Thoái hóa khớp vai: Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị

Thoái hóa khớp vai là bệnh lý thường gặp ở người trung niên và người già. Đây là bệnh xương khớp mãn tính rất khó điều trị và dễ để lại các biến chứng nguy hiểm.

Thoái hóa khớp vai
Thoái hóa khớp vai thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi

Thoái hóa khớp vai là gì?

Thoái hóa khớp vai là bệnh lý hình thành khi sụn bọc trên đầu xương, được gọi là sụn khớp bị thoái hóa và bào mòn.

Sụn khớp đóng vai trò giảm ma sát khi hai đầu xương vận động. Khi sụn khớp bị bào mòn, ma sát giữa hai đầu xương tăng lên và gây ra các cơn đau nhức.

Thoái hóa khớp vai thường gặp ở những người trên 50 tuổi. Tỷ lệ thoái hóa khớp tăng theo độ tuổi bởi vì theo thời gian, mô sụn bị hao mòn khiến khớp trở nên kém linh hoạt và dễ tổn thương hơn trước.

Triệu chứng thoái hóa khớp vai

Các triệu chứng thường gặp ở bệnh thoái hóa khớp vai bao gồm:

  • Đau khớp

Triệu chứng đặc trưng nhất của thoái hóa khớp vai nói riêng và các bệnh xương khớp nói chung là đau khớp. Cơn đau bắt nguồn từ khớp bị thoái hóa và lan ra những vùng xương khớp lân cận. Thường xuất hiện vào ban đêm và sáng sớm.

Cơn đau có thể tăng lên khi thời tiết thay đổi đột ngột hoặc do bạn vận động mạnh.

  • Cứng khớp & giảm khả năng vận động

Bên cạnh cơn đau, một triệu chứng khác của thoái hóa khớp vai là giảm khả năng vận động.

Bạn không thể vận động linh hoạt như trước, nếu thực hiện những hoạt động mạnh cơn đau sẽ bất ngờ xuất hiện và nặng nề hơn nếu bạn không ngưng hoạt động và nghỉ ngơi. Ngoài ra, bạn có thể gặp phải tình trạng cứng khớp vào buổi sáng sớm.

  • Âm thanh từ khớp

Sụn khớp bị bào mòn khiến hai đầu xương va chạm mạnh khi vận động. Đến khi mô sụn và dịch nhầy bị thoái hóa nghiêm trọng, ổ khớp sẽ phát ra âm thanh khi xương ma sát vào nhau.

thoái hóa xương bả vai
Triệu chứng do thoái hóa khớp vai gây ra bao gồm: đau khớp, cứng khớp, âm thanh từ khớp,…

Âm thanh từ khớp sẽ ngày càng rõ rệt nếu bạn không tiến hành điều trị. Triệu chứng này là dấu hiệu cảnh báo sụn khớp vai đã bị thoái hóa nghiêm trọng. Nếu tiếp tục kéo dài, khớp có thể bị biến dạng và mất hoàn toàn khả năng vận động.

  • Yếu và teo cơ

Yếu và teo cơ là hệ lụy do thoái hóa khớp vai gây ra. Phần khớp bị thoái hóa làm giới hạn khả năng vận động của người bệnh. Cơ bắp và dây chằng xung quanh khớp không được hoạt động thường xuyên sẽ rất dễ suy yếu và giảm chức năng.

Nguyên nhân sâu xa có thể do khớp thoái hóa chèn ép các mạch máu ở quanh vùng vai, khiến máu không thể tuần hoàn đến dây chằng và cơ bắp gây ra tình trạng teo, yếu cơ.

  • Sưng

Khi ma sát giữa hai đầu xương tăng lên, các mô mềm xung quanh có thể bị kích thích và sưng viêm.

Hiện tượng sưng xảy ra ở khớp vai có thể không rõ rệt như thoái hóa khớp ở các vị trí khác (điển hình nhất là khớp gối).

  • Biến dạng khớp

Đầu xương va chạm vào nhau trong thời gian dài sẽ gây tổn thương bề mặt xương. Biến dạng khớp sẽ xuất hiện nếu bạn không can thiệp để khôi phục mô sụn và giảm ma sát giữa các xương.

Tình trạng này khiến khớp vai không thể hoạt động hoặc chỉ thực hiện được những cử động nhỏ.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp vai

Các nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp vai thường gặp:

  • Chấn thương khớp vai

Xương gãy, trật khớp không được điều trị dứt điểm là nguyên nhân dẫn đến bệnh thoái hóa khớp vai.

