Bí quyết dùng dầu dừa trị mẩn ngứa
Sử dụng dầu dừa trị mẩn ngứa là biện pháp tự nhiên, giúp giảm hiện tượng sưng viêm, cải thiện triệu chứng ngứa ngáy và phục hồi tế bào da tổn thương.
Tác dụng của dầu dừa đối với tình trạng mẩn ngứa trên da
Mẩn ngứa là triệu chứng lâm sàng của nhiều vấn đề da liễu, chẳng hạn như chàm (eczema), viêm da dị ứng, nổi mề đay, vẩy nến,… Mẩn ngứa không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng triệu chứng này có thể khiến da bị tổn thương, ngứa ngáy và khó chịu.
Phương pháp sử dụng dầu dừa trị mẩn ngứa được nhiều người thực hiện vì có nguyên liệu dễ tìm, chi phí phù hợp và ít gây kích ứng.
Dầu dừa là tinh dầu thiên nhiên chứa nhiều thành phần tốt cho da và cơ thể. Với đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, dầu dừa giúp làm dịu nốt mẩn đỏ trên da, ngăn chặn nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập.
Ngoài ra tinh dầu này còn chứa nhiều axit amin, vitamin E và omega 3, những thành phần này có khả năng dưỡng ẩm, củng cố màng bảo vệ, ổn định cấu trúc và thúc đẩy tái tạo tế bào bị tổn thương. Vitamin E trong dầu dừa còn là thành phần chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp hạn chế hình thành gốc tự do và cải thiện độ săn chắc của da.
Nghiên cứu “Đặc tính chống viêm và bảo vệ da của dầu dừa” được thực hiện năm 2018 cho thấy dầu dừa có khả năng ức chế leukotriene, prostaglandin và cytokine (những thành phần kích hoạt phản ứng viêm trong cơ thể).
Tuy nhiên, cải thiện lâm sàng của phương pháp trị mẩn ngứa bằng dầu dừa thường diễn ra chậm hơn các loại thuốc đặc hiệu. Vì vậy nếu triệu chứng trên da nặng nề và gây ngứa dữ dội, bạn nên sử dụng những loại thuốc bôi được bác sĩ chỉ định.
Cách sử dụng dầu dừa trị mẩn ngứa dễ thực hiện
1. Sử dụng dầu dừa trực tiếp lên da
Khi dùng dầu dừa trực tiếp lên da, thành phần của nguyên liệu này sẽ được da hấp thu nhanh. Cách thực hiện này đơn giản nhưng đem lại nhiều lợi ích cho da như dưỡng ẩm, làm dịu, giảm ngứa và giảm sưng viêm.
Hơn nữa, việc thoa dầu dừa trực tiếp lên vùng da mẩn ngứa còn có khả năng chống vi khuẩn, ký sinh trùng và vi nấm xâm nhập.
Thực hiện:
- Vệ sinh vùng da nổi mẩn ngứa
- Sử dụng 1 lượng dầu dừa vừa đủ, thoa nhẹ nhàng trên da
- Đợi trong khoảng 10 phút và rửa lại bằng nước sạch
- Nên massage theo hình xoắn ốc để tránh tình trạng dầu dừa ứ đọng trong lỗ chân lông và gây mụn
2. Dầu dừa và nha đam
Nha đam có khả năng cung cấp nước, làm dịu và làm mát da. Với những trường hợp bị nổi mẩn ngứa do côn trùng cắn hoặc tiếp xúc với hóa chất, bạn có thể sử dụng dầu dừa với nha đam để làm mát và giảm ngứa da.
Thực hiện:
- Trộn đều 1 thìa gel nha đam với 1 thìa dầu dừa
- Làm sạch vùng da cần điều trị
- Sau đó thoa hỗn hợp lên vùng da này
- Đợi trong khoảng 15 phút và rửa lại bằng nước sạch
Nha đam có thể gây ngứa và kích ứng da, vì vậy cần thử 1 ít gel lên vùng da khỏe mạnh và xem xét biểu hiện trước khi sử dụng lên vùng da bị nổi mẩn ngứa.
3. Dầu dừa và mật ong
Tương tự như dầu dừa, mật ong cũng là nguyên liệu thiên nhiên có khả năng chữa lành tổn thương và giảm triệu chứng ngứa ngáy do các nốt mẩn đỏ gây ra. Bên cạnh đó, mật ong còn có khả năng ức chế tụ cầu khuẩn – vi khuẩn phổ biến gây ra nhiễm trùng da.
Thực hiện:
- Làm sạch vùng da cần điều trị
- Trộn đều 1 thìa dầu dừa và 1 thìa mật ong
- Thoa đều hỗn hợp lên vùng da này
- Đợi trong 10 phút và rửa lại bằng nước sạch
4. Dầu dừa và chanh
Dầu dừa chứa nhiều hàm lượng axit oleic cao nên có thể gây bít tắc lỗ chân lông đối với những người có làn da dầu. Để làm loãng hàm lượng axit béo có trong nguyên liệu này, bạn có thể bổ sung thêm chanh vào công thức trị mẩn ngứa.
Chanh có chứa nhiều nước và axit citric, các thành phần này sẽ giúp làm lỏng kết cấu của dầu dừa, đồng thời có tác dụng sát khuẩn và giảm ngứa da.
Thực hiện:
- Vắt nửa quả chanh, lấy nước cốt trộn đều với 1 thìa dầu dừa
- Thoa hỗn hợp lên vùng da nổi mẩn ngứa
- Để trong 10 phút và rửa lại bằng nước sạch
Vì chanh có chứa axit citric nên có thể gây rát và xót da. Do đó bạn không nên thực hiện cách này trên vùng da có vết thương hở hoặc vết trầy xước.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng dầu dừa trị mẩn ngứa
Dầu dừa đem lại nhiều lợi ích cho làn da. Tuy nhiên nguyên liệu này cũng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn nếu sử dụng sai cách.
Để đạt được kết quả trong quá trình điều trị, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Lựa chọn dầu dừa tinh khiết và không chứa tạp chất. Một số sản phẩm dầu dừa kém chất lượng có thể gây kích ứng và gây nhiễm trùng da.
- Cân nhắc trước khi dùng dầu dừa trị mẩn ngứa ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
- Nếu bạn từng bị dị ứng với dầu dừa, bạn không nên thực hiện biện pháp điều trị này.
- Mặc dù dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn, tuy nhiên bạn vẫn nên thận trọng khi sử dụng trên vùng da có vết thương hở.
- Nếu phát sinh triệu chứng bất thường khi áp dụng cách chữa từ dầu dừa, bạn cần ngưng biện pháp này và gọi cho bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
- Với tình trạng da nổi mẩn và có dấu hiệu nhiễm trùng (đau đớn, sưng đỏ, mưng mủ, chảy dịch,…), tuyệt đối không tự ý điều trị. Trong trường hợp này, phải đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- 8 cách trị ngứa tại nhà giúp bạn giảm ngứa nhanh chóng
- 13 cây thuốc nam chữa bệnh mề đay hiệu quả, dễ tìm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!