Nên áp dụng các bài tập vận động sau khi thay khớp háng
Sau khi thực hiện thay khớp háng, bạn nên áp dụng các bài tập để cải thiện và tăng cường khả năng vận động của khớp.
Các bài tập vận động sau khi thay khớp háng
Tập thể dục thường xuyên là biện pháp giúp bạn khôi phục khả năng vận động của khớp háng sau phẫu thuật. Bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu luôn khuyến khích người bệnh dành từ 5 – 10 phút để thực hiện các bài tập phù hợp.
Để đảm bảo khớp phục hồi tốt, hãy trao đổi với chuyên viên trước khi thực hiện bất kỳ bài tập nào sau khi thay khớp háng.
1. Bài tập sau khi phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật, bạn chưa thể di chuyển hay rời khỏi giường. Bạn có thể thực hiện những bài tập trên giường bệnh để kích thích khớp vận động. Các bài tập sau đây chỉ tác động rất nhỏ đến chân và khớp háng nên không gây áp lực lên khớp mới phẫu thuật.
- Bài tập co duỗi cổ chân
Co duỗi bàn chân lên xuống, lặp lại bài tập này nhiều lần. Thực hiện bài tập trong 3 – 5 phút. Bắt đầu bài tập này ngay sau khi phẫu thuật và tiếp tục cho đến khi bạn bình phục hoàn toàn.
- Bài tập xoay cổ chân
Di chuyển cổ chân sang bên trái và bên phải, thực hiện liên tục trong vòng 3 – 5 phút. Thực hiện 3 hoặc 4 lần một ngày.
- Bài tập gập chân
Kéo bàn chân về phía mông, gập đầu gối và giữ gót chân trên giường. Giữ đầu gối từ trong 5 đến 10 giây và sau đó duỗi thẳng. Lặp lại động tác khoảng 10 lần. Thực hiện 3 hoặc 4 lần một ngày.
- Bài tập cơ mông
Nằm cố định trên giường, siết chặt cơ mông, giữ yên trong vòng 5 – 10 giây. Lặp lại 10 lần. Thực hiện 3 hoặc 4 lần một ngày.
- Bài tập nâng chân
Chân duỗi thẳng và thả lỏng trên giường. Nhấc chân lên vài cm. Giữ trong 5 đến 10 giây và từ từ hạ xuống. Thực hiện từ 5 – 10 lần. Bạn có thể ngưng sớm hơn nếu cảm thấy mỏi. Luyện tập từ 3 – 4 lần một ngày.
2. Bài tập ở tư thế đứng
Khi khớp háng nhân tạo đã cố định và bạn có thể đứng hoặc di chuyển được, bạn có thực hiện những động tác sau để cải thiện chức năng của khớp.
- Nâng cao đầu gối
Nâng chân cao và gập đầu gối một góc 90 độ. Giữ trong 5 – 10 giây và đặt chân xuống. Lặp lại động tác khoảng 10 lần. Thực hiện 3 hoặc 4 lần một ngày.
- Bài tập dạng khớp háng
Giữ cơ thể thẳng, sau đó nhấc chân sang một bên và nâng chân cao lên. Từ từ hạ chân xuống để chân bạn trở lại sàn. Lặp lại 10 lần. Thực hiện 3 hoặc 4 lần một ngày.
Bạn chỉ nên nhấc chân cao vừa phải, không nên quá cố gắng nâng cao hơn khả năng của khớp. Động tác chỉ đem lại hiệu quả khi có cường độ và tác động phù hợp lên khớp, tác động quá mạnh có thể khiến khớp mỏi và bị tổn thương.
- Bài tập nâng chân về phía sau
Nâng chân về phía sau. Cố gắng giữ lưng thẳng. Giữ nguyên tư thế trong 5 – 10 giây và đưa chân trở lại vị trí ban đầu. Lặp lại 10 lần. Thực hiện 3 hoặc 4 lần một ngày.
Khi thực hiện những bài tập ở tư thế đứng, bạn nên chắc rằng mình có đủ sức để thực hiện. Không nên quá cố gắng thực hiện những bài tập này và chỉ nên thực hiện khi cảm thấy thoải mái nhất. Bạn có thể tập một mình hoặc nhờ sự giúp đỡ của người thân và chuyên viên y tế.
3. Bài tập nâng cao
Bài tập nâng cao chỉ thích hợp khi khớp của bạn đã ổn định và có thể vận động bình thường. Các bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và độ dẻo dai, linh hoạt của khớp.
- Đi dạo
Đi dạo là bộ môn luyện tập phù hợp với bệnh nhân phẫu thuật thay khớp háng. Đi bộ giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm căng thẳng lên dây thần kinh, tăng cường quá trình trao đổi chất và phục hồi khả năng vận động của khớp.
Bạn chỉ nên đi bộ từ 10 – 20 phút, chú ý vận tốc đi bộ không quá nhanh. Hãy bắt đầu với cường độ nhẹ nhàng trong thời gian ngắn và kéo dài thời gian nếu bạn thấy khớp có thể đáp ứng. Không nên chạy hay đi bộ quá lâu, tác động vật lý này có thể khiến khớp mới bị tổn thương và đau nhức.
- Yoga
Yoga là bộ môn luyện tập đòi hỏi bạn phải thực hiện những động tác vật lý kết hợp với hơi thở. Bộ môn này tác động toàn diện đến cơ thể, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục vết thương sau phẫu thuật và tăng cường khả năng vận động của xương khớp.
Yoga có rất nhiều động tác, bạn nên lựa chọn những động tác nhẹ nhàng, không gây áp lực lên khớp – đặc biệt là khớp háng. Có thể thực hiện ngồi thiền để điều hòa và cân bằng cơ thể hoặc thực hiện những động tác phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại. Nên tham khảo ý kiến của chuyên viên để chắc rằng những bài tập này không tác động tiêu cực đến khớp của bạn.
Ngoài các bài tập vận động sau khi thay khớp háng, bạn có thể thực hiện những hoạt động sinh hoạt có cường độ nhẹ để phục hồi khả năng vận động như đi lại, leo cầu thang…
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn nên trao đổi với chuyên viên y tế để được hướng dẫn về chế độ luyện tập sau phẫu thuật thay khớp háng.
Tham khảo thêm: Những biến chứng nguy hiểm sau khi thay khớp háng bạn nên hiểu rõ
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!