Bệnh Viêm Tinh Hoàn
Bệnh viêm tinh hoàn thường xuất hiện sau 4 - 7 ngày nhiễm virus quai bị. Ngoài ra, bệnh cũng có thể do lậu cầu, Chlamydia và một số loại vi khuẩn khác. Tương tự như các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục thường gặp, viêm tinh hoàn cần được điều trị để tránh ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
Tổng quan
Bệnh viêm tinh hoàn (Orchitis) là tình trạng một hoặc cả hai bên tinh hoàn bị viêm, căn nguyên có thể là do virus, vi khuẩn hoặc một số tác nhân không nhiễm trùng. Viêm tinh hoàn đơn độc (không đi kèm với viêm mào tinh hoàn, viêm niệu đạo, tuyến tiền liệt) hầu hết là do virus quai bị. Ngoài ra, bệnh cũng có thể phát triển do viêm mào tinh hoàn, viêm niệu đạo lây lan.
Khoảng 20 - 25% nam giới bị quai bị phát triển bệnh viêm tinh hoàn và 80% trường hợp bệnh tiến triển dưới 10 năm. Nếu không được điều trị, khả năng sinh sản của nam giới sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Các bệnh nam khoa, đặc biệt là những bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng cần được điều trị sớm. Ngoài ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, viêm nhiễm có thể lây lan đến các cơ quan lân cận như tuyến tiền liệt, niệu đạo. Vì vậy, nam giới tuyệt đối không chủ quan khi mắc bệnh lý này.
Phân loại bệnh
Viêm tinh hoàn được chia thành 2 loại dựa vào căn nguyên:
Viêm tinh hoàn do nhiễm trùng:
Viêm tinh hoàn do nhiễm trùng là tình trạng phổ biến. Thông thường là do virus quai bị, một số trường hợp có thể do vi khuẩn từ các cơ quan khác lây lan đến hoặc do vi khuẩn lây qua đường tình dục. Trường hợp do nhiễm trùng thường có triệu chứng rõ rệt, đột ngột nhưng đa phần đều được kiểm soát tốt sau khi điều trị.
Viêm tinh hoàn không do nhiễm trùng:
Viêm tinh hoàn không do nhiễm trùng ít gặp hơn. Nguyên nhân có thể là do chấn thương hoặc do dị ứng, kích ứng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm tinh hoàn thường xảy ra do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh cũng có thể gia tăng khi có một số yếu tố thuận lợi. Trong một số ít trường hợp, các bác sĩ gần như không thể tìm ra nguyên nhân chính xác.
Các nguyên nhân gây bệnh viêm tinh hoàn:
- Virus: Gần như 100% trường hợp bị viêm tinh hoàn đơn độc đều do virus quai bị (Paramyxovirus). Thống kê cho thấy, khoảng ⅓ nam giới bị quai bị sau tuổi dậy thì sẽ phát triển chứng bệnh này. Đây là lý do nam giới được khuyến khích nên tiêm ngừa vaccine quai bị để tránh viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn.
- Vi khuẩn: Viêm tinh hoàn do vi khuẩn thường là có liên quan đến lậu cầu, Chlamydia Trachomatis (các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục). Một số trường hợp có thể bị nhiễm khuẩn do vi khuẩn đi ngược dòng từ niệu đạo, tuyến tiền liệt vào tinh hoàn.
- Các nguyên nhân không nhiễm trùng: Hiếm khi viêm tinh hoàn xảy ra do các nguyên nhân không nhiễm trùng. Có thể là do dị ứng bao cao su, kích ứng với gel bôi trơn hoặc sản phẩm vệ sinh vùng kín. Ngoài ra, chấn thương vùng bìu cũng có thể khiến cho tinh hoàn bị viêm, sưng tấy.
Các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tinh hoàn:
- Mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, tiết niệu như viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt, viêm bàng quang, viêm mào tinh hoàn…
- Quan hệ tình dục bừa bãi, nhiều bạn tình
- Chủ quan, không điều trị bệnh quai bị
- Nam giới chưa tìm phòng vaccine quai bị, thủy đậu
- Lây nhiễm giang mai bẩm sinh từ mẹ
- Mắc các bệnh nhiễm trùng mãn tính như bệnh lao, phong…
- Tiền sử lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục
- Bất thường giải phẫu đường tiết niệu hoặc cơ quan sinh dục
Triệu chứng và chẩn đoán
Viêm tinh hoàn có triệu chứng khá giống với bệnh viêm mào tinh hoàn. Triệu chứng thường sẽ khởi phát đột ngột, rầm rộ, dễ nhận biết.
Các triệu chứng của bệnh viêm tinh hoàn bao gồm:
- Một hoặc cả hai bên tinh hoàn bị sưng, tấy đỏ
- Đau vùng bìu, mức độ đau từ nhẹ đến nghiêm trọng
- Nếu do vi khuẩn sẽ đi kèm với các triệu chứng như khó chịu toàn thân, buồn nôn, nôn mửa, sốt, ăn kém…
- Cơn đau có thể lan ra vùng bẹn
Viêm tinh hoàn cần phải được thăm khám và điều trị sớm để tránh biến chứng. Do đó, nam giới cần phải thăm khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường.
Trước tiên, bác sĩ sẽ trao đổi về các triệu chứng mà bạn gặp phải. Sau đó, sẽ tiến hành khám cơ quan sinh dục để quan sát các triệu chứng thực thể (tinh hoàn sưng đau, tấy đỏ, gia tăng kích thước kèm theo sung huyết và phù nề da bìu).
Kế tiếp, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và siêu âm Doppler màu có thể được cân nhắc. Siêu âm sẽ được thực hiện trong trường hợp đau dữ dội để loại trừ khả năng xoắn tinh hoàn.
Nếu nghi ngờ do virus quai bị, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang. Các xét nghiệm cận lâm sàng ngoài mục đích chẩn đoán xác định còn giúp phát hiện nguyên nhân gây bệnh.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm mào tinh hoàn có thể gây ra biến chứng nếu không được điều trị sớm và đúng cách. Tình trạng viêm lâu ngày sẽ làm teo tinh hoàn, áp xe khiến cho tinh hoàn ứ mủ gây đau dữ dội.
Khoảng 60% trường hợp bị viêm tinh hoàn do quai bị có hiện tượng teo tinh hoàn. Một số khác có thể bị u tinh hoàn. Viêm tinh hoàn nếu không được điều trị sẽ làm giảm khả năng sinh sản của nam giới lên đến 25%. Trường hợp xảy ra đồng thời ở cả hai bên sẽ có nguy cơ vô sinh - hiếm muộn cao.
Viêm tinh hoàn đồng nghĩa với việc tinh hoàn bị tổn thương. Nếu chủ quan, cơ quan này có thể suy giảm chức năng dẫn đến giảm sản xuất tinh trùng khiến số lượng và chất lượng tinh binh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Viêm tinh hoàn còn làm giảm hormone testosterone khiến nam giới giảm ham muốn và có nguy cơ gặp phải các rối loạn chức năng tình dục.
Nếu được điều trị sớm, viêm tinh hoàn có tiên lượng khá tốt - đặc biệt là trong trường hợp do nhiễm khuẩn. Vì vậy, nam giới nên thăm khám kịp thời ngay khi phát hiện vùng bìu tấy đỏ, đau nhức.
Điều trị
Lựa chọn chủ yếu khi điều trị bệnh viêm tinh hoàn là sử dụng thuốc. Nếu do virus, các loại thuốc làm giảm triệu chứng sẽ được sử dụng để cải thiện tình trạng sưng đau. Kháng sinh sẽ được chỉ định trong trường hợp viêm tinh hoàn do vi khuẩn. Bên cạnh đó, các biện pháp chăm sóc và theo dõi bệnh cũng cần được thực hiện.
Sử dụng thuốc
Thuốc được chỉ định trong điều trị bệnh viêm tinh hoàn sẽ phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh. Đa phần sẽ được dùng các loại thuốc giảm đau, chống viêm để làm giảm triệu chứng. Kháng sinh chỉ được dùng khi viêm tinh hoàn xảy ra do nhiễm khuẩn.
Dùng thuốc giúp kiểm soát triệu chứng và có thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, không tự ý dùng thuốc khi chưa thăm khám. Hiện nay, do kháng sinh được dùng tùy tiện nên tỷ lệ kháng kháng sinh trong cộng đồng đang gia tăng mạnh.
