Bệnh Viêm Mào Tinh Hoàn
Bệnh viêm mào tinh hoàn là một trong những vấn đề nam khoa thường gặp. Tình trạng này xảy ra khi mào tinh hoàn bị viêm, sưng tấy do virus, vi khuẩn, nấm hoặc một số nguyên nhân không nhiễm trùng. Bệnh thường gặp ở nam giới dưới 35 tuổi, đặc biệt là người có đời sống tình dục phức tạp.
Tổng quan
Bệnh viêm mào tinh hoàn (Epididymitis) là tình trạng mào tinh hoàn bị viêm dẫn đến đau và tấy đỏ. Nguyên nhân gây bệnh khá đa dạng, có thể là do virus, vi khuẩn hoặc các nguyên nhân không nhiễm trùng. Nếu không kịp thời điều trị, viêm mào tinh hoàn có thể dẫn đến chứng vô sinh ở nam giới.
Mào tinh hoàn là cơ quan có hình ống dài, nằm cuộn lại tạo thành hình chữ C ở phía sau tinh hoàn. Chức năng của cơ quan này là lưu trữ, vận chuyển tinh trùng trưởng thành vào ống dẫn tinh. Vì vậy khi cơ quan này bị viêm và sưng tấy, hoạt động dẫn tinh, phóng tinh sẽ bị cản trở.
Thống kê cho thấy, viêm mào tinh hoàn gặp chủ yếu ởngười từ 19 - 35 tuổi. Đối tượng có nguy cơ cao thường là nam giới có đời sống tình dục không lành mạnh, nhiều bạn tình. Nhìn chung nếu được điều trị sớm, viêm mào tinh hoàn có thể được kiểm soát và hiếm khi gây ra biến chứng.
Phân loại bệnh
Mào tinh hoàn là cơ quan quan trọng đối với chức năng sinh sản của nam giới. Bệnh viêm mào tinh hoàn được chia thành 2 loại là cấp tính và mãn tính:
- Viêm mào tinh hoàn cấp tính: Là tình trạng mào tinh hoàn bị viêm trong thời gian ngắn (dưới 6 tuần). Dạng cấp tính có đặc điểm là triệu chứng khởi phát đột ngột, dễ nhận biết.
- Viêm mào tinh hoàn mãn tính: Được xác định khi hiện tượng viêm kéo dài hơn 6 tuần hoặc tái đi tái lại thường xuyên. Đối với dạng mãn tính, triệu chứng thường xuất hiện từ từ, không quá rõ rệt và đặc trưng như giai đoạn cấp tính. Phần lớn trường hợp viêm mào tinh hoàn mãn tính đều khó có thể xác định nguyên nhân.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây viêm mào tinh hoàn khá đa dạng, trong đó thường gặp nhất là do nhiễm trùng. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
Nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục
Ở nam giới dưới 35 tuổi, nguyên nhân chủ yếu gây viêm mào tinh hoàn là do nhiễm Thông tin về các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) như Chlamydia trachomatis và bệnh lậu (Neisseria gonorrhoeae). Vi khuẩn sẽ xâm nhập vào bên trong mào tinh hoàn gây viêm, sưng tấy cơ quan này. Nhiễm lậu cầu, Chlamydia còn có thể gây viêm niệu đạo, viêm tinh hoàn…
Các loại vi khuẩn khác
Ngoài các loại vi khuẩn lây qua đường tình dục, bệnh viêm mào tinh hoàn có thể do nhiễm trùng ở đường tiết niệu, tuyến tiền liệt lây lan. Các cơ quan này nằm gần với cơ quan sinh dục nam, vì vậy vi khuẩn có thể xâm nhập vào đường máu và di chuyển đến mào tinh hoàn gây viêm nhiễm.
Virus quai bị
Virus quai bị là tác nhân gây bệnh viêm mào tinh hoàn phổ biến. Trường hợp mắc bệnh quai bị không được điều trị đúng cách, dứt điểm sẽ khiến virus xâm nhập và gây viêm mào tinh hoàn.
Do nấm
Ngoài virus và vi khuẩn, nấm cũng có thể là tác nhân gây viêm mào tinh hoàn. Thường gặp nhất là do actinomycosis và blastomycosis. Trường hợp bị viêm mào tinh hoàn do nấm thường gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV/ AIDS).
Các nguyên nhân không nhiễm trùng
Hiện tượng viêm, sưng tấy ở mào tinh hoàn đôi khi không xảy ra do nhiễm trùng. Một số nguyên nhân như kích ứng với hóa chất, trào ngược nước tiểu, chấn thương cơ học… cũng có thể gây ra tình trạng này.
