Phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày mới
Xuất huyết dạ dày là một trong những vấn đề về đường tiêu hóa có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Hiểu về phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày sẽ giúp cho chúng ta giảm thiểu sự hoang mang không cần thiết và chủ động ngăn ngừa, phát hiện, điều trị sớm bệnh.
Phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày [mới cập nhật]
Nếu không nhận được sự chữa trị kịp thời và đúng theo các phác đồ hiệu quả cao, xuất huyết dạ dày có thể sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.
I- Đại cương về chứng xuất huyết dạ dày
1- Định nghĩa:
Theo ước tính, tại Mỹ hàng năm có khoảng 150.000 trường hợp được chẩn đoán bị xuất huyết dạ dày, với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Cụ thể thì có khoảng 20% bệnh nhân tiêu ra phân đen, 30% nôn ra máu, 50% vừa tiêu phân đen vừa nôn ra máu, 5% bệnh nhân xuất huyết nhiều dẫn đến tiêu ra máu.
Nói một cách đơn giản, xuất huyết dạ dày là tình trạng chảy máu niêm mạc vào bên trong ống tiêu hóa. Lượng máu này không ở trong dạ dày lâu mà sẽ được thải ra cơ thể qua đường nôn hoặc đại tiện.
2- Nguyên nhân (thường gặp):
- Bệnh loét dạ dày – tá tràng.
- Chứng viêm xuất huyết dạ dày.
- Ung thư dạ dày.
- Polyp dạ dày – tá tràng.
- Sang thương mạch máu, loạn sản mạch máu.
Xem thêm: Xuất huyết dạ dày ở trẻ em – Những điều bố mẹ chưa biết
II- Chẩn đoán bệnh xuất huyết dạ dày
1- Chẩn đoán lâm sàng
Xuất huyết dạ dày sẽ sớm được chẩn đoán bởi các biểu hiện lâm sàng như sau:
- Nôn ra máu: Máu có màu đỏ tươi, đỏ bầm, nâu đen lẫn với dịch nôn.
- Màu sắc phân: Đại tiện ra phân có màu đen như bã cafe hoặc màu đỏ bầm, có mùi hôi thối hơn phân bình thường.
- Một số dấu hiệu khác: Hạ huyết áp, mạch đập nhanh, da tái xanh, ngất xỉu, chóng mặt thường xuyên, mệt mỏi và đau vùng thượng vị dữ dội.
2- Chẩn đoán nội soi
Nội soi thực quản – dạ dày- tá tràng là phương pháp tương đối an toàn để phát hiện xuất huyết dạ dày. Bệnh nhân cần được nội soi cấp cứu trước 24h kể từ khi có những dấu hiệu dạ dày xuất huyết đầu tiên.
Chẩn đoán bằng kỹ thuật nội soi đa số sẽ tìm được nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày để định hướng phương pháp điều trị tốt nhất. Không những thế, các bác sĩ còn có thể can thiệp cầm máu qua nội soi.
3- Chẩn đoán trường hợp nặng
Xuất huyết dạ dày có mức độ nặng nhẹ không giống nhau ở từng đối tượng, bác sĩ có thể dựa vào các tiêu chí tiên lượng nặng dưới đây để phân loại đặc biệt:
- Người bị xuất huyết tiêu hóa có tuổi trên 60.
- Có tiền sử hoặc đang bị một số bệnh nội khoa như suy tim, mạch vành, suy thận mãn tính, viêm gan cấp, xơ gan.
- Bệnh nhân bị sốc lúc nhập viện.
- Nôn hoặc đại tiện ra máu tươi.
- Người bị Creatinin và men gan tăng cao.
Bạn cần biết: Cách xử lý khi bị xuất huyết dạ dày tại nhà, giúp cầm máu cho bệnh nhân
III- Điều trị xuất huyết dạ dày
Điều trị bệnh xuất huyết dạ dày cần thực hiện theo các nguyên tắc sau:
- Hồi sức chống sốc.
- Đánh giá sự khởi phát và mức độ nặng.
- Xác định vị trí xuất huyết.
- Chuẩn bị nội soi cấp cứu.
- Xác định nguyên nhân xuất huyết.
