Đau bả vai (trái – phải): Nguyên nhân và cách điều trị

Đau bả vai (trái – phải) có thể xảy ra và kéo dài do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể cơn đau có thể xuất hiện do chấn thương, bả vai chịu nhiều áp lực, tai nạn, thường xuyên sử dụng vai do tính chất công việc. Ngoài ra cơn đau cũng có thể phát sinh từ một số bệnh xương khớp thường gặp như thoái hóa khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp và một số vấn đề khác cần được tiến hành điều trị y tế càng sớm càng tốt. 

Đau bả vai (trái - phải)
Nguyên nhân gây đau bả vai (trái – phải), cách phòng ngừa và điều trị

Nguyên nhân gây đau bả vai

Khớp vai được xác định là một khớp lớn và quan trọng đối với cơ thể, khớp có tính linh hoạt và chuyển động rộng. Chính vì thế khớp này rất dễ bị tổn thương, căng thẳng và chịu nhiều áp lực. Theo kết quả nghiên cứu, có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân bị đau bả vai trái hoặc phải. Tuy nhiên dưới đây là những nguyên nhân phổ biến, bao gồm:

1. Chấn thương vai

Chấn thương vai là nguyên nhân thường gặp khiến bệnh nhân thường xuyên có dấu hiệu đau nhức bả vai trái hoặc phải. Thông thường bả vai sẽ bị ảnh hưởng bởi những chấn thương sau:

  • Trật khớp: Trật khớp sẽ xảy ra khi vai của người bệnh đột ngột bị xoay quá mức hoặc bị kéo mạnh. Điều này khiến cho xương bả vai (một hoặc nhiều phần) trượt ra khỏi vị trí ban đầu dẫn đến trật và gây đau. Đối với trường hợp này, bệnh nhân sẽ thường xuyên có cảm giác đau nhức, sưng đỏ nhẹ và mất sức mạnh ở vai. Dù ít gặp nhưng bệnh nhân có thể có cảm giác tê và bầm tím ở vai.
  • Trật khớp cùng – đòn: Trật khớp cùng – đòn là một dạng chấn thương làm ảnh hưởng đến cả xương bả vai và xương đòn. Thông thường tình trạng này sẽ phát sinh từ một cú té ngã khiến dây chằng bị rách, xương đòn trật ra khỏi vị trí vốn có của nó. Đối với trường hợp trật khớp cùng – đòn, bệnh nhân sẽ có cảm giác sưng và đau ở vai bị ảnh hưởng.
  • Tổn thương sụn: Người bệnh có thể bị đau bả vai trái hoặc phải do bị rách hoặc tổn thương các sụn xung quanh khớp vai. Thông thường, tình trạng này sẽ xuất hiện ở những người thường xuyên sử dụng khớp vai, lặp lại động tác nhiều lần trong thời gian dài. Ngoài ra tình trạng rách sụn dẫn đến đau bả vai cũng có thể xảy ra khi người bệnh đột ngột tác động một lực lên vai hoặc tá ngã. Mức độ đau nhức sẽ tăng lên khi người bệnh thực hiện động tác nâng tay lên cao hoặc cố gắng đưa tay qua đầu. Ở một số trường hợp nghiêm trọng người bệnh có thể bị cứng khớp vai và cảm thấy mất sức lực.
  • Gãy xương: Nếu đột ngột chịu tác động mạnh hoặc va đập, người bệnh có thể bị nứt hoặc bị gãy xương vai. Đối với trường hợp này, xương cánh tay trên và xương đòn thường chịu ảnh hưởng. Khi bị gãy xương, người bệnh sẽ nhận thấy bên vai bị ảnh hưởng có dấu hiệu bầm tím và đau đớn. Ngoài ra nếu xương đòn bị ảnh hưởng và bị gãy, người bệnh không thể nâng được cánh tay và vai bị chùng xuống.
  • Rách cơ xoay khớp vai: Cơ xoay khớp vai đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định cánh tay, giúp hoạt động nâng tay lên cao diễn ra dễ dàng. Tuy nhiên những tổn thương xuất hiện có thể làm giảm chức năng của cơ xoay khớp vai, khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nâng đồ vật và đau nhức. Ngoài ra, cơ xoay khớp vai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi quá trình thoái hóa tự nhiên.
Gãy xương
Gãy xương khiến bệnh nhân bị bầm, sưng và đau nhức nghiêm trọng ở bả vai

2. Viêm bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch là các túi nằm tại các khớp, bên trong chứa đầy chất lỏng. Những túi này có tác dụng làm giảm áp lực, chống va đập và giảm tổn thương ở khớp vai. Khi bao hoạt dịch gặp vấn đề hoặc bị tổn thương do va chạm trực tiếp hoặc bị té ngã, tình trạng viêm sưng sẽ xảy ra kèm theo cảm giác đau nhức. Ngoài ra tình trạng viêm bao hoạt dịch cũng có thể xảy ra khi người bệnh lặp lại nhiều lần các hoạt động.

