Người hay bị rối loạn tiêu hoá có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày
Tình trạng rối loạn tiêu hóa là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến nhiều bệnh lý. Trong đó, ung thư dạ dày là một trong những bệnh nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ở những người có tiền sử rối loạn tiêu hóa lâu năm.
Chủ quan khi bị rối loạn tiêu hóa – nguy cơ ung thư dạ dày
Trong số các bệnh lý về ung thư, ung thư dạ dày thường có tỉ lệ thăm khám muộn. Một phần do các triệu chứng khó nhận biết, một phần do người bệnh thường hay chủ quan, dẫn đến tình trạng bệnh nặng nề hơn. Thống kê của các bệnh viện tại nước ta cho thấy tỉ lệ mắc ung thư dạ dày được chẩn đoán ở giai đoạn muộn lên đến 75%. Do tỉ lệ chẩn đoán muộn rất cao nên cơ hội điều trị khỏi của bệnh nhân tương đối thấp.
Ung thư dạ dày hiện đứng hàng thứ 3 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến ở nước ta và là một trong những dạng ung thư nguy hiểm trên thế giới. Hàng năm, nước ta có khoảng 15,000 ca bệnh ung thư dạ dày được phát hiện. Tuy nhiên tỉ lệ ung thư dạ dày được điều trị khỏi chỉ đạt khoảng 27%, tỉ lệ tử vong do ung thư dạ dày còn rất cao, khoảng 73% tương đương 11000 ca mỗi năm.
Một trong những nhóm bệnh nhân dễ chủ quan với ung thư dạ dày là những người thường xuyên mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa. Phần lớn bệnh nhân có rối loạn tiêu hóa khó có thể nhận biết những dấu hiệu ung thư dạ dày – vốn đã rất mơ hồ. Do đó, khi bệnh bùng phát, hầu hết những bệnh nhân trong nhóm này không có đủ thời gian để điều trị.
Triệu chứng ung thư dạ dày – dễ nhầm lẫn
Đa số các triệu chứng ung thư dạ dày vốn rất mơ hồ khi mới bùng phát, gây nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa. Ở người thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, việc nhận biết các triệu chứng này càng khó khăn hơn. Tùy theo từng giai đoạn khác nhau, ung thư dạ dày có thể xuất hiện các triệu chứng như:
- Triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn sớm: Bệnh nhân thường có dấu hiệu ăn không tiêu (rất dễ nhầm với rối loạn tiêu hóa), thấy nóng rát vùng thượng vị, có cảm giác không ngon miệng,…
- Triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn trung bình: Người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi, thường xuyên bị đầy bụng sau ăn. Dấu hiệu này cũng tương đối khó nhận biết.
- Triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn muộn: bệnh nhân thường xuyên có cảm giác đau bụng, xuất hiện các dấu hiệu nôn và buồn nôn. Bệnh nhân cũng thường xuyên có các triệu chứng điển hình của rối loạn tiêu hóa, cân nặng không ổn định, bị sút cân, khi ăn uống gặp phải tình trạng nuốt nghẹn, người bệnh khi đại tiện ra phân đen (do ảnh hưởng của xuất huyết tiêu hóa).
Nhìn chung, bệnh nhân ở giai đoạn sớm hầu như không phát hiện được ung thư dạ dày. Ở giai đoạn vừa, tỉ lệ người bệnh nhận biết được bệnh cũng rất thấp. Phần lớn bệnh nhân chỉ bắt đầu đi khám khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng. Ngoài ra, nhiều người chưa có thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ – đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều bệnh nhân gặp phải căn bệnh này.
Xem thêm: Ung thư dạ dày giai đoạn cuối – Dấu hiệu, điều trị & cách chăm sóc
Phòng ngừa và điều trị ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm
Mặc dù nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với những trường hợp điều trị muộn. Bệnh nhân ung thư dạ dày có thể được điều trị bằng cách phẫu thuật cắt bỏ phần niêm mạc dạ dày bị ung thư giai đoạn sớm, không cần phải can thiệp cắt bỏ dạ dày.
Nếu như ung thư dạ dày ở giai đoạn muộn có tỉ lệ điều trị khỏi thấp thì ung thư dạ dày giai đoạn sớm có tỉ lệ điều trị khỏi gần như tuyệt đối, lên đến 99%. Bác sĩ chỉ cần tiến hành phẫu thuật cắt một phần niêm mạc dạ dày có dấu hiệu ung thư giai đoạn sớm. Những bệnh nhân được điều trị sớm thường rất ít tái phát bệnh, tỉ lệ sống của bệnh nhân sau 5 năm có thể trên 90%.
Một số yêu cầu tiên quyết trong phòng ngừa và điều trị sớm ung thư dạ dày bao gồm:
- Duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư để phòng ngừa không chỉ ung thư dạ dày mà còn đối với nhiều bệnh khác. Có thể thực hiện mỗi 6 tháng 1 lần đến 1 năm 1 lần.
- Với những người bị rối loạn tiêu hóa, cần chú ý điều trị sớm, dứt điểm để giảm nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa nặng nề hơn.
- Chế độ ăn uống hằng ngày cần bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, các loại rau củ quả giàu vitamin C.
- Hạn chế ăn nhiều muối, thịt đỏ, các thức ăn nướng, chiên rán, nhiều dầu mỡ, các loại thức ăn chế biến sẵn.
- Duy trì cân nặng hợp lý để hạn chế nguy cơ ung thư dạ dày.
- Điều chỉnh lối sống lành mạnh, tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng.
- Không hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe dạ dày. Thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế cho chẩn đoán, toa thuốc và hướng điều trị của bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!