Có nên uống rượu bia khi bị viêm họng không?
Có nhiều ý kiến cho rằng, rượu bia có chứa cồn nên có khả năng sát khuẩn, sát trùng cổ họng, tốt cho người bị bệnh viêm họng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, uống nhiều rượu bia khi bị viêm họng chỉ khiến cho các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn.
Tác hại của rượu bia đối với người bị viêm họng
Viêm họng là hiện tượng cổ họng bị sưng, viêm, đau do nhiễm virus (cảm cúm, cảm lạnh) hay vi khuẩn (phổ biến nhất là vi khuẩn liên cầu Streptococcus pyogenes hoặc streptococcus nhóm A).
Một số nghiên cứu cho biết, uống nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ bị viêm họng hoặc khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân là do:
1. Rượu bia gây mất nước và kích ứng niêm mạc họng
Có nhiều người cho rằng rượu bia có thể giúp làm dịu cổ họng, giảm cơn đau họng. Điều này đúng nhưng cần lưu ý rượu bia chỉ có tác dụng giảm cảm giác khó chịu tức thời. Trên thực tế, nếu uống quá nhiều rượu bia có thể khiến cho cơ thể bị mất nước, dẫn đến tế bào, mô ở cổ họng dễ bị khô, kích thích hơn thông thường. Điều này làm cho triệu chứng của bệnh viêm họng càng trở nên tồi tệ hơn.
Uống nhiều rượu bia khi bị viêm họng có thể gây kích thích cổ họng và gây viêm ở những mô nhạy cảm, khiến cho cơn đau càng trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Rượu bia làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể
Theo một đánh giá được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh tháng 10 năm 2007, uống rượu bia vừa phải, nhất là rượu vang có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ tháng 5 năm 2002 (nghiên cứu được thực hiện trên 4200 người trưởng thành) cho biết, những đối tượng có thói quen uống 1 – 2 ly rượu bia mỗi ngày có tỉ lệ mắc bệnh cảm lạnh thông thường thấp hơn so với những người không uống rượu.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc rượu bia có thể cải thiện được bệnh viêm họng.
Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), uống nhiều rượu có thể làm giảm hoạt động của tế bào bạch cầu chống lại vi khuẩn, virus gây bệnh, gây suy giảm hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Một số thức uống giúp làm dịu cơn đau, khó chịu do viêm họng
Thay vì dùng rượu bia, bạn có thể bổ sung những thức uống tốt cho niêm mạc họng sau đây:
- Trà gừng: Gừng là một loại thực vật có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn. Uống trà gừng nóng mỗi khi bị viêm họng có thể giúp xoa dịu cổ họng, giảm cảm giác khó chịu.
- Trà bạc hà: Tương tự như trà gừng, trà bạc hà có chứa nhiều hợp chất có khả năng chống viêm, giảm đau do viêm họng. Bạn có thể pha chế bằng cách thêm một ít lá bạc hà vào nước sôi trong khoảng 3 – 5 phút, sau đó vớt bỏ lá và uống.
- Trà hoa cúc: Bên cạnh công dụng chính là an thần, xoa dịu thần kinh, hỗ trợ giấc ngủ, uống trà hoa cúc khi bị viêm họng cũng có thể giảm đau, giảm viêm.
- Trà gừng – quế – cam thảo: Lấy gừng, quế, cam thảo theo tỉ lệ 2 – 2 – 3 cho hãm với nước nóng trong khoảng 10 phút, uống tối đa 3 lần/ ngày.
- Sữa nghệ: Theo cuốn “The Complete Book of Ayurvedic Home Remedies” của tác giả Dr. Vasant Lad, uống một cốc sữa nóng pha với nghệ sẽ làm dịu kích ứng ở cổ họng, giảm triệu chứng đau họng.
Ngoài ra, bạn cũng cần uống nhiều nước, bổ sung thực phẩm giàu vitamin C (có trong các loại trái cây họ quýt như: cam, chanh, quýt, bưởi…), nghỉ ngơi, hạn chế thức khuya, tránh tiếp xúc với rượu, bia, khói thuốc lá… có thể giúp cải thiện bệnh.
Tóm lại, khi bị viêm họng, bạn không nên uống rượu vì chúng có thể làm tăng cảm giác khô rát, khó chịu ở niêm mạc họng, đồng thời, gây suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh lý khác. Thay vào đó, bạn có thể chọn cho mình những thức uống lành mạnh như: nước mật ong, nước chanh, nước cam… để giảm cảm giác khó chịu và nhanh chóng khỏi bệnh.
Có thể bạn quan tâm
- Viêm họng uống nước lạnh hay nước nóng sẽ tốt hơn?
- Viêm họng có nên uống nước cam không? Tại sao?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!