Bị đau vai gáy khó thở – Có phải dấu hiệu nguy hiểm?

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Xương khớpGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

 Những người thường xuyên hoạt động không đúng tư thế, chấn thương do chơi thể thao hay tai nạn có thể bị đau vai gáy khó thở. Ngoài ra tình trạng này còn có thể xảy ra bởi một số nguyên nhân bệnh lý như rối loạn khớp, gai cột sống, thoái hóa cột sống, viêm sụn sườn… Lúc này người bệnh sẽ có cảm giác đau vai gáy, đau nhói ở lưng, đau thắt ngực kèm theo chứng khó thở, thở dốc. Đây là một tình trạng nguy hiểm cần được thăm khám can thiệp y tế càng sớm càng tốt.

Bị đau vai gáy khó thở - Có phải dấu hiệu nguy hiểm?
Tìm hiểu bị đau vai gáy khó thở có phải dấu hiệu nguy hiểm? Nguyên nhân và cách điều trị

Bị đau vai gáy khó thở do đâu? Có phải dấu hiệu nguy hiểm?

Kết quả thống kê cho thấy, phần lớn các bệnh nhân bị đau vai gáy khó thở thường cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, có cảm giác đau nhiều ở vai gáy, đau nhói ở tim, ở ngực và ở lưng. Cơn đau thường xuất hiện một cách đột ngột, đau nghiêm trọng và nhanh chóng lan rộng sang cánh tay kèm theo biểu hiện khó thở.

Ban đầu, người bệnh chỉ có cảm giác đau nhẹ hoặc thoáng qua và không kèm theo những biểu hiện khác. Tuy nhiên càng về sau, bệnh nhân càng bị đau nhiều, cơ thể mệt mỏi và khó thở. Theo các chuyên gia, đau vai gáy khó thở chính là một dấu hiệu nguy hiểm, phát sinh do nhiều nguyên nhân bệnh lý nghiêm trọng.

Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp khiến người bệnh bị đau vai gáy kèm khó thở:

1. Hoạt động không đúng tư thế

Việc hoạt động không đúng tư thế ngay cả khi đứng, ngồi, ngủ hay làm việc đều làm căng cơ và khiến cho cột sống chịu nhiều áp lực. Từ đó làm ảnh hưởng đến tủy sống, hệ thống dây thần kinh cùng các cơ quan khác dẫn đến tình trạng đau vai gáy và khiến người bệnh khó chịu. Tình trạng này thường xảy ra ở những người ít vận động như nhân viên văn phòng hoặc những người làm việc nặng, thường xuyên mang vác.

Sau một thời gian nhất định, cơn đau vai gáy sẽ gia tăng mức độ nghiêm trọng kèm theo tình trạng khó thở, người bệnh bị đau liên tục, đau nhiều và lan xuống cánh tay.

Hoạt động không đúng tư thế
Hoạt động không đúng tư thế khiến cột sống chịu nhiều áp lực, làm ảnh hưởng đến tủy sống, dây thần kinh, gây đau vai gáy khó thở

Xem thêm: Đau vai gáy ở dân văn phòng – Nguyên nhân và cách khắc phục đơn giản

2. Chấn thương

Chấn thương có thể xảy ra từ việc mang vác vật nặng không đúng tư thế, té ngã, tai nạn lao động, tai nạn xe cộ hoặc tai nạn thể thao. Khi đó xương và các khớp sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến sưng, viêm và đau nhức.

Đối với những trường hợp bị chấn thương nặng, người bệnh có thể cảm thấy cơ thể mệt mỏi, đau nhói vai gáy hoặc đau nhức âm ỉ kèm theo cảm giác nhói ở ngực. Ngoài ra cơn đau cũng có thể lan ra ở nhiều vị trí khác của cơ thể. Thường gặp nhất là tình trạng đau vai gáy lan xuống cánh tay, đau nhói cơ gáy cổ, lan xuống vùng lưng và ngực.

3. Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm có thể là nguyên nhân khiến người bệnh bị đau vai gáy khó thở. Bệnh lý này chỉ tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm cột sống bị tác động bởi một số yếu tố bên trong hoặc bên ngoài dẫn đến chệch ra khỏi vị trí vị trí bình thường. Lượng nhân nhầy thoát vị có thể xuyên qua dây chằng chèn ép vào hệ thống rễ dây thần kinh. Điều này khiến bệnh nhân bị tê bì và đau nhức.

Thoát vị đĩa đệm thường là kết quả của tình trạng sang chấn hoặc do thoái hóa đĩa đệm, đĩa đệm bị rách, nứt. Bệnh lý này có thể xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào của cột sống. Thực tế cho thấy những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thường bị đau nhức nghiêm trọng. Tùy thuộc vào vị trí bị thoát vị mà cơn đau có thể lan tỏa từ thắt lưng xuống chân (thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng) hoặc đau từ cổ lan xuống vai gáy, vùng ngực và nhiều vị trí khác (thoát vị đĩa đệm cột sống cổ).

Đối với những người bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, cơn đau có thể lan rộng đến vùng vai gáy, ngực và gây khó thở. Đặc biệt khi thực hiện những động tác nặng hoặc khi vặn mình, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói, cơ thể mệt mỏi, khó chịu, khó thở và thở gấp. Ngoài ra người bệnh cũng có thể bị đau tức nhiều ở vùng ngực và lưng. Mức độ đau sẽ tăng lên khi chạm hoặc ấn tay nhẹ.

Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm khiến rễ dây thần kinh bị chèn ép gây tê bì, đau nhức lan đến vai gáy và khó thở ở trường hợp nặng

4. Thoái hóa cột sống cổ và gai xương sống

Cột sống cổ gồm 7 đốt sống, cụ thể từ C1 đến C7. Giữa những đốt sống này là một đĩa đệm, bên cạnh đó các đốt sống còn được bao quanh bởi những dây thần kinh. Trong đó các dây thần kinh mang nhiệm vụ truyền tín hiệu. Đĩa đệm giúp nâng đỡ, bảo vệ và làm giảm áp lực, đồng thời phòng ngừa sự va chạm giữa hai đốt sống.

Khi cột sống cổ bị thoái hóa, hàm lượng canxi tồn tại trong cơ thể sẽ bị dư thừa. Lúc này các gai xương sẽ mọc ra để đáp ứng nhu cầu của cơ thể và lắp vào vị trí bị thoái hóa. Tuy nhiên sự hình thành của các gai xương sống có thể gây chèn ép, tạo áp lực và đè nén vào rễ dây thần kinh, lỗ thần kinh hẹp đáng kể. Từ đó làm phát sinh cơn đau. Cơn đau do thoái hóa cột sống cổ và gai xương sống thường nghiêm trọng, lan rộng đến nhiều vị trí của cơ thể, bao gồm cả vai gáy.

Trong trường hợp không sớm kiểm soát và điều trị, thoái hóa cột sống cổ và gai cột sống kéo dài sẽ tiến triển thành thể mãn tính, đồng thời gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Cụ thể như hội chứng cổ tim, hội chứng tủy sống, hội chứng cổ sau chấn thương. Khi đó người bệnh không chỉ nhận thấy đau nghiêm trọng ở cổ, vai gáy mà còn kèm theo biểu hiện khó thở.

Tìm hiểu thêm: Triệu Chứng Bệnh Thoái Hoá Đốt Sống Cổ và Cách Điều Trị

5. Bệnh viêm sụn sườn

Bệnh viêm sụn sườn gây ra tình trạng khó thở và đau vai gáy. Cụ thể khi bị viêm sụn sườn, người bệnh thường thở khó khăn và có thể cảm nhận được cơn đau sụn sườn ngay cả khi hít thở sâu.

Theo Y học, bệnh viêm sụn sườn còn có tên gọi khác là viêm khớp sụn sườn. Đây là một hiện tượng căng tức và đau thành ngực do các khớp nối giữa xương ức với sụn xương sườn bị tổn thương và viêm. Đối với bệnh viêm sụn sườn, tình trạng viêm xuất hiện ở những khớp sụn sườn, khớp ức sườn, khớp ức đòn hoặc viêm đồng thời ở nhiều vị trí.

Tình trạng viêm sụn sườn khiến bệnh nhân bị đau nhói. Mức độ và tần suất đau sẽ tăng lên khi bệnh nhân đè ép hoặc cử động. Bên cạnh đó khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh sẽ thường xuyên bị khó thở nghiêm trọng kèm theo tình trạng đau mỏi vai gáy.

Thông thường viêm khớp sụn sườn có thể thể tự khỏi sau vài tuần mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh nhân cần sử dụng thuốc để cải thiện cơn đau.

Bệnh viêm sụn sườn
Bệnh viêm sụn sườn khiến bệnh nhân thường xuyên bị khó thở nghiêm trọng kèm theo tình trạng đau mỏi vai gáy

6. Rối loạn khớp

Bị đau vai gáy khó thở là một trong những triệu chứng lâm sàng giúp bệnh nhân nhận biết bệnh rối loạn khớp. Thông thường khi bị rối loạn khớp người bệnh sẽ có dấu hiệu đau mỏi lưng và vùng vai gáy. Cơn đau có thể xuất hiện một cách đột ngột, đau nhói từng cơn hoặc đau âm ỉ kéo dài làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt. Điều này khiến người bệnh khó chịu, lâu ngày dẫn đến mệt mỏi và suy nhược.

Bên cạnh đó người bệnh còn thường xuyên bị đau vai gáy khó thở kèm theo biểu hiện tức ngực, chóng mặt, hoa mắt. Đồng thời khiến bệnh nhân khó chìm vào giấc ngủ, mất ngủ thường xuyên khiến sức khỏe tổng thể bị suy yếu và làm ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.

7. Áp lực cơ liên sườn

Áp lực cơ liên sườn thường xảy ra ở những người có công việc buộc phải mang vác vật nặng, đẩy kéo hàng hóa. Tuy nhiên ở một số trường hợp khác, tình trạng này xuất hiện ở những người ít vận động, ngồi lâu, làm những công việc nhẹ như nhân viên văn phòng, thợ may, tài xế lái xe.

Tương tự như nhiều bệnh xương khớp khác, việc chịu một áp lực lớn và chèn ép trong thời gian dài sẽ làm tổn thương cơ liên sườn. Điều này khiến bệnh nhân thường xuyên có cảm giác đau nhức cổ vai gáy và nhiều vị trí khác kèm theo triệu chứng khó thở và tức ngực. Cơn đau sẽ đột ngột tăng lên khi người bệnh ho mạnh hoặc hắt hơi.

Áp lực cơ liên sườn
Áp lực cơ liên sườn gây đau nhức cổ vai gáy và nhiều vị trí khác kèm theo triệu chứng khó thở và tức ngực

8. Bệnh nhồi máu cơ tim

Triệu chứng đau vai gáy khó thở thường xảy ra ở những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Lúc này người bệnh sẽ cảm nhận được cơn đau nghiêm trọng xuất hiện ở vùng ngực và vai gáy, gây khó thở và tức ở lồng ngực. Bên cạnh đó bệnh nhân còn có cảm giác tê bì bàn tay và đau nhức cánh tay.

Đối với trường hợp bị đau vai gáy khó thở do nhồi máu cơ tim, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức để kịp thời xử lý. Bởi nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể bị đột quỵ, thậm chí tử vong.

Một số triệu chứng giúp nhận biết bệnh nhồi máu cơ tim:

  • Tức căng ngực
  • Khó thở
  • Đau nhiều ở ngực, vai gáy, lưng, hàm cùng với một số vị trí khác thuộc nửa trên của cơ thể, cơn đau kéo dài trên 1 phút hoặc biến mất, sau đó quay trở lại
  • Đổ mồ hôi lạnh
  • Đột ngột chóng mặt hay choáng váng
  • Buồn nôn và nôn ói
  • Nhịp tim nhanh
  • Khả năng gắng sức bị giảm sút…

9. Bệnh phổi

Bệnh phổi là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến bệnh nhân bị đau vai gáy khó thở. Khi bị tác động bởi một nguyên nhân nào đó, phổi có thể bị tổn thương và suy giảm chức năng. Đồng thời kéo theo một loạt những vấn đề nghiêm trọng khác như căng tức ngực, đau vai gáy, khó thở, ho.

Sau khi bệnh tiến triển và chuyển sang giai đoạn nặng, người bệnh có thể thường xuyên ho ra máu, bị đau vai gáy và căng tức ngực với mức độ nghiêm trọng hơn.

Bệnh phổi
Bệnh phổi có thể làm phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng khác như căng tức ngực, đau vai gáy, khó thở, ho ra máu

Bị đau vai gáy khó thở khi nào cần đến bệnh viện?

Thực tế cho thấy, tình trạng đau vai gáy khó thở là biểu hiện của nhiều vấn đề và bệnh lý nghiêm trọng cần được sớm chẩn đoán và can thiệp điều trị y tế. Chính vì thế ngay khi tình trạng này xuất hiện, người bệnh nên liên hệ và trao đổi thông tin cùng với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị. Việc sớm áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp sẽ giúp bệnh sớm khắc phục tình trạng và phòng ngừa những rủi ro không mong muốn.

Ngoài ra người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức khi bị đau vai gáy khó thở kèm theo nhiều triệu chứng nghiêm trọng sau:

  • Tức căng ngực
  • Hơi thở nông
  • Buồn nôn và nôn ói
  • Chóng mặt, mất phương hướng
  • Nhịp tim nhanh
  • Đau nhiều ở ngực
  • Thở đau
  • Ho ra máu
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Khó thở và đau vai gáy nghiêm trọng khiến người bệnh không thể đứng thẳng hoặc ngồi vững.

Thông tin thêmĐau vai gáy khi mang thai: Nguyên nhân và cách khắc phục

Biện pháp cải thiện tình trạng đau vai gáy khó thở

Khi bị đau vai gáy khó thở, người bệnh nên quan sát những biểu hiện đi kèm, sau đó đến bệnh viện và thăm khám để được kịp thời chẩn đoán và điều trị. Thông thường sau khi có kết quả chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được sử dụng một số loại thuốc phù hợp với tình trạng và nguyên nhân gây bệnh hoặc áp dụng một số biện pháp can thiệp khác nếu cần thiết.

Ngoài ra để nâng cao hiệu quả điều trị của các phương pháp, giúp tình trạng đau vai gáy khó thở nhanh chóng thuyên giảm và phòng ngừa tái phát, người bệnh cần áp dụng thêm một số biện pháp dưới đây. Cụ thể:

1. Áp dụng bài tập vật lý trị liệu

Bên cạnh việc sử dụng thuốc và áp dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu khác, người bệnh cần sử dụng thêm một số bài tập vật lý trị liệu theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, giúp khắc phục các triệu chứng và nguyên nhân bệnh lý trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên việc lựa chọn các bài tập và phương thức tập luyện cần nghe theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh cần tránh tự ý áp dụng các bài tập để phòng ngừa luyện tập sai cách và gây ra những vấn đề không mong muốn.

2. Massage và xoa bóp nhẹ nhàng vùng vai gáy

Cơn đau sẽ cải thiện một cách đáng kể khi người bệnh tiến hành massage và xoa bóp nhẹ nhàng vùng vai gáy. Hoạt động massage và xoa bóp nhẹ nhàng sẽ giúp quá trình lưu thông máu diễn ra tốt hơn, hệ thống dây thần kinh, dây chằng cùng các bó cơ sẽ được thư giãn, đồng thời thoát khỏi sự chèn ép và giảm đau hiệu quả.

Bên cạnh đó việc massage và xoa bóp nhẹ nhàng vùng vai gáy, lưng và ngực còn giúp người bệnh dễ thở hơn, mang đến cảm giác dễ chịu, thoải mái. Biện pháp này phù hợp với những bệnh nhân có đĩa đệm bị thoát vị và chèn ép lên các dây thần kinh, chấn thương, rối loạn khớp, viêm sụn sườn, gai xương sống và thoái hóa cột sống.

Để nâng cao hiệu quả trong việc giảm đau, giảm khó thở và mang lại cảm giác dễ chịu, bạn có thể tiến hành massage và xoa bóp vùng vai gáy với một ít tinh dầu thảo dược. Một số loại tinh dầu giúp giảm đau hiệu quả gồm tinh dầu tràm trà, tinh dầu oải hương, tinh dầu bạc hà, tinh dầu gừng, tinh dầu hương thảo, tinh dầu bạch đàn, tinh dầu sả chanh, tinh dầu đàn hương, tinh dầu lộc đề xanh…

Massage và xoa bóp nhẹ nhàng vùng vai gáy
Massage và xoa bóp nhẹ nhàng vùng vai gáy giúp giảm đau hiệu quả, mang đến cảm giác dễ chịu, thoải mái cho cơ thể

Xem thêm: Mẹo xoa bóp chữa đau vai gáy do tư thế cực đơn giản

3. Chườm ấm

Chườm ấm có tác dụng giảm đau hiệu quả, mang đến cảm giác dễ chịu và cải thiện tình trạng khó thở cho người bệnh. Bên cạnh đó nhiệt độ cao từ biện pháp này còn có tác dụng làm thư giãn cơ, dây chằng, giãn nở mạch máu và kích thích quá trình lưu thông máu về xương khớp. Từ đó giúp các khớp xương hoạt động hiệu quả, phòng ngừa phát sinh cơn đau, thoái hóa khớp sớm và những vấn đề nghiêm trọng.

Biện pháp chườm ấm phù hợp với hầu hết các trường hợp bị đau nhức xương khớp. Đặc biệt biện pháp này sẽ mang đến hiệu quả giảm đau cao đối với những người bị đau vai gáy khó thở do vận động không đúng tư thế, viêm sụn sườn, áp lực lên cơ liên sườn, rối loạn khớp, chấn thương.

4. Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý

Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể là một trong những biện pháp giúp giảm đau vai gáy và phòng ngừa các bệnh lý về xương khớp hiệu quả. Bởi việc tăng cường bổ sung canxi, axit béo omega-3, vitamin (đặc biệt là vitamin D) cùng những thành phần có lợi khác sẽ giúp người bệnh nâng cao sức khỏe tổng thể, cải thiện độ bền và sự dẻo dai cho xương khớp, nâng cao sức chịu đựng, giảm đau, phòng ngừa tình trạng thoái hóa xương khớp sớm.

Vì thế người bệnh cần thêm vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày các loại rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu canxi (sữa, sữa chua, phô mai, hạnh nhân, các loại đậu, tôm, cua, cá mòi, cá hồi…), thực phẩm giàu vitamin D (hàu, tôm, cá hồi, cá trích, dầu gan cá tuyết, lòng đỏ trứng, nấm…), thực phẩm giàu axit béo omega-3 (các loại cá béo), thực phẩm giàu protein (ức gà, yến mạch, bông cải xanh, trứng, hạnh nhân…)

Bên cạnh đó những người bị đau vai gáy khó thở cần uống đủ nước để đảm bảo hoạt động của các cơ quan diễn ra suôn sẻ, thanh lọc, cơ thể, đào thải độc tốt giúp bệnh nhân thở đều và dễ chịu hơn.

Ngoài những loại thực phẩm cần bổ sung, người bệnh cần tránh sử dụng những loại thực phẩm, thức uống có khả năng làm tăng nguy cơ thoái hóa sụn khớp, kích thích phản ứng viêm và làm nặng hơn các nguyên nhân gây đau vai gáy khó thở. Cụ thể: Các loại rượu bia, thuốc lá, thức uống chứa chất kích thích, thực phẩm nhiều đường hoặc nhiều muối, thực phẩm cay nóng, thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp, chứa chất bảo quản…

Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Cải thiện tình trạng đau vai gáy khó thở bằng cách xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết

Bạn cần biết: Người bị đau vai gáy nên ăn gì tốt? 6 nhóm thực phẩm vàng

5. Kiểm soát căng thẳng, lạc quan và suy nghĩ tích cực

Kiểm soát căng thẳng, lạc quan và suy nghĩ tích cực chính là một trong những yếu tố có khả năng tác động đến hiệu quả điều trị của các phương pháp, giúp sớm khắc phục bệnh lý, phòng ngừa tái phát hoặc phát sinh những vấn đề không mong muốn.

Chính vì thế trong và sau quá trình điều trị bệnh, người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực, lo âu quá mức, ổn định tinh thần để quá trình chữa bệnh diễn ra suôn sẻ hơn, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

6. Thay đổi thói quen sinh hoạt, tăng cường luyện tập thể dục

Tương tự như chế độ dinh dưỡng và yếu tố tâm lý, việc thay đổi thói quen sinh hoạt, tăng cường luyện tập thể dục rất cần thiết cho những bệnh nhân có vấn đề về xương khớp, thường xuyên bị đau vai gáy khó thở. Để hỗ trợ quá trình điều trị nguyên nhân gây đau vai gáy khó thở và phòng ngừa tái phát, người bệnh nên tuân thủ những điều sau đây:

  • Ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày, nên ngủ trước 23 giờ để đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, hoạt động của các cơ quan diễn ra suôn sẻ.
  • Tránh làm việc gắng sức, tránh mang vác vật nặng hoặc vật cồng kềnh.
  • Dành thời gian thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt nên nằm nghỉ khi cơn đau và tình trạng khó thở xuất hiện.
  • Tránh ngồi lâu một chỗ, ít vận động, nên đi lại sau từ 1 – 2 tiếng đồng hồ ngồi làm việc.
  • Thường xuyên vận động, xây dựng thói quen luyện tập thể thao mỗi ngày. Người bệnh có thể bơi lội, tập yoga, đi bộ, chạy bộ… để vừa nâng cao sức khỏe tổng thể, vừa nâng cao sức khỏe xương khớp và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.
Thay đổi thói quen sinh hoạt, tăng cường luyện tập thể dục
Thay đổi thói quen sinh hoạt, tăng cường luyện tập thể dục giúp phòng ngừa và cải thiện tình trạng đau vai gáy khó thở

Bài viết là thông tin giúp tổng hợp các nguyên nhân khiến bệnh nhân bị đau vai gáy khó thở, hướng xử lý và điều trị hiệu quả. Từ những thông tin này có thể thấy, đau vai gáy khó thở là một tình trạng nguy hiểm, xảy ra do nhiều bệnh lý nghiêm trọng cần được khám và điều trị y tế ngay lập tức. Tuy nhiên ở một số trường hợp khác, cơn đau có thể phát sinh do người bệnh hoạt động sai tư thế.

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng xử lý thích hợp, người bệnh nên thăm khám cùng với bác sĩ chuyên khoa ngay khi cơn đau kèm theo tình trạng khó thở xuất hiện.

Có thể bạn quan tâm

Đau nửa đầu vai gáy do nguyên nhân nào? Uống thuốc gì để điều trị?

Đau nửa đầu vai gáy là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Bên cạnh đó, bệnh xảy ra...

Lợi ích của ngải cứu trong việc chữa đau vai gáy

6 cách chữa đau vai gáy bằng ngải cứu hiệu quả nhanh

Chữa đau vai gáy bằng ngải cứu là mẹo chữa nhân gian được nhiều người tin tưởng, áp dụng. Với...

Bị đau vai gáy nên đi khám và chữa ở đâu tốt?

Khám chữa bệnh ở đâu uy tín và hiệu quả cũng chính là thắc mắc của đa số bệnh nhân...

Mẹo chữa đau vai gáy tại nhà không cần uống thuốc

Đau mỏi vai gáy là tình trạng xảy ra khá phổ biến hiện nay và thường gặp ở những người...

Bà bầu bị đau lưng có nên đấm lưng không là vấn đề có không ít người băn khoăn

Bà bầu bị đau lưng có nên đấm lưng, xoa bóp lưng không?

Đau lưng khi mang thai là tình trạng mà hầu như bà bầu nào cũng gặp phải, nhất là vào...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *