Bệnh zona thần kinh ở trên mặt: Nhận biết và điều trị
Bệnh zona thần kinh ở mặt thường có các biểu hiện như ngứa ran, nóng rát trước khi có các vết sưng đỏ, đau đầu, sốt, cơ thể mệt mỏi… Nếu không điều trị sớm, bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng. Vì vậy, nắm rõ các thông tin về bệnh và thăm khám sớm là điều nên làm.
Bệnh zona thần kinh ở mặt và những điều cần biết
Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh, hãy tham khảo những thông tin dưới đây:
Nguyên nhân gây bệnh
Zona hay zoster là một bênh nhiễm trùng xảy ra do virus herpes. Đây cũng là loại virus gây bệnh thủy đậu và bệnh nhân cũng chỉ có thể mắc phải bệnh zona sau khi bị thủy đậu. Sở dĩ như vậy là bởi lẽ:
Sau khi bệnh thủy đậu được chữa khỏi, loại virus gây bệnh có thể không được điều trị triệt để mà chúng sẽ tồn tại trong cơ thể bệnh nhân suốt đời. Bình thường, nó không hoạt động do có sự kiểm soát bởi hệ miễn dịch tự nhiên.
Tuy nhiên, khi có một tác nhân nào đó khiến cho hệ miễn dịch suy yếu, nó sẽ hoạt động trở lại. Virus di chuyển theo các dây thần kinh và làm tổn thương những dây thần kinh này. Các triệu chứng được biểu hiện ra bên ngoài da và gây ra bệnh zona thần kinh.
Bệnh zona thường xuất hiện ở các vị trí một bên ngực và lưng. Nếu xuất hiện ở vùng mặt và xung quanh mắt, nó được gọi là bệnh zona thần kinh ở trên mặt.
Triệu chứng bệnh zona thần kinh ở mặt
Trước khi các tổn thương được hình thành, vùng mặt xuất hiện các dát đỏ. Người bệnh thường có cảm giác ngứa ran, nóng rát, đau nhức tại vị trí sắp mọc tổn thương. Cơ thể lúc này rơi vào trạng thái mệt mỏi, đau đầu, các hạch ngoại vi có thể sưng đau.
Khoảng 2 – 3 ngày sau, da nổi các mảng đỏ, nề nhẹ, có gờ nhô hơn mặt da. Những mảng này có hình tròn hoặc bầu dục, lần lượt mọc nổi dọc theo dây thần kinh. Chúng có thể mọc rải rác hoặc mọc thành cụm tạo thành dải, thành vệt. Sau 1 – 2 giờ, trên các mảng da đỏ nổi mụn nước chứa dịch trong. Những mụn nước này thường căng nhưng khó vỡ và thường mọc tập trung thành cụm.
Đối với vùng mắt, chúng có thể mọc thành cụm hoặc rải rác quanh mắt và mi mắt. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mờ mắt, mỏi mắt, đau nhức. Một số trường hợp còn có cảm giác mắt bị tê liệt khi bệnh đã diễn tiến nặng.
Các mụn nước về sau sẽ bị đục, vỡ ra, xẹp… Nếu nhiễm khuẩn sẽ để lại sẹo. Một đặc điểm của bệnh zona thần kinh ở mặt là chúng thường khu trú những vùng đặc biệt. Nó thường chỉ xuất hiện một bên của cơ thể, nhưng cũng có người bị cả hai bên hoặc bị zona thần kinh lan tỏa.
Tham khảo thêm: Bệnh zona ở tay, chân: Triệu chứng và cách điều trị
Biến chứng
Bệnh zona thần kinh có thể gây nhiều biến chứng nếu không được điều trị sớm. Tùy vào vị trí mắc bệnh khác nhau mà các biến chứng cũng khác nhau. Nếu bị zona thần kinh ở mặt, người bệnh có thể gặp phải những vấn đề nghiêm trọng dưới đây:
- Nếu bị phát ban zona ở mắt: Virus có thể ảnh hưởng đến toàn bộ bộ phận của cả mắt ngoài và mắt trong, gồm: Giác mạc, tế bào thần kinh phản ứng với ánh sáng. Lúc này người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như sau: Mắt đỏ, bọng, sưng, nhiễm, suy giảm thị lực… Zona trong hoặc xung quanh mắt có thể khiến bệnh nhân bị mù lòa.
- Bị zona ở miệng: Không chỉ gây đau đớn và khó khăn khi ăn uống mà bệnh còn làm thay đổi khẩu vị của bệnh nhân. Biến chứng thường gặp nhất khi bị zona thần kinh là đau dây thần kinh postherpetic. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau đớn nơi bị phát ban, ngay cả khi đã được chữa lành. Tình trạng này có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc cả năm. Các vùng da bị tổn thương nếu bị nhiễm khuẩn có thể để lại sẹo vĩnh viễn. Tuy zona thần kinh cũng có thể ảnh hưởng đến tủy sống, não, mạch máu nhưng rất hiếm.
- Zona thần kinh ở tai: Vị trí mắc bệnh nằm ở trong hoặc gần tai, có thể gây nhiễm trùng tai. Hệ quả làm suy giảm thính giác, yếu cơ mặt, không giữ được cơ thể ở trạng thái thăng bằng… Các triệu chứng này có thể tồn tại ngay khi bệnh đã được chữa lành.
Chẩn đoán và điều trị bệnh zona thần kinh ở mặt
Khi thấy cơ thể có các dâu hiệu bất thường, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và nhận sự chỉ định từ bác sĩ. Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ nhìn vào các phát ban trên da.
Đồng thời có thể lấy mẫu xét nghiệm bằng cách cạo vết phát ban trên da để kiểm tra dưới ống kính hiển vi. Phương pháp chẩn đoán này đóng vai trò rất quan trọng. Dựa vào kết quả thu được mà các bác sĩ có thể xác định được cách điều trị phù hợp.
Nếu hệ thống miễn dịch bị tổn thương, xác định đúng nguyên nhân và điều trị đúng cách sẽ giúp người bệnh tránh được các biến chứng nguy hiểm. Sau khi đã được chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng các phương pháp sau:
+ Điều trị bằng thuốc:
Bệnh nhân sẽ được chỉ định các loại thuốc kháng virus, corticosteroid kháng viêm, nhất là với những người bi zona thần kinh ở mắt hoặc mặt. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau theo toa hoặc không kê đơn.
Việc điều trị bệnh bằng các loại thuốc tây có thể khiến người bệnh gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, hãy đảm bảo là dùng thuốc đúng liều lượng và thời gian mà bác sĩ chỉ định.
Tham khảo thêm: Bị bệnh zona thần kinh có ăn được thịt gà không?
+ Vệ sinh thân thể sạch sẽ:
Điều này thực sự rất quan trọng. Bởi một làn da sạch sẽ và thoáng mát sẽ làm giảm được nguy cơ nhiễm trùng, đồng thời cũng có thể ngăn ngừa được nguy cơ bệnh tái phát. Đa số trường hợp sẽ chỉ bị zona thần kinh một lần nhưng không có nghĩa là chúng không tái phát.
Nếu những người bệnh có hệ miễn dịch bị suy yếu thì nguy cơ mắc bệnh lại càng cao. Do đó, giữ vệ sinh da và ăn uống sinh hoạt hợp lý sẽ giúp bệnh mau khỏi và tránh được nguy cơ mắc bệnh.
Nguyên tắc phòng ngừa bệnh zona thần kinh
Bệnh zona thần kinh ít khi bị lây nhiễm. Tuy nhiên, nếu có sự tiếp xúc với tổn thương của bệnh nhân như mủ, vết bỏng, dịch nước hoặc tiếp xúc với người bị thủy đậu thì sẽ bị mắc bệnh. Do đó, để ngăn ngừa sự lây nhiễm của bệnh, hãy tránh tiếp xúc với người đang bị bệnh zona, thủy đậu hoặc những người chưa tiêm phòng thủy đậu. Thường xuyên rửa tay để loại bỏ vi khuẩn.
Đặc biệt, những người đang mắc bệnh tránh để các mụn nước bị vỡ. Cố gắng không chạm, gãi, chà vào mụn nước. Để không làm lây bệnh cho người khác, nên sử dụng các băng gạc để băng bó vết thương. Những người chăm sóc nên đi găng tay, sát trùng tay để tránh nguy cơ lây nhiễm. Để tránh nguy cơ mắc bệnh khi lớn lên, trẻ em cần phải được tiêm phòng vắc – xin thủy đậu. Đối với người cao tuổi, phải có được một chế độ ăn uống khoa học để tăng sức đề kháng.
Trên đây là những thông tin cần biết về bệnh zona thần kinh ở mặt và các biện pháp điều trị. Không điều trị sớm, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, hãy đi khám và chữa trị sớm khi bản thân có những triệu chứng bất thường.
Có thể bạn quan tâm
- Bị bệnh zona thần kinh có ăn được thịt gà không?
- Bệnh zona thần kinh ở lưng làm sao chữa trị?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!