Khi nào nên thay khớp háng và thay loại nào tốt ?
Thay khớp háng là thủ thuật trong điều trị ngoại khoa. Thủ thuật này không được áp dụng cho toàn bộ bệnh nhân mà chỉ được thực hiện trong một số trường hợp nhất định.
Khi nào nên thay khớp háng?
Thay khớp háng là thủ thuật trong điều trị ngoại khoa. Khớp nhân tạo được sử dụng để thay thế cho khớp háng bị tổn thương.
Thủ thuật này được chỉ định khi tình trạng bệnh không đáp ứng với điều trị nội khoa và khả năng vận động của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhìn chung, thay khớp háng chỉ được thực hiện khi người bệnh không còn lựa chọn nào khác.
Thay khớp háng thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Viêm khớp háng
- Thoái hóa khớp háng
- Hoại tử chỏm xương đùi
- Loạn sản xương hông
- Viêm khớp mủ
- Trật khớp nặng
- Dính khớp
Ngoài ra, thay khớp háng còn được chỉ định khi các thủ thuật tái tạo khớp háng đã được thực hiện nhưng không đem lại kết quả như mong đợi.
ĐỌC NGAY: Chi tiết quy trình thay khớp háng nhân tạo
Nên thay khớp háng loại nào?
Có nhiều loại khớp háng khác nhau, mỗi loại sẽ có những đặc điểm riêng biệt. Do đó, người bệnh cần nắm bắt đặc điểm của từng loại để lựa chọn được loại khớp phù hợp.
1. Thay khớp háng toàn phần và bán phần
Khớp háng gồm có hai bộ phận – chỏm xương đùi và ổ cối.
Nếu chỉ thực hiện thay chỏm xương đùi, thủ thuật này được gọi là thay khớp háng bán phần. Thay khớp háng bán phần thường được chỉ định cho bệnh nhân hoại tử chỏm xương đùi.
Ngược lại, thay khớp háng toàn phần là thủ thuật thay cả chỏm xương đùi và ổ cối bằng bộ phận nhân tạo. Bệnh nhân được chỉ định thay khớp háng toàn phần khi toàn bộ khớp háng bị hư hại nặng nề và không còn khả năng phục hồi.
2. Khớp háng có xi măng hoặc không có xi măng
Xi măng là chất kết dính nhằm tăng liên kết giữa khớp nhân tạo với xương của bệnh nhân. Thay khớp háng bán phần và toàn phần đều có thể sử dụng hoặc không sử dụng xi măng.
Xi măng thường được dùng cho những bệnh nhân cao tuổi, khi mật độ xương thấp và khả năng phục hồi của xương kém.
Với người trẻ tuổi, khả năng phục hồi và mật độ xương cao. Vì vậy, các tế bào xương có thể mọc nhanh và bám chặt lấy khớp nhân tạo. Do đó, hầu hết người trẻ khi thực hiện thay khớp háng đều được khuyến khích sử dụng loại khớp không xi măng.
3. Lựa chọn chất liệu của khớp háng nhân tạo
Trước đây, khớp háng nhân tạo thường được cấu tạo từ chỏm kim loại và ổ cối bằng nhựa. Tuy nhiên, hai vật liệu này có khả năng mài mòn cao nên thường có tuổi thọ ngắn. Ngày nay chất lượng nhựa và kim loại đã được cải tiến nhằm kéo dài tuổi thọ của khớp háng nhân tạo.
Nhiều nhà khoa học từng có ý định thay thế cả hai bộ phận này bằng kim loại. Tuy nhiên, khi ổ cối và chỏm kim loại ma sát có thể giải phóng ion kim loại vào máu. Tình trạng này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nên hiện nay chất liệu này không còn được sử dụng.
Bên cạnh đó, một số khớp nhân tạo đều được cấu tạo hoàn toàn từ gốm (ceramic) có khả năng chống mài mòn cao.
Người bệnh nên dựa vào tuổi tác và nhu cầu vận động để lựa chọn được chất liệu khớp háng phù hợp. Để dễ dàng hơn trong việc lựa chọn, bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ để nhận được giải đáp cụ thể.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
THÔNG TIN HỮU ÍCH
- Người cao tuổi có nên chọn thay khớp háng không?
- Những biến chứng nguy hiểm sau khi thay khớp háng có thể gặp
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!