế bào bệnh trong tủy, trong máu.
Để tiêu diệt tận gốc tế bào bất thường, người bệnh tiếp tục phải dùng thuốc hóa trị đường tiêm hoặc phương pháp xạ trị đi kèm sau khi đã dùng thuốc khởi đầu vời cường độ mạnh. Tuy nhiên nhằm tránh các ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của trẻ, thông thường xạ trị chỉ áp dụng cho người trưởng thành, không dùng cho trẻ em.
- Giai đoạn 2: Liệu pháp củng cố:
Sau khi người bệnh đã hoàn thành xong giai đoạn 1 sẽ được chỉ định bước vào giai đoạn điều trị củng cố. Mục tiêu của việc điều trị lần này là giúp ngăn ngừa tái phát hình thành các tế bào bạch cầu bất thường, loại bỏ mầm bệnh ung thư còn sót lại.
- Giai đoạn 3: Liệu pháp duy trì:
Tiếp tục duy trì hóa trị cho bệnh nhân bạch cầu cấp, thực hiện trong vòng 2-3 năm để đảm bảo diệt toàn bộ tế bào bệnh còn sót trong cơ thể. So với hai giai đoạn trước, giai đoạn duy trì chỉ dùng thuốc với dược tính nhẹ. Một số trường hợp bệnh nhân được thay thế thuốc hóa trị giai đoạn 3 bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc.
Trong thời gian điều trị hóa trị bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ điển hình như:
Thuốc hóa trị có thể ảnh hưởng ngay cả với các tế bào bạch cầu khỏe mạnh dẫn đến nhiễm trùng và các vấn đề về máu huyết khác. Mỗi trường hợp sẽ gặp phải các tác dụng phụ với mức độ khác nhau. Bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ để được hỗ trợ.
Phương pháp tế bào gốc
Ghép tế bào gốc hay còn gọi là ghép tủy xương là phương pháp điều trị bệnh bạch cầu cấp được áp dụng hiện nay. Thông thường người bệnh sẽ được chỉ định ghép tế bào gốc sau khi hóa trị, lúc này các tế bào bệnh đã được loại bỏ. Mục đích của phương pháp giúp tiêu diệt các tế bào bệnh còn sót lại.
Đồng thời, tế bào gốc được cấy ghép sẽ giúp tăng khả năng kiểm soát và phòng bệnh tái phát, nhất là đối với bệnh nhân còn trẻ tuổi. Tuy nhiên, đối với trẻ em, đây không phải là giải pháp được khuyến khích thực hiện. Bác sĩ sẽ cân nhắc, xem xét khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh trước khi chỉ định hóa trị và ghép tế bào gốc.
Tế bào gốc có nguồn gốc từ máu hoặc được lấy trực tiếp từ trong tủy xương của người bệnh. Sau đó, các tế bào này sẽ được cấy ghép vào cơ thể sau khi đã hóa trị thành công. Một số trường hợp bệnh nhân cần dùng tế bào gốc được hiến tặng từ người khác để thực hiện điều trị.
Máu sau khi được lấy ra khỏi cơ thể sẽ được mang đi phân tách tế bào gốc. Các tế bào máu sau đó sẽ đưa trở lại vào cơ thể người được lấy máu. Tế bào gốc được truyền như truyền máu, sau khi vào cơ thể chúng sẽ biết cách để tiếp tục di chuyển vào tủy xương thực hiện quá trình phân chia, hình thành tế bào mới như bình thường.
Người bệnh sẽ được theo dõi sức khỏe trong suốt thời gian thực hiện và hồi phục sau điều trị. Một vài phản ứng phụ có thể xảy ra khi lấy máu và cấy ghép tế bào gốc như:
- Ngứa ngáy râm ran
- Bầm tím da
- Chảy máu
- Cơ thể yếu, thiếu năng lượng
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Loét miệng
Các tác dụng phụ sẽ được bác sĩ chỉ định biện pháp hỗ trợ giảm nhẹ. Người bệnh có thể sử dụng thuốc hoặc các phương pháp can thiệp y tế. Hãy theo dõi các biểu hiện bất thường và chủ động liên hệ bác sĩ để nhận được sự hỗ trợ sớm nhất.
Phòng ngừa
Bệnh bạch cầu cấp hay được gọi là ung thư máu là một dạng ung thư không có rủi ro để dựa vào đó phòng ngừa một cách triệt để. Tuy nhiên bạn có thể chủ động kiểm tra sức khỏe thường xuyên nhằm phát hiện bệnh càng sớm càng tốt. Nếu trường hợp mắc bệnh nhận diện từ giai đoạn đầu cơ hội chữa khỏi cao và giúp bạn tránh được các biến chứng không mong muốn.
Bên cạnh đó, để bảo vệ sức khỏe một cách an toàn, hiệu quả nhất bạn cần chủ động cách ly khỏi môi trường sống có nhiễm phóng xạ, hóa chất độc hại. Đồng thời, xây dựng và duy trì một lối sống, ăn uống khoa học để năng cao sức khỏe chủ động, giúp tăng kháng thể bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây hại từ bên ngoài và cả bên trong.
Những câu hỏi quan trọng khi khám
1. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm gì để chẩn đoán bạch cầu cấp?
2. Tình trạng bạch cầu cấp của tôi đang ở giai đoạn nào?
3. Tại sao tôi lại mắc bệnh bạch cầu cấp?
4. Tiên lượng sống của tôi tốt hay xấu?
5. Tôi cần làm gì để điều trị bệnh bạch cầu cấp?
6. Trong quá trình hóa trị tôi nên tránh những việc gì?
7. Thời gian hóa trị trong bao lâu thì khỏi? Tôi muốn biết về chi phí thực hiện?
8. Sau điều trị tôi có khả năng tái phát bệnh bạch cầu cấp không?
9. Tôi cần làm gì để bảo vệ gia đình khỏi chứng bệnh này? Nhất là trường hợp tôi có nhu cầu sinh con?
Bệnh bạch cầu cấp là một trong những bệnh lý về máu nguy hiểm, khả năng biến chứng cao. Trường hợp không kiểm soát sớm, bệnh tiến triển nhanh gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh. Chính vì thế bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ nếu phát hiện cơ thể có biểu hiện bất thường để được hỗ trợ, tư vấn điều trị càng sớm càng tốt.