Các yếu tố nguy cơ
Ngoài nguyên nhân trực tiếp, nguy cơ mắc bệnh viêm mào tinh hoàn sẽ gia tăng khi có những yếu tố nguy cơ như:
- Đời sống tình dục phức tạp, nhiều bạn tình, không sử dụng bao cao su khi quan hệ
- Từng bị nhiễm trùng tuyến tiền liệt, viêm đường tiết niệu
- Gắn ống thông tiểu
- Phẫu thuật đường tiết niệu
- Mắc các bệnh viêm nhiễm mãn tính như bệnh lao, giang mai…
- Hệ miễn dịch suy giảm (tuổi tác cao, tiểu đường, nhiễm HIV/ AIDS)
- Giải phẫu cơ quan sinh dục bất thường
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh viêm mào tinh hoàn có triệu chứng khá rõ rệt, đặc biệt là ở giai đoạn cấp tính. Mức độ triệu chứng sẽ có sự khác biệt tùy vào nguyên nhân cụ thể.
Các triệu chứng thường gặp ở nam giới bị viêm mào tinh hoàn:
- Đau bìu, mức độ đau âm ỉ hoặc đau nặng, lan lên vùng bụng và bẹn
- Vùng da bìu có hiện tượng tấy đỏ, tập trung chủ yếu ở bên chứa mào tinh hoàn bị viêm
- Trường hợp do nhiễm trùng sẽ đi kèm với các triệu chứng toàn thân như buồn nôn, sốt, mệt mỏi…
- Có thể đi kèm với một số triệu chứng ở đường tiết niệu như tiểu rát, chảy máu niệu đạo, tiểu nhiều lần, tiểu ra máu…
- Viêm mào tinh hoàn mãn tính có triệu chứng mờ nhạt hơn. Biểu hiện thường là sưng tinh hoàn, sau đó to dần lên, có thể gây đau nhưng không nhiều.
Mào tinh hoàn là cơ quan giữ chức năng quan trọng đối với khả năng sinh sản của nam giới. Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường, nam giới cần chủ động thăm khám để được điều trị. Tránh trường hợp bệnh tiến triển nặng dẫn đến vô sinh và nhiều biến chứng khác.
Đánh giá lâm sàng sẽ giúp bác sĩ nắm rõ các triệu chứng cơ năng và quan sát triệu chứng thực thể ở vùng bìu. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đặt những câu hỏi để sàng lọc nguy cơ mắc bệnh (có bị phì đại tuyến tiền liệt, viêm đường tiết niệu, từng mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục… hay không).
Sau khi khám lâm sàng, soi dịch niệu đạo và cấy nước tiểu sẽ được chỉ định để xác định nguyên nhân gây bệnh. Trường hợp do vi khuẩn, phải nuôi cấy để xác định chủng vi khuẩn nhằm làm kháng sinh đồ phù hợp. Bên cạnh đó, siêu âm Doppler màu cũng được chỉ định nếu nghi ngờ có dấu hiệu xoắn tinh hoàn.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm mào tinh hoàn có thể dẫn đến vô sinh - hiếm muộn ở nam giới nếu không được điều trị. Khi cơ quan này bị tổn thương hoàn toàn, tinh hoàn không thể vận chuyển tinh trùng trưởng thành vào ống dẫn tinh. Do đó, nam giới gần như không thể có con tự nhiên mà buộc phải can thiệp các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Nhiễm trùng ở mào tinh hoàn có thể gây áp xe, tụ mủ dẫn đến đau dữ dội, toàn thân sốt và mệt mỏi. Ngoài ra, vi khuẩn, virus gây viêm mào tinh hoàn có thể đi vào đường máu gây viêm nhiễm các cơ quan lân cận như tuyến tiền liệt, tinh hoàn và đường tiết niệu. Trường hợp nghiêm trọng có thể gây sốc nhiễm khuẩn với tỷ lệ tử vong cao.
Viêm mào tinh hoàn mãn tính hiếm khi gây ra các biến chứng kể trên. Tuy nhiên, hiện tượng viêm dai dẳng sẽ khiến cho niêm mạc mào tinh hoàn bị xơ hóa, quá phát, từ đó gây cản trở quá trình lưu trữ và vận chuyển tinh trùng. Ngoài ra, cảm giác sưng tấy và đau bìu cũng ảnh hưởng đáng kể với đời sống tình dục của nam giới.
Điều trị
Bệnh viêm mào tinh hoàn thường được điều trị bằng thuốc. Ngoài ra, có thể kết hợp với các biện pháp chăm sóc để nâng đỡ thể trạng, rút ngắn thời gian điều trị.
Các phương pháp điều trị được cân nhắc cho nam giới bị bệnh viêm mào tinh hoàn bao gồm:
Sử dụng thuốc
Đa phần các trường hợp bị viêm mào tinh hoàn đều là do lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae) và Chlamydia trachomatis. Các trường hợp khác có thể do trực khuẩn gram âm ở đường ruột, đường tiết niệu.
