Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là gì? Thông tin cần biết

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là tình trạng viêm khớp xảy ra ở trẻ nhỏ khiến một hoặc nhiều khớp bị sưng viêm kèm theo cảm giác đau đớn. Bệnh lý này thường khởi phát sau khi bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Tuy nhiên nguyên nhân cụ thể khiến bệnh xuất hiện vẫn chưa rõ. Nhiều chuyên gia cho rằng bệnh có tính chất tự miễn với hiện tượng nhiễm khuẩn khiến nhiều quá trình trong hệ thống miễn dịch khởi động.

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên
Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là tình trạng viêm khớp xảy ra ở trẻ nhỏ khiến khớp bị sưng viêm kèm theo cảm giác đau đớn

Quốc dược Phục cốt khang là bài thuốc sở hữu nhiều ưu điểm ĐẦU TIÊN và DUY NHẤT về công thức, thành phần trong điều trị bệnh xương khớp tại Việt Nam. [Tìm hiểu ngay]

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là gì?

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên còn được gọi là viêm khớp tự phát thiếu niên. Bệnh lý này là một loại viêm khớp vô căn và là bệnh rối loạn tự miễn dịch xảy ra ở những trẻ em có độ tuổi từ vài tuần đến 16 tuổi. So với các nhóm viêm khớp ở thiếu niên thì viêm khớp tự phát thiếu niên chiếm khoảng 5 – 15%.

Bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên được đặc trưng bởi tình trạng nóng rát, sưng, đỏ, đau và cứng khớp mãn tính. Tình trạng này có thể xảy ra ở 1 đến 4 khớp lớn (khớp đầu gối, khớp cổ tay, khớp cổ chân, khớp khuỷu tay) hoặc nhiều khớp nhỏ, có thể kéo dài suốt quãng đời. Tuy nhiên ở một số trường hợp khác, bệnh xuất hiện nhưng không có triệu chứng rõ ràng hoặc phát sinh một số triệu chứng nhưng ngắn hạn, thường tự khỏi sau vài tháng.

Do không có nguyên nhân cụ thể nên không có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên. Bên cạnh đó bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không sớm kiểm soát. Cụ thể, bệnh có khả năng tác động xấu đến một số chức năng trong cơ thể, hạn chế sự phát triển bình thường của trẻ và làm mất khả năng tập trung.

So với viêm khớp dạng thấp ở người lớn, bệnh ít nghiêm trọng hơn khi xảy ra ở trẻ em mặc dù bệnh có thể tái phát ngay sau quá trình điều trị. Vì thế sau khi phát hiện bệnh và điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân cần áp dụng thêm các biện pháp cải thiện và kiểm soát bệnh lý như vật lý trị liệu, sinh hoạt khoa học và thường xuyên luyện tập thể thao.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên

Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên thường xuất hiện với những triệu chứng đặc trưng sau:

  • Tổn thương ở một hoặc nhiều khớp, đối xứng hoặc không đối xứng, không hoặc có kèm theo tổn thương vảy nến tùy theo từng thể bệnh
  • Đau khớp, viêm khớp
  • Sưng khớp
  • Cứng khớp
  • Sốt cao, liên tục 3 ngày hoặc kéo dài đến 2 tuần, phát ban, sưng hạch, lách, gan
  • Tổn thương bào mòn xương trên kết quả X-quang
  • Dưới da có hạt thấp.

Một số triệu chứng khác:

  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
  • Chán ăn, ăn không ngon miệng
  • Giảm cân
  • Viêm màng bồ đào hoặc viêm mống mắt
  • Ảnh hưởng đến nội tạng
  • Trẻ chậm lớn hoặc phát triển không bình thường.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên gồm tổn thương, sưng, đau, viêm, cứng khớp…

Phân loại và đặc điểm viêm khớp dạng thấp thiếu niên

Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên được phân thành những dạng sau:

1. Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể viêm ít khớp

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể viêm ít khớp thể hiện cho tình trạng viêm khớp làm ảnh hưởng đến 4 khớp trên cơ thể hoặc ít hơn. Viêm khớp thiếu niên thể ít khớp được phân thành hai loại nhỏ. Bao gồm: Viêm ít khớp thể giới hạn (trong suốt quá trình tiến triển của bệnh, số khớp viêm không quá 4 khớp) và viêm ít khớp mở rộng (số khớp bị viêm trên 5 khớp trong 6 tháng đầu).

Độ tuổi và giới tính: Bệnh thường khởi phát ở những trẻ có độ tuổi từ 2 – 5 tuổi (trong đó trẻ 3 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất), thường gặp ở bé gái (tỉ lệ mắc bệnh ở nam/ nữ là 5:1).

Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể viêm ít khớp

  • Tổn thương và có cảm giác đau nhiều ở các khớp xương, thường gặp ở khớp gối, khớp khuỷu tay, khớp cổ chân và các khớp nhỏ như khớp ở bàn chân, khớp bàn tay. Hiếm khi xuất hiện tổn thương ở khớp cùng chậu và khớp háng.
  • Những khớp bị viêm không đối xứng, bệnh nhân không mắc phải những dấu hiệu toàn thân như phát ban, sốt.
  • Xuất hiện biến chứng viêm màng bồ đào, thường xảy ra ở những bé gái khởi phát bệnh sớm, nhất là những trẻ có kháng thể kháng ANA (+).
  • Thường có dấu hiệu đạt lui bệnh sau 4 đến 5 năm. Tuy nhiên đối với thể tiến triển mở rộng thì tiên lượng của bệnh giống với thể viêm đa khớp.

Lưu ý

  • Đối với những trẻ nhỏ có tiền sử gia đình mắc bệnh vảy nến, viêm các điểm bán tận hoặc có yếu tố dạng thấp – RF dương tính được chẩn đoán loại trừ thể viêm khớp này.

2. Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể viêm nhiều khớp

Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể viêm nhiều khớp (viêm đa khớp) là tình trạng viêm khớp xảy ra từ 5 khớp trở lên. Bệnh lý này được chia thành hai nhóm, bao gồm: Viêm nhiều khớp RF âm tính và viêm nhiều khớp RF dương tính với những đặc điểm sau:

Thể viêm nhiều khớp RF âm tính

Thể viêm nhiều khớp RF âm tính đặc trưng bởi tình trạng tổn thương và viêm ít nhất 5 khớp trong vòng 6 tháng đầu và ít nhất 2 lần trong 3 tháng có kết quả âm tính đối với xét nghiệm RF. Đối với thể viêm nhiều khớp RF âm tính, bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Trong đó trẻ 2 tuổi và trước khi trưởng thành, trẻ là nam có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất.

Triệu chứng lâm sàng của thể viêm nhiều khớp RF âm tính

  • Viêm và tổn thương ít nhất 5 khớp, tổn thương ít xảy ra ở những khớp nhỏ như khớp ở bàn ngón tay
  • Viêm đa khớp không có tính đối xứng
  • Tổn thương bào mòn xương trên kết quả X-quang có thể xuất hiện muộn
  • Có khoảng 5 – 15% trẻ bị viêm nhiều khớp RF âm tính bị biến chứng viêm màng bồ đào mạn tính
  • Thường âm tính với kháng thể kháng nhân.

Thể viêm nhiều khớp RF dương tính

Thể viêm nhiều khớp RF dương tính được đặc trưng bởi tình trạng tổn thương và viêm ít nhất 5 khớp trong vòng 6 tháng đầu và ít nhất 2 lần trong 3 tháng có kết quả dương tính đối với xét nghiệm RF. Thể viêm nhiều khớp RF dương tính thường xảy ra ở những trẻ trên 10 tuổi, có tỉ lệ mắc bệnh ở nữ/ nam là 4/1.

