Bệnh Hen Suyễn

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ BÁC SĨ ĐỖ THANH HÀ – Khoa Tai Mũi HọngTrưởng khoa phụ Bệnh viện Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh hen suyễn là tình trạng các đường dẫn khí bị thu hẹp lại bởi viêm nhiễm và sự co thắt. Điều này khiến cho lượng không khí ra vào phổi bị giảm đáng kể, gây nên tình trạng khó thở, khò khè, đau thắt ngực, thở gấp, ho nhiều vào ban đêm. Bệnh không chỉ tác động nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày mà còn có thể gây tử vong nếu như không có ống thở Corticoid dạng hít hỗ trợ trong những trường hợp khẩn cấp.

Tổng quan bệnh học

Bệnh hen suyễn (Asthma) hay còn gọi là hen phế quản, là một trong những căn bệnh mãn tính thuộc về đường hô hấp phổ biến hiện nay. Hen suyễn xảy ra khi lớp niêm mạc trong ống phế quản bị tổn thương do viêm nhiễm và sự co thắt. Điều này khiến cho các đường dẫn khí bị sưng lên, thu hẹp diện tích và làm giảm lưu lượng không khí điều tiết ra vào phổi.

Trong khi đó, ống phế quản lại đảm nhiệm vai trò lọc không khí và dẫn khí. Một khi phần niêm mạc của ống dẫn khí bị phù nề, sưng to sẽ khiến cho việc dẫn khí qua lại rất khó khăn. Đặc trưng là những cơn ho kéo dài, khó thở, khò khè, đau thắt ngực, hụt hơi, thở nhanh, thở gấp, mệt mỏi, có nhiều trường hợp khó thở khiến da tái nhợt, xanh xao.

Đường dẫn khí bị sưng, ống thở bị thu hẹp gây nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, khó thở

Đối tượng của bệnh hen suyễn có thể là người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo ghi nhận tỷ lệ trẻ em mắc chứng bệnh này chiếm đến 10% tổng dân số, cao gần gấp đôi so với người lớn. Đặc biệt là trẻ trong độ tuổi từ 12 - 13 tuổi lại là những thành phần có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Hiện nay, xu hướng mắc bệnh ngày càng gia tăng không có chiều hướng giảm xuống.

Hen suyễn mang tính chất cực kỳ nguy hiểm, các cơn ho và khó thở có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào. Các triệu chứng không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, hiệu suất công việc mà còn có nguy cơ gây tử vong rất cao. Bệnh hen suyễn không có khả năng chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu như được điều trị tích cực thì người bệnh vẫn có thể kiểm soát tốt các triệu chứng, cuộc sống diễn ra bình thường.

Phân loại bệnh

Có hai cách phân loại bệnh hen suyễn, cách thứ nhất là dựa vào mức độ nặng nhẹ và sự tiến triển của bệnh mà chứng hen suyễn được phân thành những loại sau:

  • Hen suyễn nhẹ từng cơn: Đây được xem là tình trạng bệnh ở thể nhẹ nhất, lúc này bệnh mới bộc phát. Cơn ho nhẹ, chỉ diễn ra trong vài giây, tần suất 1 - 2 lần mỗi tuần. Ban đêm cũng có thể xảy ra nhưng chỉ ít hơn 2 lần mỗi tháng.
  • Hen suyễn dai dẳng nhẹ: Lúc này các cơn hen suyễn có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động cũng như cuộc sống người bệnh. Tần suất các cơn hen diễn ra khoảng 3 - 6 lần/ tuần, vào ban đêm cơn hen xuất hiện 3 - 4 lần/ tháng, cơn hen kéo dài một lúc khá lâu.
  • Hen suyễn dai dẳng vừa phải: Các triệu chứng ho tăng dần lên kể cả ban đêm lẫn ban ngày. Thời gian mỗi cơn ho cũng kéo dài hơn.
  • Hen suyễn dai dẳng nặng: Lúc này bệnh đã trở nặng, các triệu chứng nặng nề, cơn ho liên tục xảy ra cả ngày và đêm . Mỗi lần xuất hiện cơn hen, khó thở khiến người bệnh sợ hãi, lo lắng. Trường hợp nếu như không kịp thời sử dụng Corticoid dạng hít có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Cách phân loại thứ hai là dựa vào nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây bệnh mà người ta phân bệnh hen suyễn thành 5 loại cơ bản sau:

Phân loại bệnh hen suyễn
Tùy vào mức độ, nguyên nhân gây bệnh mà hen suyễn được chia thành nhiều loại khác nhau

  • Hen suyễn do dị ứng: Trường hợp này, bệnh nhân mắc hen suyễn thường dị ứng với các tác nhân xung quanh chẳng hạn như lông động vật, thực phẩm có khả năng gây dị ứng, nấm mốc, phấn hoa, bụi bẩn, khói khí độc hại, thời tiết thất thường. Khi tiếp xúc với các dị nguyên này sẽ khiến cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
  • Hen suyễn do nghề nghiệp: Những người thường xuyên làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, chất độc hại sẽ có nguy cơ mắc hen suyễn cao. Hoặc tình trạng đang gặp phải chứng bệnh này mà cơ thể tiếp xúc trực tiếp với các dị nguyên sẽ khiến cho bệnh tiến triển nặng hơn.
  • Hen suyễn thể ho: Trường hợp người bệnh bị hen suyễn với đặc trưng là những cơn ho kéo dài dai dẳng hơn 8 tuần thì chắc chắn bạn đang bị hen suyễn thể ho. Các triệu chứng ho thường do một số nguyên nhân như người bệnh bị viêm xoang, viêm mũi mạn tính, trào ngược dạ dày thực quản.
  • Hen suyễn thể dục: Nhiều người trong lúc tập thể dục có thể vận động quá sức, kéo dài thời gian sẽ khiến cơ thể gặp các cơn hen suyễn. Người bệnh có những triệu chứng điển hình như tức ngực, khó thở, thở khò khè, ho nhiều và mệt mỏi. Những trường hợp bị hen suyễn, trước khi tập thể dục nên uống thuốc giãn phế quản để giúp ngăn ngừa bệnh phát tác.
  • Hen suyễn về đêm: Bệnh thường bộc phát các triệu chứng về đêm khiến cho người bệnh mệt mỏi, khó thở, tức ngực nên dẫn đến tình trạng mất ngủ. Vào ban đêm các triệu chứng xảy ra rất khó kiểm soát, do đó nguy cơ tử vong rất cao.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Theo số liệu thống kê, trên toàn quốc có khoảng 5 triệu người bệnh mỗi năm, trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em chiếm 30%, đặc biệt số bệnh nhân tử vong rất cao, khoảng 3000 người mỗi năm. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh hen suyễn và yếu tố nguy cơ khiến bệnh ngày càng thêm trầm trọng, cụ thể:

Nguyên nhân bệnh hen suyễn
Khi tiếp xúc với các dị nguyên như bụi bẩn, phấn hoa sẽ khiến các triệu chứng hen suyễn gia tăng

  • Do nhiễm trùng hô hấp: Cơ thể thường xuyên mắc bệnh cảm lạnh, cảm cúm do virus thường khiến đường thở bị tổn thương, gây khó khăn cho việc thở, thở khò khè. Tình trạng này kéo dài lâu ngày kèm theo cơ thể có sức đề kháng yếu nên dễ dẫn đến bệnh hen suyễn.
  • Do dị ứng: Những người có cơ địa mẫn cảm, dễ bị dị ứng với các tác nhân như phấn hoa, lông thú, nấm mốc, bụi bặm...đều có thể khiến cho đường thở bị ảnh hưởng, bộc phát bệnh hen suyễn. Ngoài ra, những trường hợp đã bị hen suyễn thì các yếu tố dị nguyên này sẽ khiến cho tình trạng bệnh ngày càng thêm trầm trọng hơn.
  • Tính chất nghề nghiệp: Ít ai biết rằng, tính chất nghề nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn thường gặp. Một số ngành nghề có nguy cơ cao mắc bệnh hen phế quản được kể đến như giáo viên, nhân viên vệ sinh, làm việc trong các nhà máy, nông dân thường xuyên sử dụng các loại thuốc trừ sâu độc hại, nhân viên trong sở thú, giáo viên. Những người này thường xuyên làm việc trong môi trường chứa nhiều dị nguyên như bụi bẩn, lông thú, nói nhiều do đó dễ dẫn đến đường thở bị ảnh hưởng gây bệnh.
  • Ô nhiễm không khí: Theo ghi nhận, những người sống ở thành phố, đô thị hoặc những nơi nhiều khói bụi thường có tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn rất cao. Khi không khí bị ô nhiễm thành phần khí Ozone tăng cao khiến cho người bệnh hen suyễn gia tăng các triệu chứng, các cơn ho kéo dài nặng nề, tăng nguy cơ nhập viện và tử vong cho người bệnh.

Ngoài những nguyên nhân và yếu tố cơ bản nói trên thì các vấn đề như tuổi tác, giới tính, béo phì, tiếp xúc với khói thuốc lá,  di truyền...đều có thể khiến cho tình trạng bệnh hen suyễn tiến triển nặng nề, nghiêm trọng.

Triệu chứng và Chẩn đoán

Người bệnh hen suyễn có rất nhiều triệu chứng, tùy vào tình trạng bệnh và thể trạng của từng người mà các triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài khác nhau. Đặc biệt, khi tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố dị nguyên sẽ khiến chứng hen suyễn thêm phần nghiêm trọng.

Triệu chứng bệnh hen suyễn
Các triệu chứng ho, khó thở do hen suyễn thường xuất hiện vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ

Một số triệu chứng cơ bản của người bệnh hen suyễn thường gặp bao gồm:

  • Ho nhiều, đặc biệt là vào nửa đêm, mỗi lần bộc phát cơn ho khiến cho người bệnh lo sợ. Khi ho người bệnh luôn kèm theo việc khạc nhổ đờm, trường hợp không may gặp các bệnh hô hấp trên thì các cơn ho kéo dài và nặng nề hơn.
  • Người bệnh hen suyễn thường thở khò khè, do lượng không khí đi qua phổi bị cản trở bởi ống thở bị viêm sưng. Khi gặp thời tiết lạnh thì triệu chứng thở khò khè lại càng tăng mạnh.
  • Khó thở do bộ phận đường thở bị tổn thương, thu hẹp, không khí khó đi qua.
  • Luôn cảm thấy đau thắt ngực hoặc có cảm giác như có một lực gì đó rất nặng siết chặt, đè trực tiếp lên ngực gây bóp nghẹn.
  • Hơi thở nhanh và gấp gáp nhất là những lúc người bệnh tập thể dục mệt, mất sức, leo lên cầu thang.
  • Đổ mồ hôi, da mặt nhợt nhạt do cơ thể mệt mỏi, không được cung cấp lượng oxy đầy đủ.
  • Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon giấc do các cơn ho thường xuất hiện vào ban đêm.

Trường hợp người bệnh hen suyễn gặp các triệu chứng nặng nề, mang tính chất cấp bách như thở dốc, nhợt nhạt, các triệu chứng xuất hiện ngay cả khi hoạt động nhẹ nhàng hoặc đang nghỉ ngơi, không thuyên giảm khi sử dụng thuốc đường hít tại nhà thì bệnh nhân cần nhập viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Chẩn đoán bệnh hen suyễn:

Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, nhanh khỏi bệnh. Đối với bệnh hen suyễn, thường được áp dụng các phương pháp chẩn đoán sau:

Chẩn đoán bệnh hen suyễn
Chẩn đoán hen suyễn thông qua phương pháp hô hấp ký bằng cách kiểm tra tốc độ, thể tích hơi thở người bệnh

  • Chẩn đoán lâm sàng thông qua các triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài như khó thở, thở gấp, ho nhiều từng cơn về đêm...Đồng thời kết hợp với việc điều tra tiền sử bệnh nhân đã từng mắc các bệnh đường hô hấp trên không.
  • Thực hiện xét nghiệm hô hấp ký bằng cách kiểm tra tốc độ và thể tích khí thở ra sau khi thực hiện động tác hít thở sâu. Qua xét nghiệm sẽ biết được mức độ nặng nhẹ và tiên lượng bệnh.
  • Chụp X-quang phổi: Thông qua hình ảnh rõ nét từ phim, bác sĩ sẽ sớm phát hiện ra các biến chứng hoặc các bệnh lý liên quan khác kèm theo.
  • Đo lưu lượng đỉnh PEF, nếu trường hợp thông số này giảm tức là chức năng của phổi cũng đang suy yếu dần, bệnh hen suyễn đang trong tình trạng rất nghiêm trọng.
  • Xét nghiệm Test da, đo nồng độ IgE.