  • Khiếm khuyết bẩm sinh hoặc bệnh tật

Những người có hệ thống xương khớp yếu rất dễ mắc phải các bệnh lý xương khớp, trong đó có viêm khớp vai.

bệnh thoái hóa khớp vai
Các bệnh lý do rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, gout có thể là nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp vai

Ngoài ra, tình trạng rối loạn chuyển hóa, bệnh gout, viêm đa khớp dạng thấp,… cũng là nguyên nhân khiến khớp vai bị tổn thương và xuất hiện tình trạng thoái hóa.

  • Di truyền

Thoái hóa khớp vai có thể là do di truyền. Các nhà khoa học cho biết, nếu bạn có mẹ hoặc người thân cận huyết mắc bệnh thoái hóa khớp vai, bạn sẽ có nguy cơ mắc phải bệnh lý này cao hơn những người bình thường. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về các yếu tố di truyền gây ra bệnh lý này.

Điều trị bệnh thoái hóa khớp vai

1. Điều trị nội khoa (dùng thuốc)

Điều trị bằng thuốc được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng của bệnh, tập trung vào việc giảm đau và làm chậm tiến triển của quá trình thoái hóa. Một số loại thuốc điều trị thoái hóa khớp vai thường dùng bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: phổ biến nhất là Acetaminophen (ví dụ Tylenol) hoặc tramadol (ví dụ Ultram). Thuốc được sử dụng để giảm đau nhưng không có khả năng làm giảm viêm hoặc sưng. Mặc dù vậy nhóm thuốc này vẫn được sử dụng phổ biến vì khá an toàn và ít gây ra tác dụng phụ. Thuốc giảm đau được khuyên dùng cho bệnh nhân bị đau nhẹ đến trung bình.
  • Thuốc giảm đau tại chỗ: Thuốc giảm đau tại chỗ thường được bào chế ở dạng miếng dán hoặc dạng kem có thể được bôi trực tiếp lên bề mặt da. Thành phần chính trong các loại kem này có tác dụng kích thích các đầu dây thần kinh giúp não không nhận được tín hiệu đau từ vùng khớp bị tổn thương. Thuốc giảm đau tại chỗ có thể được sử dụng kết hợp với các loại thuốc giảm đau đường uống.
  • NSAID (Thuốc chống viêm không steroid): Ví dụ như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen,…được sử dụng để giảm đau và giảm hiện tượng sưng viêm tại khớp. NSAID được khuyên dùng cho bệnh nhân có cơn đau từ trung bình đến nặng. NSAID gây ra rất nhiều tác dụng phụ, vì vậy bạn cần thận trọng khi sử dụng nhóm thuốc này.
  • Glucosamine và chondroitin (nhóm thuốc bổ sung): là hai thành phần có trong sụn và ổ khớp. Có vai trò duy trì độ đàn hồi và dẻo dai cho sụn khớp đồng thời cung cấp dịch nhầy để giảm ma sát khi khớp vận động. Tuy nhiên, theo thời gian hàm lượng của Glucosamine và chondroitin được cơ thể tổng hợp sẽ giảm dần. Điều này khiến cho khớp dễ tổn thương và thoái hóa. Ngoài những loại thuốc giảm đau, bác sĩ có thể chỉ định nhóm thuốc bổ sung để phục hồi khớp và làm chậm quá trình thoái hóa mô sụn.
thoái hóa khớp bả vai
Ngoài thuốc uống, bác sĩ có thể chỉ định thuốc tiêm để làm giảm đau và làm chậm quá trình thoái hóa của khớp
  • Tiêm steroid: thường được thực hiện khi các triệu chứng đau làm hạn chế khả năng vận động của bệnh nhân. Mặc dù tiêm steroid đem lại hiệu quả nhanh chóng nhưng phương pháp này tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy. Vì vậy, bạn chỉ được thực hiện khi có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa.
  • Tiêm axit hyaluronic: là một phương thức tiêm khác nhằm giúp bôi trơn khớp và giảm ma sát khi vận động. Axit hyaluronic có kết cấu tương tự dịch khớp được cơ thể tiết ra. Tuy nhiên, tuổi tác cao khiến dịch khớp suy giảm nghiêm trọng làm tăng ma sát giữa hai đầu xương khi va chạm. Do đó, tiêm axit hyaluronic được xem là cách giảm đau và làm chậm quá trình thoái hóa tương đối an toàn.

Sử dụng thuốc chỉ đem lại hiệu quả tức thì, không có tác động đến nguyên nhân gây bệnh. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết. Lạm dụng thuốc khiến các tác dụng không mong muốn phát sinh và có thể đe dọa đến sức khỏe.

ĐỌC THÊM: Bài tập vật lý trị liệu cho người bị thoái hóa khớp vai hiệu quả 

2. Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật)

Đối với hầu hết bệnh nhân, các triệu chứng thoái hóa khớp có thể được kiểm soát hoàn toàn thông qua điều trị nội khoa.

Tuy nhiên, với một số trường hợp bị tổn thương khớp nghiêm trọng, đau đớn cực độ hoặc di chuyển rất hạn chế, phẫu thuật có thể là một lựa chọn khả thi. Các loại phẫu thuật phổ biến cho thoái hóa khớp vai bao gồm phẫu thuật nội soi khớp, cắt bỏ xương và phẫu thuật khớp (thay khớp toàn bộ).

Cuộc phẫu thuật nào cũng có những rủi ro nhất định và các biến chứng tiềm ẩn, do đó bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thực hiện.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bạn, những phương pháp phẫu thuật có thể được áp dụng bao gồm:

  • Phẫu thuật thay khớp: Phẫu thuật này sẽ thay toàn bộ khớp tổn thương bằng khớp nhân tạo. Đây là lựa chọn cuối cùng khi các kỹ thuật khác không thể điều trị thoái hóa khớp vai.
  • Nội soi khớp: Một số dạng thoái hóa khớp nhẹ hơn có thể được điều trị bằng thủ thuật nội soi khớp. Ưu điểm của nội soi khớp là vết cắt nhỏ, chính xác, người bệnh phục hồi nhanh.
  • Cắt bỏ khớp: Thủ thuật này được thực hiện khi thoái hóa khớp đã hình thành gai xương hoặc biến dạng khớp. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ phần xương chồi ra để làm giảm đau và định hình lại khớp.
  • Một số thủ thuật khác: trên thực tế, bác sĩ có thể chỉ định một số thủ thuật khác trong điều trị thoái hóa khớp vai.

Phục hồi và phòng ngừa bệnh tái phát

Việc phục hồi và phòng ngừa bệnh có ý nghĩa với cả bệnh nhân điều trị nội khoa và ngoại khoa. Song song với việc dùng thuốc và thực hiện phẫu thuật, bạn nên:

  • Luyện tập đều đặn mỗi ngày, nên tập những bài tập vật lý trị liệu để hỗ trợ phục hồi chức năng khớp vai. Khi khớp có thể vận động trở lại, bạn nên tập những bộ môn có cường độ nhẹ nhàng như bơi lội, yoga,…
viêm thoái hóa khớp vai
Luyện tập thường xuyên để phục hồi chức năng vận động và phòng ngừa bệnh tái phát
  • Thiết lập chế độ ăn lành mạnh không chỉ giúp bạn duy trì sức khỏe, tăng cường xương khớp mà còn giúp bạn giữ được mức cân nặng phù hợp.
  • Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, hạn chế rượu bia, đồ uống có cồn, hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích,…

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán bệnh và áp dụng phác đồ điều trị phù hợp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chụp X quang chẩn đoán thoái hóa khớp gối

X quang là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được áp dụng khá phổ biến đối...

hận biết các dấu hiệu thoái hóa khớp gối

Các dấu hiệu nhận biết chứng thoái hóa khớp gối đang tấn công

Nhận biết các dấu hiệu thoái hóa khớp gối sẽ mang lại hiệu quả trong việc phát hiện và điều...

Bị thoái hóa khớp gối nên luyện tập thể dục thể thao đúng cách

Thoái hóa khớp là một trong những bệnh cơ xương khớp có thể gây ảnh hưởng xấu đến vận động...

Thoái hóa khớp gối tập yoga tốt không? Bài tập phù hợp

Yoga là bộ môn luyện tập có cường độ nhẹ nhàng rất thích hợp với những người mắc bệnh xương...

Điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn và những điều cần lưu ý

Điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn là một trong những giải pháp để cải thiện các đợt...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *