Sâu Răng Khi Mang Thai Bị Sao? Ảnh Hưởng Đến Thai Nhi?

Sâu răng khi mang thai là hiện tượng thường gặp do rối loạn hormone, nôn ói nhiều, thường xuyên ăn vặt hoặc do vệ sinh răng miệng không đúng cách. Tình trạng này nếu không được điều trị sớm và đúng cách có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến thai nhi cũng như sức khỏe của bà bầu.

Nguyên nhân dẫn đến sâu răng khi mang thai

Khi mang thai, cơ thể của chị em có nhiều biến đổi về tâm sinh lý cũng như tình trạng sức khỏe. Đặc biệt, bà bầu cũng rất dễ gặp phải các vấn đề về nha chu, nhất là sâu răng.

Sâu Răng Khi Mang Thai
Hiện tượng sâu răng khi mang thai ảnh hưởng đến không ít bà bầu

Bệnh sâu răng khi mang thai do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm cả các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. Một số bà bầu bị sâu răng do nhiều nguyên nhân tác động cùng lúc. Bao gồm:

  • Thay đổi hormone: Nồng độ hormone Estrogen và Progestorone trong thai kỳ tăng cao khiến sức đề kháng bị suy giảm và làm răng lợi yếu hơn. Chúng rất dễ bị vi khuẩn tấn công dẫn đến viêm lợi, sâu răng.
  • Thiếu canxi: Trong thời gian mang thai, phụ nữ rất dễ bị thiếu canxi do phải cung cấp phần lớn lượng canxi dung nạp đáp ứng cho nhu cầu phát triển của thai nhi. Chính vì vậy mà răng của chị em cũng bị yếu đi đáng kể. Vi khuẩn có thể lợi dụng lúc này để tấn công vào men răng và bắt đầu gây sâu răng hàm hay bất cứ răng nào khác.
  • Dùng nhiều thức ăn vặt: Tình trạng thay đổi nội tiết tố khiến mẹ cảm thấy nhanh đói bụng hơn. Phần lớn mẹ bầu sẽ tủ sẵn đồ ăn vặt để sử dụng khi cần thiết. Trong khi đó, các món ăn vặt thường chứa nhiều đường, dầu mỡ hay tinh bột. Chúng có thể bám vào răng gây hình thành mảng bám và lên men khiến vi khuẩn có cơ hội bùng phát mạnh mẽ, từ đó dẫn đến sâu răng khi mang thai.
  • Đánh răng không đúng cách: Chải răng không thường xuyên, đánh răng không kỹ hoặc không thay bàn chải răng định kỳ đều có thể gây hình thành mảng bám dẫn đến sâu răng ở bà bầu.
  • Nôn ói nhiều: Một số phụ nữ mang thai bị ốm nghén gây nôn ói nhiều trong 3 tháng đầu. Lúc này axit trộn lẫn trong thức ăn được nôn ra có thể ăn mòn men răng khiến cho vi khuẩn tấn công vào ngà răng hay tủy răng dễ dàng hơn tạo ra lỗ sâu răng.
  • Ăn nhiều đồ ngọt hay thực phẩm giàu tinh bột: Đây đều là những thức ăn dễ lên men trong miệng và tạo ra mảng bám khiến cho vi khuẩn sinh trưởng mạnh. Sâu răng khi mang thai là một hậu quả tất yếu.
  • Giảm tiết nước bọt: Cơ thể bị thiếu nước, lạm dụng thức uống có cồn, nôn ói nhiều, tiêu chảy hoặc các vấn đề xảy ra ở tuyến nước bọt đều khiến cho lượng nước bọt được sản xuất ra ít hơn. Miệng khô khiến cho thức ăn bám dính ở răng hay kẽ răng không được cuốn trôi hết. Chúng sẽ tích tụ lại thành mảng bám và dẫn đến sâu răng khi mang thai.
  • Thiếu fluoride: Cơ thể không được cung cấp đủ fluoride trong chế độ ăn khiến cho răng bị yếu và dễ dàng bị vi khuẩn tấn công.
  • Răng mọc lệch: Một số bà bầu có hàm răng mọc lệch lạc nên thức ăn dễ dính vào kẽ răng rất khó để làm sạch nếu đánh răng không kỹ. Tình trạng này làm tăng nguy cơ bị sâu kẽ răng rất cao.
  • Trám răng lâu ngày, úp răng: Vết trám răng trong thời gian dài có thể bị hư hại, nứt vỡ hoặc xù xì khiến cho thức ăn bị dính vào, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Tương tự, vật liệu úp cũng có thể bị lệch lạc, hư hỏng dẫn đến sự tích tụ thức ăn gây sâu chân răng.

Dấu hiệu sâu răng khi mang thai

Bệnh sâu răng ở phụ nữ mang thai thường tiến triển âm thầm trong giai đoạn đầu nên nếu không để ý kỹ thì rất khó phát hiện. Bà bầu nên thận trọng khi gặp các triệu chứng sau:

  • Răng có nhiều mảng bám, cao răng
  • Thay đổi màu sắc răng. Bề mặt răng bị sâu có thể xuất hiện những đốm nhỏ màu nâu, xám hay đen
  • Răng trở nên nhạy cảm hơn bình thường khi tiếp xúc với đồ ăn nóng, lạnh.
  • Xuất hiện lỗ ở vị trí bị sâu răng. Độ rộng và sâu của lỗ còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian bị sâu răng.
  • Răng sâu xuất hiện các cơn đau nhức, tê buốt khó chịu
  • Hơi thở và khoang miệng có mùi hôi.

Không phải phụ nào bị sâu răng khi mang thai cũng gặp phải tất cả các triệu chứng trên. Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh mà các dấu hiệu có thể khác nhau ở mỗi người.

Các cấp độ sâu răng khi mang thai

Chứng sâu răng ở phụ nữ mang thai phát triển qua 4 giai đoạn chính. Mỗi giai đoạn có những đặc điểm và triệu chứng riêng.

Cấp độ 1: Sâu men răng

  • Đây là giai đoạn nhẹ nhất của sâu răng
  • Các triệu chứng bệnh chưa xuất hiện rõ ràng
  • Chị em có thể nhận thấy mảng bám tích tụ nhiều ở răng kèm theo sự xuất hiện của các đốm màu sáng đục do vi khuẩn bắt đầu tấn công vào men răng.
  • Men răng bị ăn mòn và hình thành nên các lỗ sâu nhỏ.

Cấp độ 2: Sâu ngà răng

  • Vi khuẩn tiếp tục tấn công vào tới ngà răng sau khi làm thủng lớp men răng bảo vệ bên ngoài.
  • Các thành phần của ngà răng bị phá hủy khiến cho bà bầu bắt đầu cảm nhận rõ những cơn ê buốt răng, nhất là khi tiếp xúc với thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Có thể bị đau nhức răng nhưng cơn đau chưa quá nghiêm trọng.
sâu răng có ảnh hưởng đến thai nhi
Bệnh sâu răng khi mang thai tiến triển qua 4 giai đoạn

Cấp độ: Viêm tủy răng

Tủy răng nằm tận sâu bên trong, được bảo vệ bởi 2 lớp là men răng và ngà răng. Tuy nhiên, sau khi lớp bảo vệ mất đi, vi khuẩn sẽ dễ dàng tấn công vào trong gây nhiễm trùng, viêm tủy răng.

Các dấu hiệu có thể gặp phải bao gồm:

  • Đau nhức răng kéo dài dai dẳng
  • Cảm giác ê buốt, đau nhức tăng lên khi tiếp xúc với các thức ăn nóng, lạnh
  • Sưng nướu răng
  • Nứt hoặc mẻ răng
  • Răng lung lay…

Cấp độ 4: Chết tủy

  • Đây là giai đoạn cuối cũng là cấp độ nặng nhất của sâu răng khi mang thai
  • Ổ vi khuẩn phát triển mạnh không chỉ gây chết tủy mà còn lây lan đến các tổ chức quanh răng gây viêm nha chu.
  • Bà bầu có thể bị sưng mặt, mất răng, tiêu xương, viêm xương hàm và khó khăn khi nhai thức ăn.

Bà bầu bị sâu răng có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Nhiều người cứ nghĩ sâu răng là một bệnh lành tính nên không tiến hành điều trị từ sớm. Ở mức độ nặng, sâu răng gây ra các cơn đau nhức, ê buốt khiến bà bầu vô cùng khó chịu. Kèm theo đó, phụ nữ mang thai bị sâu răng có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng khác như viêm xoang, viêm xương hàm, viêm nha chu, viêm tuyến nước bọt hay sâu răng hàng loạt…

Đối với thai nhi, người mẹ bị sâu răng cũng gây ra một số ảnh hưởng nhất định. Nghiên cứu cho thấy, bà bầu bị sâu răng có nguy cơ bị sảy thai hoặc sinh non cao gấp 2 – 3 lần so với những người phụ nữ khỏe mạnh. Nguyên nhân là do vi khuẩn có hại từ trong răng sâu có thể xâm nhập vào máu và di chuyển đến nhau thai gây nhiễm trùng nước ối khiến mẹ bị tiền sản giật hoặc kích thích chuyển dạ sớm làm trẻ bị sinh thiếu tháng, nhẹ cân.

Hơn nữa, trẻ được sinh ra từ người mẹ bị sâu răng cũng có nguy cơ bị sâu răng sữa từ sớm. Vi khuẩn không tồn tại trong khoang miệng của bé ngay từ khi sinh ra mà thường bị lây lan qua khi mẹ hôn miệng hoặc bón thức ăn cho bé. Chúng phát triển mạnh và tấn công ngay từ khi răng trẻ mới nhú lên.

Cách điều trị sâu răng khi mang thai

Việc lựa chọn phương pháp chữa sâu răng cho bà bầu cần phải thận trọng bởi bất cứ tác động tiêu cực nào cũng có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với sự phát triển của thai nhi. Tùy theo giai đoạn mang thai và mức độ nghiêm trọng của sâu răng, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ phương pháp điều trị phù hợp.

1. Cách trị sâu răng cho bà bầu trong 3 tháng đầu của thai kỳ

Thời kỳ tam cá nguyệt thứ nhất là giai đoạn khá nhạy cảm. Các bộ phận trong cơ thể thai nhi mới bắt đầu hình thành nên dễ chịu ảnh hưởng xấu bởi các phương pháp can thiệp chuyên sâu.

Để cải thiện các triệu chứng khó chịu và làm chậm sự tiến triển của sâu răng, các mẹ được khuyến cáo nên áp dụng các mẹo tự nhiên như:

  • Đánh chải răng sạch sẽ mỗi ngày 2 – 3 lần để làm sạch mảng bám răng, loại bỏ môi trường phát triển của vi khuẩn.
  • Làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa mỗi ngày ít nhất 1 lần
  • Dùng nước muối ấm súc miệng để diệt khuẩn, giúp khoang miệng sạch sẽ và ngăn chặn phát sinh mùi hôi miệng khó chịu.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu canxi, phốt pho vào chế độ ăn giúp răng chắc khỏe hơn.
  • Hạn chế dùng đồ ăn vặt. Cắt giảm lượng đường, đồ ngọt hay tinh bột trong bữa ăn để tránh hình thành mảng bám ở răng.
  • Uống nhiều nước giúp làm tăng tiết nước bọt và giúp cuốn trôi thức ăn bám dính trong khoang miệng và kẽ răng để vi khuẩn không có cơ hội phát triển.
  • Áp dụng những cách trị sâu răng tại nhà từ thảo dược tự nhiên như gừng, lá trầu không, lá tỏi, lá bàng non, tỏi… để đẩy lùi tình trạng sâu răng khi mang thai một cách an toàn.

2. Cách trị sâu răng khi mang thai trong 3 tháng giữa

Trong các giai đoạn này, thai nhi đã phát triển ổn định nên bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp chuyên sâu để can thiệp điều trị sâu răng cho mẹ bầu.

cách trị sâu răng cho bà bầu
Người bị sâu răng khi mang thai 3 tháng giữa có thể can thiệp điều trị bằng các phương pháp nha khoa

Đối với tình trạng sâu răng nhẹ, lỗ sâu còn nhỏ nên việc chữa trị khá dễ dàng. Bác sĩ nha khoa chỉ cần loại bỏ sạch ổ vi khuẩn trên bề mặt răng rồi trám lại lỗ sâu là được.

Trong trường hợp lỗ sâu đã ăn vào trong tủy thì cần tiến hành điều trị tủy. Các mô tủy bị viêm được loại bỏ hết và trám bít ống tủy cùng lỗ sâu lại. Nếu cần thiết có thể bọc răng sứ để bảo vệ cho răng thật, đảm bảo tính thẩm mỹ và duy trì chức năng nhai.

Một số trường hợp bị sâu răng khi mang thai gây lung lay răng, răng bị sứt mẻ quá mức không thể bọc được thì bác sĩ sẽ khuyến cáo nhổ răng. Tùy theo nhu cầu của người mẹ mà có thể cấy ghép trụ implant sau khi sinh xong.

Phương pháp phòng ngừa sâu răng khi mang thai

Có thể thấy tình trạng sâu răng khi mang thai gây ra không ít phiền toái và rủi ro cho em bé trong bụng. Nếu bị sâu răng từ trước khi có bầu, chị em nên điều trị bệnh khỏi hẳn rồi mới mang thai. Trường hợp chưa bị sâu răng thì nên chủ động dự phòng ngăn ngừa bằng những cách đơn giản như:

  • Sử dụng kem đánh răng có chứa flour để đánh chải răng vào các thời điểm như lúc mới thức dậy vào buổi sáng, sau khi ăn hoặc buổi tối trước lúc đi ngủ. Có thể kết hợp súc miệng với nước muối hay nước súc miệng để răng được sạch sẽ hơn.
  • Làm sạch các kẽ răng bằng chỉ nha khoa thay thế cho tăm nhọn.
  • Súc miệng sạch sẽ sau khi bị nôn ói, ợ chua để loại bỏ sạch axit bám trên bề mặt răng.
  • Sử dụng nhiều rau xanh, trái cây tươi và các thực phẩm giàu canxi thấy thế cho các thực ăn có hại cho răng (chẳng hạn như kẹo ngọt, bánh quy, thực phẩm giàu tinh bột, thức ăn vặt).
  • Khám nha khoa định kỳ 3 – 6 tháng/lần để kiểm tra sức khỏe răng miệng và kịp thời phát hiện sâu răng khi mang thai nếu có.

Có thể bạn quan tâm

Lưu ý khi áp dụng mẹo chữa sâu răng bằng phèn chua

Chữa Sâu Răng Bằng Phèn Chua Với Các Cách Dùng Hay

Chữa sâu răng bằng phèn chua có lẽ vẫn còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên phương pháp này...

Cách Chữa Sâu Răng Cho Người Lớn Hay – Áp Dụng Nhiều

Bệnh sâu răng ở người trưởng thành nếu không được điều trị kịp thời có thể gây viêm tủy, đau...

Một số lưu ý khi trị sâu răng bằng dầu dừa tại nhà

Trị Sâu Răng Bằng Dầu Dừa Cực Hay – Cách Dùng Dễ Dàng

Phương pháp trị sâu răng bằng dầu dừa được nhiều người áp dụng. Mẹo chữa đơn giản, dễ thực hiện,...

Chăm sóc, bảo vệ ngăn ngừa tái phát sâu răng số 7

Răng Số 7 Bị Sâu Có Nên Nhổ Không? Biện Pháp Điều Trị

Răng số 7 bị sâu là một trong những tình trạng nhiều người gặp phải. Do vị trí răng nằm...

10 Loại Thuốc Trị Sâu Răng Hiệu Quả Được Tin Dùng Nhất

Các thuốc trị sâu răng có thể phát huy hiệu quả tốt nhất khi lỗ sâu chưa ảnh hưởng đến...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.