Thoái hóa khớp cổ chân: nguyên nhân, triệu chứng & điều trị
Hầu hết các trường hợp thoái hóa khớp cổ chân đều phát triển từ chấn thương xảy ra trước đó. Tác động từ chấn thương có thể khiến sụn khớp bị hư hại và dẫn đến tình trạng thoái hóa. Thoái hóa khớp cổ chân không chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng vận động mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tổng quan về thoái hóa khớp cổ chân
Khớp cổ chân tạo thành từ 3 bộ phận: đầu dưới của xương ống chân, xương bàn chân và xương gót chân. Ba đầu xương này được bao phủ bởi mô sụn – cơ quan chịu trách nhiệm ổn định khớp và giảm ma sát khi vận động.
Thoái hóa khớp cổ chân xảy ra khi sụn quanh xương bị bào mòn và hư tổn. Khi bệnh tiến triển, các gai xương hình thành để bù lấp cho những vị trí sụn bị bào mòn.
1. Nguyên nhân
Bệnh thoái hóa khớp ít khi xảy ra ở khớp cổ chân, tình trạng này chủ yếu xuất hiện ở khớp gối. Hầu hết các trường hợp thoái hóa khớp cổ chân đều có liên quan đến chấn thương ở cổ chân trước đó.
Chấn thương có thể xảy ra từ nhiều năm trước khi phát sinh tình trạng thoái hóa khớp. Tác động từ chấn thương khiến sụn bị hư hại, hoặc có thể làm thay đổi cấu trúc của khớp khiến khớp cổ chân hoạt động bất thường.
Những yếu tố này khiến mô sụn bị bào mòn dần theo thời gian. Đến một thời điểm nhất định, khi tổn thương ở sụn trở nên nghiêm trọng, các triệu chứng lâm sàng sẽ phát sinh.
Bên cạnh chấn thương, các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp cổ chân, bao gồm:
- Tuổi tác cao (thường trên 40 tuổi)
- Thừa cân
- Có người thân cận huyết bị các bệnh về xương khớp
- Khiếm khuyết di truyền ở sụn và cổ chân
- Sử dụng khớp cổ chân quá mức (vận động viên marathon, di chuyển thường xuyên,…)
- Giới tính nữ
2. Dấu hiệu và triệu chứng
Triệu chứng phổ biến nhất của thoái hóa khớp cổ chân là đau cẳng chân dưới, lưng bàn chân và giữa bàn chân. Cơn đau có xu hướng xuất hiện khi bạn vận động mạnh ở khớp cổ chân hoặc thay đổi tư thế đột ngột.
Ban đầu, triệu chứng này chỉ xuất hiện thoáng qua và nhanh chóng biến mất khi bạn nghỉ ngơi. Tuy nhiên theo thời gian, cơn đau có xu hướng phát sinh với tần suất dày đặc và có mức độ nặng nề hơn.
Ngoài ra, bạn có thể nhận thấy một số triệu chứng sau đây:
- Viêm, sưng và đau khớp cổ chân
- Cứng khớp và khó khăn khi vận động khớp cổ chân, nhất là sau khi ngủ dậy
- Khớp phát ra âm thanh khi di chuyển, cử động
- Giảm phạm vi chuyển động và độ linh hoạt của khớp. Bạn có thể thấy khó khăn khi thực hiện những hoạt động sinh hoạt như đi bộ, đạp ga xe, đạp phanh khi lái xe,…
- Cơn đau nặng nề khi bạn cố sức cử động khớp cổ chân
Tần suất và mức độ của các triệu chứng tùy thuộc vào mức độ tổn thương sụn, tình trạng sức khỏe và khả năng chống chịu của từng bệnh nhân. Vì vậy, triệu chứng ở từng người có thể không giống nhau.
Chẩn đoán thoái hóa khớp cổ chân
Trước khi tiến hành các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ bắt đầu với tiền sử bệnh lý của bệnh nhân. Nếu từng có tiền sử chấn thương ở bàn chân hoặc có người thân bị thoái hóa xương khớp, bạn nên thông báo với bác sĩ để được chẩn đoán đúng tình trạng mình gặp phải.
Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra thể chất để quan sát phạm vi chuyển động bất thường của khớp cổ chân. Trong quá trình kiểm tra thể chất, bác sĩ có thể đánh giá được liên kết xương, lực từ khớp và các cơ bắp lân cận.
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm hình ảnh để quan sát rõ tình trạng bên trong khớp.
- X-Quang: Xét nghiệm hình ảnh này cho phép bác sĩ xác định mức độ nghiêm trọng của tổn thương ở khớp cổ chân. Đồng thời giúp bác sĩ ước tính số lượng sụn bị hư tổn. Ngoài ra, hình ảnh từ X-Quang còn phản ánh tình trạng khớp sai lệch hoặc hẹp không gian khớp.
- CT và MRI: Các xét nghiệm hình ảnh này có thể được chỉ định nhằm đánh giá tổn thương ở khớp cổ chân.
Điều trị thoái hóa khớp cổ chân
Thoái hóa khớp không thể chữa trị hoàn toàn. Vì vậy các biện pháp điều trị được thực hiện nhằm mục đích kiểm soát cơn đau và giảm mức độ tiến triển của quá trình thoái hóa.
Trước tiên, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện những biện pháp điều trị nội khoa trước khi can thiệp phẫu thuật.
1. Sử dụng thiết bị hỗ trợ
Sử dụng các thiết bị hỗ trợ có thể làm giảm áp lực và chèn ép lên khớp cổ chân. Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ lựa chọn thiết bị hỗ trợ thích hợp với tình trạng tổn thương ở khớp.
Các thiết bị có thể được sử dụng:
- Gậy: Được sử dụng khi di chuyển có thể giảm trọng lượng cơ thể chèn ép lên khớp bị tổn thương.
- Nẹp: Bác sĩ có thể nẹp khớp cổ chân để tránh áp lực lên cơ quan này.
- Chỉnh hình: Nếu khớp cổ chân mất ổn định và hoạt động sai lệch, bác sĩ có thể chỉnh hình để đưa khớp về trạng thái cân bằng.
2. Thuốc điều trị
Thuốc điều trị thoái hóa khớp cổ chân được sử dụng để làm giảm cơn đau và các triệu chứng do bệnh lý này gây ra.
Các loại thuốc thường được sử dụng, bao gồm:
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Acetaminophen, ibuprofen, naproxen,… Nhóm thuốc này thích hợp với các cơn đau có mức độ nhẹ và trung bình.
- Thuốc điều trị tại chỗ (thuốc dạng kem, xịt, gel, miếng dán,….): Nhóm thuốc này được sử dụng trực tiếp lên vùng da của khớp cổ chân. Một số loại thuốc điều trị tại chỗ không cần kê toa, tuy nhiên thuốc có chứa thành phần chống viêm không steroid chỉ được sử dụng khi có yêu cầu từ bác sĩ.
- Thuốc tiêm: Tiêm steroid được chỉ định khi các loại thuốc uống không đáp ứng được tình trạng bệnh. Thuốc tiêm có tác dụng chống viêm, giảm đau mạnh. Tuy nhiên loại thuốc này có thể làm phát sinh những tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó bạn chỉ nên sử dụng khi có yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa.
Sử dụng thuốc có thể làm giảm cơn đau và các triệu chứng của thoái hóa khớp cổ chân nhanh chóng. Tuy nhiên, bạn cần dùng thuốc theo đúng liều lượng và tần suất được chỉ định. Lạm dụng thuốc có thể làm phát sinh những tình huống rủi ro.
XEM THÊM: Khớp cổ chân bị tràn dịch sưng phù phải làm sao?
3. Vật lý trị liệu
Hoạt động thể chất sẽ tác động tích cực đến các cơ quan xương khớp. Luyện tập thường xuyên không chỉ cải thiện độ linh hoạt, dẻo dai của khớp mà còn hỗ trợ giảm đau, duy trì khớp ở trạng thái ổn định và cân bằng.
Do đó, bác sĩ có thể đề nghị bạn áp dụng vật lý trị liệu nhằm mục đích cải thiện chức năng và làm chậm tiển triển của bệnh.
Các biện pháp vật lý trị liệu được áp dụng:
- Các bài tập tác động đến khớp cổ chân
- Massage trị liệu
- Chỉnh hình khớp
- Các phương pháp giảm đau: Điện trị liệu, nhiệt trị liệu, siêu âm trị liệu,…
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật là hình thức xâm lấn trong điều trị thoái hóa khớp cổ chân. Phương pháp này chỉ được cân nhắc khi các biện pháp điều trị bảo tồn không đem lại kết quả như mong đợi.
Các thủ thuật phẫu thuật thoái hóa khớp cổ chân được áp dụng:
- Tái tạo bề mặt sụn: Thủ thuật này được thực hiện nhằm làm nhẵn sụn và loại bỏ các gai xương nhô ra.
- Phẫu thuật thay thế khớp cổ chân bán phần và toàn phần: Thủ thuật này được thực hiện khi sụn và xương bị hư hỏng hoàn toàn. Bác sĩ sẽ sử dụng bộ phận nhân tạo để thay thế các cơ quan bị hư tổn.
- Sử dụng thiết bị hỗ trợ khớp: Bác sĩ có thể sử dụng một thiết bị để ổn định không gian khớp giúp khớp vận động và di chuyển dễ dàng hơn. Sau khoảng 3 tháng, thiết bị này sẽ được gỡ bỏ.
Chế độ chăm sóc bệnh nhân thoái hóa khớp cổ chân
Ngoài việc thực hiện các biện pháp điều trị, bạn cần thay đổi những thói quen sinh hoạt và làm việc để giảm áp lực lên khớp cổ chân.
- Thực hiện các bộ môn luyện tập ít gây áp lực lên khớp cổ chân như yoga, bơi lội,… Hạn chế các bộ môn phải sử dụng cổ chân thường xuyên như đi bộ, chạy bộ, đạp xe,…
- Duy trì cân nặng ở mức ổ định
- Giảm thiểu các hoạt động gây áp lực lên khớp cổ chân như mang vác nặng, leo cầu thang,…
- Áp dụng biện pháp chườm nóng, chườm lạnh để giảm đau thay vì lạm dụng các loại thuốc.
- Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho khớp như chất xơ, Omega 3, vitamin, nguyên tố vi lượng,…
- Hạn chế thức khuya, hút thuốc hay sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích,…
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Thoái hóa khớp và loãng xương: Phân biệt để điều trị đúng cách
- Mẹo dùng cây thuốc nam chữa thoái hóa khớp gối hiệu quả tại nhà
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!