Bệnh viêm khớp – Nguyên nhân & cách điều trị giảm đau

Viêm khớp là thuật ngữ đề cập đến tình trạng khớp sưng viêm và tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau. Viêm khớp có khoảng 100 loại, trong đó phổ biến nhất là thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp.

các dạng viêm khớp
Tìm hiểu về hội chứng viêm khớp – Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách điều trị

Bệnh viêm khớp – Nguyên nhân & Dấu hiệu nhận biết

Viêm khớp là tình trạng khớp bị sưng viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Viêm khớp có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều khớp – đặc biệt là những khớp có tần suất hoạt động thường xuyên.

Có hơn 100 loại viêm khớp khác nhau, nguyên nhân và phương pháp điều trị từng loại viêm khớp thường không giống nhau. Trong đó thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp là hai dạng phổ biến nhất.

Viêm khớp thường xuất hiện ở những người cao tuổi (thường trên 65 tuổi). Tuy nhiên bệnh cũng có thể phát sinh ở người trẻ tuổi và trung niên vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Các triệu chứng viêm khớp thường phát triển và nghiêm trọng dần theo thời gian.

Hiện nay viêm khớp là bệnh lý mãn tính không thể điều trị. Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị là làm giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

1. Triệu chứng

Mỗi loại viêm khớp thường biểu hiện bằng các triệu chứng và dấu hiệu khác nhau.

triệu chứng đau khớp
Đau khớp, sưng khớp, giảm phạm vi chuyển động,… là những triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm khớp

Các triệu chứng phổ biến của viêm khớp bao gồm:

  • Đau khớp
  • Sưng khớp
  • Đỏ
  • Giảm phạm vi chuyển động
  • Cứng khớp

Mức độ của triệu chứng tùy thuộc vào độ tổn thương của sụn bọc, khả năng chống chịu của cơ thể và loại viêm khớp mà bạn mắc phải.

2. Nguyên nhân

Sụn là cơ quan bọc ở hai đầu xương. Cơ quan này có khả năng bảo vệ khớp bằng cách giảm áp lực và ma sát khi khớp vận động, di chuyển. Khi mô sụn bị hao mòn, khớp thường có dấu hiệu sưng viêm và dần dần phát triển thành viêm khớp.

Nguyên nhân phổ biến nhất khiến mô sụn bị tổn thương là do quá trình thoái hóa. Một số nguyên nhân ít gặp hơn có thể là do chấn thương, nhiễm trùng hoặc di truyền.

Tuy nhiên một số dạng viêm khớp vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể, chẳng hạn như bệnh viêm khớp dạng thấp – một dạng viêm khớp do rối loạn tự miễn. Bệnh xuất hiện khi hệ thống miễn dịch tự tấn công vào các mô sụn khỏe mạnh.

3. Yếu tố rủi ro

Các yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp, bao gồm:

  • Di truyền: Một số loại viêm khớp có khả năng di truyền giữa những người thân cận huyết.
  • Tuổi tác: Tuổi tác cao tỉ lệ thuận với nguy cơ phát triển các vấn đề về xương khớp (thường là thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp và bệnh gout).
  • Giới tính: Phụ nữ có khả năng mắc bệnh viêm khớp cao hơn nam giới. Tuy nhiên một số loại viêm khớp lại có xu hướng phát sinh chủ yếu ở nam giới – ví dụ như bệnh gout.
  • Chấn thương: Chấn thương gây hư hại mô sụn và một số cơ quan bên trong khớp. Điều này có thể tạo điều kiện cho viêm khớp phát triển.
  • Béo phì: Trọng lượng cơ thể đè nén trực tiếp lên các khớp – đặc biệt là khớp đầu gối, hông và cột sống. Trọng lượng cao khiến áp lực lên khớp tăng lên đáng kể. Do đó viêm khớp thường có xu hướng xuất hiện ở những người thừa cân – béo phì.

Một số yếu tố rủi ro khác như nghiện rượu, lạm dụng thuốc corticosteroid, hút thuốc,… cũng có thể tăng nguy cơ viêm khớp.

4. Biến chứng

Viêm khớp có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Nếu tổn thương ở khớp trở nên nặng nề, bạn sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt và làm việc thông thường.

Trong một số trường hợp, khớp có thể bị biến dạng và mất hẳn chức năng hoạt động.

Chẩn đoán bệnh viêm khớp

Trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất để xem xét trình trạng ở xung quanh khớp (sưng, đỏ, ấm,…) và phạm vi chuyển động của cơ quan này. Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm cần thiết.

nguyên nhân đau khớp
Chẩn đoán viêm khớp bao gồm thăm khám lâm sàng, xét nghiệm hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng

Xét nghiệm hình ảnh

Xét nghiệm hình ảnh là xét nghiệm phổ biến trong quá trình chẩn đoán viêm khớp.

  • X-Quang: Sử dụng tia X để hiển thị tình trạng của mô xương. Qua hình ảnh của X-Quang, bác sĩ có thể nhận thấy không gian của khớp, tổn thương xương và sự xuất hiện gai xương.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp cắt lớp vi tính cho phép bác sĩ quan sát được mặt cắt ngang của khớp. Hình ảnh từ CT giúp bác sĩ quan sát được tình trạng xương và các mô mềm xung quanh.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh để cho hình ảnh chi tiết của các mô mềm như sụn, gân và dây chằng.
  • Siêu âm: Siêu âm sử dụng sóng âm thanh tần số cao để bác sĩ quan sát được mô mềm, sụn và dịch khớp.

Xét nghiệm khác:

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm khác trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

  • Xét nghiệm máu: Cho phép bác sĩ xác định các kháng thể gây viêm của hệ miễn dịch, dấu hiệu nhiễm trùng hoặc nồng độ axit uric cao.
  • Xét nghiệm dịch khớp: Dịch khớp của bệnh nhân viêm khớp có thể chứa vi khuẩn hoặc tinh thể urat lắng đọng.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị bệnh gout.

Các biện pháp phổ biến trong điều trị viêm khớp

Mục tiêu chính của điều trị viêm khớp là tập trung làm giảm triệu chứng, cải thiện chức năng khớp và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Trước tiên bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa trước khi can thiệp ngoại khoa.

1. Thuốc

Thuốc được sử dụng để làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa các cơn đau bùng phát. Loại thuốc được sử dụng tùy thuộc vào loại viêm khớp và mức độ tổn thương của mô sụn.

Thuốc giảm đau

Nhóm thuốc này có khả năng giảm đau nhưng không có tác dụng đối với phản ứng viêm. Các loại thuốc giảm đau thường được sử dụng, bao gồm:

chữa bệnh viêm khớp
Thuốc giảm đau có tác dụng giảm các cơn đau do viêm khớp gây ra

Acetaminophen: Là thuốc giảm đau cho cơn đau nhẹ đến trung bình. Acetaminophen ít gây tác dụng phụ nên thường được ưu tiên sử dụng. Tuy nhiên lạm dụng thuốc hoặc sử dụng thuốc ở liều cao có thể gây tổn thương gan và thận.

Tramadol: Tramadol được chỉ định với cơn đau trung bình đến nặng. Loại thuốc này tác động đến hệ thần kinh trung ương khiến não không cảm nhận được phản ứng đau. Tramadol tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó bạn cần thông báo với bác sĩ tiền sử dùng thuốc và tình trạng sức khỏe trước khi sử dụng.

Opioids: Opioids là nhóm thuốc giảm đau gây nghiện. Thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện hoặc được sản xuất bằng phương pháp tổng hợp. Opioids được sử dụng khi cơn đau kéo dài và không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường.

Thuốc chống viêm không streroid (NSAID)

NSAID có tác dụng giảm đau và giảm viêm. Bạn sẽ được yêu cầu sử dụng NSAID không kê toa như Aspirin, Diclofenac, Ibuprofen,… trước khi sử dụng các NSAID kê toa. Nhóm thuốc này có khả năng gây loét, xuất huyết dạ dày và tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ.

Để làm giảm tác dụng phụ của NSAID, bạn có thể sử dụng thuốc ức chế chọn lọc COX-2 (một nhóm nhỏ của NSAID) hoặc dùng NSAID ở dạng điều trị tại chỗ.

Thuốc chống thấp khớp (DMARDs)

Thuốc chống thấp khớp được sử dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp hoặc các loại viêm khớp do rối loạn tự miễn. DMARDs làm chậm và ngăn chặn kháng thể từ hệ miễn dịch tấn công vào mô sụn.

Các loại thuốc chống thấp khớp được sử dụng phổ biến như Methotrexate, Hydroxychloroquine,…

Thuốc sinh học

Thuốc sinh học thường được sử dụng kết hợp với DMARDs. Nhóm thuốc này có chứa các gen biến đổi tác động vào phân tử protein có liên quan đến phản ứng miễn dịch.

Các loại thuốc sinh học được dùng phổ biến như Etanercept và Infliximab.

Corticosteroid

Corticosteroid là nhóm thuốc có khả năng giảm viêm bằng cách ngăn chặn hoạt động của hệ miễn dịch. Corticosteroid bao gồm thuốc tiêm và thuốc uống (Prednisone).

Corticosteroid được sử dụng trong điều trị ngắn hạn. Sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể làm suy giảm hệ miễn dịch và gây tổn thương lên các khớp khỏe mạnh.

Glucosamine

Glucosamine là loại thuốc bổ sung thường được sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp. Loại thuốc này có tác dụng phục hồi mô sụn, kích thích sản xuất dịch nhầy nhằm làm chậm quá trình thoái hóa.

Tuy nhiên Glucosamine mất từ 2 – 3 tháng để phát huy tác dụng. Do đó bạn cần trao đổi với bác sĩ để sử dụng kết hợp với thuốc giảm đau trong trường hợp triệu chứng phát sinh.

2. Vật lý trị liệu

Bên cạnh việc dùng thuốc, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện vật lý trị liệu. Các bài tập trong liệu pháp này có khả năng cải thiện phạm vi chuyển động, tăng cường cơ xung quanh khớp và kiểm soát các triệu chứng.

Ngoài ra để làm giảm áp lực lên khớp bị tổn thương, chuyên viên vật lý trị liệu có thể đề nghị bạn sử dụng một số thiết bị hỗ trợ như nẹp, nạng,…

3. Phẫu thuật

Trong trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ cân nhắc và chỉ định phẫu thuật.

thuốc trị viêm khớp
Thủ thuật ngoại khoa chỉ được thực hiện khi điều trị bảo tồn thất bại

Phẫu thuật trong điều trị viêm khớp bao gồm các thủ thuật sau:

Cải thiện bề mặt khớp

Khi bị tổn thương, mô sụn thường có xu hướng sần sùi. Điều này khiến khớp ma sát mạnh và đau nhức mỗi khi di chuyển.

Nhằm làm giảm triệu chứng và cải thiện khả năng vận động, bác sĩ sẽ tiến hành làm mịn bề mặt khớp. Thủ thuật này thường được thực hiện bằng phương pháp nội soi.

Thay khớp

Nếu khớp bị tổn thương nghiêm trọng và không có khả năng phục hồi, thủ thuật thay khớp nhân tạo sẽ được thực hiện. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ khớp hư tổn và thay thế bằng khớp nhân tạo.

Mặc dù thay khớp chấm dứt các triệu chứng của bệnh, đồng thời giúp người bệnh có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt trở lại. Tuy nhiên thủ thuật này có thể gây ra các biến chứng tiềm ẩn, chẳng hạn như nhiễm trùng, cục máu đông, trật khớp,…

Loại bỏ gai xương

Một số bệnh nhân hình thành gai xương ở khớp bị hư hại, bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật này để cắt bỏ gai xương. Khi gai xương được cắt bỏ, các triệu chứng như cứng khớp và sưng viêm sẽ được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, khớp có thể vận động dễ dàng hơn trước.

4. Các phương pháp khác

Ngoài các phương pháp điều trị chính, bệnh nhân có thể thực hiện các biện pháp thay thể để làm giảm cơn đau và các triệu chứng của viêm khớp.

Tuy nhiên các biện pháp này chỉ có khả năng hỗ trợ điều trị. Đồng thời không thể thay thế cho các phương pháp điều trị chuyên sâu được chỉ định.

Châm cứu

Châm cứu sử dụng kim châm chuyên dụng để châm vào các huyệt vị có mối liên hệ với cơ quan bị tổn thương. Phương pháp này có nguồn gốc từ y học Trung Hoa và được sử dụng rộng rãi trong điều trị đau nhức xương khớp.

trị bệnh viêm khớp
Châm cứu sử dụng kim châm tác động đến huyệt vị nhằm tăng lưu lượng máu và giảm đau

Châm cứu có khả năng giảm đau, đồng thời ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên người gặp các vấn đề về đông máu, phụ nữ mang thai,… không nên thực hiện phương pháp này.

Yoga

Yoga là bộ môn luyện tập phổ biến. Bộ môn này không chỉ tác động tích cực đến sức khỏe mà còn có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý – đặc biệt là viêm khớp.

Các động tác từ yoga giúp tăng cường tuần hoàn, cải thiện cơ bắp, tăng phạm vi chuyển động và ngăn ngừa quá trình thoái hóa. Tuy nhiên bạn cần trao đổi với chuyên viên vật lý trị liệu để được hướng dẫn cách tập yoga phù hợp với tình trạng  sức khỏe.

Massage

Massage là liệu pháp sử dụng tác động từ tay để kích thích tuần hoàn máu nhằm giảm đau tạm thời. Phương pháp này còn giúp bệnh nhân thư giãn và giảm căng thẳng lên khớp.

Biện pháp khắc phục viêm khớp tại nhà

Để hỗ trợ quá trình điều trị, bạn nên thực hiện chế độ luyện tập, dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý.

đau nhức xương khớp dùng thuốc gì
Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, luyện tập,… có vai trò hỗ trợ cho các phương pháp điều trị

Các biện pháp khắc phục viêm khớp tại nhà, bao gồm:

  • Giảm cân: Nếu bạn thừa cân – béo phì, việc điều chỉnh cân nặng là vấn đề rất cần thiết. Giảm cân đồng nghĩa với việc giảm căng thẳng, áp lực lên khớp bị tổn thương. Điều này sẽ giúp khớp ít sưng viêm và đau nhức.
  • Tập thể dục: Một số bộ môn luyện tập nhẹ nhàng có khả năng hỗ trợ điều trị viêm khớp – ví dụ như đi bộ, bơi lội,…
  • Chườm nóng/ lạnh: Là biện pháp giảm đau không sử dụng thuốc. Bạn nên chườm nóng/ lạnh từ 15 – 20 phút để cải thiện triệu chứng.
  • Chế độ dinh dưỡng: Ưu tiên bổ sung các thành phần có lợi cho xương khớp như vitamin D, Omega 3, nguyên tố vi lượng, vitamin,… Đồng thời hạn chế các thực phẩm kích thích phản ứng viêm như ngũ cốc đã qua tinh chế, chất béo no, đường, muối,…
  • Chế độ sinh hoạt: Nên dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn. Không nên thức khuya, làm việc quá sức, sử dụng rượu bia, hút thuốc hay dùng chất kích thích,…
  • Thay đổi tư thế: Một số tư thế sinh hoạt và làm việc có thể kích thích khớp đau nhức. Bạn nên nhờ sự trợ giúp của chuyên viên vật lý trị liệu để điều chỉnh tư thế thích hợp.

Bài viết đã cung cấp các thông tin cần thiết về hội chứng viêm khớp. Tuy nhiên bạn tuyệt đối không tự ý điều trị, cần chủ động gặp bác sĩ để được chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!

nguyên nhân và cách xử lí đau cứng khớp

Lý do khiến bạn bị đau cứng khớp và cách xử lý

Đau cứng khớp khiến cho chất lượng cuộc sống của nhiều người bị sụt giảm đáng kể. Vậy, bạn đã biết nguyên do cũng như cách xử lý tình trạng...
Đau khớp gối ở người trẻ tuổi

Đau khớp gối ở người trẻ tuổi: Cách phòng và điều trị

Đừng lầm tưởng đau khớp gối chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi. Hiện nay tình trạng viêm khớp gối...

Các thông tin cần biết về bệnh viêm khớp gối

Bệnh viêm khớp gối: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Khớp gối đau khi hoạt động thể chất, cứng khớp, sưng khớp, biến dạng khớp… là những triệu chứng thường...

9 bài tập yoga chữa đau khớp gối ai cũng làm được

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn có thể thực hiện những bài tập yoga để làm giảm và kiểm...

Điều trị viêm khớp háng

Các phương pháp điều trị viêm khớp háng phổ biến hiện nay

Sử dụng thuốc, phẫu thuật, chườm nóng/lạnh,… là những phương pháp điều trị viêm khớp háng phổ biến. Mỗi phương...

Quan hệ vợ chồng sau khi thay khớp háng cần lưu ý

Thảo luận về vấn đề tình dục luôn là đề tài được quan tâm. Nhất là đối với những bệnh...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *