Báo động nguy cơ thoái hóa khớp háng ở người trẻ tuổi
Thoái hóa khớp háng thường tập trung ở những người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây bệnh có xu hướng tăng lên và trẻ hóa. Một số người bị thoái hóa khớp háng khi chỉ mới 30 tuổi. Điều này chính là lời cảnh báo về thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng và tập luyện của những người trẻ.
Thoái hóa khớp háng ở người trẻ tuổi – Nguyên nhân do đâu ?
Thoái hóa khớp đang ngày càng gia tăng ở người trẻ. Mặc dù chưa có thống kê chính xác nhưng số lượng người trẻ đến thăm khám và điều trị thoái hóa khớp đang tăng lên từng ngày.
Thoái hóa khớp háng hình thành chủ yếu do quá trình lão hóa nên thường gặp ở những người cao tuổi, thường là từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, tình trạng này đang có xu hướng gia tăng mạnh ở những người trẻ trong những năm gần đây.
Các nguyên nhân gây thoái hóa khớp háng ở người trẻ bao gồm:
1. Lạm dụng rượu bia
Rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến dạ dày và gan mà còn tác động gián tiếp đến xương khớp. Chất kích thích và cồn trong rượu bia làm hư hại những mao mạch nhỏ của cơ thể. Các mao mạch là cơ quan vận chuyển hồng cầu, oxy và dinh dưỡng đến chỏm xương đùi. Do đó khi mao mạch bị tổn thương, tế bào xương không được cung cấp dinh dưỡng sẽ chết dần (hoại tử).
Tình trạng này còn được gọi là hoại tử chỏm xương đùi. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra thoái hóa khớp háng người trẻ tuổi.
2. Hút thuốc và các chất kích thích
Bên cạnh việc lạm dụng rượu bia, hút thuốc và sử dụng các chất kích thích cũng là nguyên nhân khiến người trẻ dễ bị thoái hóa khớp háng.
Khói thuốc lá chứa nhiều thành phần độc hại, làm hư tổn những mạch máu bao quanh khớp háng. Ngoài ra, nicotine có trong khói thuốc còn ngăn cản quá trình hấp thu canxi của cơ thể. Khi hàm lượng canxi không đủ để xương tái tạo tế bào, mật độ xương sẽ suy giảm và tạo điều kiện cho các vấn đề tiêu cực xuất hiện.
Hầu hết các thói quen như hút thuốc và dùng chất kích thích không gây hậu quả trong một thời gian ngắn. Chính vì vậy, nhiều người chưa ý thức mức độ nghiêm trọng của các tác nhân này lên sức khỏe và hệ thống xương khớp.
Tham khảo thêm: Chụp X quang chẩn đoán thoái hóa khớp háng
3. Thói quen ít vận động
Thoái hóa khớp tăng lên trong những năm gần đây có thể do chính thói quen vận động thường ngày. Những người làm công việc văn phòng, thường xuyên ngồi trong một thời gian dài là đối tượng có nguy cơ cao gặp phải bệnh lý này. Áp lực từ cơ thể sẽ đè nén lên các mô sụn, khiến khớp bị tổn thương và bào mòn.
Hơn nữa phần lớn người trẻ mắc bệnh xương khớp đều có thói quen lười vận động. Dịch nhầy từ khớp sẽ được sản sinh khi khớp ma sát vào nhau. Tuy nhiên, nếu bạn không vận động thường xuyên khớp sẽ có xu hướng cứng, thiếu linh hoạt và sản xuất lượng dịch nhầy rất ít. Dịch nhầy giảm khiến khớp cọ xát mạnh vào nhau mỗi khi cử động, điều này khiến mô sụn dễ bị thoái hóa.
4. Chế độ dinh dưỡng
Khác với những người trung niên, cao tuổi, người trẻ thường không coi trọng sức khỏe. Họ có thói quen ăn uống bừa bãi và không chú trọng giá trị dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn.