Các loại thuốc dùng trong điều trị bệnh viêm tinh hoàn bao gồm:
- Kháng sinh: Kháng sinh được dùng khi viêm tinh hoàn xảy ra do vi khuẩn, có thể do lậu cầu, Chlamydia, các loại vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt… Hiện nay, các kháng sinh phổ rộng như Trimethoprim kết hợp Sulfamethoxazole, Azithromycin, Ciprofloxacin, Ceftriaxone… sẽ được sử dụng trong điều trị viêm mào tinh hoàn và viêm tinh hoàn.
- Thuốc giảm đau, chống viêm: Viêm tinh hoàn sẽ gây đau ở vùng bìu kèm theo phù nề và tấy đỏ. Trường hợp đau nhẹ có thể dùng các loại thuốc giảm đau nhẹ như Paracetamol. Nếu không có đáp ứng, có thể sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid như Naproxen, Ibuprofen, Diclofenac… để cải thiện tình trạng.
Trường hợp viêm tinh hoàn do các vi khuẩn lây qua đường tình dục như Chlamydia và lậu cầu, phải điều trị kết hợp cho đối tác để tránh tái phát. Kháng sinh cần được dùng đủ liệu trình để đảm bảo vi khuẩn được tiêu diệt hoàn toàn, tránh tái phát.
Các biện pháp chăm sóc
Ngoài sử dụng thuốc, các biện pháp chăm sóc sẽ hỗ trợ phần nào trong việc giảm nhẹ triệu chứng và nâng đỡ thể trạng. Nam giới bị bệnh viêm tinh hoàn có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Nghỉ ngơi tại giường, hạn chế vận động mạnh.
- Mang quần lót chuyên dụng để nâng đỡ bìu, giảm bớt áp lực lên tinh hoàn bị viêm nhiễm, sưng tấy.
- Có thể giảm đau bằng cách hạn chế ma sát lên vùng bìu. Vì vậy, nam giới nên tránh mặc quần ôm, bó sát, quần có chất liệu dày cứng như jeans.
- Chườm lạnh bìu cũng là cách giảm đau, sưng tấy hữu hiệu.
- Kiêng thuốc lá, rượu bia, thức ăn cay nóng và đồ uống chứa caffeine trong thời gian điều trị.
Trong thời gian điều trị, cần phải theo dõi hệ tiết niệu. Bởi tinh hoàn nối với mào tinh hoàn, ống dẫn tinh và niệu đạo. Nhiều khả năng vi khuẩn sẽ lây lan đến các cơ quan thuộc hệ tiết niệu.
Phòng ngừa
Bệnh viêm tinh hoàn đe dọa trực tiếp đến khả năng sinh sản của nam giới. Vì vậy, cần có các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe: Virus quai bị là tác nhân chủ yếu gây viêm tinh hoàn. Do đó, cần chủ động tiêm ngừa bệnh quai bị và tích cực điều trị nếu mắc phải.
- Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy với một bạn tình.
- Uống nhiều nước, vệ sinh vùng kín đúng cách để tránh viêm niệu đạo - nguyên nhân gián tiếp gây viêm tinh hoàn.
- Cắt bao quy đầu để phòng ngừa viêm nhiễm đường sinh dục nói chung và viêm tinh hoàn nói riêng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm tinh hoàn?
2. Tình trạng của tôi chính xác là do nguyên nhân nào?
3. Viêm tinh hoàn có nhất thiết phải điều trị?
4. Loại thuốc nào phù hợp nhất cho tình trạng của tôi?
5. Khả năng sinh sản có bị ảnh hưởng khi mắc bệnh viêm tinh hoàn hay không?
6. Khi điều trị viêm tinh hoàn, cần kiêng gì trong sinh hoạt, ăn uống?
7. Thời gian điều trị viêm tinh hoàn mất bao lâu?
8 .Có cần kiêng quan hệ tình dục khi điều trị hay không?
Viêm tinh hoàn thường là biến chứng của bệnh quai bị và các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị đúng cách. Nam giới mắc phải bệnh lý này cần thăm khám sớm để được kiểm soát. Tránh trường hợp tinh hoàn bị teo và suy giảm chức năng.