Đau khớp háng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Đau khớp háng là triệu chứng thường xảy ra khi bạn mắc các bệnh lý về xương khớp như thoái hóa, viêm khớp hay tràn dịch khớp háng… Đôi khi hiện tượng này chỉ xuất phát từ những nguyên nhân thông thường như té ngã, tai nạn hoặc chơi thể thao quá nhiều. Sử dụng thuốc giảm đau kết hợp vật lý trị liệu và các biện pháp khắc phục tự nhiên tại nhà có thể giúp bạn nhanh chóng chấm dứt cơn đau.
Nguyên nhân đau khớp háng
Chứng đau khớp háng ảnh hưởng đến mọi đối tượng, bao gồm cả trẻ em lẫn người cao tuổi. Rất nhiều nguyên nhân được tìm thấy có liên quan đến sự phát triển của các cơn đau. Chúng bao gồm:
– Các chấn thương tại khớp háng:
Chấn thương ở khớp háng và các phần mềm xung quanh như gân, cơ, dây chằng có thể xảy ra khi bạn bị tai nạn xe cộ, đi lại nhiều, chơi thể thao quá sức hoặc vận động không đúng cách. Điều này có thể dẫn đến sự khởi phát của một cơn đau tại khớp háng. Kèm theo đó, khu vực tổn thương có thể bị sưng đỏ.
– Do tính chất công việc:
Hiện tượng đau khớp háng có thể xảy ra liên tục đối với những người phải làm việc trong môi trường ít vận động, thường xuyên di chuyển, đứng hoặc ngồi yên một chỗ hay bốc xếp vật nặng. Những đối tượng này dễ dàng bị đau khớp háng và có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về xương khớp khác, chẳng hạn như thoái hóa khớp háng.
– Do ảnh hưởng của tuổi tác:
Càng lớn tuổi, khớp háng cũng như toàn bộ các khớp khác trong cơ thể có khuynh hướng bị suy yếu, dễ bị chấn thương. Lớp sụn trong khớp cũng bị ăn mòn khiến cho các đầu xương cọ sát với nhau và gây đau ở khớp háng bên trái, bên phải hoặc cả hai bên khi vận động.
– Khiếm khuyến bẩm sinh ở khớp háng
Đây cũng là một trong những nguyên nhân đau khớp háng cần được đề cập tới. Mặc dù không phổ biến nhưng một số trường hợp có dị tật ở khớp háng như lỏng khớp, trật khớp háng bẩm sinh… cũng có thể thường xuyên phải đối diện với các cơn đau.
– Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng:
Cơ thể bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng như canxi, vitamin D, chondroitin hay Collagen… có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương khớp. Đau khớp háng chính là một trong những dấu hiệu cảnh báo của cơ thể.
– Đau khớp háng do bệnh lý:
Trong nhiều trường hợp, cơn đau còn xuất hiện khi mắc các bệnh lý liên quan đến khớp háng. Lúc này bệnh nhân không chỉ bị đau nhức khớp háng đơn thuần mà còn phải đối mặt với nhiều triệu chứng khác như sưng khớp, nóng đỏ tại khớp háng, cứng khớp, giới hạn cử động, biến dạng khớp hoặc có thể bị sốt. Vậy đau khớp háng là bệnh gì?
Hiện tượng đau khớp háng trái, phải có thể xảy ra nếu bạn mắc các bệnh lý sau:
- Thoái hóa khớp háng
- Viêm khớp háng
- Viêm đa khớp dạng thấp
- Vôi hóa khớp háng
- Thoát vị bẹn
- Viêm khớp xương chậu
- Tràn dịch khớp háng…
Nếu tình trạng đau khớp háng kéo dài đi kèm với những biểu hiện bất thường khác, bạn nên thận trọng vì rất có thể đã mắc một trong các bệnh lý được đề cập ở trên.
Triệu chứng đau khớp háng
Cơn đau khớp háng của mỗi người có thể không giống nhau, về cường độ, tần suất cũng như thời gian. Triệu chứng đau khớp háng được chia thành các mức độ như sau:
– Đau khớp háng nhẹ:
- Cơn đau xuất hiện âm ỉ và không kéo dài quá lâu
- Thỉnh thoảng mới bị đau
- Có cảm giác tê mỏi, khó co duỗi khớp háng
- Đau khớp có tính chất cơ học. Cảm giác đau nhiều hơn khi vận động và thuyên giảm khi nghỉ ngơi, ngưng cử động tại khớp háng.
– Triệu chứng đau khớp háng mức độ trung bình:
Khi khớp háng bị đau do tổn thương hoặc có dấu hiệu của bệnh lý, nếu không được điều trị tốt thì cơn đau sẽ ngày càng tăng nặng và biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài hơn.
- Bị đau khớp háng dữ dội. Đau nhiều hơn vào buổi sáng và có khuynh hướng giảm dần về chiều tối.
- Cơn đau xuất hiện với tần suất nhiều hơn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, ngay cả khi bạn đang ngủ.
- Việc vận động, thay đổi tư thế đều trở nên khó khăn
- Đi lại khập khiễng
– Giai đoạn đau khớp háng nặng:
- Cơn đau liên tục, kéo dài không dứt
- Đau dữ dội
- Khớp háng trở nên khô cứng, sưng đỏ
- Các cơ bắp xung quanh khớp háng bị suy yếu, teo nhỏ
- Không thể đi lại, xoay người hay gập người
Tham khảo thêm: Nếu ngủ dậy bị đau khớp háng “cần cảnh giác”
Cách điều trị đau khớp háng
Phương pháp chữa trị đau khớp háng sẽ được lựa chọn dựa trên kết quả chẩn đoán bệnh và các yếu tố sau:
- Mức độ đau
- Nguyên nhân gây đau
- Bệnh lý và các triệu chứng khác đi kèm
- Tuổi tác và thể trạng của người bệnh
1. Dùng thuốc chữa đau khớp háng
Đau khớp háng uống thuốc gì? Đây là thắc mắc được nhiều bệnh nhân quan tâm. Sử dụng thuốc tân dược là phương pháp được áp dụng phổ biến để điều trị cho các trường hợp bị đau khớp háng. Tuy nhiên cần lưu ý rằng thuốc tây có tác dụng giảm đau nhanh chóng nhưng nếu dùng lâu dài hoặc sử dụng không đúng cách có thể gặp nhiều tác dụng phụ.
Một số nhóm thuốc chữa đau khớp háng có thể được bác sĩ kê đơn bao gồm:
- Thuốc giảm đau thông thường: Panadol, Tylenol, Paracetamol, Acetaminophen. Nếu chỉ bị đau khớp háng đơn thuần, người bệnh có thể dùng các thuốc này. Các thuốc này có tác dụng cắt đứt cơn đau tạm thời và chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn.
- Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid: Trường hợp bị đau kèm theo hiện tượng sưng viêm ở khớp háng bệnh nhân sẽ được chỉ định các thuốc kháng viêm không steroid. Chẳng hạn như Aspirin hay Ibuprofen…
- Thuốc làm giãn cơ: Được sử dụng phổ biến là Mydocalm hay Myonal. Các thuốc này thường được kê đơn kèm với thuốc giảm đau nhằm mục đích ngăn ngừa hiện tượng co cứng các cơ quanh khớp háng, hạn chế tình trạng cứng khớp, giúp các cử động tại khớp háng được linh hoạt hơn.
- Các loại thuốc khác có thể được chỉ định: Thuốc kháng sinh, thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm, Corticoid, các chất bổ sung ( glucosamine, chondroitin…).
Các loại thuốc trên có thể được điều chế dưới dạng uống, tiêm hay bôi ngoài da. Bệnh nhân cần sử dụng đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc để hạn chế nguy cơ gặp tác dụng phụ ngoài ý muốn.
2. Vật lý trị liệu chữa đau khớp háng
Vật lý trị liệu là phương pháp hỗ trợ giảm đau khớp háng thường được chỉ định đi kèm với quá trình trị liệu bằng thuốc. Phương pháp này sẽ được thực hiện tại bệnh viện hay các phòng vật lý trị liệu và sẽ có chuyên gia trực tiếp hướng dẫn cho bạn.
Khi tiến hành làm vật lý trị liệu, tùy theo mức độ đau của người bệnh, triệu chứng đi kèm và các bệnh lý liên quan mà bác sĩ có thể lựa chọn một trong các phương pháp như : Tập luyện khôi phục chức năng khớp háng, đắp paraffin, chiếu hồng ngoại… Dù áp dụng cách thức nào thì cũng đều hướng đến mục đích giảm đau, hồi phục tổn thương và nâng cao khả năng vận động của khớp háng.
3. Các phương pháp hỗ trợ giảm đau khớp háng tại nhà
– Chườm lạnh
Mục đích chính của chườm lạnh là lợi dụng nhiệt độ thấp để đóng băng vùng bị đau, giảm lưu lượng máu đến khớp háng bị tổn thương, qua đó ngăn chặn tình trạng sưng phù ở các mô.
Chỉ cần lấy một túi đá lạnh chườm vào khớp háng bị đau khoảng 20 phút, cơn đau sẽ được xoa dịu tức thì. Lặp lại sau mỗi vài giờ nếu cơn đau vẫn còn tiếp tục tái diễn. Để tránh bị bỏng lạnh, bạn nên bọc đá vào trong một cái túi vải hoặc khăn mỏng. Tránh để cục đá tiếp xúc trực tiếp với da.
– Thủy trị liệu
Thủy trị liệu là phương pháp sử dụng nước ấm để giảm đau. Nó có tác dụng ngay cả khi bạn bị đau khớp háng bên trái hay bên phải. Hơi ấm sẽ giúp làm thư giãn các khớp chân cũng như gân cơ, giảm áp lực cho mạch máu. Nhờ vậy cơn đau khớp háng cũng được xoa dịu.
Hàng ngày vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, hãy chuẩn bị sẵn một chậu nước ấm và ngâm chân vào đó khoảng 20 phút. Vừa ngâm vừa mát xa, xoa bóp từ bàn chân cho đến hông để tăng hiệu quả giảm đau. Ngoài ra, có thể tận dụng những lúc tắm để ngâm toàn bộ cơ thể trong bồn nước ấm sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Ngoài ra, khi nấu nước bạn cũng có thể thêm một số thảo dược như gừng, xả, lá tía tô vào nấu chung. Chúng có tác dụng giảm đau, chống viêm tự nhiên rất tốt cho các trường hợp bị đau do viêm khớp háng.
– Tập luyện vừa sức
Nhiều người cứ nghĩ vận động, tập thể dục có thể khiến cơn đau khớp háng trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, suy nghĩ này chỉ đúng trong trường hợp bạn đang bị đau khớp háng nặng kèm theo triệu chứng sưng phù ở khớp. Lúc này, cần nghỉ ngơi nhiều và hạn chế các cử động ở khớp gối.
Sau khi cơn đau bắt đầu thuyên giảm, hãy bắt đầu bằng các bài tập nhẹ nhàng cho khớp gối, chẳng hạn như nâng chân lên xuống, đá chân sang trái, sang phải. Sau đó tăng dần cường độ và thời gian luyện tập. Việc ở yên một chỗ lâu ngày có thể khiến khớp háng bị cứng, các cơ xung quanh cũng suy yếu dần và có thể bị teo.
Một số bộ môn luyện tập được khuyến khích cho người bị đau khớp háng như đi bộ, bơi lội, tập thể dục dưỡng sinh, yoga…
– Nẹp cố định khớp háng bị đau
Trường hợp bị đau khớp háng do chấn thương, việc sử dụng nẹp cố định khớp háng là cần thiết. Phương pháp này có tác dụng giảm đau tạm thời nhờ hạn chế những ảnh hưởng của vận động đến khớp háng tổn thương, tạo điều kiện cho khu vực bị đau được chữa lành nhanh hơn.
Nếu không dùng nẹp, bạn có thể thay thế bằng cách băng bó. Các thiết bị này đều được bày bán sẵn tại các nhà thuốc hay cửa hàng kinh doanh thiết bị vật tư y tế. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách sử dụng đúng.
– Sử dụng các bài thuốc chữa đau khớp háng từ thảo dược
Bên cạnh những mẹo tự nhiên trên, bạn có thể áp dụng một số bài thuốc chữa đau khớp háng dễ thực hiện được làm từ các loại thảo dược sẵn có trong vườn nhà để làm dịu cảm giác đau.
- Dùng cây xấu hổ: Lấy 120g rễ cây xấu hổ đem tẩm với một ít rượu trắng loại 40 độ. Sau đó sắc kỹ, chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày.
- Bài thuốc từ dây đau xương: Lấy cây thuốc đem giã nát rồi đắp lên chỗ khớp háng bị ảnh hưởng. Hoặc có thể lấy 100g dây đau xuơng đem ngâm với 1 lít rượu 40 độ trong 30 ngày. Mỗi ngày uống 40 – 45 ml chia làm 3 lần,.
- Trị đau khớp háng bằng ngải cứu: Lấy 250g lá ngải cứu tươi giã nát, đem xào nóng cùng với giấm. Dùng miếng vải mỏng bọc hỗn hợp lại và đắp lên khớp háng mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 20 phút.
Ngoài ra, các bài thuốc từ lá tía tô, lá lốt hay cây đơn châu chấu cũng có tác dụng tích cực trong việc giảm đau khớp háng. Cân nhắc lựa chọn một bài thuốc phù hợp và áp dụng trong vài tuần liên tục để cơn đau chấm dứt hẳn.
– Bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho xương khớp
Chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp nâng cao khả năng phục hồi của khớp háng bị tổn thương lên đến 40%. Bạn cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Đặc biệt ưu tiên các thực phẩm tốt cho xương khớp chứa nhiều canxi, vitamin D, C và omega 3. Chẳng hạn như tôm, cua, cá béo, trứng, các loại hạt…
4. Phẫu thuật điều trị đau khớp háng
Phẫu thuật là phương pháp ngoại khoa được lựa chọn sau cùng để khắc phục chứng đau khớp háng khi mà điều trị bằng nội khoa không mang lại hiệu quả như ý. Đặc biệt các trường hợp bị đau nghiêm trọng do ảnh hưởng của bệnh thoái hóa khớp háng, viêm khớp háng làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như khả năng vận động của người bệnh thì phẫu thuật là cần thiết.
Hầu hết các trường hợp bị đau khớp háng đều được chỉ định phương pháp phẫu thuật nội soi. Ca phẫu thuật có thể được thực hiện nhằm mục đích
Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, bán phần hoặc hàn cứng khớp là những phương pháp điều trị phẫu thuật phổ biến, được chỉ định dựa trên mức độ tổn thương, tuổi người bệnh.
Trên đây là những nguyên nhân đau khớp háng và các điều trị phù hợp. Cơn đau kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và chất lượng sống. Đặc biệt nếu bạn bị đau khớp háng do mắc bệnh về xương khớp thì có nguy cơ gặp biến chứng cao nếu không được điều trị từ sớm. Vì vậy, hãy tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ ngay khi có thể nếu cơn đau khớp háng đang quấy rầy bạn.
Thông tin trên không có giá trị thay thế cho chẩn đoán hay chỉ định điều trị của nhân viên y tế.
Có thể bạn quan tâm
- Những bài tập yoga tốt cho người bị đau khớp háng
- Cách chữa đau khớp háng khi mang thai an toàn cho mẹ và bé
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!