Triệu chứng lâm sàng của thể viêm nhiều khớp RF dương tính

  • Tổn thương và viêm sưng ở cả những khớp lớn, khớp nhỏ, các khớp đối xứng, tình trạng viêm sưng nhiều khớp diễn ra ngay từ giai đoạn đầu của bệnh
  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, ăn không ngon miệng, sụt cân dưới da có hạt thấp
  • Bệnh có diễn biến kéo dài, tình trạng hủy khớp được biểu hiện bởi hình ảnh bào mòn xương trên kết quả X-quang xuất hiện sớm
  • Tỉ lệ xuất hiện biến chứng viêm màng bồ đào ở bệnh nhân thấp hơn so với những thể khác.
Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể viêm nhiều khớp
Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể viêm nhiều khớp

3. Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên có viêm điểm bám gân

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên có viêm điểm bám gân còn có tên gọi là viêm cột sống dính khớp xảy ra ở trẻ em. Thể bệnh này thường xuất hiện ở những bé trai 6 tuổi.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm khớp dạng thấp có viêm điểm bám gân

  • Viêm khớp không đối xứng xảy ra ở chi dưới, đồng thời xảy ra tình trạng viêm điểm bám của các gân, vị trí bám vào xương.
  • Kết quả xét nghiệm cho thấy tỉ lệ có mặt HLA-B27 cao, có biến chứng viêm màng bồ đào mạn tính.

4. Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể viêm khớp vảy nến

Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể viêm khớp vảy nến là thể viêm khớp mạn tính thiếu niên. Thể bệnh này xuất hiện trước 16 tuổi. Đặc biệt là những trẻ gái hoặc/ và trẻ em có độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi và trẻ từ 10 đến 12 tuổi. Bệnh viêm khớp mạn tính thiếu niên đặc trưng bởi tình trạng viêm khớp có kèm theo vảy nến.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể viêm khớp vảy nến

  • Tình trạng viêm khớp có thể xảy ra trước, sau hoặc xuất hiện đồng thời với bệnh vảy nến
  • Tổn thương khớp không đối xứng ở giai đoạn đầu (xảy ra ở cả khớp lớn hoặc khớp nhỏ)
  • Tổn thương xảy ra trên nhiều khớp ở giai đoạn sau, tình trạng viêm sưng có thể xuất hiện ngón chi hình khúc dồi
  • Xét nghiệm: Kết quả xét nghiệm cho thấy thường âm tính với yếu tố dạng thấp -HF.

Việc chẩn đoán viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể viêm khớp vảy nến cần dựa vào tình trạng viêm khớp kèm theo triệu chứng vảy nến điển hình. Hoặc bệnh nhân phải có 2 trong 3 yếu tố sau: Ngón chi hình khúc dồi, vẩy nến móng và có tiền sử gia đình bị vẩy nến (thể hệ đầu tiên).

5. Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể hệ thống

Độ tuổi khởi phát thường gặp nhất của bệnh viêm khớp thiếu niên thể hệ thống là từ 1 đến 2 tuổi, tỉ lệ mắc bệnh ở nam nữ như nhau.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể hệ thống

  • Viêm khớp xảy ra ở một hoặc vài khớp, viêm thành đợt, xảy ra và kéo dài ít nhất trong 2 tuần, sau đó bệnh có thể khỏi hoàn toàn
  • Bệnh nhân bị sốt kéo dài khoảng 2 tuần, sốt ít nhất 3 ngày liên tục
  • Hình thành ban và xuất hiện tổn thương nội tạng (lá lách, gan hạch ngoại biên to, viêm màng phổi, viêm màng tim…)
  • Xét nghiệm hội chứng viêm (ferritin máu cao, CRP cao, tốc độ lắng máu cao). Kháng thể kháng nhân và yếu tố dạng thấp -RF thường âm tính.

Do các triệu chứng hệ thống của trẻ diễn tiến rầm rộ , gan lách hạch to, sốt và rất cần tiến hành chẩn đoán phân biệt với bệnh bạch cầu cấp, nhiễm khuẩn toàn thân…

6. Viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể không phân loại

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể không phân loại xảy ra khi tình trạng viêm khớp xuất hiện kéo dài mà không đủ điều kiện hay tiêu chuẩn để xếp bệnh lý vào bất kỳ thể nào trong 6 thể viêm khớp trên. Đối với trường hợp này, trẻ cần được theo dõi chặt chẽ và được đánh giá lại theo thời gian.

Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên xảy ra với nhiều thể bệnh phức tạp. Chính vì thế, khi nhận thấy các triệu chứng bất thường xuất hiện, phụ huynh cần đưa trẻ đến chuyên khoa xương khớp để được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể không phân loại
Viêm khớp dạng thấp thiếu niên thể không phân loại

Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp thiếu niên

Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên là một dạng tổn thương mãn tính. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị nhầm lẫn, tấn công liên tục vào các tế bào và các mô của cơ thể.

Theo kết quả nghiên cứu, viêm khớp tự phát thiếu niên thường khởi phát sau khi bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Tuy nhiên nguyên nhân cụ thể khiến bệnh xuất hiện vẫn chưa rõ. Nhiều chuyên gia cho rằng bệnh có tính chất tự miễn với hiện tượng nhiễm khuẩn khiến nhiều quá trình trong hệ thống miễn dịch khởi động.

Ngoài ra gen di truyền cũng là một yếu tố chính đẩy nhanh quá trình khởi phát của bệnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy những trẻ có tiền sử gia đình bị vẩy nến hoặc viêm khớp dạng thấp (thể hệ đầu tiên) sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những trẻ khác.

Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên có nguy hiểm không?

Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên nằm trong nhóm bệnh nguy hiểm cần được kiểm soát và điều trị kịp thời. Việc chậm trễ trong quá trình phát hiện và điều trị bệnh có thể khiến trẻ rơi vào một số tình trạng sau:

  • Ảnh hưởng đến chức năng mắt: Viêm khớp tự phát thiếu niên có thể làm phát sinh biến chứng viêm màng bồ đào hoặc viêm mống mắt. Tuy nhiên do các biến chứng ở mắt thường diễn tiến âm thầm nên thường không sớm phát hiện và điều trị. Đối với những biến chứng này, việc không được điều trị kịp thời có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và có nguy cơ mù lòa.
  • Ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của trẻ: Sự phát triển của hệ cơ xương khớp có thể bị suy giảm hoặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên. Cụ thể như: Chậm lớn, ảnh hưởng đến khả năng đi lại, xương khớp phát triển không đồng đều. Ngoài ra một số rủi ro khác cũng có thể xuất hiện từ việc sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp đặc biệt là khi dùng Corticosteroid.

Kỹ thuật chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên

Thông thường kết quả chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên thường dựa vào đặc điểm của các triệu chứng lâm sàng, tổn thương thực thể ở các khớp, tổn thương vảy nến và kết quả xét nghiệm. Mặc dù không có xét nghiệm riêng biệt cho bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng các xét nghiệm dưới đây có thể giúp bác sĩ loại trừ những tình trạng tương tự. Cụ thể:

Xét nghiệm máu

  • Tốc độ lắng hồng cầu (ESR): Thông thường tốc độ lắng của hồng cầu sẽ tỉ lệ thuận với mức độ viêm trong cơ thể. Từ đó giúp kiểm tra tình trạng viêm và mức độ nghiêm trọng.
  • Protein phản ứng C: Kết quả xét nghiệm Protein phản ứng C có khả năng xác định mức độ viêm nhưng không giống với ESR.
  • Kháng thể chống viêm: Đối với những bệnh nhân mắc bệnh tự miễn, kháng thể chống viêm là protein sẽ được hệ thống miễn dịch sản xuất với số lượng lớn. Do đó xét nghiệm này cho phép chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp và nguy cơ viêm mống mắt.
  • Yếu tố thấp khớp: Yếu tố thấp khớp được tìm thấy trong máu của những trẻ em bị viêm khớp dạng thấp.

Xét nghiệm hình ảnh

Để loại trừ các bệnh xương khớp liên quan như viêm khớp thông thường, nhiễm trùng khớp, khuyết tật bẩm sinh, gãy xương… bệnh nhân có thể được yêu cầu chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp X-quang.

Ngoài ra xét nghiệm hình ảnh cũng được chỉ định thường xuyên với mục đích kiểm tra sự tiến triển của bệnh và phát hiện cá tổn thương liên quan sau quá trình điều trị.

Chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên
Chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên dựa vào triệu chứng lâm sàng, tổn thương thực thể và kết quả xét nghiệm

Phương pháp điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên

Không có phương pháp điều trị dứt điểm đối với bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên. Do đó quá trình điều trị bệnh thường gắn liền với mục đích kiểm soát triệu chứng, giảm tổn thương ở các khớp, phòng ngừa tổn thương lan rộng và gây biến chứng.

Tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ đề ra phác đồ điều trị thích hợp. Thông thường để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên, bệnh nhân sẽ được áp dụng các biện pháp không dùng thuốc, sử dụng thuốc hoặc tiến hành điều trị ngoại khoa.

1. Biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp thiếu niên không dùng thuốc

Đối với những trường hợp mới khởi phát, tổn thương và viêm ít khớp, các triệu chứng không quá nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ được kiểm soát bệnh lý bằng các biện pháp không dùng thuốc. Cụ thể:

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là một trong những phương pháp quan trọng cần được áp dụng trong quá trình điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên. Phương pháp điều trị này có tác dụng chống co cứng khớp, giữ cho các khớp linh hoạt và cơ bắp khỏe mạnh. Từ đó giúp trẻ dễ dàng vận động và di chuyển như bình thường.

Một số bài tập vật lý trị liệu thường được áp dụng gồm:

  • Bài tập tăng cường giúp các khớp chuyển động linh hoạt.
  • Bài tập cải thiện sự căng bằng và khả năng phối hợp của các khớp trong cơ thể
  • Thực hiện các thao tác trong sinh hoạt hàng ngày.

Việc điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên với các bài tập vật lý trị liệu cần có sự chỉ định và hướng dẫn thực hiện của bác sĩ chuyên khoa. Một số thiết bị hỗ trợ như kẹp tay, đai bảo hộ hoặc thanh nẹp xương có thể được sử dụng nếu cần thiết.

Biện pháp chăm sóc tại nhà

Tình trạng viêm, sưng, đau nhức và một số triệu chứng khó chịu khác của bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên có thể được cải thiện và kiểm soát bằng một số biện pháp chăm sóc tại nhà. Cụ thể:

