Thoái hóa khớp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng & điều trị bệnh
Thoái hóa khớp là một trong những bệnh lý xương khớp phổ biến. Thoái hóa khớp không được điều trị có thể gây biến dạng, hư hại và làm mất chức năng của khớp.
Bệnh thoái hóa khớp là gì?
Thoái hóa khớp là thuật ngữ y học đề cập đến tình trạng sụn bọc bên trong khớp bị bào mòn và hư tổn. Hiện tượng thoái hóa thường xuất hiện chủ yếu ở các khớp có mức độ hoạt động cao, ví dụ như khớp gối, khớp cổ tay, cột sống,…
Thoái hóa là quy luật tự nhiên nên không thể được cải thiện hoàn toàn. Tuy nhiên bạn có thể kiểm soát triệu chứng, tăng cường phạm vi chuyển động và ngăn ngừa biến chứng của bệnh nếu tiến hành điều trị ngay từ sớm.
Triệu chứng
Thoái hóa khớp thường không phát sinh triệu chứng trong giai đoạn đầu. Chỉ khi mô sụn bị bào mòn đáng kể, các triệu chứng lâm sàng mới có xu hướng phát sinh.
Các triệu chứng đặc trưng của thoái hóa khớp bao gồm:
- Đau khớp: Triệu chứng này có thể xuất hiện cả khi bạn không vận động. Tuy nhiên cơn đau có xu hướng tăng mức độ nếu bạn cố gắng di chuyển khớp.
- Cứng khớp: Cứng khớp thường xuất hiện sau khi ngủ dậy hoặc sau một thời gian dài khớp không được vận động.
- Mất tính linh hoạt: Sụn bọc đảm bảo khả năng hoạt động của khớp. Khi mô sụn bị tổn thương, khớp sẽ giảm phạm vi chuyển động và tính linh hoạt.
- Âm thanh phát ra từ khớp: Khi sụn bị bào mòn, ma sát giữa hai đầu xương sẽ tăng lên đáng kể. Do đó khi khớp vận động, bạn có thể nghe thấy âm thanh hai đầu xương va chạm.
- Gai xương: Cơ thể có xu hướng hình thành gai xương ở những vị trí mô sụn bị bào mòn. Gai xương phát triển gây chèn ép khớp và các mô mềm xung quanh.
Triệu chứng cụ thể ở từng trường hợp còn phụ thuộc vào mức độ thoái hóa và khả năng chống chịu của cơ thể.
Tuy nhiên nếu nhận thấy đau khớp duy trì trong một thời gian dài, bạn cần chủ động tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Nguyên nhân bị thoái hóa khớp
Nguyên nhân trực tiếp gây ra thoái hóa khớp là do mô sụn bị bào mòn và hư tổn. Sụn bọc ở đầu xương có vai trò làm giảm ma sát và giúp khớp vận động trơn tru. Khi khớp bị thoái hóa, bề mặt sụn trở nên sần sùi và gây đau đớn khi hoạt động.
Các yếu tố rủi ro
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp, bao gồm:
- Tuổi tác cao: Tuổi tác cao đồng nghĩa với việc bạn phải đối diện với quá trình lão hóa. Quá trình này khiến một số cơ quan suy giảm và tổn thương, trong đó có sụn khớp. Cũng chính vì vậy mà thoái hóa khớp và các bệnh lý về xương khớp thường có xu hướng xuất hiện ở những người cao tuổi.
- Giới tính: Các chuyên gia cho biết nữ giới có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp cao hơn nam giới.
- Thừa cân – béo phì: Trọng lượng cơ thể cao làm tăng căng thẳng và áp lực cho các khớp xương. Hơn nữa các mô mỡ trong cơ thể có thể sản sinh protein kích thích phản ứng viêm tại khớp.
- Chấn thương khớp: Chấn thương do tai nạn có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
- Tính chất công việc: Một số công việc có thể làm tăng áp lực lên hệ thống xương (công việc phải mang vác nặng nề). Ngoài ra những người làm công việc văn phòng và ít vận động cũng có nguy cơ phát triển thoái hóa khớp.
- Di truyền: Thoái hóa khớp và một số bệnh xương khớp khác có xu hướng di truyền ở những người thân cận huyết.
- Dị tật xương bẩm sinh: Một số người có dị tật bẩm sinh ở xương như khớp bị dị dạng, khiếm khuyết về sụn bọc,… có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
Biến chứng
Thoái hóa khớp có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian. Các triệu chứng của bệnh có thể gây khó khăn khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt và làm việc thường ngày.
Nếu không điều trị kịp thời, khớp có thể bị hư hại, biến dạng và mất hoàn toàn khả năng vận động. Trong trường hợp này, giải pháp được lựa chọn là thay thế bộ phận nhân tạo.
Chẩn đoán thoái hóa khớp
Trước tiên bác sĩ sẽ yêu cầu bạn kiểm tra thể chất nhằm quan sát hoạt động, phạm vi di chuyển và phản ứng của khớp bị thoái hóa.
Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Xét nghiệm hình ảnh
Xét nghiệm hình ảnh có vai trò quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lý về xương khớp. Hình ảnh từ các xét nghiệm này cho phép bác sĩ quan sát tình trạng xương, mô sụn, dây chằng và các mô mềm xung quanh.
Các xét nghiệm hình ảnh thường được thực hiện, gồm có:
- X-Quang: Sụn bọc thường không hiển thị rõ qua hình ảnh từ X-Quang. Tuy nhiên xét nghiệm này cho phép bác sĩ quan sát gai xương và khoảng cách giữa hai đầu xương (khoảng cách giữa hai đầu xương ở khớp thoái hóa thường bị thu hẹp hơn bình thường).
- MRI (chụp cộng hưởng): MRI sử dụng từ trường để tạo ra hình ảnh chi tiết về xương và các mô mềm (bao gồm sụn bọc).
Xét nghiệm khác
Bên cạnh xét nghiệm hình ảnh, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm để đưa chẩn đoán cuối cùng.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện nhằm loại trừ khả năng nhiễm trùng khớp hoặc viêm khớp dạng thấp.
- Phân tích dịch khớp: Dịch khớp được chọc hút bằng kim nhỏ, sau đó tiến hành phân tích qua kính hiển vi. Thông qua các chỉ số trong dịch khớp, bác sĩ có thể loại trừ khả năng nhiễm trùng và gout.
Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp không thể chữa trị hoàn toàn. Tuy nhiên bệnh có tiến triển chậm và không gây nguy hiểm đến các cơ quan khác. Do đó bạn hoàn toàn có thể sống hòa hợp với bệnh nếu thực hiện điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện các biện pháp điều trị sau:
1. Thuốc trị thoái hóa khớp
Để cải thiện triệu chứng do thoái hóa khớp, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc sau.
Acetaminophen
Acetaminophen được chỉ định để làm giảm cơn đau và triệu chứng do thoái hóa khớp gây ra. Loại thuốc này có tác dụng giảm đau bằng cách tác động đến hệ thần kinh trung ương.
Acetaminophen chỉ thích hợp với cơn đau nhẹ đến trung bình. Thuốc có thể gây tổn thương lên gan và thận nếu dùng ở liều cao hoặc lạm dụng trong một thời gian dài.
NSAID (thuốc chống viêm không steroid)
NSAID có khả năng giảm đau và giảm sưng viêm. Nhóm thuốc này tác động đến COX nhằm làm giảm sinh tổng hợp prostaglandin – một thành phần trung gian trong phản ứng gây viêm.
Vì tác động đến COX 1 và COX 2 nên NSAID có thể gây loét và chảy máu dạ dày. Để giảm tác hại lên cơ quan tiêu hóa, bạn có thể sử dụng thuốc ức chế chọn lọc COX 2 để thay thế. Tuy nhiên bệnh nhân từng có tiền sử xuất huyết dạ dày cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng nhóm thuốc này.
Một số NSAID được sử dụng phổ biến:
- Ibuprofen
- Naproxen
- Aspirin
- Diclofenac
Ngoài ra, nhóm thuốc này còn có thể gây ra các vấn đề ở tim mạch, tổn thương lên gan và thận. Để giảm tác dụng phụ của NSAID đường uống, bác sĩ có thể chỉ định thuốc ở dạng điều trị tại chỗ để thay thế.
Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm được sản xuất để điều trị đặc hiệu của vấn đề về thần kinh. Tuy nhiên nhóm thuốc này cũng được sử dụng để làm giảm các cơn đau mãn tính do thoái hóa khớp.
Duloxetine là loại thuốc chống trầm cảm thường được chỉ định trong điều trị cơn đau mãn tính. Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như kích động, ảo giác, nhịp tim nhanh, dễ bầm tím, chảy máu bất thường, khó khăn khi đi tiểu,…
2. Áp dụng các phương pháp trị liệu
Bên cạnh việc dùng thuốc, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện các biện pháp trị liệu để kiểm soát triệu chứng và tăng chức năng hoạt động của khớp.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp tận dụng tác động vật lý để giảm đau và cải thiện khớp thoái hóa.
Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ thiết lập chế độ luyện tập đặc biệt nhằm tăng cường cơ bắp, cải thiện phạm vi chuyển động và làm giảm cơn đau mãn tính.
Ngoài các động tác chuyên sâu, bạn có thể thực hiện các bộ môn luyện tập thông thường như bơi lội hoặc đi bộ. Cần chú ý lựa chọn các bộ môn có cường độ nhẹ nhàng, hạn chế các bộ môn tác động mạnh và gây căng thẳng lên khớp như chạy bộ, tennis,…
Nếu bệnh nhân thường xuyên đau và cứng khớp, chuyên viên có thể sử dụng các liệu pháp hỗ trợ giảm đau như kích thích dòng điện qua da, laser,…
Yoga
Yoga là bộ môn luyện tập có nguồn gốc từ Ấn Độ. Bộ môn này không chỉ cải thiện hệ thống xương khớp mà còn có khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh lý khác nhau.
Các chuyên gia cho biết, yoga giúp giảm cơn đau mãn tính và tăng độ linh hoạt, dẻo dai cho khớp. Tuy nhiên bộ môn này có số lượng động tác rất phong phú, bạn cần trao đổi với chuyên viên vật lý trị liệu để lựa chọn các động tác phù hợp.
3. Phẫu thuật thoái hóa khớp
Phẫu thuật thường được cân nhắc khi điều trị bảo tồn thất bại. Tuy nhiên thủ thuật ngoại khoa chỉ được thực hiện khi khớp giảm khả năng vận động và không thể duy trì các hoạt động sinh hoạt thông thường.
Bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ bề mặt sụn khớp bị hư hại và thay thế bằng các bộ phận nhân tạo (được làm từ nhựa, kim loại hoặc gốm sứ). Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể vận động và hoạt động trở lại.
Một số trường hợp khớp chưa bị tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân không nhất thiết phải thay bộ phận nhân tạo. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể cắt bỏ gai xương để làm giảm chèn ép lên khớp và các mô mềm xung quanh.
Tuy nhiên thủ thuật ngoại khoa có thể gây ra các biến chứng tiềm ẩn (nhiễm trùng, cục máu đông,…). Sau một thời gian, bộ phận nhân tạo có thể bị bào mòn và hư hại. Trong trường hợp này, bệnh nhân buộc phải tiến hành phẫu thuật lần hai.
4. Các phương pháp điều trị khác
Ngoài ra, bệnh nhân thoái hóa khớp cũng có thể thực hiện các biện pháp điều trị khác.
Tiêm corticosteroid
Tiêm corticosteroid có tác dụng làm giảm đau và sưng viêm tại khớp. Phương pháp này được thực hiện khi các loại thuốc thông thường không thể cải thiện và kiểm soát triệu chứng của bệnh.
Bác sĩ sẽ tiến hành gây tê khu vực xung quanh khớp, sau đó tiêm trực tiếp corticosteroid vào khớp thoái hóa. Corticosteroid chỉ được chỉ định trong điều trị ngắn hạn vì thuốc có thể gây tổn thương các khớp khỏe mạnh và làm suy giảm hệ miễn dịch.
Tiêm axit hyaluronic
Bệnh nhân thoái hóa khớp thường có lượng dịch nhầy tại khớp ít hơn bình thường. Dịch nhầy có vai trò giảm ma sát và giúp khớp hoạt động dễ dàng. Khi dịch nhầy giảm đi, đầu xương sẽ có xu hướng va chạm mạnh mỗi khi vận động.
Để cải thiện cơn đau, bác sĩ sẽ thể đề nghị tiêm axit hyaluronic. Thành phần này có cấu trúc và vai trò tương tự như dịch khớp tự nhiên.
Các biện pháp khắc phục thoái hóa khớp tại nhà
Thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt có thể tác động tích cực đến triệu chứng và tiến triển của bệnh thoái hóa khớp.
Các biện pháp khắc phục thoái hóa khớp tại nhà, bao gồm:
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên có thể tăng sức chịu đựng của cơ thể, hạn chế cơn đau phát sinh, tăng cường cơ bắp và giúp khớp ổn định hơn. Nên lựa chọn các bộ môn có cường độ nhẹ nhàng như bơi lội, đạp xe, đi bộ,… Nếu cơn đau xuất hiện khi đang luyện tập, bạn nên ngưng tập và nghỉ ngơi.
Giảm cân
Trong trường hợp bị thừa cân – béo phì, cần điều chỉnh cân nặng để tránh làm căng thẳng và tổn thương lên khớp. Để giảm cân hiệu quả và lành mạnh, bạn nên trao đổi trực tiếp với chuyên gia dinh dưỡng để được thiết lập chế độ ăn uống khoa học.
Liệu pháp chườm nóng/ lạnh
Chườm nóng và chườm lạnh có thể cải thiện cơn đau ở khớp. Tuy nhiên chườm nóng thích hợp với trường hợp đau và cứng khớp. Trong khi đó, chườm lạnh thích hợp với cơn đau có đi kèm với triệu chứng sưng viêm và co thắt cơ.
Sử dụng thiết bị hỗ trợ
Các thiết bị hỗ trợ được sử dụng nhằm giúp bạn dễ dàng đi lại mà không làm phát sinh cơn đau. Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ tư vấn để giúp bạn lựa chọn được thiết bị phù hợp.
Liệu pháp thay thế
Bệnh nhân thoái hóa khớp có thể bổ sung Glucosamine và chondroitin để cải thiện mức độ thoái hóa. Đây là các thành phần tự nhiên có trong mô sụn nhằm giúp khớp dẻo dai và linh hoạt.
Khác với các loại thuốc giảm đau, Glucosamine và chondroitin là thành phần hỗ trợ nên cần ít nhất 2 – 3 tháng để phát huy tác dụng.
Để giảm cơn đau trong thời gian sử dụng nhóm thuốc này, bạn có thể dùng NSAID trong 1 tuần đầu trước khi dùng thuốc.
Cần lưu ý: Glucosamine và chondroitin có thể tương tác với thuốc chống đông máu. Do đó tuyệt đối không sử dụng cùng lúc hai nhóm thuốc này.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!