Bệnh Ung Thư Thanh Quản
Bệnh ung thư thanh quản xếp thứ 4 trong nhóm ung thư vòm mũi họng. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ nhưng có liên quan đến hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia và trào ngược thực quản mãn tính. Tương tự như các dạng ung thư khác, điều trị sẽ có 3 lựa chọn chính là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Tổng quan
Bệnh ung thư thanh quản (Laryngeal Cancer) là tình trạng mô thanh quản xuất hiện các tế bào ác tính. Đây là một trong những dạng ung thư vòm mũi họng ít gặp, xếp thứ 4 sau ung thư vòm họng, xoang mũi và ung thư vòm hạ họng. Giống như các dạng ung thư khác, ung thư thanh quản gần như không có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh hô hấp thường gặp.
Ở nước ta, tỷ lệ bị ung thư thanh quản chiếm 2% trong tổng số các ca ung thư và nguy cơ cao hơn ở nam giới (chiếm 90% là nam giới). Độ tuổi khởi phát chủ yếu là 50 - 70 tuổi, hiện nay tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng ở nữ giới và ngày càng trẻ hóa.
Ung thư hiện vẫn là thách thức lớn đối với y học, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và kinh tế xã hội. Mặc dù đã có nhiều phát hiện mới đầy triển vọng nhưng điều trị ung thư vẫn còn không ít hạn chế. Vì vậy, cần phải nâng cao kiến thức để có thể phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời.
Phân loại bệnh
Các tế bào ở thanh quản sẽ dần “ác tính hóa”, phát triển không kiểm soát trở thành tế bào ung thư. Ung thư thanh quản thường là ung thư biểu mô vảy. Ban đầu, tế bào ung thư khu trú ở thanh quản, sau đó tiếp tục phát triển, lây lan sang các cơ quan khác.
Dựa vào mức độ phát triển của tế bào ác tính, bệnh ung thư thanh quản được phân loại thành 5 giai đoạn sau:
Giai đoạn 0: Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh, lúc này tế bào ác tính chỉ mới xuất hiện ở mô thanh quản và chưa lây lan sang các cơ quan khác. Ở giai đoạn 0, tế bào ác tính chưa phát triển nhiều nên hoàn toàn chưa có khối u. Nếu phát hiện ở giai đoạn này, điều trị thường có đáp ứng tốt, nhiều khả năng có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Giai đoạn 1: Ở giai đoạn 1, tế bào ác tính đã phát triển gây hình thành khối u ở thanh quản. Khối u có thể xuất hiện ở thanh môn, hạ thanh môn hoặc thượng thanh môn. Vì khối u chỉ mới phát triển nên kích thước còn nhỏ, dây thanh quản vẫn có thể hoạt động bình thường.
Giai đoạn 2: Giai đoạn 2 được xác định khi khối u ác tính đã phát triển lớn hơn làm biến đổi thanh quản. Thanh quản gần như không thể di động gây ra những bất thường khi nuốt và giao tiếp. Ở giai đoạn này, khối u vẫn nằm ở thanh quản, chưa di căn sang các cơ quan khác.
Giai đoạn 3: Giai đoạn tế bào ung thư lan rộng ra ngoài thanh quản
- Thượng thanh môn: Khối u có thể phát triển ra mô kế thanh quản hoặc đầu dây thanh quản khiến cho hai dây thanh không thể hoạt động bình thường. Ở giai đoạn 3, khối u có kích thước lớn hơn và đã bắt đầu lan vào các hạch bạch huyết lân cận (thường là các hạch lớn hơn 3cm).
- Thanh môn: Nếu xuất hiện ở thanh môn, khối u nằm hoàn toàn bên trong thanh quản và có thể lan vào hạch cổ. Tế bào ung thư bắt đầu lây lan sang các hạch lân cận, đặc biệt là những hạch có kích thước nhỏ hơn 3cm. Ung thư thanh môn là dạng ung thư thanh quản phổ biến nhất.
- Hạ thanh môn: Khối u nằm hoàn toàn ở thanh quản, sau đó phát triển lớn dần và lây lan sang các hạch bạch huyết với kích thước lớn.
Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn cuối khi tế bào ung thư đã xâm lấn sang những cơ quan khác. Tế bào ác tính có thể di căn thông qua hệ hạch bạch huyết hoặc đường máu. Vì vậy, không chỉ có những cơ quan gần mà tế bào ác tính có thể gây u thứ phát ở các cơ quan xa.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Ung thư thanh quản thường gặp ở nam giới, đặc biệt là những người có tình trạng kinh tế - xã hội thấp. Đến nay, nguyên nhân chính xác gây ung thư nói chung và ung thư thanh quản nói riêng vẫn còn phải nghiên cứu thêm. Dù vậy, một số yếu tố sau đây đã được xác định có liên quan đến cơ chế bệnh sinh:
- Hút thuốc lá: Thống kê cho thấy, 95% trường hợp ung thư thanh quản hút thuốc lá trong thời gian dài. Các chuyên gia nhận thấy, nguy cơ ung thư nói chung tăng lên gấp 30 lần khi duy trì thói quen hút thuốc trong 15 năm.
- Một số yếu tố khác: Trào ngược dạ dày thực quản mãn tính, nhiễm độc tố, thường xuyên tiếp xúc với bụi, kim loại nặng, có các tổn thương mãn tính (papilloma thanh quản, hồng sản, bạch sản), thiếu hụt dinh dưỡng, viêm nhiễm tai mũi họng mãn tính… cũng là những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Hiện nay, nhờ công tác tuyên truyền được đẩy mạnh mà số người hút thuốc lá ngày càng giảm. Do đó, tỷ lệ ung thư thanh quản cũng giảm đi rõ rệt.
Triệu chứng và chẩn đoán
Tương tự như các ung thư vòm mũi họng, ung thư thanh quản không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Một số trường hợp có triệu chứng nhưng đa phần đều mờ nhạt, khó phân biệt với các bệnh hô hấp thường gặp. Biểu hiện có thể khác biệt tùy theo vị trí khối u xuất hiện (thượng thanh môn, thanh môn hay hạ thanh môn).
Các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư thanh quản:
- Khàn tiếng: Khàn tiếng là dấu hiệu cảnh báo ung thư thanh quản và lao thanh quản, đặc biệt là khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần. Người trên 40 tuổi có thói quen hút thuốc lá gặp phải triệu chứng này nên chú ý đến nguy cơ ung thư. Hầu hết các trường hợp ung thư thanh quản đều có biểu hiện khàn tiếng và đôi khi chỉ gặp duy nhất biểu hiện này.
- Ho: Ho là triệu chứng không điển hình, dễ bị nhầm lẫn với viêm thanh quản, viêm họng, viêm amidan… Tuy nhiên, nếu nhận thấy ho kéo dài, ho co thắt… nên thăm khám sớm để phát hiện kịp thời các vấn đề bất thường.
- Khó thở: Khó thở phổ biến ở trường hợp ung thư thượng thanh môn. Khi xuất hiện khối u ác tính, khẩu kính của thanh môn sẽ bị thu hẹp dẫn đến khó thở. Triệu chứng này xuất hiện khá sớm, có thể xảy ra đồng thời với khàn tiếng.
- Nuốt khó, vướng: Bên cạnh khàn tiếng và khó thở, bệnh ung thư thanh quản còn gây nuốt khó, vướng. Theo thời gian, mức độ triệu chứng ngày càng nặng do khối u do tăng kích thước. Đặc biệt, mức độ khó thở tăng lên đáng kể khi gắng sức, leo cầu thang…
- Các biểu hiện khác: Ngoài những dấu hiệu trên, bệnh ung thư thanh quản còn gây ra một số biểu hiện như sút cân, sặc thức ăn, nuốt khó, đau tai, hạch cổ… Người bệnh cảm nhận rõ sức khỏe giảm đi đáng kể dù không lao động nặng nhọc và sụt cân nhanh chóng mặc dù ăn uống điều độ.
Nhìn chung, các biểu hiện của ung thư thanh quản vô cùng mờ nhạt và khó có thể khiến người bệnh nghĩ rằng bản thân bị ung thư. Để phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn, nên thăm khám khi nhận thấy tình trạng ho, khàn tiếng kéo dài.
Chẩn đoán bệnh ung thư thanh quản sẽ bao gồm các bước như sau:
- Hỏi bệnh: Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng người bệnh gặp phải, thời gian khởi phát. Triệu chứng lâm sàng thường nghèo nàn nên không có giá trị trong chẩn đoán. Do đó, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi để sàng lọc nguy cơ như có hút thuốc lá không, gia đình có người bị ung thư vòm mũi họng hay không, có làm việc trong môi trường độc hại…
- Nội soi thanh quản: Nội soi thanh quản là kỹ thuật có giá trị trong chẩn đoán bệnh ung thư thanh quản. Thông qua hình ảnh từ nội soi, bác sĩ có thể phát hiện, đánh giá tổn thương thực thể ở thượng thanh môn, thanh môn và hạ thanh môn.
- Sinh thiết: Để chắc chắn là u ác tính, bác sĩ sẽ sinh thiết mô trong quá trình nội soi. Bằng cách quan sát mô bệnh học, bác sĩ có thể phát hiện tế bào loạn sản, phát triển không kiểm soát.
- Xét nghiệm hình ảnh: CT, MRI, PET, siêu âm là kỹ thuật bổ sung được thực hiện để xác định mức độ tổn thương và phát hiện tế bào ung thư đã di căn hay chưa. Các kỹ thuật này giúp ích đáng kể trong việc xác định giai đoạn và đưa ra tiên lượng bệnh.
- Xét nghiệm máu: Ngoài chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân cũng sẽ được xét nghiệm máu để đánh giá khả năng phẫu thuật.
Biến chứng và tiên lượng
Thống kê cho thấy, khoảng 60% chỉ có ung thư tại chỗ, 25% đi kèm với di căn hạch lân cận và 15% trường hợp di căn sang các cơ quan khác. Trường hợp phát hiện sớm (chưa có hạch) có thể điều trị hoàn toàn với tỷ lệ khỏi hẳn trên 80%.
Nếu phát hiện ở giai đoạn 0, 1 và 2, tỷ lệ sống trên 5 năm lên đến 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ sống giảm đi đáng kể còn 60% sau 5 năm đối với ung thư thượng thanh môn và 30% sau 5 năm đối với ung thư hạ thanh môn.
Trường hợp đã di căn hạch hoặc di căn xa (phổi, gan) đều có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong cao. Tỷ lệ sống ở những trường hợp di căn hạch lân cận là 43% sau 5 năm và chỉ còn 30% sau 5 năm nếu đã di căn xa.
Nếu không được điều trị, bệnh ung thư thanh quản sẽ gây ra nhiều biến chứng như ung thư di căn, sức khỏe suy giảm và tử vong. Ngoài ra, phát hiện muộn còn gây khó khăn cho quá trình điều trị, ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh và thân nhân. Chi phí điều trị ung thư đã di căn cũng cao hơn so với giai đoạn đầu, bệnh nhân không thể lao động, sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình.
Điều trị
Chỉ định điều trị cho bệnh nhân ung thư thanh quản sẽ phụ thuộc vào giai đoạn cụ thể. Giai đoạn sớm sẽ được phẫu thuật kết hợp xạ trị, giai đoạn tiến triển cần kết hợp xạ trị và hóa trị liệu. Trường hợp đã di căn sẽ được điều trị trước bằng xạ trị, hóa trị và nếu có khả năng sẽ được phẫu thuật.
Các phương pháp điều trị bệnh ung thư thanh quản bao gồm:
Phẫu thuật
Phẫu thuật thường được chỉ định trong giai đoạn sớm hoặc khi ung thư đã di căn sang các cơ quan khác. Đối với ung thư thanh quản, khối u sẽ được loại bỏ bằng laser thông qua sự hỗ trợ của kỹ thuật nội soi. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ phải tiến hành mổ mở để loại bỏ khối u và các hạch mà tế bào ác tính đã lây lan.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể tiếp tục được xạ trị để tiêu diệt hoàn toàn tế bào ác tính và hạn chế tái phát. Phẫu thuật được thực hiện sớm nhất có thể nhằm bảo tồn chức năng của dây thanh.
Trường hợp ung thư đã tiến triển, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ toàn bộ dây thanh nếu khối u đã tiến triển. Điều này đồng nghĩa với việc mất hoàn toàn khả năng nói. Vì vậy, nên chú ý biểu hiện bất thường để điều trị sớm, bảo tồn chức năng của dây thanh.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất. Phương pháp này sử dụng tia xạ để tiêu diệt tế bào ác tính, ngăn ung thư tiến triển và tái phát. Xạ trị có thể được chỉ định trong giai đoạn sớm sau phẫu thuật để tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ác tính còn lại. Đồng thời là phương pháp chính đối với ung thư thanh quản trong giai đoạn tiến triển và di căn.
Ở giai đoạn sớm, xạ trị thường được thực hiện sau phẫu thuật. Tuy nhiên ở giai đoạn ung thư đã di căn, xạ trị là lựa chọn ưu tiên để kiểm soát tế bào ác tính. Nếu bệnh nhân có khả năng phẫu thuật, bác sĩ sẽ cân nhắc loại bỏ khối u nguyên phát và thứ phát. Đồng thời sử dụng hóa trị liệu và xạ trị để ngăn tiến triển của tế bào ác tính.
Hóa trị liệu
Hóa trị liệu là phương pháp sử dụng thuốc để ức chế, tiêu diệt các tế bào ác tính. Phương pháp này thường được chỉ định trong giai đoạn tiến triển và giai đoạn ung thư đã di căn. Dùng thuốc kết hợp với xạ trị có thể kiểm soát tiến triển của tế bào ung thư, bảo tồn tính mạng và kéo dài sự sống cho người bệnh.
Các biện pháp hỗ trợ
Bên cạnh 3 phương pháp chính là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị, bệnh nhân ung thư thanh quản cần thực hiện một số biện pháp hỗ trợ:
- Nâng cao hệ miễn dịch: Nâng đỡ thể trạng trong thời gian điều trị sẽ hỗ trợ đáng kể trong việc tiêu diệt và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Bệnh nhân cần được chăm sóc sức khỏe, xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý.
- Phục hồi chức năng: Ung thư thanh quản khiến cho dây thanh không thể di động, ảnh hưởng nhiều đến khả năng giao tiếp… Do đó, bệnh nhân cần được phục hồi chức năng để có thể nuốt và giao tiếp một cách thuận lợi. Trường hợp nặng có thể phải đặt sonde để truyền dinh dưỡng qua đường dạ dày.
Phòng ngừa
Mặc dù nguyên nhân chính xác gây ung thư thanh quản chưa được xác định, tuy nhiên vẫn có thể phòng ngừa bằng cách loại trừ các yếu tố nguy cơ. Các biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư thanh quản bao gồm:
- Không hút thuốc lá, nếu nghiện thuốc lá, cần lên kế hoạch cai thuốc khoa học để bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa ung thư.
- Không lạm dụng rượu bia.
- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất, kim loại nặng. Đeo khẩu trang và sử dụng thiết bị bảo hộ khi làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại.
- Điều trị, kiểm soát bệnh trào ngược dạ dày.
- Điều trị tích cực và chủ động phòng ngừa các bệnh viêm đường hô hấp mãn tính.
- Nếu gia đình có người bị ung thư vòm mũi họng, nên tầm soát thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu tiền ung thư.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị khàn tiếng, ho kéo dài có phải là ung thư thanh quản?
2. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh ung thư thanh quản?
3. Tôi đang bị ung thư thanh quản giai đoạn mấy?
4. Với tình trạng hiện tại, tôi nên phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị?
5. Điều trị ung thư thanh quản trong vòng bao lâu? Cần tái khám không?
6. Tác dụng phụ tôi có thể gặp phải khi điều trị ung thư thanh quản?
7. Bệnh ung thư thanh quản có tái phát không? Làm sao để ngăn ngừa?
8. Tôi có thể di truyền ung thư thanh quản cho con cái không? Làm cách nào để hạn chế?
Bệnh ung thư thanh quản là một trong những dạng ung thư vòm mũi họng ít gặp. Nếu được phát hiện sớm, điều trị thường có đáp ứng tốt và tỷ lệ chữa khỏi lên đến 80%. Vì triệu chứng của bệnh khá mờ nhạt nên cần phải nâng cao hiểu biết và thăm khám khi cần thiết.