Những điều cần biết khi mẹ bầu bị viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng khi mang thai là một trong những bệnh ngoài da phổ biến. Sự thay đổi nội tiết, cách chăm sóc, bảo vệ da và một số yếu tố khác trong thai kỳ có thể thúc đẩy những bệnh ngoài da bùng phát.
Viêm da dị ứng trong thai kỳ và một số lưu ý
Khoảng 14% những trường hợp phụ nữ mang thai gặp phải các vấn đề về da như viêm da dị ứng. Thời gian bùng phát các triệu chứng thường rơi vào 3 tháng đầu thai kỳ. Nội tiết tố thay đổi được xem là yếu tố hàng đầu gây ra viêm da dị ứng. Ngoài ra những yếu tố khác như căng giãn, rạn da, yếu tố vệ sinh, vi khuẩn, vi nấm trong thai kỳ cũng góp phần gây ra viêm da dị ứng.
Nhìn chung viêm da dị ứng trong thai kỳ là bệnh ngoài da không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các đợt ngứa ngáy do viêm da dị ứng khiến sinh hoạt của phụ nữ mang thai gặp nhiều ảnh hưởng. Đặc biệt là những ảnh hưởng liên quan đến giấc ngủ và về mặt thẩm mỹ trên da.
Đối với tất cả bệnh lý trong thai kỳ, việc xử lý cần đúng cách nhằm đảm bảo an toàn nhất. Với bệnh viêm da dị ứng trong thai kỳ cũng không ngoại lệ, một số lưu ý cần biết khi điều trị viêm da dị ứng trong thai kỳ gồm có:
1. Nhận biết sớm các triệu chứng
Một số phụ nữ trong thai kỳ thường nhầm lẫn viêm da dị ứng với một số bệnh ngoài da khác như mẩn ngứa, nổi mề đay. Tuy nhiên những triệu chứng sau đây mới đúng là do bệnh viêm da dị ứng gây ra:
- Tình trạng thay đổi sắc tố trên da, xuất hiện các đốm đen rải rác.
- Có tình trạng phát ban, ửng đỏ trên bề mặt da.
- Xuất hiện các dấu hiệu mụn rải rác trên bề mặt da, đặc biệt là tại những vị trí phát ban.
- Da có các triệu chứng khô, nhạy cảm và gặp nhiều khó chịu.
Do viêm da dị ứng là bệnh ngoài da kéo dài dai dẳng nên khi phát hiện các triệu chứng cần nhanh chóng thăm khám và điều trị sớm, tránh để bệnh kéo dài. Không nên tự ý điều trị viêm da dị ứng trong thai kỳ, nên tuân thủ những chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho da.
Xem thêm: Bà bầu bị viêm da dị ứng nên làm gì và không nên làm gì?
2. Thận trọng khi dùng thuốc điều trị
Sau khi phát hiện các triệu chứng viêm da dị ứng, việc điều trị sớm là rất quan trọng. Tuy nhiên việc điều trị cần phải hợp lý, đúng cách để tránh những ảnh hưởng không mong muốn. Sử dụng thuốc điều trị trong thai kỳ là giải pháp cần thực hiện thận trọng. Nếu tình trạng viêm da dị ứng không nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cân nhắc các biện pháp kiểm soát không dùng thuốc.
Đa số những trường hợp viêm da dị ứng trong thai kỳ thường hoãn điều trị bằng thuốc cho đến sau khi sinh. Nếu có điều trị bằng thuốc thì việc điều trị cũng rất hạn chế, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc nhẹ, không ảnh hưởng đến thai kỳ, chủ yếu là thuốc giảm ngứa ngoài da để cải thiện triệu chứng, điển hình là Chlorpheniramine và một số thuốc chống ngứa khác.
*Việc sử dụng thuốc điều trị viêm da dị ứng trong thai kỳ cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong thai kỳ để tránh những ảnh hưởng không mong muốn.
3. Áp dụng các biện pháp giảm ngứa
Các biện pháp giảm ngứa rất quan trọng trong thai kỳ vì đây là giai đoạn rất hạn chế sử dụng thuốc điều trị. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà thai phụ có thể áp dụng các biện pháp giảm ngứa bao gồm:
- Vệ sinh da với các loại dung dịch dịu nhẹ, phù hợp không gây kích ứng da.
- Rửa da với nước muối sinh lý NaCl 0,9% giúp loại bỏ những chất bẩn, vi khuẩn và các yếu tố khác gây kích ứng cho da.
Tùy theo mức độ kích ứng da mà việc sử dụng các biện pháp giảm ngứa cũng theo mức độ khác nhau. Không nên lạm dụng các biện pháp giảm ngứa quá mức cần thiết vì có thể khiến cho tình trạng kích ứng da nặng nề hơn.
4. Thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp
Song song với các biện pháp điều trị, biện pháp chăm sóc, giảm ngứa ngoài da, bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để cải thiện các đợt ngứa ngáy khó chịu do viêm da dị ứng. Trong thời gian bị viêm da dị ứng khi mang thai, ngoài việc đa dạng dưỡng chất để có một thai kỳ khỏe mạnh, chị em phụ nữ cũng cần lưu ý:
- Bổ sung thêm các loại thực phẩm cung cấp nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin A, vitamin C, vitamin E, vitamin D,… Đây là những vitamin cần thiết trong việc cải thiện tình trạng ngứa ngoài da. Có thể bổ sung những loại vitamin này thông qua các loại rau củ quả, nước ép, cá, trứng, dầu thực vật, các loại đậu,…
- Chú ý uống đủ nước mỗi ngày, từ 2 – 2,5 lít nước (khoảng 8 ly nước). Việc cung cấp đủ nước rất quan trọng, vừa giúp cho cơ thể hoạt động có hiệu quả, vừa giúp cải thiện các triệu chứng ngứa ngáy ngoài da.
- Kiêng các loại thực phẩm dễ gây ra tình trạng kích ứng, dị ứng trên vùng da của bạn. Đặc biệt là những thực phẩm cơ địa của bạn đã từng dị ứng, kích ứng.
Thông tin tham khảo trong bài viết không thay thế cho hướng dẫn điều trị và chẩn đoán của bác sĩ. Bệnh nhân khi có các triệu chứng bệnh cần thăm khám sớm để có hướng điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
- Những cách chữa viêm da dị ứng phổ biến hiện nay
- Người bị viêm da dị ứng nên ăn gì, kiêng ăn gì để hết ngứa?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!