  • Chườm nóng: Việc sử dụng các miếng đệm nhiệt hoặc túi nước ấm áp lên những khu vực bị tổn thương có thể giúp cải thiện cơn đau, tình trạng sưng và viêm hiệu quả. Đồng thời giúp thư giãn mạch máu, dây chằng, cơ bắp, cải thiện tình trạng cứng khớp và kích thích quá trình lưu thông máu.
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh bằng túi nước đá có thể mang đến hiệu quả gảm đau đối với những cơn đau cấp tính. Đồng thời giúp hỗ trợ giảm viêm sưng nhưng không phù hợp với tình trạng co cứng khớp.
  • Xoa bóp và massage nhẹ nhàng: Việc xoa bóp và massage một cách nhẹ nhàng có thể giúp làm dịu cơn đau, thư giãn cơ và các khớp. Tuy nhiên trước khi thực hiện, phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn.
  • Cải thiện cảm xúc: Đối với những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, bao gồm cả trẻ nhỏ cần được áp dụng các biện pháp cải thiện cảm xúc để phòng ngừa trầm cảm. Nguyên nhân là tình trạng viêm, sưng và đau nhức kéo dài có thể khiến trẻ bị căng thẳng, lo âu, làm ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của cơ thể. Vì thế bạn nên thường xuyên vui chơi và trao đổi với trẻ. Đồng thời hướng dẫn trẻ thực hiện các liệu pháp giảm căng thẳng như ngồi thiền, yoga, đọc sách, nghe nhạc… những liệu pháp này cũng có thể giúp làm giảm mức độ đau. Tuy nhiên cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu việc cải thiện cảm xúc của trẻ gặp khó khăn.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục: Việc thường xuyên luyện tập thể dục có thể đẩy nhanh sự phát triển về cơ bắp, nâng cao sức khỏe và tăng cường sự linh hoạt của xương khớp. Theo các chuyên gia, để ngăn ngừa các rối loạn khớp và giúp thư giãn, trẻ nên thường xuyên bơi lội, đi bộ, chạy xe đạp hoặc tập yoga.
  • Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều trái cây, rau xanh, thường xuyên bổ sung thành phần dinh dưỡng có trong các loại cá béo, thịt, ngũ cốc nguyên hạt, dầu thực vật, các loại đậu, hạt, hàu, tỏi, gừng, nghệ… để nâng cao sức khỏe tổng thể và sức khỏe xương khớp. Đồng thời hỗ trợ giảm viêm, sưng và đau khớp. Đồng thời tránh bổ sung những loại thực phẩm nhiều đường, nhiều chất béo, dầu mỡ, món ăn nhiều muối, thực phẩm cay nóng và chế biến sẵn.
Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh
Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh giúp hỗ trợ điều trị và kiểm soát triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên

2. Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên

Những loại thuốc thường được dùng trong gồm:

Điều trị với thuốc cơ bản

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể (mức độ nặng nhẹ và tùy thể bệnh), bệnh nhân có thể được yêu cầu sử dụng thuốc điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên ngay từ giai đoạn sớm của bệnh. Thuốc có thể được sử dụng đơn độc hoặc phối nhiều loại.

Methotrexat

Liều dùng Methotrexat trong điều trị viêm khớp

  • Liều khuyến cáo: Sử dụng từ 5 – 10mg/m2 da/ tuần (2 – 3 viên 2,5mg/ tuần)
  • Liều tối đa: 20mg/m2 da/ tuần.

Những chỉ số cần theo dõi trong thời gian điều trị

  • Tế bào máu ngoại vi
  • Tổng phân tích nước tiểu
  • Phosphatase kiềm, AST, ALT, albumin máu
  • Ure, Creatinin, bilirubin toàn phần
  • Chụp X-quang phổi hàng năm
  • Tiến hành sinh thiết gan để sớm phát hiện những tổn thương ở gan do dùng thuốc. Trong 3 tháng đầu, kiểm tra mỗi 2 tuần 1 lần, sau đó kiểm tra định kỳ mỗi tháng 1 lần.

Thuốc chống sốt rét tổng hợp (Hydroxychloroquin)

Chống chỉ định dùng thuốc chống sốt rét tổng hợp đối với trẻ em dưới 7 tuổi.

Liều dùng Hydroxychloroquint trong điều trị viêm khớp

  • Liều khuyến cáo: Sử dụng 6mg/ kg trọng lượng/ ngày.

Những chỉ số cần theo dõi trong thời gian điều trị

  • Các xét nghiệm viêm sinh học (CRP, tốc độ máu lắng, tế bào máu ngoại vi)
  • Các xét nghiệm phân tích chức năng gan và tổng phân tích nước tiểu, kiểm tra mỗi tháng
  • Kiểm tra màu sắc và tâm nhìn mỗi 4 – 6 tháng/ lần để phát hiện viêm hắc tố võng mạc – biến chứng gây mù mắt không hồi phục.

