Dị ứng hải sản và động vật có vỏ cần lưu ý những điều này
Dị ứng hải sản và động vật có vỏ có thể gây nên triệu chứng nghiêm trọng là sốc phản vệ gây ảnh hưởng đến tính mạng. Loại dị ứng này phổ biến nhất ở thanh thiếu niên và người trưởng thành hơn là trẻ em.
Các loại hải sản
Các nhóm hải sản chính có thể kích hoạt phản ứng dị ứng là:
- Động vật có xương sống như cá hồi, cá tuyết, cá thu, cá mòi, cá trích, cá cơm, cá ngừ, cá chình, cá đuối,…
- Động vật không xương sống bao gồm nhóm động vật giáp xác như tôm hùm, cua, tôm càng, tôm càng xanh; và động vật thân mềm bao gồm hàu, trai, bạch tuộc, bào ngư, sên biển.
Nguyên nhân dị ứng hải sản và động vật có vỏ
Tất cả các loại dị ứng thực phẩm đều là do phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch. Trong dị ứng hải sản và động vật có vỏ, hệ thống miễn dịch xác nhận nhầm protein trong hải sản và động vật có vỏ là chất gây hại cho cơ thể. Điều này làm kích hoạt việc sản xuất một loại kháng thể đối với protein. Nên lần tiếp theo khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng, hệ thống miễn dịch sẽ sản xuất ra histamin và các hóa chất gây nên những triệu chứng dị ứng như ngứa, nổi mẩn đỏ.
Ngoài ra, bạn có thể bị dị ứng hải sản vì:
- Ký sinh trùng Anisakis: ký sinh trùng chết trong cá sau khi nấu chín là nguyên nhân kích hoạt phản ứng dị ứng.
- Phản ứng dị ứng với chất bảo quản để chống biến đổi màu ở những loài động vật giáp xác.
- Hải sản bị nhiễm độc tố từ tảo cũng gây nên phản ứng dị ứng
Các yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng
Bạn có nguy cơ bị dị ứng cao hơn người khác nếu như người trong gia đình có người từng mắc một loại dị ứng như hen suyễn, dị ứng thực phẩm, nổi mề đay,…
Dị ứng hải sản và động vật có vỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nó phổ biến nhất ở người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ. Ở trẻ em, dị ứng hải sản và động vật có vỏ xảy ra phổ biến nhất ở bé trai.
Một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ bị dị ứng bao gồm:
- Bị hen suyễn
- Dị ứng với thực phẩm khác
Triệu chứng dị ứng hải sản và động vật có vỏ
Các triệu chứng dị ứng hải sản và động vật có vỏ thường xảy ra trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Những triệu chứng này bao gồm:
- Phát ban, ngứa hoặc viêm da dị ứng
- Sưng môi, mặt, lưỡi và cổ họng, hoặc các bộ phận khác của cơ thể
- Khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở
- Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
Dị ứng có thể gây ra một phản ứng dị ứng nghiêm trọng là sốc phản vệ, có khả năng đe dọa đến tính mạng. Triệu chứng sốc phản vệ thường gặp là:
- Cổ họng sưng hoặc có cục u trong cổ họng làm co thắt đường thở khiến bạn khó thở
- Sốc, huyết áp giảm nghiêm trọng
- Chóng mặt, ngất xỉu, mất ý thức
Chẩn đoán dị ứng hải sản và động vật có vỏ
Bác sĩ sẽ hỏi bạn về những triệu chứng cùng kiểm tra sức khỏe để loại trừ những tình trạng khác. Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn thực hiện hai xét nghiệm sau:
- Kiểm tra da: trong thử nghiệm này bạn sẽ được chích một lượng protein của hải sản và động vật có vỏ lên da, nếu bạn bị dị ứng thì một vết sưng to sẽ xuất hiện tại vị trí đó.
- Xét nghiệm máu: xét nghiệm này giúp đo lường phản ứng của hệ miễn dịch với protein trong hải sản và động vật có vỏ.
Điều trị dị ứng hải sản và động vật có vỏ
Trong trường hợp bạn bị dị ứng hải sản và động vật có vỏ ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ kê đơn một số thuốc kháng histamin và corticosteroid để làm giảm các triệu chứng, chẳng hạn như phát ban hoặc ngứa.
Nếu bạn bị dị ứng nghiêm trọng, bạn sẽ được tiêm epinephrine khẩn cấp. Để hạn chế những triệu chứng nguy hiểm có thể xảy ra, bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc tiêm tự động epinephrine và hướng dẫn bạn cách sử dụng. Nên sử dụng epinephrine ngay lập tức khi bạn gặp các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, mạch yếu, nổi mề đay, nghẹn họng, khó nuốt, nôn mửa, tiêu chảy hoặc đau bụng.
Phòng ngừa dị ứng hải sản và động vật có vỏ
Nếu bạn bị dị ứng hải sản và động vật có vỏ hãy tránh tất cả những loại hải sản, động vật có vỏ để ngăn ngừa dị ứng xảy ra. Bạn hãy thận trọng khi đi ra ngoài ăn, đặc biệt khi nhà hàng đó có phục vụ hải sản bởi nguy cơ dị ứng chéo do chế biến trong cùng một dụng cụ vẫn có thể khiến bạn bị dị ứng.
Trường hợp những người bị dị ứng nặng có thể sẽ xuất hiện triệu chứng khi chạm vào hoặc hít hơi nước từ nồi nấu. Do đó, bạn nên hạn chế tiếp xúc với hải sản, động vật có vỏ hoặc nơi chế biến. Người bệnh cũng nên đem thuốc tiêm tự động epinephrine để tránh những triệu chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
Trên đây là những thông tin quan trọng về dị ứng hải sản và động vật có vỏ, nếu bạn nhận thấy bất cứ triệu chứng dị ứng nào hãy thăm khám và điều trị ngay với bác sĩ chuyên khoa.
ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị thay cho bác sĩ chuyên môn.
Có thể bạn quan tâm
- Dị ứng hải sản có tự khỏi không?
- Hiện tượng dị ứng hải sản ở trẻ em cha mẹ không nên xem thường
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!