Đau đầu gối khi chơi thể thao cần lưu ý những điều này
Đau đầu gối khi chơi thể thao là tình trạng rất nhiều người gặp phải do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Không nên chủ quan trước hiện trạng này bởi nó có thể tiềm ẩn nhiều vấn đề nguy hiểm. Trong một số trường hợp, bạn sẽ phải cần đến sự chăm sóc y tế để khắc phục.
Đau đầu gối khi chơi thể thao nguyên nhân do đâu
Sau đây là một số nguyên nhân khiến bạn gặp phải tình trạng đau đầu gối khi chơi thể thao:
1. Chơi thể thao quá sức
Tập luyện thể dục thể thao, đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn, giúp xương khớp dẻo dai và chắc khỏe hơn. Tuy nhiên, việc chơi thể thao quá sức sẽ phát sinh các rủi ro. Điển hình nhất là có thể khiến cho khớp gối bị đau.
Khớp gối là một khớp lớn phải chịu rất nhiều áp lực từ cơ thế trong quá trình vận động. Nếu bạn vận động mạnh với cường độ lớn và thời gian kéo dài thì sẽ càng làm gia tăng áp lực cho khớp gối.
Đặc biệt, khi chơi các môn thể thao đòi hỏi phải di chuyển nhiều như chạy bộ, bóng đá, bóng bầu dục… đầu gối sẽ dễ bị nhức mỏi và đau hơn khi tập luyện quá sức.
2. Gặp chấn thương trước đó
Nếu bạn đã từng gặp những chấn thương trước đó thì nguy cơ bạn bị đau khớp gối khi chơi thể thao là rất cao. Ngay cả khi các chấn thương đã được chữa lành thì khớp gối của bạn vẫn sẽ bị yếu đi, nhất là lúc phải chịu đựng áp lực lớn. Một số chấn thương ở đầu gối dễ gặp như gãy xương, trật khớp, viêm gân bánh chè, bong gân…
Ngoài ra, vấn đề sai khớp trong khi chơi thể thao là tình trạng rất thường gặp có thể làm cho cơn đau đầu gối khởi phát.
3. Do các bệnh lý xương khớp
Tập luyện với cường độ nặng và thời gian kéo dài khiến đầu gối bị đau là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không ít người vẫn gặp phải tình trạng đau đầu gối ngay khi chơi thể thao với cường độ trung bình hoặc thấp trong thời gian ngắn.
Lúc này, bạn hãy nghĩ ngay đến các bệnh lý về xương khớp. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến cho bạn bị đau đầu gối khi chơi thể thao.
Khi mắc các bệnh lý xương khớp, các khớp của bạn thường bị tổn thương, suy yếu và không thể chịu đựng nổi áp lực khi vận động mạnh dù trong thời gian ngắn. Một số bệnh như viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối, viêm khớp dạng thấp hay đau dây thần kinh tọa… đều có thể là tác nhân làm phát sinh tình trạng đau đầu gối khi chơi thể thao.
4. Các nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân kể trên thì còn một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ bị đau đầu gối khi chơi thể thao như:
- Trọng lượng cơ thể
- Tuổi tác
- Không khởi động trước khi chơi thể thao
- Chơi môn thể thao không phù hợp
Cách phòng ngừa và khắc phục tình trạng đau đầu gối khi chơi thể thao
Một số phương pháp dưới đây sẽ hữu ích cho bạn trong việc dự phòng cũng như cải thiện tình trạng đau khớp gối khi chơi thể thao.
1. Chọn môn thể thao phù hợp
Để tránh gặp phải tình trạng đau đầu gối khi chơi thể thao, trước hết bạn nên chọn bộ môn phù hợp với hiện trạng sức khỏe. Đối với những người có sức khỏe tốt cùng với hệ xương khớp dẻo dai thì vấn đề này hết sức đơn giản.
Tuy nhiên với những người có hệ xương khớp yếu hay từng gặp chấn thương trước đó hoặc từng sống chung với các bệnh lý cơ xương khớp thì rất khó khăn trong việc chọn bộ môn thể thao phù hợp. Chỉ cần lựa chọn không hợp lý có thể khiến cho đầu gối thường xuyên bị đau khi luyện tập.
Khi đầu gối của bạn không thật sự khỏe hay đang gặp vấn đề thì có thể lựa chọn một số bộ môn sau:
- Yoga: đây là bộ môn rất nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu, làm tăng độ linh hoạt và bền dẻo cho xương khớp. Tuy nhiên, nếu đầu gối không tốt thì bạn nên hạn chế tập luyện các động tác quá khó.
- Đi bộ: Khác với chạy bộ, đi bộ sẽ giúp bạn hạn chế được áp lực lên đầu gối. Nên đi với bước nhỏ và cường độ thấp để tránh gây tổn thương cho khớp gối.
- Đạp xe đạp: Bạn nên đạp với tốc độ chậm trong thời gian ngắn để tránh tác động quá nhiều lên khớp gối.
- Bơi lội: Đây là một trong những môn thể thao phù hợp khi khớp gối của bạn đang gặp vấn đề. Bơi lội không tác động nhiều lên khớp gối. Chính vì thế có thể khiến bạn thoải mái hơn khi tập luyện, tránh được tình trạng đau đầu gối.
2. Chú ý đến cường độ và thời gian tập luyện
Khi mới bắt đầu chơi bất cứ một môn thể thao nào, bạn không nên rèn luyện với cường độ cao và thời gian kéo dài. Hãy lắng nghe cơ thể của mình, tăng dần cường độ nếu thấy phù hợp. Việc tập luyện quá gắng sức thường rất dễ phát sinh rủi ro, đau đầu gối là một trong số đó.
Nếu thấy cơ thể đuối sức, mệt mỏi bạn nên ngưng tập để nghỉ ngơi. Có thể tiếp tục khi thấy khỏe trở lại. Ngoài ra, nếu đầu gối của bạn bị đau nhức ngay khi mới bắt đầu thì nên dừng việc tập luyện lại. Bạn chỉ có thể nhận được kết quả tốt khi tập luyện với cường độ và thời gian phù hợp với sức khỏe của mình.
3. Khởi động kỹ lưỡng
Việc khởi động, làm nóng cơ thể trước khi chơi thể thao là rất cần thiết. Nó không chỉ khiến cho các khớp xương, trong đó có khớp gối chuyển động nhịp nhàng hơn mà còn hạn chế nguy cơ gặp phải chấn thương.
Trước khi bắt đầu tập luyện bất cứ một bộ môn thể thao nào, bạn nên dành ra ít nhất 10 phút cho việc khởi động. Đối với những môn tác động nhiều lên khớp gối, bạn hãy chú ý khởi động đầu gối kỹ càng hơn.
Bên cạnh đó, sau khi tập luyện bạn cũng nên lưu ý đến vấn đề giãn cơ. Có thể thả lỏng cơ thể, massage cho các cơ và đầu gối để giảm nguy cơ gặp phải tình trạng đau nhức và giúp cơ xương được thoải mái hơn.
4. Thăm khám bác sĩ khi cần thiết
Trường hợp bị đau đầu gối do luyện tập quá sức có thể được khắc phục bằng những biện pháp thông thường. Ví dụ như massage, chườm nóng, chườm lạnh… hay điều chỉnh cường độ tập luyện. Tuy nhiên, nếu bạn bị đau đầu gối khi tập thể thao do mắc các bệnh lý cơ xương khớp thì sự chăm sóc y tế là cần thiết. Tình trạng này chỉ có thể được khắc phục khi bạn kiểm soát tốt tình trạng bệnh.
Hết sức thận trọng với những cơn đau dữ dội xuất hiện khi bạn tập luyện với cường độ thấp trong thời gian ngắn. Hãy thăm khám bác sĩ ngay để sớm phát hiện và điều trị bệnh. Lúc này bác sĩ có thể chị định bạn sử dụng các thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid hay thuốc giãn cơ… để khắc phục tình tình.
Trên đây là những vấn đề bạn cần lưu ý nếu gặp phải tình trạng đau đầu gối khi chơi thể thao. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn nên hết sức cẩn trọng và thăm khám bác sĩ khi cần thiết.
ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!