Sulphasalazin

Liều dùng HSulphasalazin trong điều trị viêm khớp

  • Liều khuyến cáo: Dùng 50mg/ kg trọng lượng/ ngày, tăng dần liều điều trị cho đến khi tìm thấy liều thấp nhất có hiệu quả.
  • Liều tối đa: 2 gram/ ngày.

Những chỉ số cần theo dõi trong thời gian điều trị

  • Kiểm tra men gan
  • Kiểm tra bilan viêm sinh học
  • Tổng phân tích nước tiểu hàng tuần.

Etanercept (Enbrel)

Etanercept (Enbrel) được sử dụng cho những trường hợp nặng, bệnh nhân không có đáp ứng tốt với methotrexat, bệnh viêm khớp kèm theo tổn thương nội tạng.

Liều dùng Etanercept (Enbrel) trong điều trị viêm khớp

  • Liều khuyến cáo: Dùng 0,4mg/ kg trọng lượng, tiêm dưới da 2 lần/ tuần.

Infliximab (Remicade)

Infliximab (Remicade) được chỉ định cho bệnh nhân bị viêm màng bồ đào không có đáp ứng với những loại thuốc hay phương pháp điều trị khác.

Liều dùng Infliximab (Remicade) trong điều trị viêm khớp

  • Liều khuyến cáo: Dùng 5 – 10mg/ kg trọng lượng, truyền tĩnh mạch chậm vào các tuần gồm 0, 2, 6. Tùy thuộc vào đáp ứng của bệnh, duy trì mỗi đợt 4 – 8 tuần.
Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên
Sử dụng các thuốc cơ bản điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên

Thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs)

Chỉ định dùng thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs) ngay khi có kết quả chẩn đoán viêm khớp ở trẻ. Điều trị với một trong các loại sau:

Aspirin

  • Liều khuyến cáo: Dùng 75 – 90mg/ kg trọng lượng/ ngày.

Ibuprofen

  • Liều khuyến cáo: Dùng 45mg/kg trọng lượng/ngày (dạng siro), 35mg/ kg trọng lượng/ ngày (dạng viên) chia thành 3 lần uống.
  • Dùng cho trẻ trên 6 tháng.

Naproxen

  • Liều khuyến cáo: Dùng 20 – 30mg/kg trọng lượng/ngày (dạng siro) chia thành 2 lần.
  • Dùng cho trẻ từ 2 tuổi.

Diclofenac

  • Liều khuyến cáo: Dùng 1 – 3mg/kg trọng lượng/ngày, chia 2 – 3 lần dùng.

Piroxicam

  • Liều khuyến cáo: 5mg/ ngày (<15 kg), 10mg/ ngày (16 – 25kg), 15mg/ ngày (26 – 45kg), 20mg/ lần (>46kg), uống 1 lần.

Điều trị Corticoid

Dùng Corticoid đường toàn thân

Chỉ định Corticoid đường toàn thân cho những bệnh nhân bị viêm khớp tự phát thiếu niên thể có khởi phát hệ thống (giai đoạn tiến triển)

  • Liều Prednisolon: 0,1 – 0,2mg/ kg cân nặng/ lần/ ngày. Uống vào 8 giờ sáng.

Tiêm tại khớp

Chỉ định cho bệnh nhân bị viêm một hoặc vài khớp kèm theo sưng đau nhiều, nên tiêm dưới hướng dẫn của siêu âm.

Dùng Hydrocortisol acetat lọ 125mg/5ml

  • Liều khuyến cáo: dùng 0,5 – 1mg/kg trọng lượng/lần, tiêm cho khớp gối. Tiêm tối đa 3 lần, cách nhau 3 ngày 1 lần tiêm.
  • Liều tối đa:1ml/khớp gối/lần

Dùng Diprospan (1ml = 2mg betamethason natri phosphat + 5mg betamethason dipropionat) hoặc Methylprednisolon acetat (DepoMedrol 40mg x 1ml)

  • Liều khuyến cáo: Tiêm 1 lần vào khớp gối, dùng 0,5 – 1ml.
Điều trị Corticoid
Điều trị Corticoid trong giai đoạn tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên

Điều trị phối hợp

Sử dụng thuốc giảm đau: Điều trị dựa trên sơ đồ bậc thang của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Bậc 1: Dùng Paracetamol, liều 10-15mg/kg trọng lượng /4-6 giờ.

Bậc 2: Efferalgan Codein, uống liều ½ – 2 viên/ ngày cho trẻ từ 15 – 22kg, không dùng cho trẻ dưới 15kg.

Bổ sung vitamin D, calci, kali khi điều trị với corticoid.

Kết hợp với kháng sinh khi bội nhiễm xảy ra.

Lý liệu pháp: Chiếu tia hồng ngoại vào đoạn cột sống hoặc khớp bị tổn thương, 2 lần/ ngày, mỗi lần 15 phút.

3. Điều trị ngoại khoa

Nếu không có đáp ứng với phương pháp bảo tồn, bệnh nhân sẽ được điều trị ngoại khoa.

Nội soi khớp

Cắt bỏ màng hoạt dịch hoặc rửa khớp dưới nội soi.

Chỉ định: Viêm khớp kéo dài, bệnh nhân không có đáp ứng với các phương pháp khác, đặc biệt là khi bệnh xuất hiện ở các khớp lớn như khớp cổ chân, khớp khuỷu, khớp gối.

Thay khớp nhân tạo

Chỉ định: Bệnh nhân bị mất chức năng vận động nhiều.

Nên thận trọng và cân nhắc khi điều trị ngoại khoa cho bệnh nhi. Theo dõi chặt chẽ và lâu dài những tác dụng phụ trong quá trình điều trị.

4. Phòng bệnh

Khám mắt

  • Khám mắt theo hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa khi bị viêm khớp mạn tính. Bởi tất cả trẻ em đều có khả năng bị viêm màng bồ đào. Khám và soi đáy mắt mỗi 4 tháng đối với trẻ có kháng thể kháng nhân dương tính và viêm vài khớp.
  • Khám mắt 6 tháng một lần đối với trẻ có kháng thể kháng nhân dương tính.

Hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp cho trẻ

Hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp cho trẻ dựa trên điều kiện sức khỏe với mục đích giúp trẻ tái hòa nhập với cộng đồng và ngăn chặn tàn phế.

Khám mắt theo hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa khi bị viêm khớp mạn tính
Khám mắt định kỳ dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa khi bị viêm khớp mạn tính

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là bệnh lý nguy hiểm xảy ra ở trẻ nhỏ và dưới 16 tuổi. Bệnh có diễn tiến phức tạp, khó chữa và thường gây biến chứng về mắt. Vì thế, để đảm bảo an toàn, phụ huynh nên cho trẻ đến chuyên khoa xương khớp để kiểm tra và điều trị bệnh ngay khi các dấu hiệu bất thường xảy ra ở khớp.

Tin bài nên đọc

Viêm khớp dạng thấp là căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn

Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không?

Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi không là vấn đề có không ít người đang băn khoăn. Đây là...

viêm khớp dạng thấp nên ăn gì và kiêng gì

Viêm khớp dạng thấp nên ăn gì và kiêng gì để hỗ trợ điều trị?

Cùng với việc tuân thủ các biện pháp điều trị chuyên sâu, người bị viêm khớp dạng thấp nên thực...

Viêm khớp dạng thấp RF là gì ?

Viêm khớp dạng thấp RF là bệnh viêm khớp dạng thấp do yếu tố thấp khớp RF gây nên. Yếu...

Điều trị viêm khớp dạng thấp như thế nào?

Khoa học ngày nay vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân và cách đẩy lùi triệt để chứng viêm khớp...

Các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp tốt nhất hiện nay

10 thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp tốt nhất hiện nay

Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp trên thực tế không thể điều trị dứt điểm căn bệnh này. Tuy...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.