Thoái hóa khớp ngón tay nên điều trị sớm để tránh biến dạng

Thoái hóa khớp ngón tay không chỉ gây ra những hạn chế trong các hoạt động thường ngày mà còn có thể gây biến dạng và làm mất khả năng vận động của khớp. Việc điều trị từ sớm không chỉ giúp người bệnh giảm thiểu các triệu chứng mà còn ngăn chặn được những biến chứng từ bệnh.

Thoái hóa khớp ngón tay
Thoái hóa khớp ngón tay gây khó khăn khi thực hiện những hoạt động sinh hoạt thường ngày

Tổng quan về thoái hóa khớp ngón tay

Thoái hóa khớp là tình trạng mô sụn ở khớp bị bào mòn hoặc nứt, vỡ. Mô sụn hoạt động như lớp đệm, giúp giảm ma sát giữa hai đầu xương khi vận động. Khi sụn bị tổn thương, xương sẽ cọ xát mạnh vào nhau và gây đau nhức.

Thoái hóa khớp có thể gặp ở bất cứ vị trí khớp nào trên cơ thể. Tuy nhiên, tình trạng này thường xuất hiện ở những khớp linh hoạt và được sử dụng nhiều như khớp gối, khớp háng, khớp vai và khớp ngón tay.

Mặc dù có phạm vi nhỏ nhưng khớp ngón tay lại là vị trí khớp linh hoạt và được cơ thể sử dụng nhiều nhất. Khi thoái hóa xuất hiện ở vị trí này, bạn không chỉ thấy mệt mỏi, đau nhức mà còn khó khăn khi thực hiện cầm nắm và duy trì những hoạt động sinh hoạt thường ngày.

1. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp ngón tay được chia thành 2 nhóm chính:

  • Thoái hóa khớp nguyên phát: do quá trình lão hóa tự nhiên gây ra. Khi tuổi tác cao, mô sụn thường kém đàn hồi và dễ bị bào mòn.
  • Thoái hóa khớp thứ cấp: do chấn thương khớp ngón tay (bong gân, trật khớp,…) không được điều trị dứt điểm, các bệnh lý tự miễn, di truyền,…

Ngoài ra, một số người bị thoái hóa khớp ngón tay nhưng không thể xác định nguyên nhân cụ thể.

2. Triệu chứng

Thoái hóa khớp ngón tay có diễn tiến chậm, do đó ở giai đoạn đầu bạn có thể không nhận thấy bất cứ triệu chứng nào.

Triệu chứng thoái hóa khớp ngón tay
Thoái hóa khớp ngón tay gây ra các triệu chứng như đau và cứng khớp

Khi tổn thương ở sụn phát triển, bạn có thể nhận thấy những triệu chứng sau:

  • Đau khớp: là triệu chứng điển hình của các bệnh lý xương khớp. Cơn đau thường xuất hiện khi bạn cử động khớp và có xu hướng gia tăng khi dùng ngón tay để cầm nắm vật nặng.
  • Cứng khớp: mô sụn mất tính đàn hồi khiến cho khớp bị cứng khi vận động. Tình trạng này khiến phạm vi hoạt động của khớp bị hạn chế, gây khó khăn khi thực hiện những hoạt động sinh hoạt thường ngày.
  • Dấu hiệu bên ngoài: bạn có thể nhận thấy khớp ngón tay bị thoái hóa có dấu hiệu sưng, đỏ và nóng hơn vùng da xung quanh.

3. Biến chứng

Thoái hóa khớp ngón tay nếu không được điều trị sớm có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng.

Các biến chứng thường gặp:

  • Biến dạng khớp: đầu xương có xu hướng mọc gai để bù lấp vào những vị trí mô sụn bị bào mòn. Gai xương có kích thước lớn sẽ gây biến dạng khớp. Tình trạng không chỉ đau đớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động.
  • Mất khả năng vận động: là biến chứng khi biến dạng khớp kéo dài. Lúc này khớp không thể vận động được, dù là những cử động nhỏ nhất.

Thoái hóa khớp có tiến triển chậm, do đó bạn có thể ngăn chặn những biến chứng này bằng cách tiến hành điều trị ngay khi phát hiện bệnh.

Chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp ngón tay

Trước khi tiến hành xét nghiệm, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về tiền sử bệnh lý và các triệu chứng lâm sàng. Sau đó, bạn có thể được yêu cầu thực hiện những xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm hình ảnh: là xét nghiệm cần thiết trong quá trình chẩn đoán các bệnh xương khớp. Hình ảnh từ X-Quang, CT hay MRI cho phép bác sĩ quan sát biểu hiện khớp và các mô mềm xung quanh.
  • Xét nghiệm máu: được thực hiện nhằm giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh. Nếu bạn bị thoái hóa khớp do các bệnh lý tự miễn, trong máu sẽ xuất hiện các kháng thể của hệ miễn dịch.

Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn vận động khớp để quan sát phản ứng và phạm vi hoạt động của khớp ngón tay.

Điều trị thoái hóa khớp ngón tay để tránh biến dạng khớp

Mặc dù thoái hóa khớp ngón tay chưa thể chữa trị dứt điểm nhưng nếu điều trị từ sớm và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, bạn hoàn toàn có thể duy trì khả năng vận động của khớp, ngăn ngừa biến chứng và giảm thiểu sự xuất hiện của các triệu chứng.

1. Sử dụng thuốc

Thuốc được sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp nhằm mục đích giảm đau, sưng và viêm ở khớp. Hầu hết, thuốc có tác dụng nhanh chóng nên được sử dụng khi cơn đau bùng phát.

Triệu chứng thoái hóa khớp ngón tay
Sử dụng thuốc là biện pháp giúp giảm đau, sưng viêm khi các cơn đau bùng phát

Những loại thuốc được dùng để điều trị thoái hóa khớp háng, bao gồm:

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Thuốc chống viêm không steroid vừa có tác dụng giảm đau, vừa làm giảm sưng viêm và nóng rát tại khớp. Thuốc được chỉ định với các trường hợp không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường (acetaminophen).

Các NSAID thường được dùng cho bệnh nhân thoái hóa khớp:

  • Aspirin
  • Ibuprofen
  • Naproxen

Tuy nhiên, NSAID có khả năng kích ứng và gây xuất huyết dạ dày. Những người bị viêm loét dạ dày – tá tràng nên thận trọng khi sử dụng nhóm thuốc này.

Nếu bạn khó chịu ở dạ dày khi dùng NSAID, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng thuốc ức chế COX-2 (một nhóm thuốc nhỏ thuộc NSAID nhưng ít gây kích ứng lên cơ quan tiêu hóa).

Thuốc corticosteroid

Corticosteroid là nhóm thuốc ức chế miễn dịch, hoạt động tương tự như cortisone được tuyến thượng thận tạo ra. Corticosteroid có khả năng giảm viêm mạnh mẽ, giúp giảm sưng, cứng khớp. Tùy vào mức độ của các triệu chứng mà bác sĩ sẽ yêu cầu bạn dùng thuốc uống hoặc thuốc tiêm.

Mặc dù có tác dụng nhanh nhưng corticosteroid lại gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng khi có yêu cầu từ bác sĩ, đồng thời phải dùng đúng liều lượng và tần suất được chỉ định.

Axit Hyaluronic

Axit Hyaluronic là dịch nhầy có kết cấu tương tự như dịch khớp. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn tiêm Axit Hyaluronic vào khớp để giảm ma sát giữa hai đầu xương.

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau, thuốc chống thấp khớp,… trong quá trình điều trị thoái hóa khớp ngón tay.

2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị tận dụng tác động vật lý để giảm đau và cải thiện khả năng vận động của khớp ngón tay. So với việc sử dụng thuốc, phương pháp này được đánh giá có độ an toàn cao và tác dụng điều trị kéo dài lâu hơn.

Để giảm đau cho bệnh nhân, chuyên viên vật lý trị liệu có thể thực hiện liệu pháp nhiệt, dòng điện TENs, laser,…

điều trị thoái hóa khớp ngón tay
Thực hiện những bài tập vật lý trị liệu giúp cải thiện khả năng vận động của khớp ngón tay

Bên cạnh đó, những bài tập dành riêng cho ngón tay luôn được các chuyên viên khuyến khích bệnh nhân thực hiện. Các tác động từ những bài tập này sẽ kích thích mô sụn tái tạo, dịch nhầy sản sinh và gia tăng phạm vi hoạt động của khớp.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật được cân nhắc khi điều trị bảo tồn không đem lại kết quả, cơn đau khớp xuất hiện với tần suất dày đặc, khớp biến dạng và giảm khả năng vận động. Phẫu thuật được thực hiện để cắt bỏ gai xương hoặc thay khớp ngón tay nhân tạo.

Khớp ngón tay có phạm vi nhỏ nên biến chứng do phẫu thuật thường không quá nặng nề. Tuy nhiên, bạn cần trao đổi với bác sĩ về những rủi ro có thể phát sinh để chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh.

Chế độ chăm sóc cho người thoái hóa khớp ngón tay

Ngoài việc thực hiện những biện pháp điều trị, bạn nên có chế độ chăm sóc phù hợp để thúc đẩy khả năng phục hồi của khớp.

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng có mối quan hệ mật thiết với các bệnh lý xương khớp. Một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng viêm sưng ở khớp trở nên nghiêm trọng hơn. Ngược lại, những thực phẩm lành mạnh giúp cải thiện dịch nhầy, chống viêm và giảm sưng khớp.

điều trị thoái hóa khớp ngón tay
Cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khi mắc bệnh thoái hóa khớp ngón tay

Bạn cần tránh thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, bột mì tinh chế, nước ngọt có gas, bia rượu và cà phê,… Những thực phẩm và đồ uống này kích thích hiện tượng viêm phát triển. Khi khớp sưng viêm to hơn, mức độ tổn thương mô sụn sẽ trở nên nghiêm trọng, người bệnh thường xuyên cảm thấy đau nhức và khó khăn khi vận động.

Bên cạnh đó, cần bổ sung những thực phẩm có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn và chống viêm như thực phẩm giàu Omega 3, canxi, vitamin D, rau xanh và trái cây,…

Chế độ sinh hoạt

Cần thay đổi những thói quen thiếu khoa học như hút thuốc và sử dụng chất kích thích. Các thành phần có hại trong thuốc lá và chất kích thích gây hư tổn các mao mạch, khiến hồng cầu không thể đem oxy tuần hoàn đến vị trí khớp ngón tay. Khi khớp không có đủ dưỡng chất để tái tạo và phục hồi, mô sụn sẽ nhanh chóng bị thoái hóa và bào mòn hoàn toàn.

Ngoài ra, bạn cần tránh áp lực, căng thẳng. Nên dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn nhằm giúp cơ thể thoải mái và khỏe mạnh.

Thoái hóa khớp ngón tay có thể được kiểm soát tốt nếu bạn thực hiện theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, bạn nên chủ động trao đổi với bác sĩ để nhận được tư vấn chuyên môn.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ dẫn, chẩn đoán từ nhân viên y tế! 

Tin bài nên đọc

Bị thoái hóa khớp khuỷu tay nên lưu ý gì?

Thoái hóa khớp khuỷu tay là một trong những dạng bệnh xương khớp ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, vận...

Chụp X quang chẩn đoán thoái hóa khớp gối

X quang là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được áp dụng khá phổ biến đối...

Thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối: Dấu hiệu, chẩn đoán và cách điều trị khoa học

Theo các báo cáo y khoa, thoái hóa khớp gối đang là căn bệnh phổ biến, chiếm khoảng 13% dân...

Tự làm gạo lứt rang trị thoái hóa khớp tại nhà

Gạo lứt chứa nhiều dinh dưỡng giúp bồi bổ thận, gan và ngăn ngừa loãng xương, viêm khớp. Chính vì...

Chăm sóc đúng cách giúp cải thiện các triệu chứng bệnh thoái hóa khớp gối

Chăm sóc bệnh nhân thoái hóa khớp gối có gì khác biệt?

Thoái hóa khớp gối là một dạng của thoái hóa khớp, thường gặp ở những người cao niên. Ngoài việc...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.