Kháng sinh là phương pháp chính trong điều trị viêm mào tinh hoàn do vi khuẩn. Bên cạnh đó, các loại thuốc hỗ trợ cũng sẽ được sử dụng để giảm đau, sưng tấy.
Các loại thuốc dùng trong điều trị viêm mào tinh hoàn:
- Kháng sinh: Kháng sinh phổ rộng sẽ được ưu tiên dùng trong điều trị viêm mào tinh hoàn, thường dùng Levofloxacin, Ciprofloxacin từ 21 - 30 ngày. Nếu dị ứng với nhóm kháng sinh này, có thể dùng Doxycycline hoặc Trimethoprim/Sulfamethoxazole thay thế.
- Thuốc giảm đau, chống viêm: Thuốc giảm đau, chống viêm như Paracetamol, thuốc chống viêm không steroid (Naproxen, Ibuprofen) có thể được sử dụng để giảm đau và sưng bìu. Trường hợp đau nhiều sẽ được chỉ định thêm thuốc an thần.
Đối với viêm mào tinh hoàn do virus, bác sĩ có thể chỉ định dùng viên uống chứa vitamin C, kẽm để nâng đỡ thể trạng. Nếu hệ miễn dịch tốt, virus sẽ bị đào thải ra bên ngoài sau một thời gian. Không dùng kháng sinh trong trường hợp nhiễm virus vì không có hiệu quả.
Các biện pháp chăm sóc
Ngoài sử dụng thuốc, khi bị viêm mào tinh hoàn, nam giới cần thực hiện các biện pháp chăm sóc để hỗ trợ.
- Nghỉ ngơi trong thời gian điều trị.
- Nâng cao bìu bằng cách mặc quần lót chuyên dụng. Cách này sẽ giúp giảm mức độ đau và sưng tấy ở vùng bìu.
- Giảm ma sát lên dương vật bằng cách mặc quần lót mỏng, thoáng, lựa chọn trang phục rộng rãi, tránh bó sát gây sưng tấy bìu.
- Có thể chườm lạnh vùng bìu để giảm đau.
- Không vận động mạnh, lao động nặng trong thời gian điều trị.
- Kiêng quan hệ tình dục cho đến khi tình trạng được kiểm soát hoàn toàn.
Phẫu thuật
Trường hợp viêm mào tinh hoàn đã xuất hiện biến chứng áp xe và tràn mủ, phải tiến hành phẫu thuật để dẫn lưu. Sau đó, phải sử dụng kháng sinh và thuốc nhằm kiểm soát nhiễm trùng và giảm đau, sưng tấy.
Nếu viêm mào tinh hoàn tái phát nhiều lần do viêm tuyến tiền liệt và viêm niệu đạo mãn tính, giải pháp tối ưu là thắt ống dẫn tinh. Đôi khi phải phẫu thuật cắt bỏ mào tinh hoàn, đặc biệt là khi bệnh tái đi tái lại nhiều lần và không tìm được nguyên nhân.
Phòng ngừa
Nguyên nhân chủ yếu gây viêm mào tinh hoàn là do các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Một số trường hợp khác do nhiễm trùng tuyến tiền liệt, niệu đạo không được kiểm soát tốt. Do đó, để có thể phòng ngừa bệnh lý này, nên thực hiện các biện pháp sau:
- Quan hệ tình dục an toàn, nên sử dụng bao cao su khi quan hệ và chung thủy với một bạn tình.
- Nam giới cũng cần khám nam khoa định kỳ 1 năm/ lần để phát hiện sớm các vấn đề bất thường.
- Điều trị dứt điểm viêm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt.
- Kiểm soát bệnh phì đại tuyến tiền liệt sẽ giúp phòng ngừa viêm mào tinh hoàn hiệu quả.
- Khi bị quai bị, cần điều trị tích cực, tránh trường hợp virus di chuyển xuống dưới gây viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn.
- Cắt bao quy đầu để tránh viêm nhiễm cơ quan sinh dục.
- Tiêm phòng lao, quai bị và các bệnh lây qua đường tình dục như viêm gan B, HPV…
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Vì sao tôi bị viêm mào tinh hoàn?
2. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm mào tinh hoàn?
3. Với tình trạng sức khỏe hiện tại, tôi nên dùng thuốc hay phẫu thuật?
4. Bị viêm mào tinh hoàn, có cần phải điều trị cho đối tác hay không?
5. Điều trị bệnh viêm mào tinh hoàn mất bao lâu?
6. Có cần kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị?
7. Viêm mào tinh hoàn liên quan đến viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt mãn tính phải làm sao?
8. Viêm mào tinh hoàn tái phát nhiều cần làm gì để phòng ngừa?
Bệnh viêm mào tinh hoàn thường gặp ở nam giới từ 19 - 35 tuổi. Vì nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn nên cần thăm khám để được điều trị sớm. Sau khi điều trị, phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh tình trạng tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.