Người trẻ có xu hướng lựa chọn món ăn vì tính tiện lợi mà không chú trọng đến lợi ích của các loại thực phẩm. Thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn,… là những thực phẩm được nhiều người trẻ lựa chọn. Hầu hết các thực phẩm này đều chứa nhiều axit béo no, chất bảo quản và hương liệu.
Việc ăn uống không khoa học là nguyên nhân khiến cơ thể không có đủ dinh dưỡng để tái tạo tế xương. Ngoài ra, những thực phẩm này còn khiến cân nặng tăng nhanh. Trọng lượng cơ thể cao gây áp lực lên hệ thống xương khớp, thúc đẩy nhanh quá trình tổn thương và thoái hóa mô sụn.
5. Nguyên nhân khác
Bên cạnh những nguyên nhân trên, thoái hóa khớp háng ở người trẻ còn bắt nguồn từ những nguyên nhân sau đây:
- Chấn thương tại khớp háng: chấn thương khi lao động, sinh hoạt và chơi thể thao không được điều trị sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khớp. Chấn thương khiến khớp mất cân bằng, ổ khớp lỏng lẻo. Khi vận động, các cơ quan của khớp không có sự nhất quán rất dễ va chạm và ma sát vào nhau. Ngoài ra, chấn thương còn có thể gây cục máu đông ở các mao mạch. Cục máu đông chặn đường tuần hoàn của máu khiến hồng cầu và dưỡng chất không thể đến ổ khớp, gây suy yếu và hư tổn khớp.
- Lạm dụng thuốc corticosteroid: nhóm thuốc này có khả năng chống viêm và ức chế hệ miễn dịch. Mặc dù đem lại nhiều lợi ích nhưng lạm dụng corticosteroid có thể khiến hệ miễn dịch suy yếu và gây tổn thương lên các cơ quan trong cơ thể. Corticosteroid làm hư tổn mạch máu và làm sưng, đau khớp.
- Ngoài ra, một số bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ mắc phải thoái hóa khớp háng khi còn trẻ như: lupus ban đỏ, ghép tạng, bệnh tiểu đường, loạn sản xương hông,…
Phòng ngừa thoái hóa khớp háng ở người trẻ tuổi
Mô sụn và xương khớp của người trẻ thường khỏe mạnh và có khả năng tái tạo tốt hơn người cao tuổi. Do đó, bạn có thể dễ dàng phòng ngừa các bệnh lý xương khớp nói chung và thoái hóa khớp háng nói riêng.
Các biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp háng ở người trẻ tuổi:
- Thay đổi những thói quen xấu như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, sử dụng chất kích thích,…
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, tập trung bổ sung những thực phẩm lành mạnh chứa nhiều vitamin D, canxi, omega 3, protein,…
- Dành 30 phút mỗi ngày để luyện tập thể thao. Nên lựa chọn những bộ môn có cường độ vừa phải, đồng thời hạn chế việc tập luyện những bộ môn có cường độ mạnh.
- Thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần để bác sĩ kịp thời nhận thấy những dấu hiệu bất thường. Hầu hết các bệnh thoái hóa có tiến triển rất chậm, người bệnh khó có thể phát hiện bệnh qua những triệu chứng lâm sàng. Do đó, thăm khám định kỳ chính là biện pháp phòng ngừa và phát hiện bệnh được các chuyên gia khuyến khích thực hiện.
- Ngồi và đứng đúng tư thế. Nếu bạn làm công việc văn phòng, hãy cố gắng đi lại sau khoảng 2 giờ làm việc.
- Duy trì cân nặng vừa phải, hạn chế tình trạng thừa cân béo phì.
- Thận trọng khi dùng những loại thuốc điều trị. Cần dùng đúng theo liều lượng và chỉ định của bác sĩ.
Thoái hóa khớp háng là bệnh mãn tính chưa thể điều trị dứt điểm. Do đó, bạn cần chủ động phòng ngừa bệnh lý này.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm:
- Thoái hóa khớp háng nên ăn gì, kiêng gì tốt cho bệnh?
- Các bài tập hỗ trợ chữa thoái hóa khớp háng hiệu quả
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!