Đau đầu gối là bệnh gì? Cách nhận biết, điều trị, phục hồi

Đau đầu gối là biểu hiện cảnh báo nhiều bệnh lý về xương khớp hoặc do các chấn thương xảy ra trong cấu trúc của khớp gối. Nhận biết chính xác nguyên nhân gây đau sẽ giúp lựa chọn được phương pháp điều trị hiệu quả cho bạn.

Triệu chứng đau đầu gối

Đau đầu gối là một triệu chứng khá phổ biến bắt nguồn từ các cấu trúc xương tạo nên khớp gối như: Xương bánh chè, xương đùi, xương mác, xương chày và hệ thống các gân cơ, dây chằng, sụn của đầu gối.

Đau đầu gối là bệnh gì
Đau đầu gối là hiện tượng thường gặp khi bị chấn thương hoặc mắc các bệnh lý về xương khớp

Bạn có thể bị đau đầu gối trái, đầu gối phải hoặc cả hai. Cơn đau thường nghiêm trọng hơn ở những người bị béo phì hoặc khi vận động thể chất. Vị trí đau tùy thuộc vào cấu trúc bị tổn thương. Một số người bị sưng đau toàn bộ đầu gối nhưng có người chỉ bị đau ở một điểm cụ thể, chẳng hạn như trước hay sau đầu gối.

Mức độ đau đầu gối ở mỗi vá nhân cũng khác nhau, từ đau nhẹ, đau âm ỉ đến các cơn đau nhức dữ dội kéo dài cả ngày lẫn đêm.

Ngoài ra, triệu chứng đau đầu gối còn xuất hiện kèm theo một số dấu hiệu khác như:

  • Khó cử động đầu gối
  • Đi lại khập khiễng hoặc hoàn toàn không thể đi lại
  • Đầu gối sưng đỏ
  • Sốt
  • Cứng khớp gối, nhất là sau khi ngủ dậy vào buổi sáng
  • Có tiếng kêu lạo xạo phát ra khi di chuyển
  • Biến dạng khớp gối

Nguyên nhân gây đau đầu gối

Hiện tượng đau đầu gối có thể xuất hiện do một hay nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số trường hợp bị đau do vận động sai cách, chấn thương nhưng đôi khi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về cơ xương khớp.

Đau đầu gối là bệnh gì?

Triệu chứng đau đầu gối có thể xảy ra khi bạn mắc các bệnh lý sau:

  • Thoái hóa khớp gối: Bệnh xảy ra khi có sự hao mòn của lớp sụn bảo vệ khớp gối. Lúc này, các đầu xương bị cọ sát với nhau khi vận động khiến đầu gối bị đau. Ngoài ra, thoái hóa khớp gối còn gây cứng khớp, khó co duỗi đầu gối. Bệnh nặng có thể cản trở việc đi lại.
  • Bệnh gout: Căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trong cơ thể, bao gồm cả khớp gối. Bệnh tiến triển một cách âm ỉ và thường khởi phát vào ban đêm khiến người bệnh có những cơn đau nhức khớp gối dữ gội. Đầu gối bị bệnh có khuynh hướng bị viêm, nóng đỏ và sưng to một cách nhanh chóng khiến bệnh nhân không thể đi lại, cử động đầu gối được.
  • Bệnh viêm khớp dạng thấp: Đây là một căn bệnh tự miễn mãn tính gây tổn thương hầu hết các khớp trong cơ thể, từ khớp bàn tay, ngón tay cho đến khớp đầu gối… Khi mới khởi phát, người bị viêm khớp dạng thấp có thể bị sốt nhẹ, tê chân, cơ thể mệt mỏi. Các triệu chứng trên có thể kéo dài trong vài tuần liên tục trước khi xuất hiện các dấu hiệu tại khớp gối như viêm sưng khớp gối, ít nóng đỏ. Đặc biệt tổn thương do bệnh gây ra có tính chất đối xứng, tức cùng lúc người bệnh có thể bị đau đầu gối trái lẫn phải.
  • Bệnh giả gout (pseudogout): Là hiện tượng lắng đọng canxi trong dịch khớp gối. Điểm đặc trưng của bệnh là tình trạng sưng và đau nhức đầu gối một cách đột ngột. Đôi khi nhiều khớp khác cũng bị ảnh hưởng theo cách tương tự. Các đợt đau có thể kéo dài trong nhiều ngày liền. Mặc dù có biểu hiện khá giống bệnh gout nhưng đây thực chất là hai bệnh hoàn toàn khác nhau.
  • Viêm gân bánh chè: Khi gân bánh chè bị viêm, nó có thể gây cảm giác đau nhức đầu gối. Cơn đau thường âm ỉ và thường tăng nặng hơn vào ban đêm hoặc khi đi cầu thang.
đau đầu gối trái
Bệnh viêm gân bánh chè cũng có thể gây đau nhức đầu gối
  • Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn: Đây là một dạng viêm khớp gối phổ biến gây sưng, đỏ, đau đầu gối bên phải hoặc bên trái do vi khuẩn gây ra. Trước khi bắt đầu đau, người bệnh có thể bị sốt do hệ miễn dịch phản ứng chống lại vi khuẩn.
  • Hội chứng dải chậu chày: Hội chứng này thường xảy ra ở những vận động viên chạy bộ hoặc người có thường xuyên đi xe đạp. Khi bị bệnh, dải xương chậu kéo dài từ ngoài hông đến xương chày bị siết chặt quá mức khiến nó bị cọ sát vào mặt ngoài xương đùi, lâu ngày tiến triển thành viêm. Hiện tượng này sẽ gây đau đớn và có cảm giác nhức nhối ở đầu gối, đặc biệt là khi vận động khớp. Nếu bị hội chứng dải chậu chày nghiêm trọng, người bệnh có thể phải nghỉ ngơi dưỡng thương hàng tháng trời hoặc lâu hơn.
  • Hội chứng đau xương bánh chè: Các vận động viên thể thao là nhóm đối tượng bị hội chứng xương bánh chè nhiều nhất. Điểm đặc trưng của hội chứng này là tình trạng viêm trong xương bánh chè khiến cho đầu gối bị sưng đau, hạn chế cử động và có thể bị trật đầu xương.
  • Tràn dịch khớp gối: Bệnh xảy ra khi lượng dịch trong khớp gối tăng cao quá mức. Nó có thể gây sưng, phù nề, đau đầu gối trái hoặc phải, khó duỗi thẳng khớp, nổi mẩn đỏ xung quanh đầu gối…
  • Các bệnh lý khác gây đau đầu gối: Viêm bao hoạt dịch khớp gối, viêm dây chằng, nang bao hoạt dịch khớp.

Đau đầu gối do chấn thương

Các chấn thương ở đầu gối có thể xảy ra do tai nạn, té ngã, tập luyện quá sức hoặc do vận động không đúng cách. Chúng có thể là nguyên nhân khiến đầu gối của bạn bị đau. Bao gồm:

  • Chấn thương dây chằng chéo trước (ACL)
  • Gãy xương bánh chè
  • Rách sụn
  • Trật khớp gối
  • Bong gân
  • Trật khớp xương bánh chè

Đau nhức đầu gối do các nguyên nhân khác

Bên cạnh những lý do ở trên, hiện tượng đau đầu gối còn xuất phát từ những nguyên nhân thông thường như:

  • Béo phì gây áp lực cho đầu gối
  • Tập luyện thể thao quá sức hoặc sai cách
  • Vận động khớp gối quá mức
  • Ngồi lâu một chỗ không thể cử động khiến đầu gối bị tê đau
  • Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ khiến cơ thể bị thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết cho xương khớp như canxi, magie, kali, vitamin B1, B12…
nhức đầu gối
Vận động sai cách là nguyên nhân gây đau đầu gối thường gặp ở các vận động viên

Chẩn đoán đau đầu gối

Để chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây đau đầu gối bạn cần tìm đến các cơ sở có chuyên khoa xương khớp uy tín. Tại đây, bác sĩ sẽ trao đổi về tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe hiện tại. Hãy cởi mở chia sẻ một cách chính xác một số câu hỏi của bác sĩ đưa ra có liên quan đến các vấn đề như:

  • Vị trí đau: Bạn bị đau trước hay sau đầu gối
  • Mức độ đau: Cơn đau có nghiêm trọng không? Đau âm ỉ, đau nhức dữ dội?
  • Các triệu chứng khác đi kèm: Sưng đầu gối, nóng đỏ khớp, sốt, cứng khớp…
  • Thời điểm các triệu chứng bắt đầu xuất hiện
  • Những chấn thương bạn gặp phải ở đầu gối trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra bên ngoài khớp gối để tìm kiếm các dấu hiệu liên quan và đánh giá chức năng vận động của đầu gối. Một số xét nghiệm cận lâm sàng dưới đây có thể được chỉ định nhằm chuẩn đoán nguyên nhân đau nhức đầu gối được chính xác hơn:

  • Siêu âm đầu gối
  • Chụp X-quang
  • Chụp cộng hưởng từ MRI
  • Xét nghiệm máu

Cách điều trị đau đầu gối

Phương pháp điều trị đau khớp gối sẽ được bác sĩ lựa chọn dựa trên nguyên nhân gây đau và các dấu hiệu cụ thể người bệnh gặp phải. Bệnh nhân được khuyên nghỉ ngơi nhiều trong thời gian bị đau nặng, kết hợp dùng thuốc, vật lý trị liệu hay phẫu thuật để khắc phục các bệnh lý liên quan.

1. Thuốc chữa đau đầu gối

Nếu bị đau nặng, các thuốc giảm đau như Paracetamol hay Aspirin… có thể hữu ích. Ngoài ra, một số thuốc khác cũng được chỉ định đi kèm như:

  • Thuốc chống viêm không steroid: Naproxen, Ibuprofen, Alphachymotrypsin… Dùng cho các trường hợp bị đau nhức đầu gối kèm theo biểu hiện viêm khớp, sưng khớp.
  • Thuốc làm co giãn cơ: Thuốc có tác dụng làm giảm cứng khớp, làm tăng phạm vi chuyển động của đầu gối khi bị đau. Được chỉ định phổ biến là Eperisone hay Cyclobenzaprine…
  • Thuốc kháng sinh: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho những trường hợp bị viêm khớp gối do nhiễm khuẩn.
  • Thuốc corticoid: Bao gồm Prednisolone hay Dexamethasone. Người bệnh được chỉ định thuốc này trong trường hợp bị đau đầu gối, viêm khớp gối nghiêm trọng. Thuốc được dùng theo dạng uống hoặc tiêm trực tiếp vào bên khớp gối bị tổn thương
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm: Nhóm thuốc này được chỉ định cho những bệnh nhân bị đau nhức đầu gối do viêm khớp dạng thấp.
thuốc chữa đau đầu gối phải
Để chữa đau đầu gối, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau

2. Vật lý trị liệu phục hồi đau đầu gối

Vật lý trị liệu có tác dụng tích cực trong việc giảm đau, tăng cường tuần hoàn máu đến cung cấp các dưỡng chất nuôi dưỡng khớp gối và đẩy nhanh quá trình phục hồi chấn thương. Các phương pháp được thực hiện bao gồm:

  • Chiếu đèn hồng ngoại
  • Điều trị bằng laser
  • Châm cứu
  • Xoa bóp, bấm huyệt
  • Đắp paraphin…

Khi điều trị đau đầu gối bằng vật lý trị liệu, người bệnh sẽ được các chuyên gia trực tiếp hướng dẫn. Cần kiên trì thực hiện trong một thời gian nhất định để tình trạng bệnh được cải thiện.

3. Cách trị đau đầu gối tại nhà

Bên cạnh các phương pháp điều trị y khoa, một số mẹo tự nhiên cũng được áp dụng để giảm đau đầu gối tại nhà:

Thực hành các bài tập giảm đau đầu gối

Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe cho sụn khớp cũng như các cơ bắp xung quanh đầu gối. Người bệnh có thể thực hiện các bài tập đơn giản sau:

  • Nằm trên giường phẳng, nâng chân hoặc duỗi thẳng
  • Bước một chân lên bậc cầu thang rồi tiếp tục bước chân kia. Sau đó bước xuống và lặp đi lặp lại vài lần tương tự.
  • Ngồi trên một cái ghế. Sau đó đứng lên và ngồi xuống liên tục một cách chậm rãi trong khoảng 5 phút. Lưu ý không bám tay vào thành ghế khi thực hiện.

– Giảm cân nặng

Chứng đau đầu gối có nguy cơ xảy ra cao hơn ở những bệnh nhân bị béo phì hoặc có trong lượng dư thừa. Vì vậy, việc kiểm soát tốt cân nặng là điều cần thiết để giải phóng áp lực cho đầu gối, qua đó hạn chế các cơn đau.

Nếu đang bị thừa cân, người bệnh nên thực chế độ ăn giàu chất xơ, trái cây. Cắt giảm lượng mỡ động vật, thịt, đồ ngọt và các chất béo khác trong chế độ ăn hàng ngày để luôn duy trì được trọng lượng cơ thể lành mạnh.

– Xoa bóp giảm đau nhức đầu gối

Massage đúng cách giúp kích thích lưu thông máu, xoa dịu cảm giác đau nhức khó chịu trong đầu gối. Dưới đây là một số động tác xoa bóp được Hiệp hội Liệu pháp Massage Hoa Kỳ khuyến nghị:

cách điều trị đau đầu gối
Xoa bóp đúng cách giúp xoa dịu cơn đau đầu gối
  • Động tác 1: Ngồi giữ bàn chân phẳng trên sàn. Sau đó, nắm hai bàn tay lại tạo thành hình nắm đấm. Nhẹ nhàng ấn cả hai tay tay lên đùi, đầu gối và phía dưới đầu gối khoảng 10 cái liên tục. Lặp lại theo cách tương tự khoảng 3 lần.
  • Động tác 2: Cũng với tư thế ngồi trên, bạn đặt gót bàn tay lên đùi. Sử dụng một lực vừa phải ấn nhẹ và lướt xuống đến đầu gối rồi thả tay ra. Thực hiện tương tự cho cả mặt bên trong và ngoài đùi mỗi vị trí 5 lần.
  • Động tác 3: Dùng 4 ngón tay ấn nhẹ vào đầu gối và di chuyển lên trên, xuống dưới, sang trái phải mỗi bên 5 lần.

– Mang đai, nẹp hỗ trợ

Sử dụng đai hỗ trợ nhằm mục đích giữ chặt gân bánh chè và bảo vệ đầu gối, giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn mang nẹp cố định để đầu gối được nghỉ ngơi và hạn chế tổn thương khi vận động.

– Chườm nóng hoặc chườm lạnh

Chườm nước đá có thể giúp giảm sưng đau đầu gối do chấn thương. Bạn có thể áp dụng mẹo này vài lần trong ngày đầu tiên bị chấn thương. Sau đó nếu vẫn còn đau thì chuyển qua chườm túi nước nóng.

Trong sinh hoạt hàng ngày, bạn cũng cần cần tránh các hoạt động gây áp lực cho đầu gối như ngồi xổm, đứng lâu hay bưng bê vật nặng quá sức. Khi ngủ có thể kê một cái gối mềm bên dưới để giảm sưng đau đầu gối.

Có thể bạn quan tâm

Viêm cột sống dính khớp gây ảnh hưởng đến mắt? Chuyện không thể ngờ

Viêm cột sống dính khớp là một bệnh lý về viêm xương khớp có khả năng lây lan đến các...

Đau đầu gối là dấu hiệu đầu tiên của thoái hóa khớp gối

Người bị thoái hóa khớp gối phải tuyệt đối kiêng các thực phẩm sau

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng và chữa bệnh, những người bị thoái hóa khớp...

Phương pháp điều trị Gout bằng châm cứu

Gout là một căn bệnh mạn tính được hình thành bởi sự rối loạn chuyển hóa axit uric và dẫn...

7 bài tập yoga hỗ trợ chữa viêm cột sống dính khớp

Yoga có thể giúp giảm đau và tăng tính linh hoạt của cơ bắp và xương. Nhiều người tập thường...

Phương pháp chữa gai cột sống bằng vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu thường được chỉ định cho các tình trạng gai cột sống lưng hoặc cổ để tăng...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *