Bà bầu bị đau lưng có nên đấm lưng, xoa bóp lưng không?
Đau lưng khi mang thai là tình trạng mà hầu như bà bầu nào cũng gặp phải, nhất là vào những tháng cuối của thai kỳ. Để làm giảm các cơn đau và giúp cơ thể thoải mái hơn, các bài tập xoa bóp, đấm lưng đã được nhiều chị em áp dụng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn e ngại rằng đấm lưng trong thời kỳ mang thai sẽ làm ảnh hưởng đến thai nhi. Vậy thực chất bà bầu bị đau lưng có nên đấm lưng, xoa bóp lưng hay không? Các thông tin dưới đây sẽ giúp các bạn giải đáp vấn đề này.
Bà bầu bị đau lưng có nên đấm lưng không?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau lưng khi mang thai như: Do ngồi sai tư thế, cơ bụng bị yếu đi, do thay đổi hormone hoặc do căng thẳng mệt mỏi kéo dài. Ngoài ra, có nhiều trường hợp bị mắc phải các bệnh lý như đau thần kinh tọa, thoái hóa đốt sống cổ… cũng sẽ khiến bà bầu bị đau lưng khi mang thai. Điều này gây ra không ít cảm giác đau đớn và khó chịu. Do đó các bà bầu sẽ thường tìm cách để khắc phục tình trạng này. Một trong những cách được nhiều người áp dụng chính là xoa bóp, đấm lưng để hạn chế các cơn đau. Tuy nhiên, bà bầu bị đau lưng có nên đấm lưng không?
Theo các bác sĩ, để làm giảm các cơn đau lưng trong thời gian mang thai, bà bầu hoàn toàn có thể thực hiện các động tác đấm lưng chống mỏi. Hoặc thực hiện các động tác massage lưng hoặc dùng các máy massage cầm tay để khắc phục. Tuy nhiên, những cách này chỉ được áp dụng cho những trường hợp thai nhi khỏe mạnh, không có dấu hiệu bất thường. Bên cạnh đó, bà bầu cũng nên đấm lưng đúng cách, tránh gây ảnh hưởng đến bé. Theo đó, các mẹ không nên nằm sấp, cũng không nên đấm lưng mạnh. Ngoài ra, các ông chồng cũng nên hỗ trợ các mẹ bằng cách xoa bóp nhẹ nhàng vùng lưng, hoặc đấm lưng ở tư thế ngồi thẳng cho bà bầu. Vì xoa bóp sẽ làm giãn các dây chằng, khiến các cơn đau được giảm bớt.
Các cách làm giảm tình trạng đau lưng cho bà bầu
Nếu hỏi bà bầu bị đau lưng có nên đấm lưng, xoa bóp không thì câu trả lời là có. Tuy nhiên, cần phải được thực hiện đúng cách. Ngoài ra, để làm giảm chứng đau lưng khi mang thai, các mẹ có thể tham khảo thêm những cách sau đây:
1. Tập các bài tập giúp cải thiện tư thế
+ Bài tập 1:
- Đầu tiên, bà bầu ngồi thẳng lưng, khoanh 2 chân vào và cho 2 lòng bàn chân chạm vào nhau.
- Cho 2 bàn tay nhẹ nhàng lên 2 đầu gối. Sau đó nâng 2 đầu gối lên rồi lại đặt chúng xuống sàn. Lưu ý là giữ tư thế thẳng lưng.
- Cứ giữ từng tư thế một trong thời gian khoảng 30 giây rồi đổi, thực hiện thường xuyên có thể làm giảm được chứng đau bụng.
+ Bài tập 2:
- Đứng tư thế thẳng đứng, bước 1 chân lên phía trước, lấy tay đỡ sau lưng.
- Sau đó hít vào và thở ra đều đặn.
- Đổi chân và lặp lại động tác. Thực hiện mỗi bên 4 lần là được.
+ Bài tập 3:
- Bà bầu đứng ở tư thế thẳng lưng, chân mở rộng bằng vai. Đầu gối cong nhẹ, đem 2 tay chống lên đùi.
- Cứ giữ nguyên tư thế này, đồng thời hít thở sâu.
- Lặp đi lặp lại động tác này 4 lần là được.
+ Bài tập 4:
- Nằm nghiêng sang một bên, tay dưới để thẳng và hướng lên phía trên, lòng bàn tay mở ra.
- Hít thở sâu, đưa chân ở phía trên và tay ở phía dưới lên cao. Sau đó thở ra, hạ cả chân và tay xuống.
- Cứ lặp lại động tác trên với bên còn lại. Mỗi bên thực hiện khoảng 4 – 6 lần để mang đến hiệu quả tốt.
Thông tin thêm: Đau lưng nên ăn gì và kiêng gì để chống chọi với cơn đau?
2. Quan tâm đến chế độ ăn uống và sinh hoạt
Để làm giảm đau lưng, các mẹ cũng cần phải chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình. Cụ thể như sau:
- Không mang vác vật nặng trong khi mang thai. Điều này không những khiến tình trạng đau lưng nặng nề hơn mà còn có thể gây nguy hiểm cho thai nhi trong bụng.
- Nên tập một số động tác thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, thể dục tay không hoặc làm các công việc nhẹ nhàng. Điều này sẽ giúp cơ thể khỏe khoắn xương khớp được dẻo dai, đồng thời còn hỗ trợ cho quá trình sinh nở diễn ra được dễ dàng.
- Đi đứng, ngồi, ngủ nghỉ đúng tư thế. Nếu đi, tập tư thế đúng bằng cách hạ mông xuống, đẩy 2 vai về phía sau, đứng thẳng và vươn người lên cao. Nếu ngồi, nên chọn những ghế có miếng lót để tựa lưng. Khi ngồi thì đặt chân lên một cái ghế khác hoặc vật khác cho cao lên một chút. Vai để xuôi xuống. Khi nằm, không nên nằm nệm quá mềm hoặc quá cứng. Nên nằm nghiêng sang bên trái để có thể giúp máu, oxy, dưỡng chất có thể dễ dàng lưu thông đến thai nhi. Ngoài ra, nằm ở tư thế này còn giúp làm giảm áp lực lên thắt lưng, xương chậu và vùng lưng.
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh để làm giảm cơn đau. Ngoài ra, bà bầu cũng nên tắm bằng nước ấm, nó sẽ làm cho cơ thể trở nên dễ chịu hơn.
- Tránh đi giày cao gót mà chỉ nên đi những giày có đế thấp và bằng. Ngoài ra những đôi giày này cũng cần phải mềm mại và có độ rộng vừa phải. Đồng thời, phải mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi để giúp thoải mái hơn.
- Cần phải xây dựng được cho mình một chế độ ăn uống hợp lý. Không nên ăn quá nhiều trong một bữa mà chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong một ngày sẽ mang đến tác dụng tốt hơn. Đồng thời, bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu magie, canxi như rau xanh, các loại đậu, sữa để bổ sung chất dinh dưỡng cho cả cơ thể mẹ và bé.
- Từ tháng thứ 7 của thai kỳ, các mẹ có thể dùng thêm các đai đỡ bụng để giúp lưng đỡ bị đau.
- Nếu những cơn đau diễn ra dữ dội, các mẹ có thể dùng đến các loại thuốc giảm đau như Paracetamol, các loại cao dán. Tuy nhiên, không được lạm dụng chúng và cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc được dùng.
Khi nào bà bầu nên đi khám bác sĩ?
Mặc dù việc đau lưng trong giai đoạn mang thai là rất phổ biến. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nó có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Do đó, các mẹ nên đi khám bác sĩ nếu thấy các cơn đau có những biểu hiện sau:
- Các cơn đau lưng diễn ra liên tục mà không thuyên giảm.
- Đau lưng kèm theo đó là các biểu hiện khác như chảy máu âm đạo, sốt.
- Có cảm giác rát hoặc đau buốt khi đi tiểu tiện.
- Bà bầu phải thường xuyên dùng thuốc giảm đau, tuy nhiên các triệu chứng vẫn không thuyên giảm.
Bà bầu bị đau lưng có nên đấm lưng, xoa bóp không là vấn đề mà có không ít người thắc mắc. Tuy có thể thực hiện nhưng các mẹ cần chú ý thực hiện đúng và nhẹ nhàng để tránh làm ảnh hưởng đến bé. Ngoài ra, để ngăn chặn nguy cơ mắc phải tình trạng này, các mẹ cũng cần chú ý thay đổi chế độ sinh hoạt và ăn uống của mình cho phù hợp.
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm
- Bị đau lưng khi mang thai tháng thứ 4 có đáng lo ngại?
- Cách giảm đau lưng khi mang thai 3 tháng đầu an toàn cho mẹ bầu
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!