Thông thường, các triệu chứng bệnh hen suyễn thường khiến người bệnh nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp trên như ho, cảm cúm, cảm lạnh, giãn phế quản, bệnh lao. Do đó dẫn đến tình trạng chủ quan không thăm khám. Việc chẩn đoán bệnh thông qua các phương pháp kể trên giúp các bác sĩ đưa ra nguyên nhân gây bệnh chính xác, từ đó mới có hướng điều trị tích cực.

Biến chứng và tiên lượng

Hen phế quản là một trong những căn bệnh về đường hô hấp mạn tính phổ biến. Những triệu chứng điển hình của bệnh là ho nhiều, co thắt ngực, khó thở, thở gấp...trường hợp không thăm khám và can thiệp đúng cách, để bệnh tiến triển ngày càng nặng sẽ khiến cho cơ thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Biến chứng bệnh hen suyễn
Ho, khó thở do hen suyễn nếu như không được xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh

  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Các triệu chứng của bệnh hen suyễn thường xuyên bộc phát, đặc biệt là khó thở khiến cho cơ thể mệt mỏi, cộng thêm các cơn ho kéo dài vào ban đêm gây mất ngủ. Tình trạng này kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, công việc, học tập, mối quan hệ vợ chồng. Đặc biệt, người bệnh có một bất tiện gặp phải đó là thường xuyên mang theo ống hít bên mình mọi lúc mọi nơi để hỗ trợ khi xuất hiện các cơn hen, khó thở.
  • Lo âu, trầm cảm: Khi bị hen phế quản, người bệnh phải xác định sống chung cùng với bệnh đến suốt đời. Mỗi lúc xuất hiện các triệu chứng bệnh đều khiến cho bệnh nhân sợ hãi, lo lắng, do đó cơ thể luôn trong tình trạng lo âu, muộn phiền. Kéo dài như vậy dễ khiến cho người bệnh bị trầm cảm, tinh thần bất ổn.
  • Gây xẹp phổi: Theo ghi nhận, có khoảng 10% trên tổng số bệnh nhân hen suyễn phải nhập viện vì biến chứng xẹp phổi một hoặc nhiều thùy. Biến chứng này sẽ được cải thiện ngay sau khi vấn đề hen suyễn được khắc phục và ổn định.
  • Nhiễm khuẩn phế quản: Đây cũng là một trong những biến chứng thường gặp đối với người bệnh hen suyễn. Đặc biệt khi gặp các điều kiện như độ ẩm không khí cao, thời tiết lạnh ẩm sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển, tình trạng hen suyễn gia tăng, khả năng nhiễm khuẩn phế cầu lại có xu hướng tăng cao.
  • Tâm phế mạn tính: Khi bị hen suyễn mức độ nặng, người bệnh có nguy cơ bị tâm phế mạn tính. Những triệu chứng điển hình như đau hạ sườn phải, khó thở, gan to, cơ thể tím tái.
  • Tràn khí màng phổi: Đây là một biến chứng nguy hiểm, có khoảng 5% bệnh nhân cần phải cấp cứu ngay khi gặp phải trường hợp tràn khí màng phổi, bởi vì nếu không được kịp thời cứu chữa có thể gây chết người.
  • Suy hô hấp: Hen suyễn ác tính hay hen suyễn cấp tính cũng có thể dẫn đến biến chứng suy hô hấp. Trường hợp không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp, không thở được, thậm chí ngừng thở.
  • Nguy cơ tử vong cao: Hen suyễn là một trong những căn bệnh về đường hô hấp có nguy cơ tử vong cao. Vì bệnh thường xuyên gây ra tình trạng khó thở, tím tái, một số trường hợp quên mang theo thuốc, không được xử lý kịp thời có thể ngừng thở ngay lập tức.
  • Nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai mắc bệnh hen suyễn thường có nguy cơ bị sản giật, sinh non, đứa trẻ nhẹ cân, còi xương, xuất huyết âm đạo rất nguy hiểm.

Hen suyễn là một căn bệnh khá phổ biến, rất nhiều người mắc phải. Tuy nhiên, bệnh không thể điều trị dứt điểm hoàn toàn mà chỉ giúp giảm các triệu chứng bệnh nếu như có phương pháp can thiệp đúng đắn. Điều này giúp cho bệnh nhân sống chung hòa bình với bệnh trong suốt cuộc đời.

Điều trị

Như đã chia sẻ, hen suyễn là một chứng bệnh mạn tính về đường hô hấp. Cho đến hiện tại nền y học vẫn chưa nghiên cứu ra một loại thuốc nào có thể điều trị dứt điểm bệnh. Việc điều trị nhằm mục đích hạn chế các cơn hen phát tác, kiểm soát các triệu chứng bệnh hiệu quả để giúp mọi người sống chung với bệnh.

Một số phương pháp điều trị bệnh hen suyễn phổ biến bao gồm:

Điều trị nội khoa:

Có rất nhiều loại thuốc được chỉ định cho việc chữa trị bệnh hen suyễn, tuy nhiên cần phải thực hiện theo đúng hướng dẫn và kê đơn của bác sĩ. Một số thuốc cơ bản được kể đến như:

Điều trị bệnh hen suyễn
Thuốc Corticoid dạng hít được xem là vật bất ly thân đối với những bệnh nhân hen suyễn

  • Corticoid dạng hít: Đây được xem là loại thuốc phổ biến và cơ bản nhất trong điều trị bệnh hen suyễn. Hầu như bệnh nhân hen suyễn nào cũng thường mang theo lọ thuốc Corticoid dạng hít để sử dụng mọi lúc mọi nơi. Thuốc có tác dụng làm giảm nhanh chóng các triệu chứng ho, khó thở do các yếu tố dị nguyên gây ra.
  • Corticosteroid dạng uống: Loại thuốc này mang tính phổ biến đứng thứ hai sau dạng xịt. Thuốc có tác dụng làm giảm nhanh cơn hen, khó thở tuy nhiên thời gian ngắn hơn so với chai dạng xịt. Ngoài ra, thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nếu như dùng lâu dài và thường xuyên.
  • Thuốc kháng Leukotriene: Loại thuốc này ít có tác dụng phụ, thường được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhẹ, các triệu chứng không quá nặng nề. Đồng thời thuốc được kê đơn sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác cùng lúc để nâng cao hiệu quả điều trị.
  • Thuốc hen suyễn tác dụng ngắn: Nhóm thuốc SABA có tác dụng làm giảm nhanh các triệu chứng hen suyễn, khó thở chỉ trong vòng 2 - 3 phút. Một số thuốc thuộc nhóm này bao gồm Fenoter, Salbutamol.
  • Thuốc hen suyễn tác dụng dài: Nhóm thuốc LABAS có tác dụng tương tự như đối với nhóm thuốc hen suyễn tác dụng ngắn, tuy nhiên thời gian hiệu quả kéo dài hơn nhiều.
  • Thuốc Omalizumab: Đây là một loại thuốc đặc trị bệnh hen suyễn chuyên biệt, chỉ được dùng cho các trường hợp hen suyễn dị ứng làm giảm lượng IgE tự do. Thuốc có giá thành khá đắt, nhưng hiệu quả điều trị mang lại cao.
  • Thuốc Theophylline: Thuốc được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân hen suyễn với các triệu chứng điển hình như tức ngực, ho nhiều về đêm, thở khò khè. Tuy nhiên, thuốc có khá nhiều tác dụng phụ như mệt mỏi, tiêu chảy, ảnh hưởng đến hệ thần kinh nên hiện nay rất ít dùng.
  • Liệu pháp tự miễn dịch: Phương pháp điều trị này được hiểu đơn giản là bệnh nhân được giải cảm với các tác nhân là dị nguyên gây bệnh bằng cách tiêm thuốc có chứa chất gây dị ứng. Liều lượng 1 lần/ tuần, sau đó tăng dần lên khoảng 3 - 4 lần/ tuần. Tuy nhiên, thời gian điều trị khá lâu mất khoảng vài năm thì bệnh nhân mới miễn dịch được với các chất gây dị ứng hiệu quả.

Liệu pháp hỗ trợ:

Các triệu chứng bệnh hen suyễn thường bộc phát mạnh mẽ ngay khi gặp các yếu tố dị nguyên. Do đó, ngoài việc điều trị bệnh bằng các loại thuốc dạng hít, dạng tiêm, dạng uống nói trên, người bệnh cần thay đổi lối sống một cách khoa học để giúp quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn, cụ thể:

Điều trị bệnh hen phế quản
Bỏ thuốc lá sẽ giúp làm giảm các triệu chứng hen suyễn một cách đáng kể và hiệu quả

  • Cần tránh xa các tác nhân gây hen suyễn như khói bụi, lông động vật...
  • Giữ cân nặng hợp lý, tránh tình trạng béo phì, thừa cân.
  • Tập luyện thể dục với những bài tập nhẹ nhàng, hít thở sâu.
  • Khi đi ra đường cần đeo khẩu trang để tránh bụi bẩn bay trực tiếp vào đường thở.
  • Người bệnh hen suyễn nên hạn chế ăn các thực phẩm có tính dị ứng như hải sản, đồ chiên nướng.
  • Không nên sử dụng rượu bia, thuốc lá vì đây đều là các tác nhân khiến các triệu chứng bệnh trầm trọng.
  • Dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa bằng cách hút bụi, giặt giũ chăn màn để tránh tạo cơ hội cho bụi bẩn, vi khuẩn gia tăng.

Phòng ngừa

Bệnh hen suyễn không thể điều trị khỏi hoàn toàn, người bệnh sẽ phải làm quen và sống chung với các triệu chứng suốt đời. Tuy không thể phòng ngừa bệnh một cách triệt để, nhưng chúng ta có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng một số lối sống tích cực  như:

Phòng ngừa bệnh hen suyễn
Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ thoáng mát là một trong những cách phòng ngừa bệnh hen suyễn hiệu quả

  • Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các loại chất kích thích, đồ uống có cồn.
  • Không nuôi các loại vật nuôi trong nhà như chó, mèo, chim cảnh.
  • Hạn chế sử dụng các loại thuốc xịt côn trùng, nước xịt phòng trong nhà đối với những người có cơ địa mẫn cảm.
  • Luôn tạo không gian sống sạch sẽ, thoải mái, loại bỏ các tác nhân gây bệnh như bông sợi, nấm mốc, thường xuyên giặt chăn mền, gối.
  • Trường hợp người mẹ mang thai nên hạn chế hút thuốc lá, vì điều này có thể khiến cho đứa trẻ sinh ra có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn rất cao.
  • Luôn giữ ấm cơ thể, khi đi ra đường cần bịt khẩu trang cẩn thận, tránh tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn, không khí ô nhiễm.
  • Những người thường xuyên làm việc trong môi trường khó bụi nên mặc đồ bảo hộ cẩn thận, tránh để các tác nhân xâm nhập vào cơ thể.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng chống lại bệnh tật.
  • Giảm cân nếu trường hợp cân nặng quá khổ, nên duy trì cân nặng ở mức lý tưởng.
  • Khi còn nhỏ nên cho trẻ tiêm phòng vacxin đầy đủ, đặc biệt là các loại vacxin về ho gà, cúm, viêm phổi.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Đâu là nguyên nhân trực tiếp gây nên căn bệnh hen suyễn mà tôi đang mắc phải? Đây có phải là căn bệnh mạn tính không?

2. Là căn bệnh về đường hô hấp nên cho tôi hỏi bệnh hen suyễn có lây không? Nếu lây thì làm cách nào để phòng ngừa bệnh lây lan cho người khác?

3 Tôi cần làm gì để phòng ngừa các cơn hen, cơn khó thở bộc phát bất ngờ?

4. Bệnh hen suyễn có chữa khỏi, dứt điểm hoàn toàn được không? Sau khi chữa có nguy cơ tái phát không? Thời gian điều trị kéo dài bao lâu?

5. Làm sao để nhận biết và xác định chính xác tôi đang mắc phải căn bệnh hen suyễn?

6. Đâu là phương pháp điều trị bệnh hen suyễn tốt nhất, hiệu quả nhất hiện nay?

7. Việc sử dụng thuốc dạng xịt để điều trị bệnh hen suyễn lâu dài, thường xuyên có gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Vì sao tôi phải dùng thuốc dạng xịt hàng ngày?

8. Người bệnh hen suyễn cần kiêng gì, ăn gì để giúp giảm các triệu chứng bệnh?

9. Trường hợp mang thai bị hen suyễn, đứa trẻ sinh ra có bị lây nhiễm bệnh không?

Hen suyễn là căn bệnh mạn tính về đường hô hấp thường gặp, đặc biệt là với thời điểm môi trường đang ngày càng gia tăng sự ô nhiễm. Bệnh thường gây ra các cơn hen, khó thở đột xuất khiến cho người bệnh luôn đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Do đó, hãy tầm soát bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên và dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng mỗi ngày.