- Kiểm soát xuất huyết qua nội soi.
- Hạn chế các biến chứng do điều trị.
- Điều trị xuất huyết tái phát và dự phòng tái xuất huyết.
1- Hồi sức và chống sốc
Bước 1: Đặt nội khí quản, bảo vệ đường thở khi bệnh nhân bị nôn ra máu ồ ạt, sốc vì bị mất máu. Cho bệnh nhân thở oxy từ 3-51/p khi bị xuất huyết dạ dày nặng.
Bước 2: Bồi hoàn thể tích tuần hoàn:
- Bù dịch Natriclorua 0,9% với tốc độ tùy thuộc vào mức độ xuất huyết và các bệnh lí đi kèm (thường gặp là suy thận và suy tim).
- Bù hồng cầu lắng khi bệnh nhân đang bị sốc mất máu hoặc chưa được đủ Hemoglobine (mục tiêu bắt buộc của Hemoglobine là trên 7g/dl). Tiếp tục bù hồng cầu khi tình trạng xuất huyết tiếp tục xảy ra.
2- Đánh giá sự khởi phát và mức độ nặng
Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân là cấp tính hay mãn tính dựa trên các triệu chứng cận lâm sàng và lâm sàng. Đồng thời đánh giá tình trạng mất máu theo 3 mức độ và 5 tiêu chuẩn của Smetannikov (1996) hoặc theo thang điểm của Rockall. Nếu nghi ngờ dạ dày chảy máu nhiều, bác sĩ cần nội soi cấp cứu tình trạng bệnh nhân.
3- Xác định vị trí xuất huyết
Đây là một bước rất quan trọng, xác định được càng sớm vị trí tổn thương sẽ giúp cho quá trình điều trị bệnh nhân đạt được hiệu quả cao. Bác sĩ cần hỏi kỹ về bệnh sử cũng như thực hiện các kiểm tra để nhanh chóng xác định.
4- Chuẩn bị nội soi cấp cứu
Chức năng của nội soi là xác định được chính xác vị trí của vết loét, cũng như can thiệp cầm máu. Lưu ý, trước khi nội soi bác sĩ cần rửa dạ dày, kỹ thuật rửa phải thật nhẹ nhàng và tuyệt đối không bơm rửa dưới áp suất mạnh. Cần thông báo với người bệnh về mục đích nội soi cũng như cách thức, để có được sự yên tâm cũng như hợp tác tốt nhất.
Song song với đó, bác sĩ thực hiện cầm máu cho bệnh nhân với các thao tác và lưu ý dưới đây:
- Dùng thuốc trước khi thực hiện nội soi: Duy trì dùng PPI chích tĩnh mạch 1 ống x 2 lần/ ngày nhằm mục đích nâng độ pH lên cao, đảm bảo hệ thống làm đông máu trong dạ dày hoạt động tốt.
- Tiến hành nội soi: Nội soi cấp cứu trong trường hợp xuất huyết dạ dày và nội soi trong 24h đối với các trường hợp xuất huyết thông thường.
- Bảo đảm tình trạng đông máu: Tiến hành truyền tiểu cầu, huyết tương đông lạnh sau khi đã truyền 04 đơn vị hồng cầu lắng. Tiêm Vitamin K khi bệnh nhân bị xơ gan hoặc đang sử dụng Warfarin, đồng thời ngưng sử dụng tất cả các thuốc có khả năng gây rối loạn quá trình đông máu (các loại thuốc chống đông như Heparin, Warfarin, nsaiD).
Lưu ý, trong trường hợp bệnh nhân nôn ra máu tươi nhiều thì bác sĩ cần cầm máu trước khi can thiệp nội soi, tránh tình trạng thiếu máu cấp tính nguy hiểm có thể xảy ra.
5- Xác định nguyên nhân xuất huyết
Phương pháp nội soi được áp dụng đúng sẽ có thể giúp các bác sĩ xác định được những tổn thương ở dạ dày, các vị trí xuất huyết cũng như nguyên nhân chính gây ra. Có thể bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày không chỉ vì viêm loét dạ dày, mà còn là vì loét tá tràng hoặc giãn vỡ tĩnh mạch thực quản.
Đối với chảy máu do ổ loét dạ dày – thực quản thì các bác sĩ thường sẽ đánh giá mức độ xuất huyết qua tiêu chuẩn của Forrest.
6- Kiểm soát xuất huyết qua nội soi
Hoàn toàn có thể kiểm soát tình trạng xuất huyết dạ dày bằng nội soi, cụ thể qua các công đoạn sau:
- Nhiệt đông: Điện đông đơn cực, điện đông đa cực, đầu dò nhiệt, laser…
- Chích xơ: Odocanol, Epinephrine, cồn tuyệt đối.
- Chích xơ giãn tĩnh mạch thực quản.
- Buột thắt tĩnh mạch.
- Chèn bóng (Sengtaken, Blakemore, Minnesota).
7- Hạn chế các biến chứng do điều trị
Bệnh nhân có thể có thể gặp phải các biến chứng sau khi thực hiện nội soi như:
- Nghẹt đường thở do hít phải dịch dạ dày (hoặc máu).
- Hạ huyết áp do máu được truyền vào không đủ.
- Hồi hộp, nhịp tim đập nhanh (để tránh tình trạng này, bác sĩ không nên dùng thể tích chích lớn hơn 15ml).
- Xuất huyết dạ dày nhiều hơn, thậm chí là thủng dạ dày.
8- Điều trị xuất huyết tái phát và dự phòng tái xuất huyết
Trường hợp chảy máu tái phát
- Bác sĩ sẽ tiến hành nội soi chích cầm máu lần 2.
- Nếu phương pháp này tiếp tục thất bại, bệnh nhân sẽ được chuyển sang điều trị ngoại khoa. Riêng đối với người trên 60 tuổi thì cần được thực hiện sớm hơn.
- Một số bệnh nhân nữa sẽ phải được can thiệp ngoại khoa, thông thường là do các tình trạng sau đây: Xuất huyết dạ dày đối với dạ dày có khối u; xuất huyết dạ dày do điều trị nội soi và nội khoa thất bại; bệnh nhân cần truyền hơn 06 đơn vị máu mỗi 24h để có thể duy trì huyết động.
Phòng ngừa tái xuất huyết
- Thuốc ức chế bơm Proton (PPI): Bác sĩ cho bệnh nhân dùng Omeprazol 40mg (Losce) 12h/ ống. Thông thường, có thể sử dụng PPI ở liều cao ngay từ đầu và sau đó sử dụng truyền tĩnh mạch trong 72h tiếp theo cho đến khi ngưng xuất huyết hoàn toàn thì chuyển sang dạng uống.
- Nếu không có PPI (hoặc không phù hợp), bệnh nhân có thể dùng thuốc kháng thụ thể H2 như Ranitidin 50 mg (Zantac). Mỗi ngày dùng 3-5 lần theo cách tiêm tĩnh mạch chậm, đối với bệnh nhân bị suy gan thận thì cần giảm liều. Tuy nhiên, PPI vẫn được ưu tiên hơn.
- Song song với dùng thuốc, bệnh nhân cần thiết lập chế độ ăn uống tốt cho dạ dày. Cụ thể, trong những ngày điều trị thì cần thay thế thực đơn bằng các chất lỏng như sữa, nước, cháo và chia ra làm nhiều bữa.
- Khi bệnh đã được điều trị ổn định, để ngăn ngừa tái xuất huyết thì người bệnh cần tránh các thức ăn dễ gây kích ứng như có gia vị cay nóng, cà phê, rượu bia v.v…
- Bác sĩ cần kiểm tra công thức máu của bệnh nhân thường xuyên để có thể kiểm soát được việc ngăn ngừa bệnh tái phát.
Để biết thêm chi tiết về phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày mới nhất, bạn cần tìm đến bệnh viện có chuyên khoa Tiêu hóa hoặc Nội tổng hợp. Thuocdantoc.vn chỉ cung cấp những thông tin tham khảo, không thay thế lời khuyên và điều trị của bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm
- Chế độ ăn uống cho người bị xuất huyết dạ dày – Những thực phẩm nên ăn và cần kiêng.
- Mổ Xuất Huyết Dạ Dày: Giải Đáp Những Câu Hỏi Thường Gặp
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!