Những triệu chứng của bệnh Viêm bao hoạt dịch khớp vai gồm;

  • Có cảm giác đau nhức ở bả vai phải hoặc trái, khi ấn vào hoặc khi di chuyển cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn
  • Khớp sưng và tấy đỏ
  • Cứng khớp
  • Có thể xuất tiết dịch nhiều dẫn đến trào dịch khớp hoặc ứ dịch trong bao hoạt dịch
  • Gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển vai.

3. Hội chứng vai đông lạnh

Hội chứng vai đông lạnh thể hiện cho tình trạng đau và cứng ở vai. Nếu không sớm điều trị với các phương pháp phù hợp, những triệu chứng của bệnh sẽ diễn ra thường xuyên và trở nên nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng vai đông lạnh vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên nguy cơ phát sinh hội chứng này sẽ tăng cao khi bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, bệnh Parkinson hoặc bệnh rối loạn tuyến giáp.

Thông thường, sau 18 tháng xuất hiện, hội chứng vai đông lạnh và các triệu chứng có thể tự cải thiện mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được chăm sóc y tế. Từ đó giúp ngăn ngừa biến chứng và cải thiện phạm vi hoạt động.

Hội chứng vai đông lạnh thể hiện cho tình trạng đau và cứng ở vai
Hội chứng vai đông lạnh thể hiện cho tình trạng đau và cứng ở vai

4. Viêm khớp dạng thấp

Khi hệ thống miễn dịch gặp vấn đề và tấn công vào các lớp lót, bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ xuất hiện. Thông thường bệnh lý này sẽ làm ảnh hưởng đến các khớp nhỏ, điển hình như các khớp ngón tay. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khác, bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ xuất hiện ở khớp vai, đầu gối và khớp cổ tay.

Ngoài ra người bệnh có thể nhận biết tình trạng viêm khớp dạng thấp dựa vào những dấu hiệu sau:

  • Đau: Tình trạng viêm khiến các khớp trở nên suy yếu và nhạy cảm hơn, đồng thời căng hơn và dễ dàng phát sinh cơn đau ở các khớp bị viêm.
  • Cứng khớp: Cứng khớp thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Thông thường các khớp sẽ có dấu hiệu mềm ra sau khi tình trạng co cứng xuất hiện trên một giờ.
  • Nóng da: Vùng da xung quanh khớp bị viêm sẽ ấm hơn vùng da xung quanh.
  • Đỏ da: Da ngay tại khu vực có khớp bị viêm thường chuyển sang màu hồng nhạt hoặc có dấu hiệu đỏ hơn so với những vùng da xung quanh.

Khi viêm khớp dạng thấp xảy ra ở khớp vai, người bệnh sẽ thường xuyên có cảm giác đau nhức bả vai kèm theo hiện tượng co cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Đối với bệnh lý này, tình trạng viêm, đau và co cứng sẽ xuất hiện đều ở cả hai bên.

5. Chấn thương đám rối cánh tay

Đám rối cánh tay gồm rất nhiều dây thần kinh xếp theo dạng mạng lưới. Những dây thần kinh này có tác dụng nhận tín hiệu từ tủy sống đến hai vai, hai cánh tay và hai bàn tay. Chính vì thế, khi xuất hiện chấn thương ở bất kỳ đám rối cánh tay nào, dây thần kinh sẽ bị kéo căng và chèn ép. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, các dây thần kinh có thể tách khỏi tủy sống, chấn thương hoặc bị rách.

Đối với trường hợp bị chấn thương đám rối cánh tay, người bệnh sẽ thường xuyên có cảm giác đau bả vai bên phải hoặc bên trái. Tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của chấn thương, cơn đau có thể nhẹ hoặc đau nặng khiến người bệnh khó khăn trong việc di chuyển vai. Thông thường tình trạng này chỉ làm ảnh hưởng một bên vai và cánh tay.

Ngoài ra đối với những trường hợp nghiêm trọng, chấn thương có thể khiến cơ bắp yếu dần và mất đi khả năng sử dụng vai, cánh tay hay thậm chí là tàn tật vĩnh viễn nếu không được xử lý tốt và kịp thời. Do đó ngay khi bị chấn thương và nhận thấy cơn đau phát sinh kèm theo tình trạng mất sức lực ở cánh tay, đau cổ, người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị y tế ngay lập tức.

Chấn thương đám rối cánh tay
Chấn thương đám rối cánh tay khiến dây thần kinh bị kéo căng, bị chèn ép và làm phát sinh cơn đau bả vai

6. Thoái hóa khớp vai

Sụn xuất hiện xung quanh khớp với nhiệm vụ bảo vệ và bao phủ các đầu xương. Tuy nhiên phần sụn có thể bị bào mòn và tổn thương do quá trình thoái hóa khớp vai. Từ đó làm phát sinh tình trạng co cứng khớp và đau vai.

Thoái hóa khớp thường nhanh chóng tiến triển và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Đặc biệt những người có tiền sử bị chấn thương vai do tai nạn hoặc do hoạt động thể thao sẽ có nhiều triệu chứng khó chịu và đau nhiều hơn sau vài năm.

Tình trạng thoái hóa khớp vai khiến bệnh nhân bị đau nhức sâu bên trong vai, làm suy giảm chức năng và các hoạt động quan trọng của vai. Theo thời gian, người bệnh sẽ có cảm giác co cứng khớp tại bên vai bị thoái hóa, thậm chí mất khả năng vươn tay ra sau lưng.

7. Viêm khớp nhiễm khuẩn

Viêm khớp nhiễm khuẩn xuất hiện khiến bệnh nhân có cảm giác đau tại bả vai, khó khăn trong việc sử dụng các khớp hoặc di chuyển. Bên cạnh đó vai bị ảnh hưởng có thể bị đỏ, sưng, cảm giác khi sờ vào ấm hơn so với những vùng da xung quanh.

Nhiễm trùng khớp có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên thường gặp hơn ở trẻ sơ sinh và người lớn tuổi. Bên cạnh đó khớp gối thường là khớp chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Tuy nhiên tình trạng viêm nhiễm có thể xuất hiện ở cả khớp vai, hông và nhiều khớp khác.

Tình trạng viêm khớp nhiễm khuẩn có thể nhanh chóng tiến triển trong thời gian ngắn, khiến xương và sụn ở các khớp bị hỏng. Chính vì thế, nếu có nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị.

Viêm khớp nhiễm khuẩn 
Viêm khớp nhiễm khuẩn khiến bệnh nhân bị đau ở bả vai, khó khăn trong việc sử dụng các khớp hoặc di chuyển

8. Viêm gân

Gân ở vai bị viêm hoặc bị kích thích cơ thể dẫn đến những cơn đau nghiêm trọng kèm theo cảm giác co cứng, khó khăn trong việc chuyển động. Tình trạng viêm gân có thể xuất hiện ở nhiều khớp khác nhau nhưng thường phổ biến ở các gân quanh hai vai, cổ tay, khuỷu tay, gót chân và đầu gối.

Khi bị viêm gân ở khớp vai, người bệnh có thể nhận thấy những triệu chứng sau:

  • Đau âm ỉ ở vùng bả vai, đặc biệt là khi sử dụng vai hoặc di chuyển cánh tay
  • Sưng nhẹ ở khớp bị ảnh hưởng.

Đa số những trường hợp bị viêm gân có thể thuyên giảm bằng các biện pháp tự chăm sóc tại nhà như chườm nóng, xoa dầu nóng hoặc dùng miếng dán giảm đau. Tuy nhiên bạn có thể liên hệ với bác sĩ chuyên khoa nếu cơn đau làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày, các triệu chứng diễn ra dai dẳng không có dấu hiệu thuyên giảm.

9. Chấn thương tủy sống

Chấn thương tủy sống có thể là nguyên nhân khiến bả vai bên trái hoặc bên phải hoặc cả hai bên vai bị đau kèm theo nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Sau chấn thương, người bệnh có thể bị đau ở bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên cơn đau thường xuất hiện và đau nhiều trong vòng 5 năm đầu.

Những cơn đau phát sinh từ tình trạng chấn thương cột sống sẽ thường xuyên diễn ra và tăng mức độ nghiêm trọng khi người bệnh sử dụng lực ở tay, ở vai lẫn cột ống như đẩy xe lăn lên dốc, di chuyển hàng hóa, vươn vai…

10. Đau tim

Mặc dù không phổ biến nhưng đau tim có thể là nguyên nhân khiến tình trạng đau nhức bả vai trái xuất hiện, nhất là khi người bệnh bị đau tim kèm theo cảm đau và căng ở ngực.

Thông thường một cơn đau tim sẽ xuất hiện và kéo dài khi máu không thể lưu thông đến tim do bị tắc nghẽn. Nguyên nhân làm phát sinh tình trạng này thường liên quan đến quá trình tích tụ chất béo, cholesterol xấu cùng những hợp chất khác tạo thành mảng bám và gây tắc nghẽn ở động mạch vành (những động mạch nuôi dưỡng tim).

Ngay sau khi những mảng bám này vỡ ra, những cục máu đông sẽ hình thành dẫn đến sự gián đoạn lưu lượng máu về tim. Nguy cơ tử vong của người bệnh sẽ tăng cao khi cơn đau tim xuất hiện. Vì thế người bệnh cần được đưa đến bệnh viện và nhờ đến sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu cơn đau tim xuất hiện.

Đau tim
Đau tim có thể liên quan đến tình trạng đau nhức bả vai trái

Đau bả vai (trái – phải) – Khi nào cần đến bệnh viện?

Nếu nhận thấy đau nghiêm trọng ở bả vai trái, phải hoặc cả hai người bệnh cần đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị. Ngoài ra người bệnh cũng cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa khi cơn đau kéo dài kèm theo những triệu chứng dưới đây:

  • Cứng khớp
  • Sưng khớp
  • Nóng và đỏ vùng da xung quanh khớp
  • Gặp khó khăn trong việc di chuyển vai và cánh tay
  • Khớp biến dạng
  • Có cảm giác lệch một bên vai
  • Đau bả vai kèm theo đau mỏi cánh tay
  • Chấn thương, va đập mạnh.

Kỹ thuật chẩn đoán đau bả vai

Có nhiều nguyên nhân khiến cơn đau xuất hiện ở bả vai trái hoặc phải. Chính vì thế sau khi kiểm tra tình trạng bên ngoài của vai và các triệu chứng lâm sàng, người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm và kỹ thuật để chẩn đoán chính xác bệnh lý.

  • Kiểm tra thực thể: Bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện ấn hoặc tác động một lực lên cánh tay và khớp vai để kiểm tra dị dạng khớp và đánh giá tổn thương. Ngoài ra người bệnh sẽ được kiểm tra hoạt động của vai và sức mạnh của cánh tay.
  • Chụp X-quang: Kết quả từ kỹ thuật này có thể giúp bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và xác định những tổn thương ở xương, khớp, sụn, dấu hiệu gai xương, dị dạng, thoái hóa xương khớp hoặc viêm quanh khớp vai.
  • Chụp MRI: MRI (chụp cộng hưởng từ) sẽ được chỉ định để xác định những tổn thương xuất hiện ở xương, gân, dây chằng và cơ bắp.

Trong trường hợp nghi ngờ đau bả vai phát sinh từ một cơn đau tim, người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện siêu âm bụng, điện tâm đồ và kiểm tra nồng độ enzyme.

Phương pháp điều trị đau bả vai

Phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau và mức độ nghiêm trọng, các phương pháp điều trị đau bả vai ở mỗi bệnh nhân sẽ không giống nhau. Vì thế điều quan trọng trong quá trình điều trị bệnh là tiến hành thăm khám tại bệnh viện để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau. Sau đó áp dụng đúng phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.

Thông thường tình trạng đau bả vai sẽ được khắc phục với những phương pháp sau:

1. Điều trị không dùng thuốc

Đối với những trường hợp nhẹ, cơn đau bả vai không phát sinh từ những bệnh lý nghiêm trọng và không xuất hiện đồng thời với những dấu hiệu bất thường khác, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc chăm sóc và giảm đau tại nhà để khắc phục tình trạng. Cụ thể:

  • Nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi là biện pháp giảm đau hiệu quả trong hầu hết các trường hợp có cơn đau nhẹ hoặc đau bả vai do căng thẳng, làm việc quá sức, áp lực ở khớp vai, té ngã. Thông thường sau khi nghỉ ngơi từ 30 – 60 phút, người bệnh sẽ nhận thấy cơn đau thuyên giảm đáng kể, không còn cảm giác co cứng và có thể di chuyển vai cùng cánh tay.

