Các yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày
Thừa cân, hút thuốc lá, ăn mặn… có thể gây ung thư dạ dày nhưng không phải ai cũng biết. Cùng điểm mặt 15 yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày thường gặp nhằm có phương án phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả hơn.
Vạch mặt những yếu tố chính gây ung thư dạ dày
1. Chế độ ăn không hợp lý
Chế độ ăn thiếu khoa học là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày phổ biến. Y học đã chỉ ra rằng muối, đồ ăn mặn, các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn, thịt xông khói, các món nướng… có thể gây biến đổi các tế bào ở niêm mạc dạ dày và dẫn đến ung thư.
Các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích hay lạp xưởng thường chứa nhiều nitrat và nitrit. Chúng có thể được vi khuẩn H pylori biến đổi thành các chất gây ung thư dạ dày. Điều này đã được chứng minh ở động vật trong phòng thí nghiệm.
2. Tiền sử gia đình
Sự phát triển của căn bệnh này có liên quan đến yếu tố di truyền. Do vậy, những đối tượng có người thân trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ và anh chị em từng bị ung thư dạ dày thì có nhiều khả năng mắc căn bệnh này hơn.
3. Tuổi tác và giới tính
So với nữ giới thì nam giới có tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày cao hơn gấp 2 lần. Người ta cũng nhận thấy có sự gia tăng mạnh về tỷ lệ mắc ung thư dạ dày ở những người trên 50 tuổi. Hầu hết những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày đều nằm trong lứa tuổi từ 60-80. Bệnh hiếm khi xảy ra ở người trẻ.
4. Chủng tộc, địa lý
Tại Mỹ người ta nhận thấy căn bệnh ung thư dạ dày ảnh hưởng đến những người có nguồn gốc từ Tây Ban Nha, châu Phi, châu Á và người dân bản địa nhiều hơn so với những người da trắng gốc Tây Ban Nha.
Xét về mặt địa lý, lãnh thổ thì những người dân đang sinh sống tại các nước Nhật Bản hay Trung Quốc lại bị ung thư dạ dày nhiều hơn người dân ở các nước Nam Trung Á, Bắc Phi, Bắc Mỹ. Lý do một phần bởi người dân ở những khu vực này ăn nhiều thực phẩm được bảo quản bằng cách sấy khô, muối hoặc ngâm.
5. Hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bị ung thư ở phần trên của dạ dày. Số lượng người bị ung thư dạ dày có hút thuốc lá cao hơn gấp 2 lần so với những người chưa bao giờ hút thuốc.
6. Sử dụng đồ uống có cồn
Bia rượu và các loại đồ uống có cồn khác có thể khiến niêm mạc dạ dày bị kích ứng. Nếu lạm dụng quá mức sẽ gây viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày.
7. Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp)
Vi khuẩn Hp được cho là nguyên nhân chính gây ra nhiều ca ung thư ở phần cuối của dạ dày. Bình thường, vi khuẩn Hp có thể sống trú ẩn trong dạ dày và không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi, chẳng hạn như hệ miễn dịch bị suy giảm, viêm dạ dày mãn tính… vi khuẩn Hp có thể phát triển mạnh và làm biến đổi lớp lót bên trong của dạ dày. Lâu ngày sẽ dẫn đến ung thư.
Tham khảo thêm: Mối quan hệ giữa vi khuẩn Hp và ung thư dạ dày
8. Nghề nghiệp
Sự phát triển của căn bệnh ung thư dạ dày cũng có liên quan đến yếu tố nghề nghiệp. Theo đó thì những người làm việc tại các mỏ than hay các nhà máy sản xuất kim loại, cao su thường dễ bị ung thư dạ dày hơn so với những người không làm việc trong môi trường này.
9. Thừa cân, béo phì
Dư thừa cân nặng quá mức cũng là yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày. Tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu thêm để xác định rõ ràng mối liên hệ giữa căn bệnh này với chứng béo phì.
10. Từng phẫu thuật cắt dạ dày
Ung thư dạ dày có khả năng phát triển sau nhiều năm ở một người từng phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày trước đó để điều trị viêm loét dạ dày hay thủng ổ loét dạ dày tá tràng. Sau khi được phẫu thuật, lượng axit trong dạ dày có thể được tạo ra ít hơn và làm tăng khả năng sản xuất nitrite của vi khuẩn.
Nitrite khi được sản sinh sẽ kết hợp với các chất phân giải protein tạo ra nitrosamine – một chất có khả năng gây ung thư.
11. Bị bệnh thiếu máu ác tính
Bệnh thiếu máu ác tính xảy ra khi cơ thể không hấp thu đủ lượng vitamin B12 để sản xuất thêm các tế bào hồng cầu mới. Những người mắc bệnh này có nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
12. Nhóm máu
Bệnh ung thư dạ dày ảnh hưởng đến những người có nhóm máu A nhiều hơn. Tuy nhiên nguyên nhân vì sao thì vẫn chưa được làm rõ.
13. Mắc bệnh polyp dạ dày
Có nhiều loại polyp dạ dày, trong đó polyp u tuyến adenomatous là loại có thể phát triển thành ung thư. Vì vậy những người mắc căn bệnh này thường được khuyên cắt bỏ polyp từ sớm.
14. Nhiễm virus Epstein-Barr
Có khoảng 5-10% bệnh nhân bị ung thư tìm thấy loại virus này trong niêm mạc dạ dày.
15. Mắc các hội chứng di truyền và đột biến gen
Bạn sẽ có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn khi mắc các hội chứng di truyền như:
- Đột biến gen CDH1 : Một khiếm khuyết trong gen CDH1 có thể phát triển thành ung thư dạ dày cho khoảng 70-80% thành viên trong gia đình.
- Hội chứng Lynch: Đây là một dạng rối loạn di truyền xảy ra ở các gen như MLH1 MSH2, MLH3 hay MSH6 …Sở hữu loại gen này có thể khiến bạn phải đối mặt với nguy cơ bị ung thư dạ dày cùng nhiều căn bệnh ung thư khác.
- Đột biến gen BRCA1 và BRCA2: BRCA1 và BRCA2 là các gen di truyền gây ung thư vú. Những người sở hữu gen này cũng có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao.
- Đột biến gen TP53: Còn được gọi là hội chứng Li-Fraumeni. Người mắc hội chứng này có thể mắc ung thư dạ dày khi còn trẻ.
- Đột biến gen STK1: Sự đột biến này gây ra hội chứng Peutz-Jeghers. Chúng không chỉ làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày mà còn gây ra khối u ác tính ở nhiều vị trí khác trên cơ thể như vú hay đại tràng.
- Hội chứng suy giảm miễn dịch thông thường (CVID): Người mắc hội chứng này rất dễ bị nhiễm trùng phổi và vô số căn bệnh khác, trong đó bao gồm cả bệnh ung thư dạ dày.
Trên đây là các yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày phổ biến. Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn nhưng chúng ta có thể tránh được một số yếu tố nhằm hạn chế nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như ngừng uống bia rượu và hút thuốc lá, hạn chế ăn mặn… Nếu nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ trên bạn cũng nên đi thăm khám thường xuyên để tầm soát bệnh.
Có thể bạn quan tâm
- Tầm soát ung thư dạ dày – Những điều cần biết
- Các xét nghiệm ung thư dạ dày – Chuẩn đoán bệnh
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!