Bệnh Thoái Hoá Đốt Sống Cổ
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ xảy ra khi đĩa đệm, dây chằng, đốt sống bị tổn thương và thay đổi về cấu trúc do ảnh hưởng của quá trình lão hóa. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi với triệu chứng đặc trưng là đau, cứng vùng cổ và giới hạn khả năng vận động.
Tổng quan
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ (Cervical Spondylosis) là một trong những dạng thoái hóa cột sống thường gặp. Thuật ngữ này được sử dụng để đề cập đến tình trạng cột sống thoái hóa với những đặc điểm như mô sụn bị bào mòn gây lộ xương dưới sụn, đĩa đệm mất nước, giảm khả năng đàn hồi và hình thành gai xương.
Cột sống cổ bao gồm 7 đốt từ C1 cho đến C7. Thoái hóa đốt sống cổ có thể xảy ra ở bất cứ đốt sống nào nhưng phổ biến ở vị trí C2, C3, C4 và C5. Đây là vị trí phải chịu áp lực khá lớn từ các hoạt động như xoay cổ, quay đầu, cúi gập cổ.
Thực tế, thoái hóa là kết quả tự nhiên do ảnh hưởng của quá trình lão hóa. Vì vậy, hầu hết người cao tuổi (khoảng 85%) đều có biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ. Tuy nhiên, mức độ thoái hóa phụ thuộc nhiều vào cơ địa và lối sống. Hiện nay, thoái hóa cột sống nói chung và thoái hóa đốt sống cổ nói riêng đang có khuynh hướng trẻ hóa do thói quen lười vận động, ăn uống thiếu khoa học.
Phân loại bệnh
Thoái hóa đốt sống cổ được chia thành nhiều loại dựa vào vị trí thoái hóa. Bệnh được phân loại như sau:
- Thoái hóa đốt sống cổ C1, C2, C3
- Thoái hóa đốt sống cổ C3, C4, C5
- Thoái hóa đốt sống cổ C5, C6, C7
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ vô cùng đa dạng nhưng tất cả đều có liên quan đến quá trình lão hóa. Khi tuổi tác cao, tất cả các cơ quan bao gồm cả cột sống sẽ có những thay đổi về giải phẫu và tính chất.
Cột sống cổ sẽ có hiện tượng giảm độ đàn hồi do đĩa đệm mất nước, màng bao đĩa đệm bị xơ hóa, hình thành gai xương, dây chằng cứng, kém linh hoạt, sụn bảo vệ các đốt sống bị bào mòn.
Những thay đổi của cột sống khi tuổi tác gia tăng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ. Tuy nhiên, quá trình này có thể xảy ra sớm với tốc độ nhanh hơn khi có những yếu tố thuận lợi như:
- Ít vận động: Thói quen lười vận động là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ. Không vận động trong thời gian dài sẽ khiến cho cột sống giảm tính linh hoạt, đĩa đệm trở nên xơ cứng, kém đàn hồi. Thói quen này thúc đẩy tốc độ lão hóa của cột sống khiến cho quá trình thoái hóa diễn ra sớm hơn.
- Lao động nặng: Người làm các công việc chân tay, thường xuyên phải mang vác nặng cũng có nguy cơ cao bị thoái hóa cột sống. Mang vác nặng sẽ làm tăng mức độ chèn ép lên vùng cổ vai gáy khiến cho đốt sống, sụn, đĩa đệm và dây chằng đều bị tổn thương.
- Chấn thương cổ: Chấn thương là điều kiện để quá trình thoái hóa diễn ra nhanh chóng. Đặc biệt trường hợp chấn thương tái đi tái lại hoặc chấn thương nặng nhưng không tích cực phục hồi chức năng sẽ khiến cho cột sống cổ hình thành gai xương, giảm tính linh hoạt, đàn hồi kém.
- Di truyền: Di truyền là một trong những yếu tố góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Các chuyên gia lý giải, gen quy định cấu trúc, giải phẫu cột sống. Vì vậy, nếu gia đình có người mắc chứng này, nguy cơ sẽ cao hơn so với bình thường.
- Béo phì - thừa cân: Đốt sống cổ ít phải chịu áp lực hơn so với đốt sống thắt lưng. Tuy nhiên, cân nặng vượt mức sẽ gia tăng áp lực lên vai gáy khiến cho quá trình nuôi dưỡng cột sống bị gián đoạn. Cột sống vì thế không được tái tạo, phục hồi thường xuyên gây ra hiện tượng thoái hóa và giảm chức năng.
- Lối sống thiếu khoa học: Tốc độ thoái hóa cột sống có thể gia tăng nếu thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích. Ngoài ra, chế độ ăn ít chất xơ, nhiều đường, gia vị cũng có liên quan đến căn bệnh này.
Trước đây, thoái hóa đốt sống cổ thường chỉ khởi phát ở người từ 50 tuổi trở lên, tốc độ thoái hóa chậm nên triệu chứng chỉ rõ ràng khi bước sang tuổi 60. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người đã có dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ ngay từ giai đoạn 30 - 40 tuổi do lối sống thiếu khoa học.
Triệu chứng và chẩn đoán
Thoái hóa cột sống nói chung và thoái hóa đốt sống cổ nói riêng đều đặc trưng bởi cơn đau có tính chất cơ học. Cơn đau thường xuất hiện ở vị trí đốt sống bị thoái hóa, mức độ đau tăng lên khi vận động nặng hoặc ngồi, nằm quá lâu.
Để kịp thời thăm khám, cần nhận biết sớm thoái hóa đốt sống cổ qua những dấu hiệu sau:
- Vùng cổ đau nhức, có thể đau dữ dội hoặc đau âm ỉ, kéo dài.
- Một số trường hợp cơn đau lan xuống vai, lưng dưới hoặc lan lên vùng tai, đầu.
- Cơn đau thường bùng phát khi thời tiết thay đổi, ngồi hoặc nằm lâu. Những yếu tố này khiến cho cơn đau gia tăng mức độ, nếu nghỉ ngơi tình trạng đau cổ sẽ thuyên giảm rõ rệt.
- Trường hợp đã hình thành gai cột sống có thể gây chèn ép rễ thần kinh, gây ra tê bì, yếu cơ và ngứa ran ở vùng cổ, cánh tay, bàn tay.
- Thoái hóa đốt sống cổ làm giảm khả năng vận động, đặc biệt là hoạt động cúi - ngửa cổ, xoay đầu…
Các triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ không quá đặc trưng và gần như không có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu. Tình trạng đau cổ thường bị nhầm lẫn với căng cơ do sai tư thế hoặc do chấn thương. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài, đau dữ dội… việc thăm khám là cần thiết.
Thoái hóa đốt sống cổ làm thay đổi cấu trúc của các cơ quan như đốt sống, sụn, dây chằng, đĩa đệm nên sẽ gây đau kèm theo hạn chế vận động. Các triệu chứng của bệnh không thực sự điển hình. Do đó, ngoài khám lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu ghi điện cơ, chụp X-Quang, CT, MRI để quan sát chi tiết cột sống.
Biến chứng và tiên lượng
Thoái hóa cột sống nói chung và thoái hóa đốt sống cổ nói riêng là gần như không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu chỉ do tuổi tác, thoái hóa thường diễn ra với tốc độ chậm, mức độ đau không đáng kể. Tích cực điều trị có thể giảm đau và tăng tính linh hoạt cho cột sống.
Thoái hóa đốt sống cổ không được điều trị gây đau nhiều, ảnh hưởng đến khả năng vận động và làm gián đoạn, cản trở các hoạt động thường ngày. Gai xương có thể chèn ép rễ thần kinh gây tê bì, dị cảm, nóng rát. Một số trường hợp còn gây chèn ép mạch máu khiến cho lưu lượng máu lên não giảm, kéo theo một loạt các vấn đề như thiếu máu não, mất ngủ, mệt mỏi, giảm trí nhớ.
Thoái hóa đốt sống cổ không quá nguy hiểm nhưng cần được thăm khám và điều trị sớm. Dù không thể ngăn chặn hoàn toàn hiện tượng thoái hóa, song tích cực điều trị sẽ giúp bảo tồn chức năng của cột sống, hạn chế các biến chứng như dính cột sống, cong vẹo cột sống, tàn phế.
Điều trị
Lựa chọn khi điều trị thoái hóa cột sống cổ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Trường hợp nhẹ và vừa sẽ được ưu tiên điều trị bằng các phương pháp bảo tồn. Phẫu thuật chỉ được cân nhắc khi điều trị nội khoa thất bại, rễ thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng.
Các lựa chọn khi điều trị thoái hóa đốt sống cổ bao gồm:
Sử dụng thuốc
Thuốc dùng cho bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ chủ yếu là thuốc giảm đau, kháng viêm. Trường hợp đau nhiều sẽ được cân nhắc dùng một số loại thuốc khác. Vì thoái hóa đốt sống cổ gây cản trở tuần hoàn máu lên não và các bó cơ ở vai gáy nên đôi khi được dùng thêm một số viên uống hỗ trợ.
Các loại thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ thông dụng bao gồm:
- Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau được sử dụng với mục đích giảm cơn đau ở vùng cổ. Lựa chọn ưu tiên luôn là Paracetamol, trường hợp đau nhiều có thể kết hợp với các loại thuốc giảm đau gây nghiện (opioid) nhẹ như Tramadol.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID có tác dụng giảm đau và chống viêm. Nhóm thuốc này có chỉ định khá rộng, hiệu quả với cơn đau nhẹ và vừa. Ngoài ra, thuốc còn giúp giảm tình trạng viêm do cột sống chèn ép lên dây chằng và do gai xương kích thích lên mô mềm xung quanh.
- Corticoid: Corticoid được sử dụng ở dạng uống hoặc tiêm. Thuốc có tác dụng chống viêm mạnh nhưng nhiều tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết. Nếu dùng ở đường uống, Prednisone là loại được sử dụng phổ biến.
- Thuốc giãn cơ: Thoái hóa đốt sống cổ có thể gây đau cho chèn ép vào các bó cơ khiến co cứng. Vì thế, sử dụng thuốc giãn cơ giúp ích đáng kể trong việc cải thiện cơn đau ở vùng cổ và bả vai. Hiện nay, Cyclobenzaprine là loại thuốc giãn cơ được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ.
- Một số loại thuốc khác: Trường hợp không có đáp ứng với những loại thuốc trên sẽ được cân nhắc dùng thuốc chống co giật, thuốc chống trầm cảm, tiêm thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh…
- Viên uống hỗ trợ: Glucosamine, Chondroitin, viên uống chiết xuất lá bạch quả… có thể được sử dụng để hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ. Lưu ý là nên trao đổi trước với bác sĩ để được tư vấn về liều lượng. Tránh dùng bừa bãi gây ra nhiều tác dụng phụ và không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Vật lý trị liệu
Dùng thuốc chỉ có tác dụng giảm đau, tê bì, hiệu quả làm chậm quá trình thoái hóa không thật sự rõ rệt. Do đó, trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ đều khuyến khích kết hợp thêm với vật lý trị liệu.
Vật lý trị liệu bao gồm nhiều phương pháp khác nhau có hiệu quả giảm đau, cứng cổ, tăng cường tuần hoàn máu, qua đó thúc đẩy nuôi dưỡng và tăng tính linh hoạt cho cột sống. Vận động trị liệu sẽ giúp tăng cường, bảo tồn chức năng của cột sống, hạn chế biến chứng cột sống cong vẹo, biến dạng.
Các phương pháp vật lý trị liệu được áp dụng cho bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ bao gồm:
- Kéo giãn làm giảm áp lực cột sống
- Xoa bóp bấm huyệt
- Châm cứu
- Vận động trị liệu
- Trị liệu bằng laser, sóng xung kích, siêu âm
Vật lý trị liệu nên được thực hiện theo liệu trình để đạt kết quả tốt nhất. Trong đó, vận động trị liệu chủ động nên được thực hiện trong thời gian dài để cải thiện chức năng cột sống và làm chậm quá trình thoái hóa.
Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp điều trị bảo tồn thất bại và đã xuất hiện các biến chứng do chèn ép rễ thần kinh như tê bì, yếu liệt chi trên. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp như cắt gai xương, thay đĩa đệm, chỉnh hình cột sống,...
ĐỌC NGAY: Phương pháp mổ thoái hóa cột sống và chi phí thực hiện?
Phòng ngừa
Như đã đề cập, thoái hóa đốt sống cổ là kết quả tất yếu của quá trình lão hóa. Khi tuổi tác gia tăng, cột sống và các khớp xương sẽ không tránh khỏi hiện tượng thoái hóa. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thông qua một số biện pháp sau:
- Tập thể dục thường xuyên là biện pháp hữu hiệu nhất giúp phòng ngừa thoái hóa cột sống nói chung và thoái hóa đốt sống cổ. Nên lựa chọn các bài tập, bộ môn có cường độ phù hợp với thể trạng và độ tuổi.
- Thay đổi những thói quen xấu như nằm, ngồi quá lâu, điều chỉnh các tư thế làm tăng áp lực lên cổ và vai.
- Nếu làm các công việc phải mang vác nặng, nên trị liệu nghề nghiệp để được hướng dẫn điều chỉnh tư thế làm việc. Qua đó hạn chế áp lực, căng thẳng lên đốt sống và cơ vùng vai gáy.
- Người làm công việc văn phòng nên đi lại nhẹ nhàng sau 2 giờ làm việc. Có thể thực hiện thêm các bài tập dành riêng cho vùng cổ, vai gáy để hạn chế đau nhức và làm chậm quá trình thoái hóa.
- Điều trị tích cực chấn thương cổ và chủ động tránh các môn thể thao có thể khiến chấn thương tái phát.
- Điều chỉnh cân nặng trong trường hợp thừa cân, béo phì.
- Tổ chức lại lối sống, hạn chế dùng rượu bia, cai thuốc lá, giảm lượng đường, muối, chất béo trong chế độ ăn.
- Khám tổng quát 1 - 2 lần/ năm để kịp thời phát hiện những bất thường ở hệ thống xương khớp.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không?
2. Bị thoái hóa đốt sống cổ có chữa khỏi được không?
3. Có nên tập gym khi bị thoái hóa đốt sống cổ?
4. Bị thoái hóa đốt sống cổ nên ăn gì, kiêng gì?
5. Bị thoái hóa đốt sống cổ kèm đau đầu, chóng mặt phải làm sao?
6. Bị thoái hóa đốt sống cổ có nên nằm gối không?
7. Bị thoái hóa đốt sống cổ nên uống Glucosamine, Canxi không?
8. Thoái hóa đốt sống cổ có cần mổ không? Khi nào cần phẫu thuật?
9. Bị thoái hóa đốt sống cổ có nên chạy bộ, đi bộ, bơi không?
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở người cao tuổi nhưng hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa. Ngoài điều trị triệu chứng, nên tích cực vận động để bảo tồn chức năng vận động. Tránh biến chứng cong vẹo cột sống gây tàn phế, yếu liệt chi trên.
Thông tin hữu ích:
- Phương pháp chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng diện chẩn
- Bài tập Yoga chữa thoái hóa đốt sống cổ hiệu quả, dễ thực hiện