Nghỉ ngơi
Biện pháp nghỉ ngơi giúp giảm đau hiệu quả cho các trường hợp có cơn đau nhẹ hoặc đau bả vai do căng thẳng, làm việc gắng sức
  • Chườm lạnh

Chườm lạnh là biện pháp giảm đau được áp dụng rộng rãi nhờ khả năng giảm đau và xoa dịu tình trạng viêm sưng khớp. Biện pháp giảm đau này thường mang đến hiệu quả cao đối với những bệnh nhân bị chấn thương cấp tính ở vai, viêm bao hoạt dịch và viêm gân.

Ngay khi cơn đau xuất hiện, người bệnh nên sử dụng khăn lạnh hoặc bao vải chứa đá lạnh áp lên bên vai bị chấn thương để làm dịu nhanh cảm giác sưng đau và phòng ngừa tình trạng viêm nhiễm.

  • Chườm nóng

Chườm nóng phù hợp với những bệnh nhân bị đau vai kèm theo cảm giác co cứng khớp, khó khăn trong việc di chuyển vai và cánh tay. Việc áp dụng biện pháp chườm nóng sẽ giúp bạn cải thiện co cứng khớp, giảm đau hiệu quả và phù hợp với những cơn đau cấp tính.

  • Tập thể dục, vận động nhẹ nhàng

Tập thể dục, vận động nhẹ nhàng, áp dụng các bài tập vật lý trị liệu có thể giúp người bệnh giảm đau nhanh và phục hồi khả năng vận động, tăng cường sức mạnh cơ bắp và sự dẻo dai. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả điều trị, người bệnh nên tham khảo và thực hiện các bài tập theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia vật lý trị liệu. Tránh vận động mạnh hay tự ý luyện tập để phòng ngừa phát sinh những vấn đề không mong muốn.

  • Xoa bóp, massage nhẹ nhàng

Việc xoa bóp, massage nhẹ nhàng ngay tại bên vai bị đau có thể giúp người bệnh cải thiện nhanh những cơn đau cấp tính và cảm giác co cứng khớp. Bên cạnh đó việc massage, xoa bóp đúng cách còn giúp vai được thư giãn, tạo sự thoải mái, giảm căng cơ và giảm sự co cứng khớp.

Để nâng cao hiệu quả giảm đau từ biện pháp xoa bóp, massage nhẹ nhàng, người bệnh có thể sử dụng thêm dầu nóng hoặc tinh dầu xoa đều lên khớp vai. Sau đó massage theo hình xoắn ốc và bóp nhẹ vai bị đau.

Xoa bóp, massage nhẹ nhàng
Cơn đau bả vai và tình trạng co cứng khớp có thể được cải thiện đáng kể bằng cách xoa bóp, massage nhẹ nhàng

2. Điều trị y tế

Đối với những trường hợp bị đau bả vai nghiêm trọng hoặc đau kèm theo nhiều biểu hiện bất thường khác, người bệnh có thể khắc phục tình trạng bằng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Thông thường các loại thuốc sẽ được chỉ định dựa trên nguyên nhân gây đau. Dưới đây là hai loại thuốc được sử dụng phổ biến:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Những loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Diclofenac (thuốc kê đơn), Ibuprofen (thuốc không kê đơn) sẽ được chỉ định để làm giảm mức độ nghiêm trọng của những cơn đau liên quan đến tình trạng viêm khớp vai.

Cải hai loại thuốc nêu trên đều có tác dụng giảm đau, phòng ngừa và điều trị viêm. Tùy theo mức độ đau, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc với liều dùng khác nhau hoặc kết hợp với những loại thuốc điều trị khác.

Tuy nhiên việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid có thể mang đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Do đó người bệnh cần sử dụng thuốc đúng với yêu cầu của bác sĩ, không sử dụng thuốc bừa bãi để tránh rủi ro xuất hiện.

Thuốc chống viêm không steroid không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ đang mang thai, bệnh nhân bị hen suyễn, mắc bệnh thận, huyết áp cao, viêm loét dạ dày và người có tiền sử thủng hay xuất huyết dạ dày.

  • Tiêm steroid

Nếu việc sử dụng thuốc uống không mang đến hiệu quả giảm đau, người bệnh có thể được chỉ định tiêm steroid để cải thiện tình trạng, giúp khôi phục tổn thương, ổn định các hoạt động của khớp vai và cánh tay.

Do có thể mang đến tác dụng phụ không mong muốn nên người bệnh chỉ được tiêm steroid khi thật sự cần thiết và có chỉ định của bác sĩ.

Tiêm steroid
Tiêm steroid được chỉ định cho những trường hợp bị viêm đau nặng và không có đáp ứng tốt với thuốc giảm đau
  • Phẫu thuật

Phẫu thuật sẽ được chỉ định cho những trường hợp đau bả vai do chấn thương nặng như gãy xương hoặc xuất hiện bởi những bệnh xương khớp nghiêm trọng, không mang đến hiệu quả cao khi điều trị bằng các phương pháp bảo tồn. Cụ thể như trật khớp vai toàn phần hoặc bán phần, rách chóp xoay ở khớp vai, sụn bị bong ra, mô bị viêm nghiêm trọng, dây thần kinh bị chèn ép, u nang, viêm sụn…

Biện pháp phòng ngừa đau bả vai trái, phải

Không có biện pháp phòng ngừa cơn đau bả vai cho tất cả các nguyên nhân. Tuy nhiên một số biện pháp đơn giản dưới đây có thể giúp bạn làm giảm nguy cơ đau vai. Cụ thể:

  • Thường xuyên vận động, hoạt động thể chất để nâng cao sự linh hoạt cho vai, tăng sức chịu đựng và ổn định cấu trúc của vai.
  • Sử dụng vai đúng cách, không áp dụng những tư thế sai lệch hoặc tăng áp lực cho vai trong thời gian dài như mang vác vật nặng, kéo hoặc đẩy hàng hóa cồng kềnh, làm việc gắng sức…
  • Tập yoga hoặc thực hiện những bài tập vật lý trị liệu theo sự hướng dẫn của bác sĩ để tăng cường cơ bắp, cơ xoay, gân, phòng ngừa phát sinh cơn đau và tình trạng thoái hóa khớp vai. Tốt nhất nên dành từ 30 – 45 phút mỗi ngày để luyện tập.
  • Đến bệnh viện để được khám và xử lý ngay khi những tổn thương xuất hiện.
  • Bổ sung vào chế độ ăn uống mỗi ngày những thực phẩm giàu vitamin D, canxi như sữa, hải sản, sữa chua, phô mai, các loại hạt, cá hồi, cá mòi, hạnh nhân, rau lá xanh, các loại đậu… để nâng cao sức khỏe cho xương khớp, hạn chế tình trạng thoái hóa sớm và phòng ngừa loãng xương. Ngoài ra bạn có thể làm giảm nguy cơ viêm nhiễm xương khớp và nâng cao sức khỏe bằng cách ăn nhiều rau xanh, trái cây và các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất khác.
Áp dụng các bài tập vật lý trị liệu
Áp dụng các bài tập vật lý trị liệu để tăng cường cơ bắp, phòng ngừa phát sinh cơn đau và thoái hóa khớp vai

Trên đây là tổng hợp những nguyên nhân gây đau bả vai trái – phải, biện pháp chẩn đoán và hướng điều trị. Do cơn đau bả vai có thể xảy ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau nên người bệnh cần sớm thăm khám và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cùng với bác sĩ chuyên khoa. Điều này sẽ giúp bạn xác định chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp nhất, tránh gây nguy hiểm.

Tin bài nên đọc

Tìm hiểu kỹ thuật xoa bóp chữa đau vai gáy do tư thế

Mẹo xoa bóp chữa đau vai gáy do tư thế cực đơn giản

Những người làm việc văn phòng, lái xe, công nhân may mặc hoặc những người nằm ngủ sai tư thế...

bài tập giảm đau mỏi vai gáy

Những bài tập giảm đau mỏi vai gáy rất hay ai cũng tâm đắc

Những thói quen như kê gối cao khi ngủ, ngồi làm việc không đúng tư thế sẽ khiến cho vùng...

Đau vai: Các nguyên nhân thường gặp, dấu hiệu, điều trị

Đau vai là một trong những cơn đau thường gặp, nhất là các đối tượng khiêng vác nặng, dân văn...

Đau cổ khi ngủ dậy: Nguyên nhân và cách hết đau nhanh

Đau cổ khi ngủ dậy có thể kèm theo tình trạng co cứng không quay được khiến bệnh nhân khó...

chữa đau vai gáy bằng lá lốt

Mẹo chữa đau vai gáy bằng lá lốt – Giảm đau nhanh

Chữa đau vai gáy bằng lá lốt là mẹo dân gian được áp dụng tương đối phổ biến. Đây là...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.